Nhặt Lá Bồ Đề

Ngày 23-10-Bính Dần (1986)

Viên Thông!

Thầy được một cành Bồ-đề từ Bồ-đề Đạo Tràng ở Ấn Độ gởi cho, nên quý lắm. Nghĩ rằng: “Chùa là từ bi, từ bi cần nương dựa giác tỉnh”. Thầy trồng Bồ-đề ở vườn, thẳng ngay cửa sau chùa.

Thầy về Sài Gòn năm 1980, năm 1986 trở lại, thấy cây Bồ-đề chịu bao nhiêu xoài mít chèn ép, cố thu mình vươn cao, vượt tất cả, để chòm đỉnh được đón chút ánh nắng mặt trời, như vậy hy vọng sống. Mỗi khi đi ngang qua, thấy chiếc lá nào rơi, Thầy cũng nhặt, đặt trả về gốc, chẳng muốn những người vô tình giẫm chân lên lá Bồ-đề. Để cho công việc khỏi vô ích, mỗi lần nhặt một chiếc lá, Thầy phát nguyện: “Xin giác tỉnh con mắt là không, tánh thấy là Phật, hoặc bàn tay là cơm, cử động là gió v.v…”. Nhặt 15 chiếc lá một lúc thì quán 15 câu. Gia đình nhà chủ đất hàng ngày nhìn Thầy nhặt lá chẳng thể không cười thầm.

Hôm nay Sư cô DT đem cho cuốn “Nhặt Lá Bồ-đề”. Cuốn sách này góp nhặt những lời giảng lác đác của Thượng tọa Thanh Từ. Thế là từ nay Thầy có lá Bồ-đề gởi đi muôn phương. Đây là chiếc lá đầu:

ĐƯỢC DANH VÀ ĐƯỢC THỂ

Khách hỏi thiền sư Tánh Không: Thế nào là ý Tổ Sư từ Ấn Độ sang?

Đáp: Có người bị té xuống giếng sâu 1000 trượng, không một tấc dây cứu tế. Đợi người ấy lên, tôi sẽ trả lời.

Khách đem việc này tới thưa ngài Đàm Nguyên, được một lời quở: “Kẻ si, ai ở dưới giếng?”

Sau đến Quy Sơn tác bạch. Quy Sơn liền gọi: “Huệ Tịch”.

– Dạ!

– Ra rồi! Ra rồi!

Khách tỉnh ngộ nói: Tôi ở Đàm Nguyên được danh, ở Quy Sơn được thể.

Bình luận: Huệ Tịch đinh ninh có người ở dưới giếng, ngờ đâu bị gạt một cách đáng thương. Đàm Nguyên gỡ cho, bảo rằng: Kẻ si ai ở dưới giếng? Huệ Tịch nhận được lý không người dưới giếng mà chưa thật thấy mình. Đến câu “ra rồi” của Quy Sơn mới vỡ lẽ.

Chiếc lá trên là của ngài Huệ Tịch. Lời bình luận của Thượng tọa Thanh Từ như cái cuống để gắn lá vào cây Bồ-đề của chúng ta. Tỳ-kheo-ni Hải Triều Âm xin góp cái đuôi để các em chậm hiểu dễ nhận ra ngay, đây thật là giống Bồ-đề Ấn Độ, từ đạo tràng Linh Thứu:

Bao giờ người dưới giếng lên, ta sẽ đáp câu hỏi: Bao giờ tu chứng, ông sẽ tự biết.

Giếng sâu ngàn trượng, không một tấc dây cứu tế: Hầm vực sanh tử, đâu có đường giải thoát.

Ai ở dưới giếng?: Hầm hố vô minh thật sâu nhưng không thật có. Đức Quán Tự Tại chiếu soi năm uẩn là không, độ nhất thiết khổ ách. Cái giếng là pháp chấp, người dưới giếng là ngã chấp. Bừng tỉnh ra mới biết đây là giấc mộng đêm qua.

Tổ Quy Sơn hiền lành thương xót gọi: Huệ Tịch! Rồi ấn định: Ra rồi! Ra rồi! Nhắc khách thiền nhớ đến tánh Phật của mình bao giờ cũng vẫn viên thông tự tại.

Ý Tổ Đạt Ma từ Ấn Độ qua Tàu là để đánh thức các tu sĩ bừng tỉnh giấc mộng Ta Người. Bản lai ai ai xưa nay cũng đầy đủ đức tướng trí tuệ của Như Lai.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *