CHUADUOCSU.ORG
CĂN BẢN PHẬT PHÁP
Soạn giả: HT. Thích Thông Bửu.
Tỳ-kheo-ni Hải Triều Âm toát yếu
Kho tàng Phật pháp là gia bảo vô giá. Đức Phật thuyết truyền ròng rã 49 năm. Giáo pháp nhiều như rừng cây. Chỗ chúng ta học được chỉ là vài cái lá. Nhưng liễu nhập giáo pháp thì chỉ một câu cũng bảo đảm an vui giải thoát. Vì vậy cuốn Phật Pháp Căn Bản này hiện hữu. Kính mong quý vị cao minh chỉ giáo, thiện hữu góp lời, chúng tôi trân trọng tri ân.
Trước khi Niết-bàn đức Phật di giáo: “Giới luật còn là đạo Phật còn”. Tăng đoàn thay Phật phổ truyền giới luật suốt 25 thế kỷ, khắp 5 châu. Nấc thang đầu tiên để lên lầu An Lạc là nhiếp phục mắt tai mũi lưỡi thân. Giữ gìn không cho năm giác quan buông lung. Sáu căn giảm thèm khát sáu trần để tiến tới buông bỏ được sáu trần. Tu tập rèn luyện làm sao cho oai nghi tế hạnh vững vàng.
Quan sát 18 giới: 6 căn huyễn hóa, 6 trần ảo ảnh, 6 thức mê lầm. Thế gian chấp đoạn (người chết là hết), chấp thường (linh hồn bất diệt). Các thứ tà kiến chỉ vì cho 18 giới là Ta, của Ta nên ái nhiễm tư hữu. Các pháp từ căn trần thức duyên sanh tạo muôn sự phân biệt, mở ra biết bao nhiêu phiền não trần lao. Bậc tu hành vượt qua 18 giới là nắm được chìa khóa vàng để mở cửa giải thoát. Xóa được tinh thần cá vị sẽ nhập đại thể.
Con người cần Đức và Trí như chim phải đủ hai cánh. Phật tử tại gia gặp môn nào cũng tu, gặp pháp nào cũng học. Khác nào kẻ đang bị thả trôi giữa dòng, mặc cho loay hoay tự tìm cách giải thoát. Đạo tràng Diệu Pháp Liên Hoa, các Giáo Thọ Sư đã liều lĩnh tiên phong mong tháo gỡ nỗi khó khăn này. Đã 7 năm nay cùng nhau hội thảo để việc diễn giảng dần dần vào phương pháp sư phạm. Tuyệt đối tôn trọng nhu cầu của môn sinh chớ không cứng ngắc sở trường của Thầy dạy.
Người diễn giảng nếu đã liễu đạt thì lời nói minh bạch, chúng nghe dễ hiểu. Nếu không thì đành “trích cú tầm chương”, trước lo liễu thông sự tướng, sau này sẽ viên dung sự lý.
Bài học vỡ lòng là tin Phật Pháp Tăng, quy y Tam-bảo. Sáng vừa mở mắt, nhớ ngay bài thần chú Tịnh Khẩu Nghiệp, Tịnh Thân Nghiệp, Tịnh Ba Nghiệp để suốt ngày nhớ bổn phận.
Điều hòa hơi thở mỗi ngày 4 lần. Mỗi lần từ 5 phút đến nửa giờ. Cần thực hiện 4 phương châm: chậm, sâu, lâu, nhẹ.
Chỗ nằm cần thoáng khí, không có những tiếng động náo loạn hoặc rệp kiến, mùi hôi mốc ngộp thở. Tránh lạnh nóng các chướng duyên. Nằm theo kiểu cát tường của Phật. Ngủ để định thần mỗi ngày cần 6 giờ.
Từ 22h đến 24h: ngủ. Từ 24h đến 01h: thức. Từ 01h đến 05h: ngủ.
Tháng đầu chưa quen hẳn khó chịu. Về sau càng lâu càng khỏe mạnh, càng mở trí. Tuyệt đối không thức quá khuya. Cần âm dương quân bình. Dương suy sẽ kém trí nhớ, hay nóng giận hoặc bệnh hoạn. Thức giấc trước bình minh, tìm chỗ thoáng, thở không khí trong lành. Nửa đêm 1 giờ tịnh niệm dễ bừng khai trí tuệ. Trên đầu mỗi người đều có huyệt Bách Hội. Hàng trăm thần kinh hội tụ nơi đây. Ai tự khai mở một điểm hồng nơi huyệt này sẽ rất thông minh.
Muốn đếm 1, 2, 3 đến 4 đã ngủ là việc khó. Muốn thức giấc giờ nào tùy ý, không cần đồng hồ gọi, lại càng khó. Nhưng người ta làm được thì mình cũng làm được. Quan trọng ở chỗ có chịu khổ luyện hay không. Biết phương pháp, có người hướng dẫn chưa đủ. Cần niềm tin và chí kiên trì.
Ngồi kết già, bán già hay trên ghế để thõng chân cũng được. Quan trọng là thẳng cột sống, dù ngồi ở đâu, làm việc gì. Da thịt sát đất lâu ngày bị đau thấp nên phải có đồ lót. Không được đong đưa hai chân, rung đùi, tréo chân, nghiêng một bên. Mỗi ngày cần tịnh niệm 4 thời Tý Ngọ Mão Dậu, đầu và cổ thẳng.
Đứng trụ thẳng hai chân. Máu tụ đều, khí huyết mới thông. Đứng vững vàng như cái chuông úp.
Đi cất bước chân phải trước thì tim an. Tâm để ý rồi chân mới nhấc lên. Năm ngón chạm đất trước, gót đặt sau. Bước chân này sát đất, chân kia mới nhấc lên. Bước đi nhẹ nhàng khoan thai vững vàng như Tỳ-kheo đi trì bình. Bước đi đúng pháp là quý tướng.
Giữ mỗi bước đi cho bình an, chẳng những bên ngoài mà cả trong lòng. Tổ Huệ Năng dạy:
Ngoại ly tướng tức Thiền.
Nội bất loạn tức Định.
Tập cho đến khi nào cắt đứt tạp niệm, bước đi thanh thản an hòa trong chánh niệm. Mỗi lần chân giậm xuống đất, biết rõ chân đang giậm sát đất. Tập cho cả sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) đều hòa đồng theo từng bước chân, hoặc vừa đi vừa nhất tâm niệm Phật. Không bước dài quá, không giơ chân cao quá. Tìm chỗ rộng rãi thuận tiện tập đi cho quen.
Hai bàn tay để ngửa, không cho hai phía nhân điện đụng nhau nên tay phải để trên đùi phải, tay trái để trên đùi trái. Như đun nấu thức ăn, lúc đầu chưa nên tăng lửa. Người tu điều hòa hơi thở chưa nhuyễn, khí huyết chưa thông. Nếu lưỡi cuốn lên nóc vọng mà cho 10 ngón tay hợp nhau thì sức nóng toàn thân sẽ như lửa đốt.
Mỗi ngón tay có một sứ mạng khác nhau.
Ngón cái thuộc Mộc.
Ngón trỏ thuộc Hỏa.
Ngón giữa thuộc Thổ.
Ngón áp út thuộc Kim.
Ngón út thuộc Thủy.
Người nữ, phái yếu, xương tủy nhiều màu đen vì thiếu chất Kim nên phải tăng cường bằng cách đeo nhẫn ở ngón Kim. Năm ngón khít nhau, toàn thân âm dương điều hòa. Khi nào cảm thấy tê rần nóng ran cả 10 đầu ngón tay là đã có kết quả mới chuyển sang thế sau.
Bắt buộc ngồi kiết già. Phải trình độ đại học mới sử dụng tư thế này: Hai bàn tay chồng lên nhau, đầu hai ngón cái đụng nhau.
Uống quan trọng hơn ăn. Từng hớp nhỏ. Ngậm một lát cho nước miếng hòa vào. Súc súc vài lần rồi mới từ từ nuốt. Như vậy mới không hại dạ dày.
Ăn quân bình âm dương. Ăn chay rất tốt nhưng cũng phải chọn lọc. Trái cam giàu sinh tố. Ăn sáng và trưa rất bổ. Ăn chiều lại độc. Liên tục ăn cam buổi tối hại gan.
Nhai cơm nhuyễn rồi mới nuốt. Đừng vừa ăn vừa nói. Tối kỵ vừa ăn vừa tính toán công việc. Bữa ăn hợp vệ sinh, ở chỗ thoáng khí. Trong khi ăn tưởng niệm 5 điều:
1/ Xét bao công khó nhọc mới thành tựu miếng ăn.
2/ Xét đức hạnh mình có xứng đáng thọ dụng.
3/ Ngăn ngừa ba độc tham sân si.
4/ Ăn chỉ để chữa bệnh đói gầy.
5/ Lợi mình, ích người, phận sự có tròn không?
Tạm chia các thứ rau trái theo vị. Thí dụ:
1) Canh nồng cải bẹ xanh.
2) Canh chua khóm (thơm).
3) Canh cay ớt hoặc gừng.
4) Canh chát bắp chuối.
5) Canh ngọt dưa hồng.
6) Canh bùi khoai môn.
7) Canh đắng khổ qua.
8) Canh mặn củ cải muối.
9) Canh lợ lợ cà rốt.
10) Canh không vị bồ ngót.
Một vị chua có đến 10 thứ khác nhau. Người công quả đảm đang, khéo thay đổi món ăn, là ông thầy thuốc giỏi, quân bình đời sống đại chúng. Cơm lành canh ngọt là nền tảng bình an. Các Tổ chọn kế đăng, không truyền trao kinh sách mà truyền y bát, tức là lấy hai sự ấm no làm trọng. Ngôi Tam-bảo xây dựng trên thế gian, muốn vững vàng, cần thiết thực.
Chọn lọc chất bổ, quân bình âm dương. Các món khai vị, tráng miệng cũng như gỏi, cần thay đổi (muối xả, muối gừng, muối tiêu, muối ớt, muối chanh, muối mè, muối đậu phụng, muối thập cẩm v.v…).
Lại tùy mùa, tùy thời tiết mà gia giảm món ôn, hàn, nhiệt. Những tháng lạnh thì trong người nóng, cần tăng món mát. Nhiệt nhiều sanh lở lưỡi.
Trà có đặc tính hút các tạp chất nên các nhà buôn dùng hoa ướp trà. Tới nhà có người chết, ta uống trà là trong đó có khí chất của xác chết. Ăn cỗ đám ma là một phong tục phải bỏ.
Ăn chay nên kiêng các thực phẩm có chất hóa học. Lễ Vu Lan, Phật dạy dâng thức ăn trăm món, trái cây năm màu. Trăm món là trăm chất tinh ba của vũ trụ. Năm màu là đủ chất vận hành của trời đất trăng sao. Mộc màu xanh. Hỏa màu đỏ. Thổ màu đen. Kim màu vàng. Thủy màu trắng.
Quanh mâm cơm sạch sẽ. Rửa tay rồi mới vào bàn ăn. Quá no, dạ dày không có chỗ chứa hơi sẽ khó tiêu hóa, mất trí thông minh, sanh nhiều chứng bệnh. Không tham ăn, không sân giận khi ăn, không si mê mà ăn (tu 5 phép quán). Cổ đức nói: Vật theo tâm là chánh. Tâm theo vật là tà. Dù Thượng-tọa Hòa-thượng, nếu còn đắm vật chất thì chỉ là ma quái.
Hòa hợp là gốc an vui. Mâm cao cỗ đầy mà thiếu ấm cúng gia đình, sao bằng bữa cơm dưa muối trong cuộc sống hòa hợp.
Đạt an vui rồi mới đến giải thoát. Ba yếu tố bí quyết thành tựu an vui:
- Trước khi nói hãy mỉm cười.
- Nhẹ nhàng thanh thản từng cử chỉ.
- Tập chỉ nghĩ đến điều tốt của người khác.
Học và Hành sẽ thấy được sự nhiệm mầu. Bậc hướng dẫn đừng quá chủ quan, đừng để kẻ sơ cơ ngộp thở vì lý thuyết quá nhiều. Thấy họ đã thông hiểu, đừng vội tin là họ sẽ thực hành đúng. Cần thực tập tại lớp học, kiểm tra từng người. Ăn không tiêu phải có thuốc. Văn là nghe. Chưa biến hóa được phải có cách để biến hóa. Đạo Phật không phát triển, lỗi do người hướng dẫn không tròn trách nhiệm. Đại chúng tu học không kết quả, phải nghiên cứu xem vì sao để lo bổ túc. Thấy đạo tràng tiến chậm, phải lo canh tân phương pháp giáo huấn cho phù hợp. Bánh xe chánh pháp lăn chuyển đều nhịp, cuộc đời vơi lệ mới tươi nở được những nụ cười an vui.
Đức Phật dạy những phương pháp rất chuẩn xác để chúng ta đầy đủ hành trang lên đường giải thoát. Quy y Tam-bảo rồi đừng giậm chân tại chỗ mà tiến lên hàng phục phiền não, thực hiện an vui, cầu giải thoát luân hồi và cứu cánh thành Phật.
Phát tâm Bồ-đề là tự đánh thức Phật tánh sẵn có nơi mình, bấy lâu mê quên vùi lấp.
Con người có khả năng làm việc lớn nhưng với điều kiện là phải có nhiều người cộng tác. Cho nên chữ Hòa là căn bản thành công, do đây có hạnh phúc. Đức Phật xây dựng ngôi Tăng bảo ở thế gian để chỉ lối sống an vui cho loài người. Sống hòa hợp là quy y Tăng. Ngày nào thân chưa an, ý chưa vui, gia đình chưa hòa hợp thì chủ đích theo đạo Phật của ta chưa tròn, vì ta chưa thể nói đến hữu ích xã hội muôn loài. Lý thuyết để tin được việc quên mình vì người là gốc an vui đã khó, thực hiện được lại càng khó. Bởi khó nên phải tập từng cử chỉ nhỏ nhặt như cách chắp tay vái chào.
Nhiều gia đình gương mẫu thành một xã hội tốt đẹp có hợp quần, thương yêu, nhường nhịn, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau. Gia đình chưa hòa hợp chưa đủ tiêu chuẩn là một gia đình trong đạo Phật. Gia đình là nền tảng để hiển hưng ngôi Tam-bảo ngoài xã hội và trong nhân loại.
Cốt lõi con người là tinh thần. Mắt là cửa sổ xuất phát thần sắc. Ông bố hay thầy giáo thân đã an, ý đã vui, sẽ truyền nội lực cho cả đoàn thể của mình trở thành một mái ấm hòa hợp. Tình bạn các học sinh thương mến nhau chân thật và bền bỉ là thứ thân ái trong sạch gương mẫu.
Những người lính mỗi ngày đồng ca chào cờ nên tình đồng đội được thắt chặt. Trong chùa tiếng tụng kinh niệm Phật đồng thanh vang lên là yếu tố vững chắc xây nền hòa hợp đại chúng. Gia đình nên mỗi tối cùng nhau quy tụ tụng kinh trước bàn thờ Phật. Đức Phật khởi đầu chương trình giáo dục, nói kinh A Hàm dạy quan sát duyên khởi và như huyễn. Rồi mới tiến lên đại thừa. Rốt cùng là tối thượng thừa. Muốn hết khổ phải đào tận gốc Tập, là cái nguyên nhân.
Đức Phật tóm lược 12 nguyên nhân tiếp duyên cho nhau thành vòng luân hồi. Muôn loài ngu si ham sống trong đó. Ai sáng suốt mở một khoen đi ra thì cả vòng 12 khoen liền tan rã. Đã gọi là cái vòng thì đâu có đầu mối.

Hiểu 12 nhân duyên là rõ gốc khổ. Hoàn diệt quán là con đường diệt khổ.
Nguyên nhân của Khổ là tập 84.000 phiền não. Tóm lại là 5 độn sử: tham, sân, si, mạn, nghi. Và 5 lợi sử là thân kiến, biên kiến, kiến thủ, tà kiến và giới cấm thủ. Vì đã huân tập từ vô thủy nên phiền não ẩn sâu trong tạng thức, âm thầm tẩm độc ba nghiệp thân miệng ý. Gặp duyên nó hiện hành và có khi bùng nổ rất mạnh. Không phải chỉ tụng kinh mà dứt trừ được. Phải tư duy quán sát và thanh lọc. Trải qua các thử thách, không bị sắc tài danh lợi cám dỗ. Những nghịch cảnh châm ngòi mà Bi Trí Dũng vẫn nở hoa mới chắc chắn khối tham sân si đã được hàng phục.
Người tu không tránh né, không lẩn trốn những bức xúc, những phũ phàng, vì đây là dịp để tự thấy mình. Những tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến, cứ từ tim não ruột non ruột già, lù lù ngạo nghễ hiện hình trong lời nói và việc làm của chúng ta. Phải quán như huyễn để tự thức tỉnh, đừng nhận giặc làm con. Kinh Viên Giác nói: “Tri huyễn tức ly. Ly huyễn tức giác”. Có thầy có bạn đồng tu là một may mắn lớn.
Chính chúng ta đã tạo những nguyên nhân để tự chiêu cảm quả khổ thì chính chúng ta phải tỉnh ra mà tự cứu khổ. Đức Phật đã rọi đèn. Tăng lữ, đặc biệt các vị Giáo Thọ và Giảng Sư, chuyên môn chú trọng về kỹ thuật giáo dục và học vấn, đưa tâm linh nhân loại ra ánh sáng, hướng dẫn thế gian ra khỏi vòng tử sanh luân hồi. Lộ trình giải thoát đã mở rộng. Cung thỉnh Tăng Ni sinh và mười phương Phật tử lên đường.
MỘT HỌC VIÊN TỰ THUẬT |
Tôi ước gì mình trẻ lại vài chục tuổi để đi học Phật pháp. Trước kia tôi nghĩ chỉ cần thỉnh kinh sách về nhà đọc là đủ. Nay vào đạo tràng, càng nghe càng thấy Phật pháp bao la. Càng tu tập càng thấy mình bé bỏng. Cái Ta thật vô lý phải lo tan biến nó đi.
Một hôm, tôi bạo dạn tìm gặp thầy trưởng ban giáo thọ. Cung kính đúng nghi thức tôn giáo, tôi quỳ bạch: “Phật pháp cao siêu rộng quá, con làm sao tu học hết”?
– Sông nước đầy vơi là việc của sông nước. Con uống bao nhiêu thì đỡ khát bấy nhiêu.
– Phật tử chúng con liệu phải học đến bao giờ mới thâm nhập?
– Uống đến đâu hết khát ngay lúc đó, đâu phải đợi đến bao giờ. Thầy sẽ hướng dẫn con tập nói tiếng người và sống đúng tư cách một con người.
Thế rồi 3 năm trôi qua, tập ăn uống, ngủ nghỉ, tắm rửa, đi đứng nằm ngồi,… Từng bước chúng tôi xa lìa thô lậu. Luyện hơi thở, thọ năm giới, tập trung tư tưởng, học chánh niệm, dần dần chúng tôi sống đúng đạo người.
Trước khi tự cao tự đại, nóng nảy giận hờn, tham lam tật đố, nay tôi được nghe giảng: “Trong mỗi chúng ta ai ai cũng đủ 10 pháp giới tánh”.
Mỗi lần buồn, tôi thở dài não nuột. Có khi khóc lóc thảm thiết, oán thù kẻ đã làm khổ mình, muốn giết chết họ ngay. Sực nhớ ra địa ngục tánh đang hiện hành, tôi giật mình tỉnh ngay, lo trở lại tánh người.
Có khi đam mê ái nhiễm, tôi tự nhủ: Ồ, súc sanh tánh rõ ràng!
Đã vài lần bủn xỉn, tôi tự kêu gọi lương tâm để tránh mai sau đọa về ngã quỷ.
Cái thèm khát nó réo gọi, nó thúc đẩy, nó xô tôi nhào theo sự cám dỗ của vật dục. May thay! Tôi bỗng nhớ lời Thầy văng vẳng: “Thầy hướng dẫn các con nói tiếng người, sống tròn nhân cách”. Thế là tôi thoát tình trạng nguy khốn. Cần đem tánh người chuyển hóa ma tà!
Suốt 3 năm phấn đấu, canh giữ từng giây phút. Càng tu tĩnh bao nhiêu thì động càng ào ào đổ ra.
Dạo này tôi tự thấy tâm hồn bình lặng, không quá vất vả nữa. Tôi bạo dạn tới thăm Thầy.
Vẫn nụ cười hàng ngày, Thầy hỏi trước: “Con vật lộn với tam đồ, con người ở nơi con đã vinh thắng chưa? Con tìm Thầy để nhận sự truyền trao phải không?”. Thầy vừa hỏi vừa vẽ một vòng tròn vào khoảng không và nói tiếp: “Con nhận vòng tròn pháp màu linh diệu này rồi tập nói tiếng trời và đạt sự sống trời”.
Dứt lời, Thầy quay đi. Tôi đang chắp tay cúi đầu. Ngẩng lên thì bóng Thầy đã in lên nền xanh, sau giàn hoa. Tôi bối rối phân vân: “Hồng Danh Bảo Sám có câu “con không cầu phước báu cõi trời” mà sao Thầy lại dạy mình nói tiếng trời? Thầy vẽ cái vòng tròn ở hư không mà lại bảo truyền trao cho mình cái gì?”. Về nhà tôi suy nghĩ mãi.
Chiều chủ nhật nào tôi cũng đi nghe giảng, uống từng lời Thầy nói. Tôi tâm đắc nhất câu chuyện: Mẹ cho em bé uống sữa. Cái ly còn đọng vài giọt sữa để trên bàn. Anh của bé đã 3 tuổi bước tới, len lén mắt nhìn mẹ lại nhìn cái ly. Thấy mẹ cười, anh nhẹ nhàng hai tay cầm ly đưa vào miệng mút mót mấy giọt sữa. Chiếc ly đã thật khô nhưng anh đâu có chịu. Anh thè chiếc lưỡi đỏ hồng xinh xinh ngắn ngủn để liếm quanh ly.
Đây là sự phấn đấu sinh tồn của con người! Trong xã hội có biết bao nhiêu những bức tranh chiến đấu với sự nghèo khổ để mút mót kiếm sống? Chúng tôi đã vâng lời Thầy tập nói tiếng người, sống tình người nên đã đi cúng dường, tham gia các công tác xã hội v.v… Thầy dạy quán 18 giới, quán 12 nhân duyên để dứt ái nhiễm, xả tư hữu, bớt thọ nhận, mở rộng tình thương. Thầy trò thở chung một bầu không khí mà sao tôi tự thấy cách Thầy xa quá! Giáo pháp lại càng xa! Cái vòng tròn cam go luôn ám ảnh đầu tôi. Sự hiền dịu trang nghiêm của Thầy khiến tôi quá sợ. Một cái sợ của niềm tôn kính.
Lại 4 năm nữa đi qua. Thời gian này đối với tôi quá ngắn. Tôi đã gặm từng chữ, nuốt từng lời, nhai từng tiếng của Thầy. Hy vọng được chứng đắc, hầu mong được trao cái gì Thầy đã hứa. Dần dần cảm thấy yêu đời, ham tu.
Thầy giảng Pháp Hoa: “Muốn thành công phải luôn luôn song hành tình cảm và lý trí”. Thầy nhấn mạnh lời đối đáp của đức Văn Thù và ngài Di Lặc. Suốt năm, đi đâu, làm gì, tôi cũng nhớ đến 2 vị Bồ-tát, hiện thân của lý trí và tình cảm.
Khi ở tiểu học, tôi vẫn quán thế gian vô thường. Nay Phẩm Phương Tiện có câu “thị pháp trụ pháp vị, thế gian tướng thường trụ”, thật là quái lạ. May Thầy dùng Bát Nhã Tâm Kinh để soi tỏ: Không tướng là tánh của hữu tướng. Hữu tướng là diệu hữu của chân không. Vì thế nên văn nói: Cái tánh chân không của các pháp không sanh không diệt, không nhơ không sạch, không thêm không bớt.
Đến đây tôi bừng ngộ. Chân lông kẽ tóc tôi dựng lên vì sung sướng. Chiếc vòng tròn Thầy vẽ trong hư không là Thầy trao cho tôi pháp không-tướng.
Gần kết thúc năm tu học thứ IX, tôi lại đến thăm Thầy để trình kiến giải. Năm nay Thầy 70 tuổi. Vẫn với nụ cười, Thầy dạy: “Các năm tới, Thầy sẽ dạy các con tập nói tiếng Phật”.
Trời là đầy đủ phước đức, tự tại, bá thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định. Làm những hạnh này mà thêm Bát Nhã, quán tam luân không tịch, tức là việc làm của cõi trời chuyển thành Bồ-tát hạnh, tức là tập nói tiếng Phật, phát tâm Bồ-đề…
Rời cung trời Đâu Suất, Bồ-tát Hộ Minh giáng trần, chào đời bằng một tuyên ngôn: “Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn”.
Một tay chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất nghĩa là chân ngã có mặt ở khắp trời đất. Nếu chỉ vào bản thân thì dù một tay hay hai tay cũng là nói về tiểu ngã.
Mỗi lần cây thay lá là một lớn thêm. Mỗi mùa Phật đản, chúng ta phải tự kiểm điểm đã giảm được bao nhiêu xấu xa ô nhiễm vô minh, đã tăng được bao nhiêu giới định tuệ.
Ngày Phật đản chúng ta dâng Phật cái gì? Phật không phải là con người thọ hưởng mà là gương mẫu phục vụ, không chỉ phục vụ gia đình xã hội mà phục vụ cả pháp giới hữu tình.
Chúng ta phải học, phải hành, phải tu, phải chứng để khỏi phụ công ơn Phật, để phục vụ chính mình và tất cả.