CHUADUOCSU.ORG
CĂN BẢN ĐẠO LỘ
1. NGHI LỄ CHUẨN BỊ
Lau sạch nhà. Chẳng những vì vệ sinh mà vì tôn trọng phước điền. Nhớ rằng việc gì lớn nhỏ đều để cầu thành Phật, lợi ích tất cả chúng sanh. Các vị Trời thường viếng cõi người và hộ trì những ai sống đúng pháp. Ngài Châu Lợi Bàn Đặc Ca vừa quét nhà vừa nhẩm đọc:
Tham sân si là cấu uế
Bậc trí quét sạch cấu uế
Thận trọng vâng lời Phật dạy
Sẽ giải thoát hết khổ đau.
Đức Dalai Lama thường quét nhà đến nỗi mòn nhiều chổi. Người ta lấy vải vàng bọc những cái chổi cùn ấy để kỷ niệm và làm gương cho hậu lai chớ coi thường bổn phận chấp tác.
Phải đích thân bày biện bàn thờ, coi như ăn uống không thể nhờ ai làm hộ. Trước hết một hình ảnh Phật làm biểu tượng cho thân giác ngộ. Một cuốn kinh biểu tượng cho ngữ giác ngộ và một cái chuông biểu tượng cho ý giác ngộ. Thật là sai lầm vì thấy những vật này hằng ngày mà sanh lờn. Trái lại phải kính cẩn, mỗi lần thấy biểu tượng phải nhớ giữ gìn nghiêm khắc ba nghiệp thân miệng ý thanh tịnh.
Kinh Sen Trắng nói: “Dù tâm đang giận dữ mà cúng dường ảnh Phật treo trên tường cũng được quả báo gặp 10 triệu đức Phật”. Vậy đem tâm cung kính chiêm ngưỡng tượng Phật, lợi ích sẽ bao nhiêu? Điều vô cùng quan trọng là phải coi tượng Phật như Phật thật. Lễ phẩm, Phạn ngữ gọi là Puja nghĩa là hài lòng. Muốn Phật vui lòng ta phải tránh 6 thứ tà mạng:
- Nịnh hót, như khen ngợi thí chủ với hy vọng được đồ cúng.
- Gợi ý, như nói: “Tôi đã có đậu chỉ còn thiếu đường”.
- Kích thích, như nói: “Chị thì bao giờ dám cúng chùa những thứ đó”.
- Thả mồi, như biếu một vật nhỏ để mong được đáp lại một vật to.
- Làm áp lực, như quấy rầy buộc thí chủ phải cho.
- Hiện tướng tu hành để người cung kính cúng dường.
Trong bất cứ trường hợp nào đức tin là yếu tố chính, không quan trọng ở phẩm vật. Một ẩn cư xứ Tây Tạng, nghèo đến nỗi không có cái tách đựng nước cúng Phật. Ông đành lấy bát ăn của mình đựng nước cúng Phật. Đến bữa, ông lạy Phật, mượn bát. Ăn xong, ông rửa sạch bát, lại đựng nước cúng.
Có Tỳ-kheo chủ trương cúng dường bằng sự tu hành, không dùng sự tướng cầu giác ngộ. Không biết rằng: Thập Địa Bồ-tát còn dùng hàng trăm hóa thân. Mỗi thân trăm ngàn cánh tay để dâng các lễ phẩm. Ta nên bắt chước, cúng dường càng nhiều càng hay.
Động lực là yếu tố quan trọng để định đoạt quả báo. Thí dụ cũng niệm Phật một tràng. Có người vì Bồ-đề tâm, có người cầu vãng sanh, có người vì xả ly, có người cầu sống lâu mạnh khỏe. Quả báo tùy chỗ ước mong mà được nên khác nhau rất xa.
Hành thiền cũng thế. Nếu chỉ cầu danh cầu lợi thì thiền định trở thành tội lỗi. Nếu vì chấm dứt luân hồi thì công đức tràn khắp hư không.
Động lực chân chính để quy y Tam-bảo có 3:
- Trí tuệ giác tỉnh biết sợ hãi những thống khổ của kiếp luân hồi.
- Tin tưởng Tam-bảo thật có khả năng giúp ta giải thoát.
- Bi thương muôn loài đang quằn quại trong biển khổ.
Đã quy y Phật thì phải coi ảnh Phật như bản thân Phật. Có người cho rằng thờ thần Hộ Pháp linh hơn Phật. Có người treo tranh Phật thay màn cửa. Ngủ nằm hướng chân về Phật. Coi tranh tượng cũ như đồ phế thải. Những tướng mạo bất kính như thế cần phải sám hối. Chớ bình phẩm chê bai hình tượng Phật. Người ta xin ý kiến Tổ Atisha về một pho tượng đức Văn Thù. Tổ đáp: “Tượng đức Văn Thù thì bao giờ cũng quý nhưng ông nghệ sĩ tạo tượng này thì thật quá tồi”. Coi tượng Phật như một món hàng để buôn bán. Ta cần tránh sai quấy này bằng mọi giá.
Buôn bán kinh sách. Phỉ báng pháp bảo. Chê Tiểu để khen Đại hoặc chê Đại để khen Tiểu. Đem kinh điển chọi mật điển. Hạ tông phái này để đề cao tông phái kia. Giẫm chân lên kinh sách. Những ác hạnh rất nặng như trên gọi là từ bỏ chánh pháp.
Một cư sĩ vì túng thiếu phải đem bán một bộ Bát Nhã Thiên Tụng. Để được nhẹ tội cư sĩ thiết trai cúng 4 vị Tỳ-kheo. Ngài Kyergangpa thọ trai xong về bị bệnh đau đớn kịch liệt. Ngài khấn vái cầu nguyện đức Quán Tự Tại rồi nhập định, được Quán Tự Tại Bồ-tát hiện thân bảo rằng: Ông đã biết mà còn cố hưởng lợi do bán kinh. Tội đáng đọa địa ngục nhưng vì ông chân thật tu hành, tội chuyển thành nhẹ, chỉ đau ốm rồi sẽ khỏi.
Tội phạm đối với Tăng còn nghiêm trọng hơn đối với Phật và Pháp. Vì có liên hệ tới nhiều người và làm cho đạo pháp suy tàn. Chúng ta phải hết sức cẩn thận. Phá hòa hợp Tăng, ăn trộm phẩm vật chúng Tăng, chỉ trích nói xấu, phá hoại sự cúng dường, tự do sử dụng vật của Tăng chúng, nhiếc mắng Tăng Ni dù trước mặt hay sau lưng, đều tội đọa.
Dù thành phần Tăng chúng là Thánh hay phàm. Nếu chia làm hai nhóm. Mỗi bên ít nhất 4 người. Do bất đồng quan điểm, một người chủ xướng gây ra chia rẽ. Những ai liên can đến sự chia rẽ này đều đang dắt tay nhau về đọa xứ. Thù hận hay ngã ái đã chia rẽ Tăng chúng thành hai phe, chúng ta và chúng nó, là gốc nguy cơ, khiến ngôi Tam-bảo tan vỡ. Nên quả báo rất thương tâm. Việc chính yếu của Tăng chúng là sống hòa hợp. Không hòa, không an, làm sao tiến bộ để đi tới tu chứng?
Những vị quản lý dễ phạm điều này nhất: Vì quan tâm đến thí chủ nên nói: “Chúng tôi không cần nhiều như thế này”. Thế là chướng ngại sự cúng dường. Dù chỉ bớt lại một lát bơ cũng là trộm khẩu phần của Tăng. Đây là cái nhân đọa địa ngục Vô gián. Những hình thức ăn trộm khác của Tăng chúng thì có hậu quả ở các địa ngục xung quanh.
Bà-la-môn Manavagaura được mẹ xui: “Tới tranh biện với chúng Tăng, cứ lớn tiếng mạ nhục. Họ giữ giới không dám đáp đâu. Mọi người đứng xem nghe, sẽ tưởng là con thắng cuộc”. Nó y lời. Mỗi khi giữa công chúng biện luận với các Tỳ-kheo, nó cứ la lớn: “Ê cái đầu bò, này con lừa v.v…”, kết quả tái sanh nó làm con thủy quái 18 đầu. Đây mới là hoa báo, quả ở địa ngục.
Các bậc Thầy vẫn ân cần dạy: “Tỳ-kheo trong chùa phải coi nhau là ngôi Tăng bảo mình đã quy y”. Mỗi vị mỗi vị đều là nơi nương tựa của mình, những người giúp mình xa rời nguy hiểm sanh tử. Nhưng trên thực tế, chúng ta thường quên lời giáo huấn này, chỉ thấy lỗi xấu của nhau: Ông kia keo kiệt, ông này hắc ám… Như thế ở địa vị giải thoát mà chúng ta cứ lầm lũi tạo nghiệp sa đọa. Thật là đáng thương!
3. SÁM HỐI
Lễ Phật để xây dựng kho công đức và thanh lọc nghiệp chướng. Cúng dường là trồng công đức vào ruộng phước bất tư nghì, chắc chắn đạt đến quả Phật. Trong dòng tâm thức chúng ta, những gì chưa thật chứng không phát triển, những gì đã có lại thoái chuyển, đều vì tội chướng. Cũng vì tội chướng mà bao nhiêu bất hạnh đời này đời sau. Sám hối thanh lọc ác nghiệp, cả 5 tội Vô gián. Bồ-tát Long Thọ nói: “Lỡ lầm phóng dật mà biết hổ thẹn ăn năn như Nan Đà, Angulimala. Tâm này như vầng trăng sáng”.
Với người trí, tội nặng mà quả báo nhẹ. Với người mê, tội nhẹ mà quả báo nặng. Vì người trí sợ tội chăm sám hối. Kẻ ngu coi thường bỏ qua. Thí dụ: Giết một con rận tội nhỏ. Nhưng không sám hối, nửa tháng sau tội nặng gấp lên 16.384 lần, thành ngang với tội giết người. Không sám hối, không sợ tội vì không tin nhân quả. Chẳng cứ giết người cướp của mới là tội nặng. Chỉ cần đem tâm giận dữ mắng đệ tử một câu: “Ngu như bò”. Thế là đã thành người địa ngục. Huống chi từ vô thủy ta đã bao nhiêu trái phạm. Học kỹ giới luật, nghiêm túc hành trì, lễ Phật trì chú, là bổn phận hằng ngày. Tối sám hối lỗi trong ngày. Sáng sám hối lỗi đêm qua, không được chậm trễ. Thành khẩn sám hối, chẳng những thoát khổ báo mà còn mở cửa thật chứng tuệ giác. Có bậc chân tu bỗng bị sa sút về đời sống vật chất. Đây là đáng đọa quỷ đói nay trả quả nhẹ. Vì thế mỗi khi đau ốm hay chịu tai tiếng nặng nề chỉ nên vui vẻ sám hối. Bực bội tức tối tổn đức vô ích.
Phạm tội với ai, phải hướng người đó cầu sám hối. Có tội đối với Phật phải quy y Tam-bảo. Có tội với chúng sanh phải phát tâm Bồ-đề.
Ba người cùng ăn một món độc. A đã chết. B đang đau nặng. C phải vội vàng súc ruột để tống độc ra. Chúng ta cùng nhau tích lũy tham sân si đã lâu đời. Mắt Phật đã thấy bao nhiêu kẻ đọa lạc. Mắt ta cũng thấy bao nhiêu kẻ vì ba độc này mà sát đạo dâm vọng. Vậy còn đợi gì không lo tống sạch những mầm nguy hiểm ấy ra khỏi tâm thức. Quyết định chừa bỏ tất cả nghiệp xấu. Thí dụ có thói quen nói lời gay gắt v.v…, mỗi ngày tự kiểm điểm. Dứt khoát phải tập hòa nhã cho tới khi cũng thành thói quen. Quan sát suy tư như quán bất tịnh, quán mười hai nhân duyên, thuộc về lý sám hối, khai giải tâm thức, diệt trọng tội, tăng phước tuệ.
Các bậc Thầy dạy: Ta hãy vui mừng nghĩ đến những việc lành của chư Phật, Bồ-tát, Thánh Hiền, bạn hữu cho đến của những kẻ thù. Tên ăn xin Sutara chỉ hoan hỷ thấy vua Ba Tư Nặc cúng dường Tăng chúng mà được phước ngang với vua.
Tận tụy thờ Thầy, hiện tại tiêu tai giải nạn, vị lai sẽ gặp Đạo Sư. Ngài Atisha đã học 152 Thầy. Chưa từng một lần làm phiền vị nào. Công đức tỏa khắp xứ Ấn và Tạng như hư không.
Cần chọn Thầy thật cẩn thận. Gặp Thầy tà là một bất hạnh vô cùng lớn lao. Rất hiếm hoi tìm được một bậc Thầy lý tưởng. Chỉ hy vọng có một vị nhiều đức tính hơn lỗi lầm, lời dạy hợp giáo lý, đặt nặng về đời sau hơn đời này, nghĩ đến người nhiều hơn đến bản thân.
Hỗn xược với Thầy là bài báng tất cả chư Phật. Quả báo dị thục rất nặng nề. Người này vị lai rất khó gặp Đạo Sư, sẽ tái sanh về những nơi chẳng được nghe Phật pháp.
Đệ tử thành thật tôn kính Thầy, khát khao giáo lý. Mỗi lần bị đánh coi là được quán đỉnh, được gia trì, tăng phước báo. Lời Thầy quở mắng là thần chú vô ngại đại bi, khiến thoát đọa xứ muôn triệu kiếp. Mỗi búng tay có 65 sát na. Đệ tử giận Thầy một thời gian bằng cái búng tay, tự tiêu hủy công đức đã tích lũy trong 65 kiếp. Vì thế nếu lỡ phỉ báng, hờn giận hay phật ý Thầy, phải mau sám hối.
Tận tụy với Thầy có 3 cách: cúng dường, phụng sự và tu hành.
Tám nạn lớn khó thoát: Địa ngục, ngã quỷ, bàng sanh, biên địa (nơi không Phật pháp), mù điếc, câm ngọng, tà kiến, năm tội nghịch.
Biết sử dụng thân người hiện tại, ta có thể đạt bất kể cõi trời nào và tránh được tất cả tái sanh khổ. Cho đến muốn về cõi Phật, ta cũng sẽ tới nơi. Loài người có khả năng phát Bồ-đề tâm và đủ trí tuệ để đạt giác ngộ. Cầu gì được nấy nên gọi thân người là viên ngọc ước.
Người nghèo bắt được túi vàng, mở ra đếm mãi. Chủ nhân quay lại, nhận ra của mình, liền đòi lấy mất. Người nghèo rút cuộc tay không. Đã được thân người mà không biết sử dụng, để luống qua vô ích, sau này ăn năn. Chớ lãng phí thời giờ, hãy nỗ lực tích lũy công đức, thanh lọc tâm địa. Mất thân người rồi sẽ triền miên trong ác nghiệp, không còn cơ hội làm lành. Cứ thế lang thang không tận. Hãy nhìn một con chó kia, từ nay chỉ có tham lam hận thù. Đâu còn bao giờ biết được lòng tin, làm phước và trí tuệ y ly. Cho nên phải tận dụng từng phút của thân người. Dù đã già, đừng lười biếng, mọi sự sẽ tốt đẹp. Thân phận con giun bao giờ được làm người để biết quỳ lạy Phật. Kinh dạy: Được thân người khó như cỏ mọc trên mái nhà, rùa mù gặp bọng cây. Số chúng sanh đi từ cao xuống thấp nhiều như bụi trên đại địa. Số chúng sanh đi từ thấp lên cao bằng bụi dính trên đầu ngón tay. Được thân người đã khó lại vô cùng hiếm hoi cơ duyên gặp Phật pháp. Thân người là ranh giới của lên và xuống. Lầm lỡ thì tai hại suốt đời vị lai. Hiện tại ta còn một thời gian ngắn. Nếu không ngày đêm tu tập diệu pháp để ra khỏi luân hồi thì khác gì kẻ điên khùng, đã tới núi báu, không vội vàng hốt ngọc hốt vàng, cứ ca múa hát xướng chơi rong. Tới ngày về, tay không mà còn đèo thêm những duyên đọa lạc. Tổ dạy: “Ở một cơ may như thế, chớ tự lừa dối mình. Hãy tích lũy công đức, hãy thanh lọc bản thân, hãy thu thập yếu tố giải thoát, hãy tuệ quán khai trí. Kiếp sống quý báu vô giá, chỉ có một lần này thôi. Để mất đi rồi, không biết đến bao giờ mới trở lại cơ duyên giác tỉnh”.
Làm sao không tinh tấn mà có giới định tuệ? Chỉ đừng đọc suông toa thuốc mà phải uống. Phải tận lực hội nhập Phật pháp vào đời sống. Đã biết thân người khó được mà dễ mất thì phải tiếc những giờ phút vô nghĩa. Đã biết cái chết sập tới thì phải chuẩn bị đời sau. Tin lý nhân quả, hẳn chấm dứt thói buông lung phóng dật. Dấu hiệu chứng tỏ biết thân người hiếm quý là khi bị gai đâm vào bắp vế, ta không có thời giờ rút gai, cứ tiếp tục thiền quán hay niệm Phật.
Trên đạo lộ đến quả vị Phật, ta không thể vào đại thừa bi mẫn nếu chưa tu tập tiểu học y ly. Chưa tự lợi không thể lợi tha. Tiểu thừa là nền tảng của ngôi nhà Phật pháp. Đây là tài liệu dẫn nhập để đưa đến kết quả vĩ đại. Các bậc Đại Sư đều đã tu tập tam thừa giáo lý nhiều kiếp. Thiết yếu nhớ đến cái chết, chăm quán vô thường, buông xả thế gian. Khi hành giả không xuống đồi kiếm ăn thì mì ống sẽ tự lăn đến Ngài.
Thay vì khám xét cái hầm lửa nằm ngay nơi ngưỡng cửa nhà ta, ta cứ lo thám thính xa xôi, tìm tòi những con đường ở tận chân trời. Không để ý đến ba độc tham sân si đang trói buộc mình với những cái thật tầm thường, ta cứ tìm học Phật thừa mật điển tận đâu đâu. Đó là tại ta ít suy ngẫm về cái chết.
Nếu ngay bây giờ ta biết sợ chết thì đến giờ phút ấy ta đỡ sợ. Giàu có trăm ngàn vàng, làm vua cai trị cả trăm nước. Đến lúc chết mới thấy rõ ràng là rỗng tuếch. Có bậc Thầy ở Tây Tạng uống nước bằng cái sọ người. Có vị vẽ trên tường nhà tắm một bộ xương. Niệm chết tác động cho ta học và tu Phật pháp đến viên mãn. Vì đã có chuẩn bị nên đến ngày giờ, sẽ đón nhận sự ra đi một cách vui vẻ. Từ Phật đến các Thánh đệ tử, nào có ai không rời bỏ cái xác, huống chi chúng ta.
Râu ông già càng cạo càng mọc. Sự việc thế gian, hết thứ này sang thứ khác, thứ nào cũng cần kíp. Nếu đợi xong mới tu thì cái chết chắc chắn sẽ đến trước. Sắp du hành sang Ấn Độ, chúng ta chuẩn bị đủ thứ. Sao không chuẩn bị cẩn thận cuộc du hành tái sanh? Bố thí là lương thực ăn đường không bao giờ hết. Phật pháp là bạn đồng hành không bao giờ bỏ ta. Những bài khai thị lúc lâm chung nên đọc ngay bây giờ. Vì lúc ấy chắc chắn trăm phần ta không còn tu được nữa. Chỉ còn nhờ ở thần lực bất khả tư nghì của ngôi Tam-bảo.
Cần quan sát và xem nhiều kinh nói về những nỗi khổ ở địa ngục, ngã quỷ, bàng sanh. Lấy gì bảo đảm chúng ta không bị rơi vào những bất hạnh này. Bên Tây Tạng, tại Dagpro, một Lama nhận bơ và thịt của hai thí chủ gởi cho một người khác. Ngài không đưa hộ. Khi chết, Ngài tái sanh làm bò trong nhà thí chủ gởi bơ. Thời gian sau, con bò cái lăn xuống sông chết đuối. Xác trôi đi xa. Thí chủ gởi thịt vớt được.
Liệt vị Hòa-thượng, những chức sự trong chùa, các tu sĩ học giả… hay được đặc biệt trọng đãi. Nên nhớ định luật nhân quả tuyệt đối không riêng tư. Nếu không cẩn thận thì rất dễ dàng làm lừa ngựa cho các thí chủ lúc nào không hay. Chỉ một lời nói giễu cợt, một hành vi xúc phạm người khác, là ta đã có phần trong đọa xứ. Được vô sanh pháp nhẫn, thoát luân hồi, mới bảo đảm giải thoát.
Mất thân này rồi, thật không có chỗ cậy nương. Chỉ còn thời gian hơi thở chưa ngừng. Việc này vội vã làm ngay!
Tâm Bồ-đề là cửa ngõ duy nhất vào Đại thừa. Có phải là con Phật hay không, chỉ cần điều này. Đây là đệ nhất phước điền. Đây là gốc để tịnh trừ nhân quả đau khổ. Từ đây tích lũy công đức cho tới ngày thành Phật. Cho chó một miếng ăn với tâm Bồ-đề, quả báo sẽ không cùng tận. Đã phát triển tâm Bồ-đề thì dễ dàng thành công trong các sự nghiệp. Người này dù không mời, bốn Thiên vương vẫn thường xuyên ủng hộ. Bậc Đạo sư đầy từ mẫn này dùng năng lực từ bi đánh bại quân ma. Tâm Bồ-đề là pháp tu chính yếu của những người con anh dũng của Như Lai.
Luyện tập tâm Bồ-đề, phải quan sát suy ngẫm. Từ vô thủy, tất cả hữu tình đã từng làm cha mẹ lẫn nhau. Trông thấy một con mèo, ta nên tập nhớ nghĩ, có thể nó đã từng thương yêu phù trì ta như mẹ ta hiện tại. Con chim đang đi kiếm mồi kia, biết đâu kiếp trước chẳng đã có một lần ta làm con nó. Đôi cánh nó đã từng ấp ủ ta. Kiếm được một con sâu, nó cũng đã âu yếm để dành cho ta. Con rắn kia, một kiếp xa xôi nào đó, đã cho ta tất cả tình mẹ, hy sinh thân mạng nuôi con. Một con ngựa cái bị đâm vào bụng, lòi con ra. Ngựa đang hấp hối, vẫn yêu thương cố gắng liếm con trước khi tắt thở.
Chúng sanh bị ba độc tham sân si che mờ. Sát đạo dâm vọng đưa về ngã quỷ, bàng sanh, địa ngục. Biết bao thống khổ kiếp kiếp đời đời. Chúng ta may mắn gặp pháp Đại thừa, được chút ít giáo dục tâm linh, đã có thay đổi tầm tri kiến. Phật dạy chúng ta biết ơn. Bổn phận chúng ta phải đền ơn. Vậy chúng ta phải làm gì để cứu vớt cha mẹ quá khứ?
Giả sử mẹ bị điên, cứ cầm dao rượt con. Con đâu có giận mẹ. Chỉ một lòng lo cho mẹ hết điên. Phải nghiêm túc luyện tập ý nghĩ này. Nỗ lực để có được tâm đại bi bình đẳng. Rèn luyện tâm xả năm này qua năm khác, mới hy vọng có nền tảng giác ngộ, mới có thể tận tình làm lợi ích cho cả những kẻ đã lăng nhục mình. Vì thế Bồ-tát không hề có kẻ thù. Chẳng những cho thức ăn y phục, lợi ích hiện đời, mà còn đưa tất cả cha mẹ quá khứ lên Phật quả, mới thỏa mãn tấm lòng tri ân.
Vì vậy Bồ-tát một lòng giáo hóa, đóng chặt các đường về nẻo ác, dẫn chúng sanh về cảnh giới không già, không bệnh, không chết, không ưu bi khổ não.
Thời hiện tại gọi là mạt thế. Nhưng kỳ thật đây là cơ hội tốt, chưa từng có, cho những ai còn được thân người lại biết phát tâm Bồ-đề. Học đạo mà không phát tâm Bồ-đê là hụt mất cái cốt tủy. Đi đứng nằm ngồi, đừng quên 2 việc:
a/- Thanh lọc nghiệp chướng.
b/- Tích lũy công đức.
Việc làm của Bồ-tát như hy sinh đầu mắt tay chân, tựa hồ như quá sức chúng ta. Nhưng thật ra cũng là thói quen. Có tập, có thành. Lúc đầu ta đâu có biết gì đến nghề thợ mộc thợ nề. Một khi đã học thành nghề thì có gì khó khăn. Chúng ta uống chén trà Tàu dễ dàng vì ta đã quen uống. Bồ-tát hy sinh thân mạng cũng dễ dàng như chúng ta cho kẻ nghèo một đĩa rau.
Đừng giống như tảng đá, năm này qua năm khác cứ y nhiên. Chúng ta phải cải thiện tâm tánh hàng giờ, hàng ngày, hàng tháng, hàng năm. Lấy Vô-thượng Bồ-đề tâm làm kim chỉ nam. Dùng tuệ quán cải thiện nội tâm. Như Ngài Châu Lợi Bàn Đà Già đã từ bỏ vọng tưởng tiệt nọc cho đến chứng quả Thánh. Khi ăn nên nghĩ: Nuôi dưỡng thân để trên phụng thờ Tam-bảo, dưới lợi ích hữu tình. Bắt tay làm việc gì cũng nhớ, thân tâm này đã cúng dường Tam-bảo nên chỉ có một bản hoài vị tha. Trước khi ngủ, hồi hướng công đức tất cả thiện căn được vun trồng trong ngày, nguyện tất cả chúng sanh đồng thành Phật đạo. Lâm chung, càng kiên chí không rời tâm Bồ-đề. Di chúc cúng dường và bố thí tất cả sở hữu.
Quan sát lỗi lầm của ngã ái và thực hành những kỹ thuật để từ bỏ nó. Nhìn sâu vào sự thật, ta và người đều không hiện hữu. Yêu và ghét trong đời chỉ là giấc chiêm bao. Bệnh hoạn và nghịch cảnh là hiện tượng của quá khứ ác nghiệt. Một phen được trả quả là sạch nợ. Đối diện với bất hạnh, ta đỡ kiêu mạn. Lời phỉ báng giúp ta sạch tội nên được coi như ân huệ của chư thiên.
Chấp ta, chấp người là cơ sở của biển độc tham sân si. Cần quán bất tịnh, quán vô thường, quán những thống khổ trong sanh tử để xả hai tâm yêu và ghét. Lấy một người bạn, một kẻ thù và một người xa lạ làm đề mục thiền quán, để tập thở không khí bình đẳng.
Sớm mở mắt dậy, hãy quyết định ngay: Tôi sẽ không để ngày hôm nay đi qua vô ích. Tôi sẽ hàng phục ngã ái và nghiêm trị từng ngã tưởng.
Giảm thiểu ngã ái là bằng chứng rõ rệt của sự tu hành. Cần nhất là chủ tâm ngay cả khi bận công việc. Bất thần bị lăng nhục, ta dễ nổi giận. Chỉ sau một lúc nhớ lại, ta mới nguôi. Người luyện tâm đã thành công thì khi bị đánh bất chợt, lúc nào cũng lật ngược được ngã ái thành lòng vị tha. Nhẫn nhục, bình tĩnh, an định, từ bi, nghiêm trì giới luật, dù những giới vi tế cũng kính trọng, đó là tướng mạo của người đại thừa đã tự chủ.
Nhìn kỹ lỗi lầm của mình, không nhìn lỗi người khác. Bất luận một vọng tưởng nào phát sanh, phải đối trị ngay. Đừng cho nó kéo dài. Đừng nới tay khi đối xử với vọng tưởng. Các Tỳ-kheo, ai giận không giận lại, ai đánh không đánh lại. Đối trị được ngã ái thì dù ở hoàn cảnh bất hạnh vẫn tràn trề hạnh phúc. Vì tâm đã được luyện để chuyển tất cả nghịch thuận thành giác ngộ.
Đức Phật đi khất thực qua nhà một trưởng giả. Chủ nhân lên tiếng: “Sa-môn Cù Đàm không biết xấu hổ. Gia đình người ta đang vui vẻ ăn cơm, sao cứ sừng sững đứng ở cửa như thế?”. Đức Thế Tôn đáp:
Ăn thịt cha, đánh mẹ.
Âu yếm nuôi oan gia.
Xương con mẹ nhai ngon.
Sanh tử thật trò hề!
(Vì còn quyến luyến gia đình nên dù đã chết, thần thức vẫn trở về nhà. Bố ông trưởng giả đầu thai làm gà, mẹ ông làm chó. Xưa kia vì ghen vợ, ông đã giết tình địch, nó đầu thai làm con để báo oán. Bà nội ông rất quý ông hồi ông còn nhỏ. Nay chuyển kiếp về làm vợ ông.
Bữa cơm hôm nay, con gà bị giết thịt. Con chó sấn vào xin ăn bị đòn. Ông trưởng giả gắp thịt cho con ăn. Bà trưởng giả nhai xương gà ngon lành.
Bức tranh thế sự, thật là thương tâm!)
Sợ khổ sanh tử, chúng ta đặt niềm tin vào ngôi Tam-bảo. Đừng nói giỡn là từ bỏ Tam-bảo. Dù mất mạng cũng không bỏ ngôi Tam-bảo. Kính Thầy, vui tu, nhớ pháp, ba việc này không bao giờ thoái lui, dù ở hoàn cảnh thuận ý hay nghịch lòng. Đi đứng nằm ngồi, lúc nào cột sống cũng phải thẳng, ba nghiệp ở trong thiện hạnh.
Chúng ta có 6 sai lầm:
- Nhẫn việc thế gian mà không can đảm chịu đựng những chướng ngại trong Phật pháp.
- Thông minh trong chuyện kinh doanh mà không chịu tìm cầu nếm vị giải thoát.
- Cứu giúp người hoạn nạn mà không bi tâm thương xót những kẻ lỗi lầm.
- Ước mong giàu có bình an mà không siêng tu phước tuệ.
- Khuyến khích người chăm chỉ việc đời nay mà không nhiệt liệt dạy người để tâm tới đời sau.
- Vui mừng khi kẻ thù phạm giới. Tội này nặng hơn tội của phạm nhân.
Giới luật là căn bản giáo lý. Thà chết chớ không phạm giới. Vì chết chỉ mất một thân mạng. Phạm giới là từ bỏ an vui hàng chục triệu kiếp.
Người ta phạm giới vì tham sân si, phiền não và buông lung. Hộ giới là những tâm sở: Lòng tin, thẹn hổ, chánh niệm và tinh tấn.
Lỡ phạm giới phải sám hối. Quan trọng nhất là lúc lâm chung. Nếu không sám hối, bóng tối của tội lỗi cứ lơ lửng trên đầu, làm chướng ngại, khó về Tịnh cảnh.
Cầu nguyện Tam-bảo gia hộ Bồ-đề tâm tăng trưởng. Nằm nghiêng về bên phải, kiểu sư tử, hướng tâm về cõi An Lạc của Phật A Di Đà. Như thế tức cũng là thực hành pháp chuyển di.
Nghiệp do vô minh hướng dẫn, xoay vần bánh xe sanh tử. Chỉ có tăng thượng học Giới Định Tuệ mới nhổ được gốc vô minh.
Đôi nét về Ngài Pabongka Rinpoche
Paabongka Rinpoche sinh ở miền Bắc Lhasa vào năm 1878. Thân phụ Ngài là một quan chức nhỏ nhưng gia đình Ngài không giàu lắm.
Lúc Ngài chào đời, có ánh sáng chiếu khắp phòng, mặc dù đang đêm tối mịt, và bên ngoài, người ta trông thấy một vị thần hộ mạng đứng trên mái nhà.
Pabongka Rinpoche là một hóa thân của học gia vĩ đại Jangkya Rolpao Dorje (1717-1786), trong khi trước đấy Ngài là tái sinh của một vị geshe uyên bác ở tu viện Sera-mae. Ngài nhập Tu viện vào năm lên 7, theo học chương trình thông thường của tu sĩ, lấy bằng geshe (tiến sĩ Phật học) và theo học hai năm ở Đại học Mật giáo Gyutoe. Bổn sư của Ngài là Dagpo Lama Rinpoche Jampeal Lhuendrub Gyatso, ở Lhoka. Ngài là vị đệ tử đầu tiên. Ngài sống trong một hang động ở Pasang và việc hành trì chính yếu là Bồ-đề tâm. Ngài thường niệm câu thần chú OM MANI PADME HUM mỗi đêm năm vạn lần. Khi lần đầu gặp Dagpo Rinpoche tại một lễ tsog ở Lhasa, Kyabje Pabongka đã xúc động đến rơi lụy vì niềm kính ngưỡng.
Pabongka có bốn đại đệ tử là Kyabje Ling Rinpoche, Kyabje Trijang Rinpoche, Khangsar Rinpoche và Tathag Ringpoche, là một vị nhiếp chính của Tây Tạng. Vị này là thầy giáo đạo chính của đức Dalai Lama khi Ngài còn thơ ấu và là người đã thế phát quy y cho Ngài.
Một lần, vào dịp Rinpoche du hành xa, người hầu đã phá cái nhà cũ kỹ của thầy mình để xây lại một tư dinh rộng lớn gần bằng tư dinh của đức Dalai Lama. Khi Rinpoche trở về Ngài hoàn toàn không hài lòng, bảo: “Tôi chỉ là một ẩn sĩ quèn, đáng lẽ ông không nên xây cho tôi một ngôi nhà như thế này. Tôi không có tiếng tăm, và cốt tủy những gì tôi dạy là sự từ bỏ đời sống xa hoa thế tục. Bởi thế tôi rất lúng túng vì những căn phòng sang trọng này”.
Mỗi khi dạy, Ngài thường ngồi suốt tám tiếng đồng hồ không cử động. Khoảng chừng hai ngàn con người tới đó nghe pháp và nhận lễ quán đảnh, với những giáo lý đặc biệt thì số người theo học ít hơn, nhưng khi Ngài truyền Bồ-đề tâm giới thì có tới mười ngàn người hiện diện. Khi Ngài làm phép quán đảnh của thần Heruka Ngài thường có một vẻ rất lạ lùng. Đôi mắt Ngài mở lớn, long lanh, khiến tôi tưởng như Ngài là thần Heruka, một chân dạng ra một chân co lại.
Ngài là vị Lạt Ma quan trọng nhất của Tây Tạng. Ai cũng biết bốn đệ tử chính của Ngài vĩ đại tới mức nào. Thế mà Ngài lại là thầy của họ. Ngài bỏ nhiều thời giờ nghĩ về ý nghĩa thực tiễn của giáo lý, và thực chứng những giáo lý ấy bằng tim của Ngài. Ngài đã thực hành tất cả những gì Ngài học gần đến mức dộ viên mãn. Ngài không chỉ nói suông mà cố thực chứng mọi sự. Lại nữa, không bao giờ Ngài nổi giận; bất cứ sự giận dữ nào cũng hoàn toàn bị dập tắt bởi Bồ-đề tâm nơi Ngài. Nhiều khi có những hàng dài người đứng chờ Ngài ban phép lành, thế mà Rinpoche vẫn hỏi thăm từng người một, vỗ đầu họ. Đôi khi Ngài cho thuốc. Ngài luôn luôn từ hòa. Tất cả điều này làm cho Ngài thật đặc biệt.
Ngài có hai đức chính yếu: về phương diện mật tông, Ngài đã thực chứng và có khả năng hóa hiện là thần Heruka; còn về phương diện kinh điển thì Ngài có khả năng giảng Lam-rim.
Ngay trước khi viên tịch, Ngài được mời giảng vắn tắt về Lam-rim ở ngôi chùa của Thầy bổn sư, tu viện Dagpo Shidag Ling ở Lhoka. Ngài đã chọn một bản văn ngắn nhan đề “Con đường nhanh” của Panchen Lama thứ hai. Đấy là bài Lam-rim đầu tiên mà Dagpo Lama Rinpoche đã dạy cho Ngài, và Ngài nói nó sẽ là bài pháp cuối cùng Ngài giảng dạy. Mỗi khi viếng thăm tu viện của bổn sư, Pabongka Rinpoche thường xuống ngựa mỗi khi vừa thấy tòa nhà xuất hiện. Và từ chỗ xuống ngựa, Ngài lạy dài cho đến khi tới cổng. Khi rời tu viện thì Ngài đi lùi cho tới khi không còn trông thấy bóng. Lần này khi rời tu viện, Ngài lạy thêm lần nữa khi ngôi chùa đã khuất dạng, và đến ở lại trong một ngôi nhà lân cận. Hơi đau bụng, Ngài lui vào nghỉ đêm, bảo thị giả đi ra trong khi Ngài tụng kinh cầu nguyện và tụng lớn tiếng hơn lệ thường. Lúc ấy nghe dường như Ngài đang giảng về Lam-rim. Khi tụng xong, các thị giả vào phòng thì thấy Ngài đã chết. Tất cả chúng tôi đều đau buồn. Di hài của Pabongka Rinpoche được bọc trong lụa thêu và hỏa táng theo nghi thức cổ truyền. Có một bảo tháp thật đẹp được xây lên nhưng người Trung Quốc đã phá hủy. Tuy thế tôi cũng lấy lại được vài xá lợi của Ngài, và đã hiến tặng cho tu viện Sera-mae. Ngày nay các bạn có thể đến đấy chiêm ngưỡng xá lợi.
Ngày nay tôi có thành công phần nào về phương diện học giả, và về phương diện hành giả, tôi cũng là một Lama có hạng, song những điều ấy không có gì là quan trọng. Điều duy nhất có ý nghĩa đối với tôi, ấy là được làm đệ tử của Pabongka Rinpoche.
(Trích trong thuvienhoasen.org)