Triệt Ngộ Đại Sư khai thị

Linh Quang  (10-1987)

TRIỆT NGỘ ĐẠI SƯ KHAI THỊ

Minh tâm là yếu pháp trong tất cả các pháp. Tịnh tâm là yếu hạnh trong tất cả các hạnh.

Muốn minh tâm không chi bằng niệm Phật vì đức Đại Thế Chí Bồ-tát nói rằng: “Niệm Phật thì hiện tiền hoặc mai sau thế nào cũng thấy Phật. Chẳng cần phương tiện nào khác mà cũng khai ngộ được tâm của mình”.

Muốn tịnh tâm cũng không chi bằng niệm Phật, vì sách nói: “Bỏ hạt châu xuống nước, nước đục trở thành trong. Ghi danh hiệu Phật vào tâm, tâm nhơ trở thành sạch”. Cho nên một câu A Di Đà tóm thâu tông yếu tất cả các kinh.

Nguyên lai cái tâm hiện tiền của chúng ta toàn chân mà thành vọng, trọn ngày bất biến mà vẫn tùy duyên. Nếu chẳng tùy theo duyên Phật, thì hẳn theo chín giới kia, chẳng niệm Thánh thì niệm phàm. Chân tâm vô niệm duy chỉ có Phật. Còn phàm phu đã khởi một niệm, tất một trong mười pháp giới phải hiện ra.

1- Như nếu tâm niệm bình đẳng đại từ đại bi, y báo chánh báo vạn đức hồng danh, tức tương ưng với pháp giới Phật.
2- Nếu tâm niệm Bồ-đề, lục độ vạn hạnh, tức là niệm pháp giới Bồ-tát.
3- Nếu tâm niệm giải thoát 12 nhân duyên tức là tương ưng với pháp giới Duyên-giác.
4- Nếu tâm niệm Tứ Diệu Đế tức là tương ưng pháp giới Thanh-văn.
5- Nếu tâm niệm bốn thiền, tám định, mười thiện thượng phẩm tức là tương ưng với pháp giới chư Thiên.
6- Nếu tâm niệm năm giới cấm tức là niệm về loài Người.
7- Nếu có thiền, có thiện, mà còn nóng giận kiêu ngạo tranh cãi hơn thua, tức là đọa lạc vào pháp giới A-tu-la.
8- Mười ác hạ phẩm mở ra pháp giới bàng sanh.
9- Mười ác trung phẩm mở ra pháp giới ngạ quỷ.
10- Còn lòng ác mãnh liệt thì vào địa ngục.

Cho nên hàng ngày, tự xét tâm niệm mình, thì chỗ an thân lập mạng về tương lai, đâu cần phải hỏi ai nữa.

Tất cả cảnh giới đều do nghiệp tâm cảm hiện. Nằm mộng thấy núi sông nhân vật, nếu không mộng tâm thì đâu có mộng cảnh. Ngoài tâm không mộng cảnh, ngoài mộng cảnh thì tìm tâm ở đâu? Toàn cảnh tức tâm. Toàn tâm tức cảnh. Muốn y nhân tìm quả thì cứ quán tâm. Muốn y quả nghiệm nhân thì quán cảnh. Ai đã thật rõ thấu cái lý tâm cảnh là một, nhân quả không hai, mà chẳng muốn tu Tịnh-độ? Tông yếu của pháp môn niệm Phật là 17 chữ: “Vì sanh tử, phát tâm Bồ-đề, tin sâu, nguyện thiết, hạnh chuyên, trì danh hiệu Phật”.

Biển khổ Ta Bà, sanh rồi tử, tử rồi sanh. Ra khỏi thai bào này chui vào thai bào khác. Cởi bỏ đãy da nọ lại mang đãy da kia. Huống chi chưa thoát bánh xe luân hồi thì khó nỗi tránh phần đọa lạc. Thai lừa, bụng ngựa, kiếp kiếp vào ra, xác chó hình heo, đời đời thay đổi. Việc này dễ tới mà khó lui. Địa ngục ngày dài mà khổ nặng. Một niệm sai lầm đã lọt vào ác thú tam đồ, Phật còn phải than là khó gỡ. Bảy Phật ra đời mà nghiệp làm kiến hãy còn. Tám vạn kiếp rồi mà áo lông bồ câu chưa cởi. Thống khổ muôn ngàn không người cứu vớt. Nói đến rùng mình rởn óc, nghĩ tới xót dạ đau lòng. Thống thiết cầu thoát ly sanh tử như vội cứu lửa đang cháy trên đầu.

Vì sao phải phát tâm Bồ-đề? Bởi vì sáu đạo chúng sanh đều là cha mẹ thân duyên từ nhiều kiếp. Nếu không cứu vớt, chẳng những lương tâm không an, mà ân ái từ vô thủy làm sao gỡ kết, oan khiên từ lũy kiếp làm sao giải tan? Tội nghiệp chẳng thể sám trừ, thiện căn chẳng thể thuần thục. Nếu không phước đức trí tuệ thì tự lợi khó biện đến viên mãn. Nhị thừa thiên không, vẫn còn cái khổ biến dịch sanh tử, tuy đã thoát luân hồi. Nên ta phải phát đại tâm, trên cầu Phật đạo, dưới phổ độ khắp quần sanh. Chỉ có một việc niệm Phật, ta có thể mãn Bồ-đề nguyện.

Chúng ta quyết chắc đức Thích Ca Mâu Ni chẳng bao giờ nói dối, đức Di Đà chẳng bao giờ nguyện suông. Chỉ cần hiểu rõ một biến Bát Nhã Tâm Kinh là chúng ta lãnh hội được lý chân không. Bản tâm chúng ta tuy tùy duyên mà hằng bất biến, ngang khắp mười phương, dọc suốt ba đời. Cõi Cực Lạc bản lai vốn ở ngay trong tâm ta. Đức A Di Đà với ta vốn đồng một thể, không bao giờ xa lìa ta một gang tấc, một sát na. Kinh nói: “Cảm ứng đạo giao chẳng thể nghĩ bàn”. Cõi Ta Bà cần xa lìa, vì từ mê đi về mê, chập chùng không lối thoát. Cõi Tịnh-độ cần cầu về vì từ giác tỉnh đến giải thoát, nhất sanh bổ xứ là thành Phật. Vĩnh viễn từ nay bốn ân lớn có thể báo đền, sáu đường khổ tự tại cứu vớt, phân thân đi thuyết pháp khắp mười phương, tận vị lai không chán mỏi, chẳng phải là việc nên làm hay sao?

Suy ngẫm như thế để nguyện tâm biết thiết tha như đói cầu ăn, như khát cầu nước, như bệnh cầu thầy thuốc, như con thơ mong nhớ mẹ hiền. Tâm mong cầu vãng sanh trăm trâu cũng không thể kéo lại.

Một tiếng niệm Phật là một hạt giống chín phẩm hoa sen! Cố gắng chuyên cần cho tới nhất tâm bất loạn!

Lời Thầy bàn thêm:

Đã gọi là Ta Bà thì châu ngọc hiếm lắm. Cát sỏi là thể chất của trái đất này. Vậy chỉ nên vâng theo Bát Đại Nhân Giác mà học ngay điều thứ nhất. “Bản thân mình vô thường, cảnh mình đang sống hiện rất lung lay, sắp tan vỡ rồi. Tâm mình là gốc mê khổ, thân mình là rừng tội (bởi nó cứ cam phận làm nô lệ cho vô minh)”.

Đừng lo giận hờn trách móc ai, vì người ta hư xấu đến đâu cũng chỉ người ta vào địa ngục, có ai lôi mình đi theo đâu. Nhưng tham, sân, si, ba kẻ thù không đội trời chung của tu sĩ, sao chúng ta lại cứ cưng chiều nuôi dưỡng? Vì trùng ở trong thân sư tử, phải làm sao cho nó đừng ăn thịt hết Bồ-đề tâm của sư tử.

Chúng ta khó vãng sanh, vì văn chương chữ nghĩa quý để khai tâm bao nhiêu trở lại chướng sự tu chứng bấy nhiêu. Nhưng lý niệm Phật cũng dễ bắt ham. Trong Quán Âm Quảng Trần, đức Văn Thù nói: “Cõi Ta Bà giáo hóa chân thật phải dùng âm thanh và tánh nghe”. Các trường học đều dùng lời nói dạy học trò. Vì tánh nghe của tất cả mọi người đều linh hoạt, ai ai cũng có thể nhờ tánh nghe mà khai tuệ. Danh hiệu Phật A Di Đà là âm thanh, dù niệm thầm hay ra tiếng cũng là âm thanh, chỉ khác nhau là thô hay tế mà thôi. Dù niệm thầm hay ra tiếng cũng phải nghe cho rõ. Công dụng nghe là pháp tu của Quán Thế Âm, nhưng tánh nghe chính là Phật A Di Đà. Cho nên trên mũ Thiên Quan của đức Quán Thế Âm có hình đức A Di Đà. Niệm Phật là đánh thức tánh nghe của mình, tập nhận tự tánh để sống với tự tánh. Khi nghe danh hiệu, chú ý đến tánh nghe là phản văn. Trong tánh nghe danh hiệu A Di Đà cứ hiển hiện. Âm thanh có sanh diệt. Tánh nghe vẫn thường trụ. Thiền và Tịnh rõ ràng không ngại nhau mà còn viên dung giúp thành cho nhau.

Nam mô là quy mệnh, đem cả tánh mạng quay về. Vừa trở về với tự Phật, vừa trở về tha Phật. Có duyên sâu với Phật A Di Đà thì khi mạng chung sẽ về cảnh giới của Ngài. Cõi Cực Lạc thành tựu là nương nguyện lực của Phật A Di Đà. Như một giáo sư tiến sĩ, đủ phước đủ tài mở một trường đại học để đón học sinh mười phương. Giáo sư chỉ mong đón tiếp, có được vào trường hay không thật chỉ ở học trò có đủ điều kiện hay không.

Cô PT cho Thầy mượn cuốn Tiếng Cười Học Sinh.

Thầy đang thầm tụng kinh A Di Đà, thấy cái tên hấp dẫn vội đọc nghiến ngấu. Nhưng lại nghĩ: Mình bị sắc trần lôi cuốn mạnh như thế này thì hy vọng vãng sanh của mình ra sao?

Bèn nhắm mắt bói ngay một quẻ ở cuốn “Cười” này.

Ngón tay Thầy chỉ ngay vào hình vẽ này. Thầy vội lấy giấy mỏng can-kê, gởi về nhờ các con đoán quẻ giúp.

Tieng cuoi hoc sinh_resize

Thầy gợi ý:

Hối muội vi không
Kết ám thành sắc.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *