CHUADUOCSU.ORG
ĐẠO PHẬT VÀ TUỔI TRẺ
Lão Tử nói: “Thắng nhân giả lực, tự thắng giả cường”.
Thật vậy, thắng người chỉ là vấn đề sức khỏe hay mưu chước xảo quyệt. Anh yếu tôi mạnh, tôi có thể lấn áp được anh; anh thật thà chất phác, tôi mưu thần chước quỷ, tôi sẽ hơn được anh. Nhưng đó chỉ là vấn đề bên ngoài. Về nội tâm, một lần tôi hơn anh là một lần tôi đã thua tôi. Vì anh yếu, tôi mạnh, tôi ỷ sức mạnh hiếp người yếu, đó là lòng “khinh mạn” đã làm chủ tôi. Anh thật thà, tôi xảo quyệt, ỷ trí khôn xảo của mình, tôi lường gạt anh, là tôi đã làm nô lệ cho lòng “tham lam”. Tôi lấn áp, lường gạt anh, anh thua tôi nhưng chưa hẳn là anh phục tôi. Để lòng “khinh mạn”, “tham lam” làm chủ, tôi đã thật sự đầu hàng nó. Vì thế, thắng người chưa phải là mạnh.
Thắng mình mới thật mạnh, trước một vẻ đẹp yêu kiều, bạn giữ lòng không xao xuyến. Sắp nắm trong tay một mối lợi khổng lồ nhưng không hợp đạo nghĩa, bạn bỏ qua không chút hối tiếc. Đời bạn hoàn toàn trong sạch mà bỗng nhiên một đứa thất phu vô cớ thóa mạ bạn. Lúc đó bạn vẫn giữ lòng an tịnh không chút rạo rực… Những việc đó bạn nghĩ có dễ làm chăng? Người tầm thường có thể làm được không? – Chắc bạn cũng đồng ý như tôi, người thắng được lòng mình một cách quả cảm, đòi hỏi phải có một nghị lực phi thường, một bản lĩnh xuất chúng. Vì thế, người thắng được lòng mình mới thật là người mạnh.
Đây tôi giới thiệu bạn một phương pháp làm “Anh hùng thật sự”, “Anh hùng muôn đời”. Muốn làm vị anh hùng này, trước bạn phải tập tu đức nhẫn nhục. Nghe nói đến nhẫn nhục, bạn đã bật cười!… Khoan! Khoan! Bạn đừng cười vội. Tôi biết bạn sẽ bảo: “Tôi thanh niên đâu phải như những ông già bạc nhược, mà mỗi cái bảo phải nhẫn nhục”. Vâng! Bạn là thanh niên, nhưng bạn đừng lầm hiểu nhẫn nhục là hèn yếu khiếp nhược. Nhẫn nhục là một “khả năng chịu đựng”. Có chịu đựng được mọi thử thách, mọi thống khổ, mọi bực nhọc… Người giàu nghị lực mới đủ kinh nghiệm, mới tiến lên bậc Hiền Thánh và xứng đáng là anh hùng.
Một em bé ôm tập đến trường, nếu không chịu đựng nổi sự rầy phạt của ông Thầy, em có thể biết chữ chăng? Một nhà thương mại, nếu không chịu đựng được tiếng chê khen của khách hàng, những lỗ lã, nhà thương mại ấy có làm giàu được không? Một kỹ nghệ gia, nếu không chịu đựng được sự hư hao thất bại, sự thắc mắc của nhân công, có thể lập nên những xí nghiệp vĩ đại chăng?… Tóm lại, ở giữa xã hội này, trong mỗi ngành, mỗi nghề, nếu người không có sức chịu đựng, thì không làm được việc gì cả.
Chịu đựng được ngoại cảnh chưa phải khó, chịu đựng được nội tâm mới thật gian nan. Tôi đang ngồi chơi, vô cớ một người đến thóa mạ tôi. Khi ấy, tôi chửi mắng lại họ là khó hay tôi giữ lòng phẳng lặng không cho cơn giận dấy lên là khó? Người chửi mình, mình chửi lại, việc ấy trẻ lên ba cũng thường làm. Người chửi mình, mình vẫn giữ thái độ bình thản, lòng không rạo rực mới thật khó. Điều này chỉ những bậc Thánh nhân, những hạng anh hùng mới làm được. Muốn làm anh hùng, bạn phải làm những việc các bậc anh hùng đã làm. Còn việc hàng ngày của trẻ con ấy, bạn nên tránh xa; nếu bạn làm theo, bạn đã trở thành trẻ con nốt!
Chắc bạn sẽ băn khoăn hỏi tôi: Tại sao các bậc Thánh nhân chịu đựng được những cái khó chịu đựng ấy? – Thưa bạn! Bởi các Ngài dồi dào nghị lực, sáng suốt nhận định lẽ phải nên chịu đựng rất dễ dàng. Bằng chứng đức Thích Ca, một hôm đang giảng đạo, bỗng một kẻ ngoại đạo đến mạ nhục Ngài. Ngài yên lặng không đáp, gương mặt tươi tỉnh như không. Nói mà không người đáp, khác nào nhóm lửa giữa hư không, kẻ ngoại đạo bực tức hỏi Ngài: “Tại sao tôi mạ nhục ông mà ông không trả lời?”. Phật ung dung đáp: “Này ngươi! Ngươi đem một món quà đến cho ta, ta không nhận, món quà ấy về ai?”. Người ngoại đạo đáp: “Tôi cho ông, ông không nhận là về tôi”. Phật bảo: “Cũng thế, ngươi mạ nhục ta, ta không nhận thì ngươi tự chuốc họa vào mình”.
Một hôm đi dạo phố, bạn gặp người điên rượt đánh bạn. Trường hợp đó, bạn nghĩ sao? Đánh lại họ chăng hay chạy tránh họ? Nếu bạn nhận là người trí, bạn chỉ yên lặng lánh xa họ. Vì họ đã là điên mà mình chống cự họ, mình cũng điên nốt. Cũng thế, giữa đời này những kẻ gây sự vô cớ, khác nào người điên kia. Ta là người trí nên tránh họ, mà không nên chống đối.
Người tu đức nhẫn nhục, không những chịu đựng những cơn phẫn nộ không cho dấy khởi, mà bất cứ điều gì làm cho tâm hồn xao xuyến rạo rực đều chịu đựng để dằn ép chúng trở về trạng thái yên tĩnh. Nhẫn nhục là một cách súc tích khí lực điều khiển thân tâm mình. Người làm chủ được mình là một sức mạnh vô biên. Phật dạy: “Thắng một vạn quân, không bằng thắng mình, thắng mình mới là chiến công oanh liệt” (Kinh Pháp Cú).
Người đời chỉ mong chinh phục kẻ khác, chinh phục ngoại cảnh mà quên đi nội tâm. Khác nào, con trong nhà không dạy, không răn, mà đi dạy răn con nhà hàng xóm, thật là một việc viển vông. Bắt người cung kính, tuân lệnh mình mà mình nô lệ thất tình lục dục, thì còn tai hại nào to hơn! Ông A có uy quyền, có thế lực, ai cũng sợ, cũng khiếp, bảo điều gì ai cũng phải theo. Như vậy nếu ông A bị nô lệ lòng tham, chúng ta thử nghĩ, những kẻ dưới tay ông sẽ là gì? – Phải chăng sẽ là những con chó săn đang lao mình trong rừng rậm. Trong xã hội này, nếu ai cũng muốn tạo uy quyền bên ngoài, mà không thắng được bên trong thì xã hội sẽ ra sao?
Tóm lại, tạo uy quyền bên ngoài tuy khó, nhưng đã lắm người tạo được. Điều phục nội tâm là chuyện khó gấp bội lần hơn, chỉ những bậc Thánh nhân, những vị anh hùng mới làm được. Vì thế, đức Thích Ca chưa từng cầm gươm lên ngựa chinh phục một ai, chỉ ngồi tĩnh lặng dưới cội Bồ-đề, chuyên gạn lọc nội tâm, mà Ngài đã được hiệu “Điều Ngự Sư” hay đấng “Đại Hùng Đại Lực”. Ngài là một vị “Anh Hùng muôn đời”. Tôi mong bạn, một thanh niên của nước Việt Nam, bạn hãy đắn đo cẩn thận, trước khi bạn tập làm “Anh Hùng”.