Ý Nghĩa Tự Tứ

Tu tu toan chung_3Tu tu toan chung_1

Ý NGHĨA TỰ TỨ

Tự là tự mình. Tứ là tha hồ. Trải thân đảnh lễ cầu thỉnh mọi người, hoặc thấy hoặc nghe hoặc nghi, xin tận tình chỉ bảo. Ta biết lỗi sám hối, khiến thân tâm được hoàn toàn thanh tịnh.

Nhân duyên: Một trụ xứ, chúng Tỳ-kheo an cư, tự đặt luật lệ, không cùng nhau nói, để được tuyệt đối an tĩnh. Phật dạy: “Ngu si lấy hại làm lợi. Sống chung với nhau như oan gia. Ta vô số phương tiện dạy các Tỳ-kheo phải dạy dỗ nhau, nghe lời nhau, giác ngộ lẫn nhau. Nếu hành pháp câm, phạm đột-cát-la”.

Bọn Lục Quần liền cử tội thanh tịnh Tỳ-kheo. Phật dạy: Muốn cử lỗi ai, trước phải cầu nghe, đến người đó phân tách minh định lỗi lầm. Nếu họ chịu sám hối thì thôi. Nếu không nghe, mới cử tội.

Lục Quần lại đến thanh tịnh Tỳ-kheo cầu nghe. Phật bảo: Muốn cầu người ta nghe, chính mình phải đủ 5 pháp:

1) Phải thời, không được phi thời. Không nên cầu người đang bệnh hoặc đang sân nghe chỉ lỗi.
2) Chân thật không được hư dối. Thật có lỗi lầm, không do vu báng.
3) Lợi ích không dùng vô ích. Việc cần đáng nói mới nói, không lèm bèm vụn vặt hão huyền.
4) Mềm mỏng hòa nhã, không dùng lời thô tháo, cứng xẵng.
5) Từ tâm không dùng sân giận, chân thật xây dựng không vì hiềm thù.

Các Tỳ-kheo đủ 5 pháp cầu Lục Quần nghe, Lục Quần không nghe. Phật dạy: “Từ nay an cư xong, phải tự tứ”.

Cho ngăn tự tứ nếu phi pháp. Ngày tự tứ không nên cầu nghe, vì người tự tứ chính đương thỉnh chỉ lỗi. Phật bắt buộc trước phải sám hối tất cả lỗi lầm cho thanh tịnh, rồi sau mới tự tứ.

Nên chọn nơi đất trống, ngồi trên cỏ mà tự tứ. Ở đất trống nêu biểu sự thẳng thắn, không che đậy tội lỗi. Vì sao ngồi trên cỏ? Đức Như Lai nửa đêm vượt thành xuất gia, vào núi học pháp ngoại đạo, sáu năm khổ hạnh, chẳng được ích gì. Ngài bèn xuống sông Ni Liên tắm rửa rồi lên gốc Bồ-đề ngồi kết già. Có tên Cát Tường đang cắt cỏ tại đó, thấy thế vội đem dâng cỏ để ngài làm tòa ngồi. 49 ngày sau ngài chứng Vô-thượng Bồ-đề.

Chúng ta ngày nay căn tánh kém cỏi lười biếng. 90 ngày an cư đi qua, đã không chứng thánh quả còn đầy lỗi lầm. Dù đã sám hối vẫn trải cỏ ngồi trên đất trống, vâng lời Phật, sạch lòng, kính cẩn cầu người mắt sáng theo chỗ thấy nghe nghi chỉ rõ những thiếu sót.

Rửa sạch ba nghiệp, sáu căn thanh tịnh, làm sao pháp nhãn chẳng khai mở để thân chứng diệu tịnh minh tâm.

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *