CHUADUOCSU.ORG
NGŨ ẤM MA
Mùa Đông, sau đàn Sám Pháp, Hòa- thượng Chí Công cùng vua Lương Võ Đế nghỉ ngơi giải trí trên lầu Vọng Nguyệt. Từ cao nhìn khắp giang sơn cẩm tú. Xa xa những dãy núi trắng phau vì phủ tuyết. Vua lau mắt nhìn đi nhìn lại. Một ngọn núi kia vẫn xanh mơn mởn như riêng một mình vui hưởng tiết Xuân. Vua bạch Hòa-thượng nhìn lại hộ xem mắt vua có lầm chăng.
Hòa-thượng đáp: “Có một vị Sư đang tu thiền tại núi ấy. Lửa tam muội khiến không khí khắp vùng ấm áp nên không có tuyết. Nhưng tiếc rằng Ngài còn ngã chấp quá nặng”.
Vua mừng rỡ, không ngờ trong nước lại có báu quý như vậy. Vội sai sứ giả đi thỉnh về cúng dường. Theo phép nước, vua mời mà không đến mắc tội khi quân (khinh vua), phải gia hình nặng. Nên Tỳ-kheo Suy Hải đang an thiền, đành từ bỏ thảo am, theo sứ giả về cung.
Trải ba mùa Đông, Suy Hải vẫn an tu, nhập định có khi luôn một tuần. Có khi cả một tháng. Thân không cục cựa huống còn ngả lưng hay ăn uống. Vua và cả triều đình kính trọng tận tình.
Vua bạch Hòa-thượng Chí Công: “Một cao Tăng như vậy sao Hòa-thượng còn chê là ngã chấp nặng?”. Đáp: “Quặng muốn trở về thành vàng nguyên chất phải nhờ thợ luyện khéo tay và độ lửa trong lò thật mạnh. Xin bệ hạ cho hai mâm cơm để thử”.
Thế là trên sập ngự, tới giờ ăn, quân hầu dọn một mâm cơm thịnh soạn. Hòa-thượng Chí Công và vua Lương Võ Đế chung ngồi. Cạnh đấy một mâm cơm rau và cà để lỏng chỏng, mời Suy Hải thọ trai. Suy Hải ăn xong, bình thản, xá Hòa-thượng, chào vua, lui về, không đổi một nét mặt. Vua băn khoăn: “Hay là Hòa-thượng và trẫm lầm chăng?”.
Bần đạo thấy cơn giận của nhà Thiền đã lên tới ngực.Vậy xin thử thêm một lần nữa.
Vua sắc lệnh khắp triều đình văn võ phải tề tựu, áo mũ đại lễ. Văn ngồi bên phải. Võ ngồi bên trái. Sư Tăng ngồi giữa, y từ chín điều trở lên. Đích thân vua, áo bào đính ngọc châu lấp lánh. Vua trịnh trọng tự tay ban gấm quý cho khắp quần thần. Cả Tăng lẫn tục ai nấy có phần đã xong. Cuối cùng vua đứng dậy, cầm một tấm lụa thô, tới chỗ Suy Hải, nói lớn: “Hôm nay, trẫm tạ ơn liệt vị Tăng-già đã có công tu hành, cảm điềm lành quốc thái dân an. Dưới văn võ giúp tài để trẫm bình dân trị quốc. Riêng Đại đức phạm hạnh chưa trong sạch, tu hành kém tinh tấn, xin vui lòng nhận chút quà nhỏ để hòa cùng đại chúng”.
Nhà Sư đáp: “Bần Tăng đang an phận tu hành. Vua mời về cung nói là để cúng dường. Không ngờ ngày nay đem ra làm cuộc mua bán, dùng tài vật đánh giá sự tu hành. Vậy bần Tăng xin phép trở về hang sâu núi đá, lấy gió núi mây rừng làm bạn lữ…”. Nói tới đây, bỗng mặt Sư đỏ lên, miệng hộc máu, Sư ngã gục, chết tại chỗ. Vua hết hồn hết vía. Vua đã thọ Bồ-tát giới. Con kiến chẳng muốn xúc phạm huống chi giết một Đại Tăng. Trăm quan quên cả lễ nghi cùng nhau huyên náo. Hòa-thượng Chí Công an nhiên nói: “Tham sân si giết cả Ta Bà thế giới. Đâu có phải chỉ làm hại riêng một Thiền đức đây. Bất cứ ai, dù Tăng hay Tục, đã nuôi rắn trong nhà mà không lo điều phục nó thì chẳng thể tránh khỏi hiểm nguy. Chỉ thương cho Sư đang đọa bàng sanh. Về phương Tây, cứ theo đường đi, độ 10 dặm, có một cây lớn, trên cháng ba, có một tổ chim. Trong mấy con vừa nở, có một con, trên lưng đề hai chữ Suy Hải, xin cho bắt về đây ngay”.
Một mặt Hòa-thượng sai quan ngự y, dùng thuốc nóng xoa bóp toàn thân xác Sư và đem về phòng.
Bắt được chim về. Hòa-thượng đặt chim trên lòng bàn tay, chúc nguyện và khai thị. Hòa-thượng xòe bàn tay ra, chim rớt xuống đất, chết liền. Một lát sau, Sư cục cựa, sống lại. Nét mặt bình thản. Nhưng một u buồn sâu xa hiện trong ánh mắt.
Hòa-thượng huấn từ: “Thiền là pháp môn tối thượng. Nhưng nếu không chăm chăm điều phục phiền não, thì mai đây, gặp các thứ ma như ở trong kinh Lăng Nghiêm, chúng ta sẽ đi về đâu? Hàng ngày cần phải dùng tuệ Bát Nhã, chiếu soi cho thấy bằng được năm uẩn đều không”. Sư khóc lạy ba lạy.
Báo Giác Ngộ kể tới đây, kết luận rằng: “Tiếng chuông này chẳng những khiến giật mình Thiền môn mà đã vang khắp nước Trung Hoa. Hậu lai sau này cũng sẽ còn được hưởng dư âm”.
Bàn Nhau
Hỏi: Kinh thường nói: Sân giận đọa làm rắn. Sao ở đây sân lại đọa làm chim?
Đáp: Lăng Nghiêm nói: “Tình đa tưởng thiểu lưu nhập bàng sanh”. Suy Hải lâm chung nghiệp cận tử là sân, thuộc về tình, nên đọa bàng sanh. Lăng Nghiêm lại nói: “Trong khi phải đọa bàng sanh, nếu tâm thức nặng về tình sẽ làm cá, thiên về tưởng thì làm chim”. Nay ông một đời chuyên tu nên làm chim là hợp với lời Kinh.
Hỏi: Suy Hải nghĩa là gì?
Đáp: Suy tư rộng như biển.
Hỏi: Sao lưng chim lại có hai chữ?Đáp: Có lẽ lúc xác Sư còn nóng, thần thức hãy còn hiện hành, ngài Chí Công đã dùng ngón tay viết lên lưng Sư hai chữ đó. Thần thức đi đầu thai, mang theo hai chữ sang kiếp sau. Như người ta thường đánh dấu những đứa trẻ hay lộn thai. Sự tích vua Minh Thần Tông bên Tàu khi sanh ra có dòng chữ son đề trên vai “AN NAM QUỐC – QUANG MINH TỰ” chắc cũng đồng hoàn cảnh như đây.