Bài 68: Chùa Dược Sư 2

Ni chúng chùa Dược Sư 2

KHUYÊN NGƯỜI NIỆM PHẬT

Thân gửi em Nguyễn Thị Đông. Lâu lắm không được thư em, không biết sức khỏe em ra sao? Công phu em niệm Phật tới đâu rồi? Em ạ, ngày xửa ngày xưa, không biết ở một miền thượng du nào trên năm châu, có cô bé xinh xinh; mẹ cô mua cho cô chiếc khăn đỏ. Quàng khăn vào cô lại càng xinh và từ đấy cả làng đặt tên cô là cô bé quàng khăn đỏ. Cô bé quàng khăn đỏ, một hôm vâng lời mẹ, mang bánh sữa sang biếu bà. Bà cô ở cách cánh đồng. Mẹ cô ân cần khuyên cô đi đến nơi về đến chốn. Cô bé ra đi hăm hở lắm, nhất định phen này ba chân bốn cẳng, đi nhanh về ngay cho mẹ vui lòng.

Cô đi nhanh thật, đôi chân son són chạy, loáng đã ra khỏi làng. Cánh đồng lúa chín nức thơm, cô cũng mặc, chim trên cây ríu rít gọi, cô cũng lờ, mải miết đi. Nhưng kìa bông hoa tím bên đường, ta ngắt biếu bà nhân thể. Rồi một bông, rồi hai bông, rồi một bó, hoa tím lại hoa vàng, lại thêm đàn bướm lượn lên lượn xuống, cô đuổi đùa một tí, bắt được một chú cô lại tung cho bay, cô thích chí vỗ tay cười khanh khách…Gió chiều lành lạnh thổi, ánh nắng đã nhạt màu. Bé giật mình, thì ra suốt buổi, bé đã mải hoa tươi, bướm đẹp quên cả lời mẹ, quên cả ý định tốt lành lúc mới bước chân ra đi. Con lang ở rừng bên vẫn rình từ chiều, nhưng còn e những người gặt muộn chưa về, lang chưa dám bạo động. Lang ra ngon ngọt dỗ bé rằng: “Tôi ở rừng đây, biết có lối tắt sang nhà bà cô rất gần, cô trèo lên lưng tôi, tôi sẽ chạy nhanh, đưa cô về kịp, không bị mắng đâu”.

Mật ngọt chết ruồi, em bé trèo lên lưng lang, hai tay ôm cổ lang, không quên giỏ bánh và bó hoa cô đã hái để biếu bà với tất cả tấm tình thương mến của người cháu nhỏ. Từ đấy, không ai thấy bóng cô đâu nữa, chỉ chiều chiều, cách nhau một cánh đồng, mẹ cô, bà cô hằng ra tựa cửa, ngóng trông trên đường xa, mong thấy trở về mảnh khăn màu son thắm. Rừng xanh thăm thẳm, gió vọng đưa ra tiếng lá rì rào.

Em Đông nhỉ, trên cõi Sa Bà, biết bao cô bé quàng khăn đỏ, đã nhất định về quê Cực Lạc, nhưng còn mải bắt bướm, xem hoa. Sáng để tới trưa, trưa lại đợi chiều, mỗi ngày qua lần tràng lấy lệ. Tới khi mặt trời khuất núi thì hỡi ơi, kiếp sống bâng quơ rút lại toàn những hão. Mà đường về tối tăm biết lối nào đi, man mác mịt mù đành phó thân cho hắc nghiệp. Hỡi những cô bé quàng khăn đỏ thích hoa yêu bướm, những màu sắc mong manh đó, thật ra vẫn hiền lành vô hại, sanh ra để trang điểm cho cánh đồng sanh tử đỡ u buồn, nhưng tâm kia tham nhiễm, bàn tay nhỏ lại muốn nắm nhiều, kết nên chữ Ái, chữ Thủ, khóa đủ mười hai vòng nhân duyên, tự giam mình trong cánh đồng sanh tử mông mênh, đành thiệt đời vô ích, tự lỗi nguyện mình, phụ công hiền thánh ân cần dạy dỗ.

Em Đông ơi, chị xem chuyện này, chị lại nhớ ngay chuyện Phật: Một Sư cụ tu hạnh Đầu Đà, ngày cụ đi xin ăn, cụ khuyên người niệm Phật về Cực Lạc; tối cụ nghỉ ở bãi tha ma, cụ niệm Phật một mình. Đêm đêm cụ thường thấy trỗi dậy lũ cô hồn thanh thiếu. Đứa thì kêu khóc như ri, đứa thì to đầu cũng nô nhau, đuổi nhau chạy tán loạn, rủ nhau chơi tinh nghịch, không đồng ý nhau, về quyền lợi, quay ra chửi rủa nhau thậm tệ, xúi dục nhau, đánh nhau chí tử… Chúng có rất nhiều thì giờ, cứ bay chạy tung tăng, thành từng đám ma chơi đuổi bắt đom đóm. Cụ Đầu Đà đã hết lời khuyên chúng, cố yên tâm niệm Phật, cho thế giới chóng trở lại hòa bình; trăm nghìn kẻ, họa may được một vài người nhất tâm theo cụ. Sáng dậy, cụ rớt nước mắt ngâm câu kệ vang động cả lòng trời ảm đạm, úp xuống bãi tha ma lạnh buồn hiu quạnh:

Chớ để già rồi mới niệm Phật,
Mồ hoang kia lắm gã thanh niên!
(Mạc đãi lão lai phương niệm Phật.
Cô phần đa thị thiếu niên nhân).

Đọc kệ xong, Sư cụ cầm gậy bát đứng dậy thấy mấy bông sen trắng vẫn còn ngồi yên niệm Phật trên nấm xương tàn; tươi cười như ông Bụt sống, cụ rủ Hoa đi xin ăn với cụ. Đi đến đâu cũng thấy tiếng niệm Phật vang lừng, mùi hương sen thơm mát. Thật là một vị chân tu đắc đạo đã ra tay cứu tử độ sanh, kiếp hoa nhờ đấy được tiêu dao giải thoát. Chị em ta nên lấy chuyện này để đầu giường làm cảnh sách sớm khuya. Niệm Phật đi, Em!

Chị của em yêu mến!

                     Thích nữ Cát Tường Lan

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *