Đàn tràng Phật thất tháng 10

ĐÀN TRÀNG PHẬT THẤT

Từ mùng 1 đến mùng 8 tháng 10 năm Bính Thân

Dan niem Phat_33

PHƯƠNG PHÁP NIỆM PHẬT

Trước hết chúng ta phải đứng vững, có một chỗ dựa chắc chắn. Kinh Lăng Nghiêm dạy: Hết thảy chúng sanh oan uổng luân hồi chỉ vì không biết bản giác tịch thường chân tánh.

Tịnh-độ tông khuyên niệm Phật A Di Đà. A Di Đà nghĩa là vô lượng quang, vô lượng thọ, vô biên công đức. Phật A Di Đà đã thành công đắc quả trong sự nghiệp trở về bản giác không sanh diệt.

Mười phương Phật, mười phương chúng sanh ai ai chân thể cũng vô lượng quang, vô lượng thọ, chung cùng viên mãn ở khắp pháp giới, hằng cùng nhau giao cảm.

Niệm Phật A Di Đà là nhớ đến đức vô lượng quang thọ, một công được 2 việc:

a) Cầu oai thần Phật gia hộ như trẻ còn măng sữa không thể thiếu sự trông nom săn sóc của mẹ hiền.
b) Mỗi niệm Phật danh là một nhớ đến Phật tánh của mình. Trở về bổn tánh là đang thành Phật quả.

Đây là sự nghiệp Tịnh-độ hóa thế gian năm ấm (ngũ trược) của chúng ta. Phải học kinh Lăng Nghiêm thật kỹ để nhận rõ lý tánh vô lượng quang thọ. Học A Di Đà Yếu Nghĩa của Tổ Tri Húc để lý giải được những sự dụng không thể nghĩ bàn:

– Một tiếng niệm Phật A Di Đà chuyển kiếp trược (sắc ấm) thành hải hội thanh tịnh.
– Kiến trược mù quáng (thọ ấm) nay y cứ vào lý nhân quả và vạn pháp duy tâm, bèn thành vô lượng quang.
– Phiền não trược (tưởng ấm) chuyển thành tâm địa thanh lương.
– Chúng sanh trược (hành ấm) đưa hữu tình vào vòng luân hồi bảy thú, nay niệm niệm trở về bản giác.
– Mạng trược trở về vô lượng thọ.

Như thế mỗi niệm Nam mô A Di Đà Phật là một niệm chứng Vô-thượng Bồ-đề. Pháp môn kỳ diệu khiến cho con đường thành Phật lại ở ngay dưới gót phàm phu. Cảnh giới thường tịch quang lại có thể trải bày dưới con mắt người sơ học.

Tâm ta tâm Phật vốn không rời nhau. Chỉ vì phan duyên lưu chuyển theo khách trần mà thành cùng Phật xa cách. Nay niệm Phật là tự thắp đuốc, tự khai ngộ rằng bản tánh đang nghe rõ tiếng Nam mô A Di Đà Phật là vô lượng quang. Tánh này không sanh diệt trong khi vọng thân sanh già bệnh chết, vọng tâm sanh trụ dị diệt, vọng cảnh thành trụ hoại không.

Niệm Phật bằng hơi thở vừa dễ an định, vừa là chất liệu bồi dưỡng: thân khoan khoái, tâm minh tịnh, thần kinh mát dịu, niệm tỏ trí sáng. Thở vào A Di, thở ra Đà Phật. Mỗi người tùy hơi ngắn dài mà tự an ổn, không nên gượng ép sanh bệnh. Sát na, sát na đi qua, trong khi lắng nghe danh hiệu Phật, chúng ta dễ dàng nhận mặt 3 địch thủ:

  1. Vng thân đau nhức, ngứa mỏi v.v… và v.v… Tâm Kinh dạy Bồ-tát y Bát Nhã trí, tâm không quản ngại. Vì không quản ngại nên không sợ hãi, xa lìa vọng tưởng điên đảo tiến tới Niết-bàn. Bởi vì tha thiết nhận cái túi máu tanh này làm thân thể nên lo sợ đủ thứ: sợ ma, sợ trộm, sợ đói rách, sợ mất danh giá, sợ mất lòng bà con, sợ thua kém bạn bè v.v… Nay mỗi ngày để nửa giờ quán bất tịnh. Giác tỉnh rồi thì hoàn cảnh đảo ngược trở lại. Ta bình tĩnh sống với tánh vô lượng quang, già bệnh là việc tất nhiên của thân hư vọng vô thường, không phải ta, không phải của ta. Xả ngã chấp đến đâu, niệm Phật được nhất tâm bất loạn đến đó.
  2. Vng tâm những tập khí vô minh từ vô thủy cứ theo duyên mà ào ào dấy động. Nếu chúng ta đã học Tứ Niệm Xứ, tập quán thọ, quán tâm, tập tự biết, tự trị, tập thấy vọng, không nhận vọng là mình, thì vọng sẽ tan với tánh cách vô thường của nó. Sống với tánh vô lượng quang thọ chủ nhân ông độc lập, chúng ta sẽ vững vàng chẳng kém ngọn tháp của Đa Bảo Như Lai.
  3. Vng cảnh. Bữa ăn chúng ta phải quán: Với món ngon chớ tham, món dở chớ giận, món bình thường chớ si. Hàng ngày chúng ta phải hộ sáu căn, bình tâm tĩnh trí. Phải nhớ rằng ta là một hữu tình đọa lạc từ vô thủy chính chỉ vì sáu căn đã thọ cảnh đến nỗi chịu nô lệ hai cặp khổ vui, yêu ghét. Nay quyết tâm, dù cảnh hấp dẫn đến đâu cũng chánh niệm: Nam Mô A Di Đà Phật, một lòng cầu về cõi Phật.

Dù cảnh trái ý đến đâu, cũng chỉ một lòng từ bi tha thứ xót thương, Nam mô A Di Đà Phật, cầu Phật cứu độ kẻ ác.

Dù cảnh khủng khiếp như thấy bảy con chó xúm lại cắn, cũng tập bình tĩnh nhớ Nam mô A Di Đà Phật, ta là vô lượng quang thọ, còn thân thể này là đất nước gió lửa, không phải ta, không phải của ta.

VĂN KẾT:

Vực thẳm luân hồi, vô cùng nguy hiểm, rất dễ vào mà rất khó ra. Hai đường Ma Phật chính ở chỗ này: Tịnh niệm tương kế thì vĩnh viễn giải thoát, mà lơ là thì muôn kiếp trầm luân.

Tỳ-kheo-ni và Thức xoa có bổn phận phải thuần thục pháp môn cứu sanh độ tử này để các em Sadini và Hình đồng có người dẫn bước. Nguyện danh hiệu Phật lưu thông vang khắp nơi nơi, trên đền ân đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, dưới mở cửa bình an vô cùng vô tận cho suốt đời vị lai.

Thầy Hải Triều Âm


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *