CHUADUOCSU.ORG
CHĂN TRÂU
Tỳ-Kheo-Ni Hải Triều Âm toát yếu
Kinh Viên Giác, Văn Thù hỏi Phật : Thế nào là vô minh ?
– Chấp nhận bốn đại hòa hợp là thân mình thật. Chấp tâm suy nghĩ tính toán theo sáu trần là tâm mình thật. Chúng sanh vì vô minh nên chịu luân hồi sanh tử.
Đức Thích Ca đại bi xuất thế, thuyết pháp khai thị, tuyên bố : Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh. Kinh Tứ Thập Nhị Chương dạy các Phật tử phải chăn trâu.
Tổ Đạt Ma dạy Huệ Khả pháp an tâm. Chỉ có việc quay về mình, nhận cho ra vọng tâm là thứ không thật. Không để cho nó ngự trị liền tự an.
10 bức tranh chăn trâu, không rõ tác giả là ai. Thiền sư Phổ Minh làm 10 bài tụng dẫn nghĩa rất hợp với kinh giáo. Thật là ân huệ lớn cho hậu học. Tỳ-kheo Quảng Trí hiệu Pháp Thông luận giải, chỉ ra tánh giác viên minh.
Đỉnh lễ bậc viên mãn chánh biến tri giác.
Quy y 12 bộ kinh Tu đa la
Nam mô mười phương Hiền Thánh Chúng.
Thuốc chữa khỏi bệnh là thuốc hay. Pháp môn khai mở được tâm mê là diệu pháp. Mỗi người y đây định tỉnh tinh thần. Một niệm hồi quang. Một cái nhìn quay lại, rỗng toang tự soi sáng, khác chi vầng mặt trời tự tại giữa hư không. Ngay đây mà không chịu quan sát tột cội nguồn, còn đợi đức Di Lặc ra đời, e rằng quá chậm. Những bài tụng tranh chăn trâu chính là bổn phận của mình. Cần phải giúp cho đồng học cùng biết.
Tình mê đều do kiến chấp. Dẫm vào đó khác chi rừng rậm. Chìm vào đó khác nào biển nước sôi. Như tằm kéo kén, cái ổ tốt là nhân mất mạng. Thiêu thân lao mình vào đèn, ánh sáng lại là gốc hủy xác. Những chỗ thấy này phải quở trách. Hãy thuận lời Phật dạy. Cẩn thận tránh xa đường ma.
Nay tạm nêu trong hàng Tăng có 5 đọa 5 lười, cộng thành 10 loại phải chăn trâu ngay.
1/- Cuồng vọng buông thả
Chẳng chịu trì giới tu hành. Kinh dạy : “Phiền não tức Bồ-đề. Dâm nộ si tức phạm hạnh”. Họ hiểu thành “tu chứng là tiểu thừa, là chấp tướng”. Y theo kiến chấp độc hại này, mặc tình nói năng sinh hoạt ngông cuồng. Thừa và giới mất cả, hoàn toàn chẳng tu hành.
Hòa-thượng Vĩnh Minh dạy : “Còn tập khí là còn bị nghiệp cảnh lôi đi”. Cho nên chẳng thể rời giới luật.
Chúng ta cẩn thận dè dặt. Học nhiều được văn tuệ nhưng chớ đem lời Phật để bao che lỗi mình, dùng kinh sách để lòe thiên hạ.
Đây là bọn tham hư danh trong ngữ giải mà nhận thật họa nơi địa ngục. Lừa người dối mình, sủa ngông cuồng, cam chìm đắm, thật là đáng thương !
2/- Học mà không hành
Thông minh, chăm học, cẩn thận ghi chú, chia chẻ danh tướng rành mạch, gom góp chỗ này vá víu chỗ kia. Suốt cả năm tháng. Không ngờ tăng trưởng ngã mạn. Kẻ này viết ra. Người kia chống lại. Mải bút chiến quên tu hành. Tranh dành kiến chấp mà không thực hành lời Phật. Nói ăn mà không ăn hẳn bụng phải đói.
Chư Tổ tu học đến nơi đến chốn, thấy được lẽ thật nên nói ra để phá tà hiển chánh. Chúng ta học lại lời các ngài nhưng mỗi khi bị chống đối liền nổi sân. Thành ra nói đạo mà chính mình không có đạo. Đem chỗ học rộng biết nhiều để chê người này chỉ trích người kia, tự chuốc lấy khẩu nghiệp đọa lạc.
3/- Si không
Chấp thuốc thành bệnh. Học Bát Nhã hiểu nghĩa ngã không, pháp không. Biết tụng kinh lễ Phật là quyền giáo, liền chấp không phá tướng, trở thành quyến thuộc nhà ma.
Một khi sanh không, tử cũng không nhưng vua Diêm La chưa không thì làm sao ?
Kinh Lăng Nghiêm dạy : Ở trong định, sắc ấm tiêu, thọ ấm tỏ lộ mà tự cho mình là đã đủ liền có ma ngã mạn nhập tâm, bỏ cả lễ Phật tụng kinh, làm nghi lầm người khác, đọa vô gián ngục.
4/- Tùy duyên
Tổ Lâm Tế nói : “Tùy duyên tiêu nghiệp cũ, hồn nhiên mặc áo xiêm”. Nghĩa là những kiếp xa xưa lỡ đã tạo nghiệp không lành. Nay trả quả thì cứ tùy duyên mà nhẫn cho qua. Giải quyết mọi việc một cách đơn giản nhanh chóng để sớm trở lại an bình. Không phải nghĩ ngợi suy tính gì. Đó là ngài đang tùy duyên mà tu hành.
Các Bồ-tát đã ngộ đạo, sạch vọng tưởng, tùy duyên độ chúng sanh như đức Quán Thế Âm hiện thân cô hàng bán cá.
Phật tử gặp người mời uống rượu liền uống. Bị cử tội phạm một trong 5 giới, liền đáp : Tùy duyên mà ! Đây là thứ tùy duyên để xuống địa ngục.
Mã Tổ nói “tức tâm tức Phật” để dạy người nhận ra Phật tánh. Phật tử tự cho tâm mình là Phật rồi, không cần tu hành, mặc tình bừa bãi. Lời của Tổ là hòn ngọc mà chỗ mình nắm được lại hóa ra đá sỏi.
5/- Đua theo danh lợi
Vì chẳng nhận rõ gốc đạo nên buông lung theo tình riêng. Có quan niệm : Thật thà chất phác là quê mùa. Huênh hoang hoạt bát mới là lanh khôn. Nương gá thế gian, mưu cầu danh lợi, mất chừng mực, bỏ pháp tắc luật nghi. Ở trong chùa mà sống theo thế tục.
5 hạng trên đây cần tỉnh ngộ, cố gắng nhảy cho ra khỏi chỗ mắc kẹt. Phải chăn trâu ngay ! Dưới đây là 5 hạng lười biếng.
6/- Không học kinh giáo
Vào chùa chỉ mong cơm no áo ấm. Có chỗ an thân rồi trở lại mong cầu năm dục. Sadini luật nghi dạy : Bỏ 5 dục như hỷ mũi khạc đờm. Nay người xuất gia này lại ao ước được liếm lại. Kinh Bảo Tích dạy quán thân :
– Ngục tù tham dục hằng bị phiền não xiềng xích.
– Hố nhơ đựng phân tiểu máu tanh.
– Các thứ trùng bọ rúc tỉa (vi trùng bệnh hoạn).
– 9 lỗ thường bài tiết những thứ nhơ bẩn.
– Rắn độc nóng giận thương tổn tuệ mạng.
– La sát ngã si, ngã ái nhai nuốt trí thân.
– Là chỗ ẩn náu của ngã quỷ tham ăn, tham tiền.
– Thân là rừng tội nên Thánh Hiền chán bỏ.
– Vô ngã như cây chuối không lõi.
– Vô thường, một hơi thở không vào liền tan vỡ.
– Nuôi dưỡng thân vất vả mà rốt cuộc là già bệnh chết.
7/- Tin vào số phận
Mặc cho bánh xe nghiệp báo đưa theo dòng đời. Gần gũi người tại gia, sống theo tại gia. Gần mực thì đen, tay cầm cá phải tanh.
8/- Xã giao qua lại
Như con chó ngoắc đuôi cầu xin thương xót. Phô tài nói khéo chỉ mong lấy lòng thiên hạ. Đâu có biết địa vị mình là con đấng pháp vương.
9/- Tự ti, tự khinh
Người ta rủ nhau đi nghe pháp. Mình tự nghĩ : “hiểu gì mà nghe”, rồi vui vẻ đi làm vườn, lo thổi cơm.
10/- Không chịu lo xa
Cho rằng đời sống hàng ngày còn chưa lo xong, nghĩ làm gì đến chuyện sanh tử viễn vông.
5 hạng lười biếng không học không tu nên tâm vượn ý ngựa tha hồ rong ruổi. Sống tiêu hao tín thí vô ích, chết bơ vơ trong sáu nẻo luân hồi.
Cả 10 hạng trên tuy xuất gia mà không thật trượng phu. Mặc áo cà sa mà không giải thoát. Vẫn y nhiên ở hầm vô tri, ngục hắc ám, trong biển vô minh.
Mong tất cả Tăng Ni bước theo dấu vết Thánh hiền, cùng chung lãnh nhận lời đức Phật, không trái khuyết bổn chí, không cô phụ bốn ân, cùng nhau tiến lên cửa chân thật, thành tựu đạo nghiệp Bồ-đề. Ngăn bịt nẻo tà, mở ra chánh đạo, vượt khổ ba cõi, vào nguyện hải Phổ Hiền.
Ngưỡng mong mắt Phật chứng chút lòng thành. Khắp vì tất cả, xin kính dẫn đường đi như sau :
Chuẩn bị
a) Ba nghiệp thanh tịnh.
b) Lập chí thật vững.
c) Giữ đúng kỷ luật.
d) Kính trọng Thầy bạn.
đ) Trừ bỏ tâm kiêu sa (kiêu : mạn, sa : sa xỉ, phung phí thời giờ sức khỏe tiền bạc vô ích).
Giải thích danh từ
Trâu : 5 thức trước (nhỡn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân).
Người chăn : thức 6. Diệu quan sát trí.
Lúa mạ : 5 dục ở trong 5 trần.
Dây thừng : giới luật.
Roi : lời răn nhắc cảnh tỉnh, tự quở trách.
Trâu đen : ô nhiễm 5 dục. 5 căn đuổi theo 5 dục.
Trâu trắng : màu bổn gốc chân thật hiển bày.
Nhân gió thổi động nên sóng nổi dậy. Sóng và nước không 2 nhưng nước chở thuyền, sóng lật thuyền. Hai công dụng khác nhau tuy đồng một thể.
Căn gặp trần phát sanh ra thức. Nếu ý thức chuyển thành diệu quan sát trí thì 5 thức sẽ là thành sở tác trí.
Sóng tham sân si đem đau khổ cho mình và người. Ý a dua theo 5 căn chạy theo 5 trần hay ý biết chăn giữ 5 căn. Chỉ bao nhiêu đó để biết đạo đức con người cao hay thấp.
Thế nào là chăn ? 5 căn gặp 5 trần đừng cho yêu hay ghét. Ngăn đón canh chừng không cho 5 căn dính 5 trần. Nếu lỡ có dính thì phải gỡ cho ra. 5 căn rất thích chạy rông. Tỳ-kheo đi, mắt phải ngó xuống. Tỳ-kheo phải ở nơi thanh vắng. Việc chăn 5 căn đỡ nhọc. Thả 5 căn ra chợ. Mắt tai buông lung tứ phía thì người chăn sẽ không nổi. Về nhà rồi, con trâu vẫn còn lồng lộn đâu chịu đứng yên.
Tâm vốn không, cảnh vốn tịch. Chỉ vì vọng tập dấy niệm. Không tỉnh giác, nhận niệm này là ta, theo nó tạo nghiệp thành có luân hồi.
Thấy cảnh khởi tâm liền thành năng sở đối đãi. Không dính mắc mới vào cảnh bất nhị. Thể và dụng không trái mới về chân như. Mỗi người hãy tự xét xem trâu của mình đen hay trắng !
I. Chưa chăn
- Đầu sừng dữ tợn quá hung hăng.
- Vượt suối băng rừng mãi mãi xa.
- Một mảnh mây đen ngang cửa động.
- Bước bước phạm vào mạ người ta.
1. Ngang ngạnh ngu dốt.
2. Rong ruổi trần cảnh.
3. Vô minh lấp tâm, tội chướng trí tuệ.
4. Mở lời, động tay là đã trái pháp, thương tổn đến người khác. Bạo ngược mà cứ tự cho là anh hùng.
Bậc tiên thánh dạy răn như sau, người có trí phải ghi nhớ :
Trượng phu một dao cắt đứt, tu hành dứt khoát không dây dưa ái luyến hay thù oán. Mặt người dạ thú, tướng mạo tu sĩ mà lòng dạ cứ ôm ấp những xấu ác thì sẽ tạo nghiệp không cùng. Ăn ngon, mặc đẹp, ngủ nhiều là từng bước phạm mạ non. Học kinh, nghe pháp, tụng giới, sám hối là phương pháp tẩy dần cho con trâu trở về trắng.
II. Mới chăn
- Ta có dây thừng xỏ mũi rồi.
- Mỗi lần rong chạy quất thêm roi.
- Từ xưa tánh liệt khó điều chế.
- Mục đồng còn phải ráng sức lôi.
1. Giới luật nghiêm trì.
2. Tâm động tình sanh liền quán chiếu.
3. Hôn trầm tán loạn.
4. Lập chí quyết tu hết sức mình.
Nghiệp lực đưa vào luân hồi sanh tử. Định và tuệ lực mở cửa giải thoát. Dùng các phương tiện huân tu, tận lực chinh phục nội tâm. Nhờ giới luật điều chế thói buông lung phóng túng. Mỗi niệm khởi, trí liền dừng, đó là đánh một roi. Dũng mãnh tinh tấn là thiết yếu. Con trâu mà không có sợi dây mũi thì 3 chú mục đồng cũng phải thua. Dù có Phật tánh, nếu không phương tiện dũa mài, trọn không trở về thanh tịnh.
Các tập khí rất khó bỏ, rất mạnh rất đáng sợ. Thật chiến thắng phiền não, chỉ khi nào đã vĩnh đoạn hết tập khí. Người tu hành phải dè dặt đề phòng cẩn thận. Giặc vẫn ngủ ở trong mình, luôn luôn phải theo dõi, làm chủ, đừng để tham sân si lôi cuốn.
III. Chịu phục
- Dần dà chịu phục hết chạy rong.
- Lội nước, lên non, bước bước đồng.
- Tay nắm dây thừng không nới lỏng.
- Tay roi chăm chỉ, đúng mục đồng !
1. Dù ở chỗ huyên náo hay tĩnh vắng, thể vẫn an nhiên. Như ngu tợ ngốc.
2. Dù có khi lăng xăng nhưng công phu đã thành thói quen. Dù vội vàng cũng chẳng rời. Tập lâu thành tánh.
3. 4. Tuy đã thắng vọng tưởng mà càng sấn tới chỗ chí đạo. Hòa-thượng Dũng Tuyền 40 năm chăn trâu mà còn có lúc tuột tay. Hòa-thượng Đàm Hối nói : Việc này không dễ, phải biết hổ thẹn. Cần có chí hướng cao thượng. Lấy xuất thế làm bản hoài, lấy minh tâm làm cứu cánh. Quyết liệt tu đến thành Phật, không một phút lơi lỏng. Trâu đã trắng cái đầu.
IV. Hồi đầu
Lâu ngày dày công mới chuyển đầu.
Dần dần thuận nhu tâm điên cuồng.
Mục đồng chưa dám toàn tin tưởng.
Dây thừng vẫn nắm, giữ chừng nhau.
Dụng công đã thuần. Hai ma hôn trầm và tán loạn đã chịu phép. Mục đồng càng tinh tấn. Xả vọng thân, vọng tâm, vọng cảnh. Tâm Bồ-đề, trên cầu Phật đạo dưới độ chúng sanh lúc nào cũng hiện tiền.
Trâu trắng thêm 2 vai và 2 chân trước.
Học đạo phải như người sắt
Nắm thẳng đầu tâm, liền chặt
Vượt lên Vô thượng Bồ-đề
Tất cả thị phi không quản.
Học đạo như dùi lửa, thấy khói chưa thể dừng. Lòng dạ như sắt đá. Chỉ giữ chánh niệm, ngoài ra niệm thiện niệm ác, vừa dấy lên liền dứt ngay không thương tiếc. Nhập định cho bằng được. Hơn thua phải quấy không quản ngại thì được Bồ-đề. Nếu còn quản ngại thì tuột xuống địa ngục.
V. Thuần phục
Dưới bóng liễu xanh, bên suối xưa
Cỏ thơm mây biếc, chiều xế bóng.
Thả đi, giữ lại, đã tự nhiên
Mục đồng nhàn nhã chẳng phải chăn.
Chẳng hệ lụy ngoại trần. Trước mắt muôn ngàn sai khác. Tâm vẫn một cảnh. Tán loạn đã hết, tùy thuận định môn. Sức tinh tấn sau nối tiếp sức tinh tấn trước, một mạch tâm hoàn toàn trống lặng thanh tịnh. Công phu nỗ lực lắm lắm mới tới chỗ này.
Tâm an nhiên, vua quan tới thăm không mừng, ma quái chọc phá không giận. Tu hành khẩn thiết khiến tâm có sức mạnh.
Hòa-thượng Kiếm Nam nói : Từ khi nhận ra hòn minh châu coi Đế Thích Phạm Thiên cũng như người thường.
Trâu đã trắng hết cái bụng.
VI. Vô ngại
Giữa trời trâu ngủ, còn lo chi ?
Giây mũi, roi đánh, đâu cần gì ?
Mục đồng ngồi chơi, tùng xanh biếc
Khúc sáo thanh bình, vui quá đi !
Lòng dạ thênh thang, tùy duyên phóng khoáng, không câu nệ chi tiết. Việc cần làm thì làm, không cần phải giữ gìn, không có gì phải bận lòng, tâm an nhiên tự tại. Nơi khác gọi mục này là Thõng tay vào chợ. Trâu chỉ còn cái đuôi đen.
Tam Tổ dạy : Chẳng trụ có không, một lòng bằng phẳng. Triệu luận nói : Thánh nhân hòa quang đồng trần, vào khắp năm thú. Lặng lẽ ra đi (tịch) tự tại đến (sanh). Điềm đạm như không làm gì mà chẳng gì không làm.
Cửa sâu kín đã mở. Sự ứng hiện của các bậc Thánh không đồng. Đức Lục Tổ lúc nhỏ phải đi kiếm củi nuôi mẹ. Đức Thích Ca sanh vào nhà vua. Ngài Phật Quả giản dị mà đoan trang. Ngài Diệu Hỷ kỹ lưỡng tỉ mỉ từng sự tướng mà tâm rộng rãi bao la. Ngài Cao Phong tinh nghiêm. Ngài Huyễn Trụ sáng ngời.
Chẳng có gốc do đâu hiện dấu. Cũng nhờ dấu nay mà hiển bày gốc xưa. Tu đến vô ngại rồi, đời này đời sau liên tục giáo hóa chúng sanh, dù hoàn cảnh nào, ở chỗ nào cũng tự tại không ngại.
Phật giáo Nhật Bản kể chuyện : Hai vị sư cùng đi tới một con suối. Một cô gái y phục sang trọng đang bối rối không biết làm sao qua suối. Một vị sư bế phăng cô bé qua suối, đặt lên bờ rồi tiếp tục theo bạn đi về chùa. Vị kia nghiêm nghị cử tội vị này đã xúc chạm đến nữ thân.
– Tôi đã đặt cô ấy ở bờ suối rồi. Làm sao sư huynh còn đa mang cô ấy mãi tới đây ?
Vậy trong 2 người, ai thảnh thơi ? Vì câu nệ tiểu tiết, có những việc chúng sanh cần mà ta không giúp. Nhưng cần phải tự xét, có thật tâm mình đã vô ngại mới có thể noi gương quý ngài.
VII. Mặc tình (nhậm vận)
(Trâu hoàn toàn trắng, hướng về mục đồng.)
- Liễu xuân lặng lẽ soi bóng trong nước.
- Khói nhạt cỏ thơm, một màu nhung xanh.
- Đói ăn khát uống, mặc ngày qua.
- Mục đồng ngủ ngon trên hòn đá.
1. Nơi phồn hoa huyên náo hàng ngày không mê.
2. Cảnh sắc yên vắng, nhận được tự tánh.
3. Sống với chân tánh không tạo nghiệp.
4. Hồn nhiên ăn ngủ, thuận thiên chân.
Mê là quên mình chạy theo vật. Tỉnh là nhớ sống với chân tâm. Chạy theo cảnh là mê. An tĩnh yên tu là ngộ. Dù có bao nhiêu việc phải làm vẫn tỉnh giác. Lăng xăng bao nhiêu vẫn không mê.
Mọi người mê theo cảnh. Người tu không quên mình, nương cảnh thấy mình (kiến sắc minh tâm). Đức Phật cầm cành hoa. Tổ Ca Diếp mỉm cười vì nhớ đến tánh thấy.
Hòa-thượng Vô Nghiệp đạt ý rồi, ở nhà tranh thất đá 30 năm, trong dừng ý ngoài quên duyên, chuyên ròng nơi chí đạo.
Tổ Vĩnh Gia nói : “Thân nghèo mặc áo vá. Tâm giàu đầy đạo báu”. Cùng Thích Ca một mắt thấy. Đồng Di Lặc một tai nghe. Với Tịnh Danh một thọ dụng. Với Lão Bàng cùng ra vào. Thiên đường địa ngục, mặc tình tiêu dao. Hang cọp cung ma, dọc ngang tự tại.
Giữa trời làm nhàn khách
Hình tướng như Tăng quê
Chê khen không quản ngại
Thanh thản như mây bay.
(Hòa-thượng Thanh Từ nhắc : Thanh nhàn không có nghĩa là biếng lười. Tùy duyên không có nghĩa là bừa bãi.)
Bồ-tát độ chúng sanh không chấp có tướng chúng sanh được độ nên tâm rỗng lặng như hư không.
VIII. Quên nhau (tương vong)
- Trâu và người cùng ở trên mây
- Người vô tâm, trâu cũng vô tâm.
- Trăng xuyên mây trắng, mây thành sáng.
- Trăng trong mây bạc khắp tây đông.
1. Cảnh và trí, một màu rỗng lặng.
2. Cảnh và trí đều không, tâm an nhiên.
3. Cảnh và trí thầm hợp, sắc không chẳng hai.
4. Dù ứng dụng với ngàn sai vạn biệt, tánh chân như vẫn lặng trong bất động.
Luận rằng : Tâm không dấy niệm nên như như. Tâm cảnh không nên trí giác sáng ngời. Diệu dụng không thể nghĩ bàn, gần kề Phật Tổ. Mỗi hành động đều từ Bồ-đề. Vọng thân nay chính là pháp thân. Vọng cảnh nay là Huyền Hoa Tạng thế giới. Không một hạt bụi tí nào không thấu rõ. Tất cả vận dụng đều phi thường. Vọng tâm của thế gian còn tạo được máy bay xe hơi. Huống chi chân tâm diệu dụng hẳn không thể nghĩ bàn nên nói đạp nhào biển cả, đá ngã Tu-di. Người tu đừng sợ vô phân biệt thành ngu. Vân Môn kệ rằng :
Cái thấy nghe này chẳng thấy nghe.
Sắc thanh hư vọng đâu thật có
Vì thế trong đây toàn vô sự.
Thể dụng ngại gì phân chẳng phân.
Không còn đối đãi năng sở, phân chia tâm cảnh nên tranh tên là cùng quên (tương vong).
Ngũ Tổ dạy :
Một Phật, hai Phật, ngàn muôn Phật,
Đều chính là mình, không chi khác.
Năm trước căn lành, gieo sẵn rồi.
Ngày nay sức lớn hẳn liễu đạt.
Xoay lại nhận được tánh giác của mình thì tất cả ba đời mười phương Phật đều hiện đủ tại đó. Vì tánh giác đồng thể với Phật nên đã tu hẳn phải có kết quả.
IX. Độc chiếu
Trâu đã vắng, mục đồng nhàn
Đường về ánh trăng soi tỏ
Một mảnh mây còn chắn ngang
Tay vỗ nhịp tiếng hát vang.
Độc chiếu : Một trí độc lập không phân chia tâm cảnh. Được pháp không, Bồ-tát hạnh đã cao. Hoặc vi tế đã hết nhưng lý tinh diệu chưa tròn. Mọi việc đều trong sáng. Chỉ còn một bước nhảy cuối cùng.
X. Song dẫn (bặt cả 2)
- Cả người lẫn trâu bặt tung tích
- Vầng trăng vằng vặc, vạn tượng không.
- Nếu hỏi trong đây đoan đích ý
- Cỏ thơm hoa dại tự um tùm.
1. Tâm và pháp cùng bặt.
2. Chỉ một thể linh diệu sáng
3. Hỏi cảnh giới viên giác đâu ?
4. Đáp : Ở ngay trước mắt.
Núi sông vạn vật đồng thể, đâu có chi khác. Công phu đến tột mức. Một phen được là được mãi. Thấy được bản lai diện mục. Đến chỗ đại an lạc này, làm một việc vô vi vô sự này chính là bậc đạo nhân chân thật xuất cách. Nên nói : Việc tham học một đời đã xong.
Năm ấm ba độc đã giải quyết. Không năng sở chỉ một tâm trong sáng. Cảnh giới tự tu tự chứng không dùng lời nói ý nghĩ mà suy luận được. Tất cả chúng sanh vẫn ở trong đó mà không tự biết. Chạm mắt, gặp duyên, thế giới, núi sông, đều đồng một thể, trọn không có vật chi khác. Tất cả đều là cảnh giới Phật.
Cho nên với người ngộ thì Phật rất gần. Với người mê thì Phật thật xa.
NGÀI QUẢNG TRÍ TỔNG LUẬN
Yếu chỉ tu hành là sống với chân tâm. Làm chủ được mình. Không để vọng tâm đánh lừa và chi phối.
HÒA-THƯỢNG THANH TỪ TỔNG KẾT
Chăn trâu có nhiều bản khác nhau. Theo ngài Quảng Trí, mục đồng là ý thức. Ý thức có 2 mặt : Mê thì nó phụ họa với 5 thức để chạy theo 5 trần. Chính nó là trâu hoang.
Tỉnh thì nó là mục đồng. Vậy chăn trâu là cái tỉnh chăn cái mê. Chăn trâu là giữ gìn 5 căn không cho dính vào 5 trần chớ không phải nhắm mắt bịt tai, tu để thành đui điếc.
Con trâu hoang rất mạnh. Mình yếu hơn nó làm sao điều phục nó ? Nhờ có dây mũi (giới luật) và thêm dây roi (các pháp quán) mình mới có ưu thế.
Điểm then chốt của 10 mục chăn trâu là nếu quyết tâm tận lực nhất định sẽ điều phục được trâu dù nó là trâu hoang. Thắng được nó rồi con người sẽ hết khổ, thảnh thơi.
Rõ ràng tất cả chúng ta đều sẵn có khả năng thành Phật. Chỉ cần dẹp sạch những thói quen mê lầm. Chân tâm chúng ta như gương bản lai vẫn sáng. Tánh Bát Nhã được ví với kim cương bất hoại. Chỉ vì bụi phủ, hoặc sơn phết nên gương tựa hồ mất sáng. Nay tận tình lau cạo sạch sẽ thì ánh sáng vốn có của gương phải được hiển lộ. Tu là một việc làm khẳng định thành công.
Mong liệt vị Tăng Ni đừng coi sự tu hành là một việc cầu may hoặc làm để chơi. Thả trôi cả một đời người. Sau trở lại, liệu có gặp đủ duyên tốt đẹp như hiện nay không.
Mong quý vị ráng chăn cho bằng được con trâu của mình. Cầu mong cho tất cả mục đồng sớm sớm thành công. Đó là điều tôi nhắc nhở, xin quý vị ghi nhớ.
* Đem cái tỉnh dẹp cái mê. Vọng tâm vọng cảnh không còn là phá xong ngã chấp và pháp chấp. Dẹp hết vô minh thì minh tỏ lộ. Được lậu tận minh là hết luân hồi sanh tử. Tiến lên giác ngộ viên mãn.