Khánh đản 2015

Phật đản năm 2004, Tôn sư Hải Triều Âm tổ chức thi làm bài luận về câu nói lịch sử của Phật: “THIÊN THƯỢNG THIÊN HẠ DUY NGÃ ĐỘC TÔN”. Đại chúng đã làm và đây là bài sửa do Tôn sư biên soạn.

Mừng ngày Phật đản năm nay, chùa Dược Sư xin đăng bài luận này để cùng ôn lại ý nghĩa và nhớ tưởng đến ân đức Cố Sư trưởng Hải Triều Âm.

ĐỀ BÀI

Để mừng khánh đản, y theo kinh Lăng Nghiêm và Kim Cang Bát Nhã chị em đã học, xin viết một bài giảng về câu : THIÊN THƯỢNG THIÊN HẠ DUY NGÃ ĐỘC TÔN.

BÀI LÀM

Phật đản sanh để lại thế gian một tia sáng chân lý, đưa nhân loại trở về sống với sự thật. Trải mấy ngàn năm, đạo Phật vẫn tỏa ánh sáng khắp năm châu.

Kinh Phật Bản Hạnh Tập : Theo cổ lệ xứ Ấn Độ, con gái mang thai phải về nhà cha mẹ sanh nở nên vua Thiện Giác đón con về vườn Lâm Tỳ Ni. Tháng 4 ngày 8, xuân quang rực rỡ. Ngay lúc Ma Gia phu nhân vin cành Ba-la-soa, giữa hương thơm ngào ngạt của trăm hoa, Bồ-tát đản sanh. Ngài đi bốn phương, mỗi phương bảy bước. Mỗi bước từ đất bỗng nở một đóa sen đỡ gót. Rồi tay phải chỉ lên trời, tay trái chỉ xuống đất, Bồ-tát ngẩng nhìn bốn phía, cất tiếng viên âm : “Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn”. Trời quang mây tạnh mà thoang thoảng mưa bay nước tám công đức. Trái đất sáu thứ chấn động.

Vì sao trên trời dưới đất, khắp bốn thánh sáu phàm, thái tử Thích Ca dám tự xưng là độc tôn ?

Kinh Phật Bản Hạnh Tập nói tiếp : Thái tử lớn lên văn võ toàn tài. Vua sợ thái tử đi tu nên đã cưới cho một cô vợ tuyệt sắc giai nhân, tâm hiền đệ nhất. Đã sanh một con trai.

Đầu xuân vua Tịnh Phạn đứng chủ tế thần nông. Nhân dân khai việc cầy cấy. Thái tử thấy các nông nhân mồ hôi như tắm. Trâu chịu roi vọt dưới nắng gắt. Mỗi thớ đất lật ra, giun trùng quằn quại. Chim ở đâu sà xuống mổ ăn. Trâu nặng nhọc bước, vai cày trên cổ, dây chằng buộc cổ cứa vào yết hầu phải đau thấu óc. Mỗi lần quá khổ muốn dừng bước nghỉ thì chủ lại giật dây muốn đứt mũi, trâu sợ phải cố đi.

Người đánh xe nói thêm : Dù nắng dù mưa quanh năm như thế. Đêm về chuồng nói là để nghỉ. Nơi đây người ta chứa phân và tiểu của nó để bón ruộng. Các thứ ruồi muỗi tranh nhau xúm lại. Chỉ có chiếc đuôi cố gắng phe phẩy để tự bảo vệ được chút nào đỡ chút nấy. Qua đêm đến ngày lại đi làm việc. Lỡ có ốm đau. Người ta sợ mất món vốn, vội đem làm thịt. Lấy búa đập óc cho trâu choáng váng mất sức kháng cự. Thế là đè ra chọc tiết, mổ bụng, dội nước sôi. Chết trong hoàn cảnh ấy liệu tinh thần có thể đi lên để kiếp sau đỡ khổ ?

Thấy thái tử nét mặt không vui, vua cho xe đưa thái tử ra chơi cổng thành phương Đông. Trong những đám người quần là áo lượt đủ màu qua lại, thái tử để ý đến một lão già lưng gù miệng móm. Đầu tóc bạc phơ, da dẻ nhăn nhúm. Cái túi da bọc xương này lập cập chống gậy bước đi. Sáu căn suy yếu, khí lực bạc nhược. Thân thể bại hoại thì tinh thần phải lú lẫn mất sáng suốt. Người đánh xe nói : Tấm thân khô héo mong manh ấy là hình ảnh rốt ráo của tất cả loài người. Sang hèn, phàm thánh, hễ có thân là có già lão. Dù oai quyền như nhà vua cũng chẳng thoát cái ác tướng run run rẩy rẩy ấy.

Ngày hôm sau thái tử ngồi xe đi chơi ra cổng Nam. Một bệnh nhân nằm ngay lề đường, gầy ốm kiệt quệ, da xanh bủng nhợt, đôi mắt lờ đờ, hơi thở phì phào, lăn lộn rên rỉ trong khắm thối của phân tiểu pha mùi mồ hôi. Khốn cùng vô lực. Thần chết phảng phất đâu đây. Bốn đại đã không điều hòa thì cái khổ đau nhức mệt mỏi phải cùng cực.

Vua không ngờ nỗi ưu tư trong lòng thái tử nên lại giục đi chơi cửa Tây. Một đám tang đang diễn hành trong những tiếng khóc bi ai của cái khổ sanh ly tử biệt. Thây ma nằm trên giường phủ chăn trắng. Bốn người khiêng đi. Thôi từ nay vĩnh viễn xa lìa cha mẹ anh em. Vô tri vô giác. Đất trả về đất.

Người đánh xe chép miệng : Thiện ác giàu nghèo, đã có thân, chung quy chỉ đến cuối cùng thành không.

Ngày thứ tư, thái tử ra cửa Bắc. Tác Bình thiên tử hóa làm một Samôn ung dung đi khất thực. Bước đi thong thả, không nhìn hai bên. Thiên tử dùng thần lực khiến người đánh xe thưa với thái tử : Đây là người xuất gia. Phát nguyện tránh ác làm lành, điều hòa sáu căn, khéo tự hàng phục, từ bi hỷ xả, giáo hóa, khai mở trí tuệ giải thoát cho nhân loại.

Thái tử xuống xe tới Samôn thưa : Vì sao ngài xuất gia ?

– Xét thế gian không ổn. Mong tìm cảnh giới vĩnh viễn bình an nên xa lìa năm dục, giải gỡ oán thân. Nương ở núi rừng vắng vẻ. Xin ăn nuôi thân để sống với chân tánh.

Thế là thái tử quyết định.

Nội cung đèn nến sáng rực. Thể nữ múa hát đến khuya nên bạ đâu lăn đấy ngủ say. Thái tử tâm lành thương xót : Nơi đây đáng sợ như bình đựng uế vật. Ta như voi đang bị lún xuống bùn sâu, như heo trong chuồng phân. Những người này không biết nên ham mê năm dục như chó gặm xương, sứt môi mỏi răng mà nào có được chút gì. Như cá nuốt lưỡi câu, như thiêu thân đâm đầu vào lửa. Người tham đắm cho vương cung đầy năm dục, chốn độc nguy hiểm này, là an vui. Ngu si bị trói trong gông cùm. Bao nhiêu căn lành sẽ rơi rụng hết. Ta xem cung vua như mồ mả. Như đống phân mà dòi bọ vui sống. Như ở chung với la sát.

Thái tử gọi Sa Nặc đem ngựa cho thái tử vượt thành trốn đi.

– Thái tử sắp làm chuyển luân thánh vương sao lại bỏ đi ?
– Những ngôi thiên vương còn như bong bóng nước. Thế gian trược uế vô thường làm sao an ổn ? Nay ta cần xuất gia vì mong đền ơn phụ vương và giải thoát cho dòng họ Thích, tất cả nhân dân thành Ca Tỳ La Vệ và khiến pháp giới chúng sanh lợi ích an vui.
– Đêm tối thế này làm sao đi ?
– Chính vì thế gian mù mịt nên ta phải đi tìm ánh sáng.

Sau 6 năm vô ích theo các đạo sư tu khổ hạnh, thái tử biết rõ đói khát chẳng phải là nhân Bồ-đề.

Ngài ngồi dưới gốc cây pipala, từ từ an định, nhất tâm đoạn trừ ngũ cái, được các thần thông.

Thiên nhĩ trí thông nghe đủ các thứ tiếng từ trên trời xuống địa ngục.

Thiên nhãn thấy rõ thiện nghiệp chúng sanh xả thân sanh về thiện xứ, ác nghiệp chúng sanh chịu khổ đọa lạc.

Tha tâm thông biết tâm niệm tất cả mọi người.

Túc mạng thông biết bao đời ngài đã cùng chúng sanh chết đây sanh kia. Không một mảnh đất nào không phải là nơi ngài đã xả thân vì chúng sanh.

Lậu tận thông thấu đáo guồng máy 12 nhân duyên từ vô minh đến lão tử.

Được nhất thiết tri, nhất thiết kiến, biết vô minh như thế sanh, như thế diệt.

Giải thoát dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu.

Chiến tranh với ma Ba Tuần bắt đầu ngay từ khi phát tâm Bồ-đề. Cứ thế tinh tấn không ngơi nghỉ, kiếp này sang kiếp khác mới có thành công ngày nay.

§

Còn chúng ta, loài người nói riêng, muôn loài nói chung, suốt đời lo cho Ta, yêu quý nương tựa bám víu vào cái Ta mà chưa từng tự hỏi : Ta là cái gì ?

Hống hách đáo để. Ếch ngồi đáy giếng coi trời bằng vung. Hỗn xược với bề trên, khinh thường kẻ dưới, nổi giận lôi đình mỗi khi cái Ta bị đụng chạm. Cứ thế nhắm mắt theo Hoặc Nghiệp Khổ mà lưu chuyển luân hồi sanh tử từ vô thủy kiếp. Hôm nay làm người, mai vào bào thai trâu chó. Vọng thân, vọng tâm, vọng cảnh biến hóa triền miên.

Đức Phật xót thương giáng sanh chỉ đường giải thoát. Luôn 49 năm khai thị cho chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến, mở ra ngũ thừa giáo pháp, tùy các căn cơ :

 §

KINH LĂNG NGHIÊM

1- Mười phương Phật, mười phương chúng sanh đồng một thể tánh linh giác. Tất cả chúng sanh bản lai đầy đủ trí tuệ đức tướng Như Lai. Cái Ta tôn quý này ai cũng sẵn có, hiện đang thấy nghe hay biết nơi sáu căn (vô lượng quang).
2- Thân sanh tử, sáu trần hiện liền tan, tâm chợt yêu chợt ghét, toàn là khách trần. Tánh Phật chủ nhân ông, đệ nhất tôn quý, bất đng.
3- Con mắt có trẻ có già nên theo thân mà hoại diệt. Kiến tinh không trẻ không già nên bất dit (vô lượng thọ).
4- Kiến tinh viên mãn ở khắp pháp giới. Là bản thể của vạn pháp. Nơi hữu tình gọi là Phật tánh. Nơi vô tình gọi là pháp tánh.
5- Vạn pháp theo nhân duyên sanh, theo nhân duyên diệt. Tánh Phật vô sanh bản lai ai cũng sẵn có (vô vi).
6- Tánh thấy nghe hay biết chân thật là ta (chân ngã). Của ai nấy xài. Không xen tạp với ngoại vật cũng không chung lộn với tinh thần người khác.
7- Lớn nhỏ là tướng thân nghiệp báo. Tánh Phật của voi hay kiến như hư không bình đẳng ở khắp pháp giới (y duyên bất biến).
8- Tánh Phật là bản thể của cả chân lẫn vọng. Khắp pháp giới chỉ có tánh Phật là sự thật (bất nhị).
9- Vượt ngoài tình chấp thế gian, kiến tinh tuy siêu tình nhưng vẫn còn 2 vọng kiến.
10- Sự thức là nhân phận đoạn sanh tử như sát sanh, trộm cắp v.v… Nghiệp thức là nhân biến dịch sanh tử. Lìa 2 vng kiến này mới thật trở về chân tánh.

KINH KIM CANG

Dạy 2 việc thiết yếu :

  1. Hàng phục vọng tâm.
  2. An trụ chân tâm.

Bàng bạc trong kinh những so sánh : Bá thí bảy báu thân mạng như cát sông Hằng. Công đức không bằng thọ trì bốn câu kệ Bát Nhã.
Phước đức trí tuệ nói không cùng. Nếu Phật nói đủ lời thì cả kiếp nói không hết v.v…

§

Nhân loại đại hạnh. Đức Phật bảo đảm kết quả cho những ai chịu y giáo phụng hành. Ngôi vị tôn quý ai cũng có phần.
Ta là Phật đã thành. Các người là Phật sẽ thành.
Vậy đệ tử Phật dĩ nhiên chỉ có một sự nghiệp là theo gót đức Bổn Sư.
Phật dạy 84.000 pháp môn giải thoát. Chùa chúng ta có chương trình :

1/ Nghiêm trì giới luật.
2/ Học Tứ Niệm Xứ để biết buông xả những hư vọng.
3/ Học Lăng Nghiêm để nhận rõ nghĩa lý của tâm độc tôn.
4/ Niệm Phật A Di Đà để thực sự trở về tánh vô lượng quang thọ đệ nhất tôn quý. Đồng thời nương lực Phật cầu được gia hộ trong hiện tại. Nếu lỡ thân người vô thường khi chưa kịp kết quả thì nương nguyện lực Phật, tiếp dẫn về cõi Phật tu tập tiếp tục. Đức Phật A Di Đà nguyện bảo đảm chúng ta viên mãn chí nguyện Bồ-đề. 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *