Nhặt Lá Bồ Đề – Con mắt thứ hai

La Bo De

NHẶT LÁ BỒ ĐỀ

Con Mắt Thứ Hai

Tiền thân Phật kiếp ấy là vua. Bỗng giác tỉnh vô thường, bỏ ngai vàng vào rừng tìm Đạo Sư. Hoàng hậu quyết định một mực theo ngài. Trời Đế Thích hiện thân một anh thợ mộc đứng ở bên đường cầm thanh gỗ nhắm một mắt, xem thanh gỗ bào đã thẳng chưa. Vua hỏi: Vì sao nhắm một mắt?

Đáp: “Nếu thêm con mắt thứ 2 thì cái nhìn khó chính xác”. Vua chợt tỉnh, bèn bẻ một cành lau hỏi Hoàng hậu: “Cành lau này liệu có thể dính trở lại cây lau không?”.

– Tâu bệ hạ, không thể được.

– Cũng vậy, tôi đã xuất gia, chúng ta phải chia tay.

Tức thời vua bỏ bà đứng trơ ra đấy, phóng thẳng vào rừng.

Lời Bình:

Chúng ta có hai con mắt tưởng chừng như chúng nó giúp nhau thân thiết lắm. Thế mà theo người thợ mộc, lại cần nhắm một mắt lại, cái nhìn mới chính xác. Con mắt phải đứng một mình độc lập mới thoát ly được tà kiến.

Ngay tấm thân này ta cứ tưởng nó là ta, bám sát lấy nó không muốn rời. Vậy mà nó cứ già, cứ bệnh, cứ chết. Trí tuệ chúng ta nếu tuân theo sở thích của nó, tùy thuận nó thì khó mà có cái nhìn chính xác. Huống chi sát chặt vào nó, nào là cha mẹ, con cháu, anh em, bạn bè, tiền của, oai thế, danh giá, v.v… cả trăm thứ cần thiết. Nhưng đâu có dè tất cả chỉ là những con mắt thứ 2.

Người xuất gia, muốn đạt chí nguyện, phải được như vị quốc vương kia, can đảm dứt khoát bẻ gãy cành lau. “Duy tuệ thị nghiệp” (chỉ có trí tuệ là sự nghiệp).

Nội tâm cũng có con mắt thứ 2 tế nhị hơn nhiều, chỉ các Thánh nhân mới biết xa lìa và mới có thể xa lìa. Tức là đã “Giác” lại còn thêm “Minh” nên mới thành có vô minh, mở ra 12 khoen nhân duyên sanh tử. Như trong kinh Lăng Nghiêm, Phật đã chỉ rõ cho ngài Phú Lâu Na. Nói một cách khác thì con mắt thứ 1 là kiến tinh (cái thấy) tự đủ làm căn bản Bồ-đề. Người tu nếu cứ theo đây mà sống thì thành Phật mau như tên bắn. Chỉ vì chẳng thể nhắm con mắt thứ 2 là tâm phan duyên nên cái nhìn mất chính xác.

Đạo Ưng Sư cả tuần không xuống trai đường. Đông Sơn hỏi. Ngài thưa vì mỗi ngày có thiên thần cúng dàng. Đông Sơn quở: “Ta bảo ngươi là kẻ hãy còn kiến giải! Chẳng nghĩ thiện, chẳng nghĩ ác là cái gì?”. Sư trở về am, ngồi im lặng lẽ. Thiên thần tìm mãi không thấy mới thôi cúng dàng. Mới biết bị quở “còn kiến giải” vì tuy đã đạt ý thật mà còn niệm thiện chưa quên. Thiên thần thấy biết mới tới cúng dàng. Thiên thần không tới nữa vì Sư đã vô niệm, không còn dấu vết gì nên thiên thần không tìm thấy.

Nếu chấp trước nơi đây ắt công phu khó viên mãn. Tới đây thì chẳng bảo chúng ta nhắm con mắt thứ 2 mà phải thấu suốt cả cứu cánh giải thoát. Nếu còn mắc chuyện nhắm mở là chưa thoát vòng vây của con mắt thứ 2, khó viên mãn kết quả.

Thoát sạch trần lao sự phi thường
Đầu dây nắm chặt giữ lập trường.
Nếu chẳng một phen sương lạnh buốt.
Hoa mai đâu nở ngát mùi hương.

Thân gởi CN!

Các con bây giờ tức là Thầy ngày xưa. Chúng ta nói về ý chí thì quyết định là hay lắm, tốt lắm. Nhưng chủng tử nghiệp thức đủ thứ, chỉ đợi duyên là bật ra. Rồi hối hận, rồi khóc, rồi đâu lại vào đấy. Gốc nghiệp đã lung lay, chúng ta bớt dần dần, các con cố gắng.

Phật dạy thờ giới luật làm Thầy, y Tứ Niệm Xứ làm chỗ trụ (nghĩa là chùa để ở). Vâng lời Phật sẽ hết ưu bi khổ não.

Học Lăng Nghiêm để biết tánh Phật vô lượng thọ (thường trụ), vô lượng quang (ở khắp mười phương) vô biên công đức (là bản thể của vạn pháp). Tánh thọ quang (A Di Đà) ta cùng Phật đồng thể. Nên chỉ cần giác tỉnh, đừng theo sắc, thọ, tưởng thì đầu chúng ta chính đang ngả trên vai Phật A Di Đà, không lúc nào Ngài rời chúng ta.

 Con cố gắng theo ba môn học trên để sống với Phật, mai sau về với Phật. Thầy đi trước sẽ đón rước tất cả các con.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *