GIẢI THOÁT

Thiền sư Thanh Từ
Phật giáo Đại Thừa

Cốt lõi đo Pht là giải thoát đau khổ. Biết đúng mới làm đúng, có giác ngộ mới có giải thoát. Như người nghiện á phiện muốn thoát khổ, trước hết chính mình phải nhận thức rõ ràng tai hại của á phiện. Rồi lập chí cương quyết bỏ. Dù bị cơn ghiền hành hạ thế mấy, liều chết không dùng á phiện nữa. Có thế mới hy vọng thành công trong việc chừa bỏ bệnh ghiền. Thái tử Tất Đạt Đa, vì giác tỉnh được bốn khổ sanh già bệnh chết, mới mãnh liệt xuất gia, tìm cho bằng được nguồn gốc luân hồi.

Nghip là sức mạnh của thói quen. Ban đầu ta là chủ tạo nghiệp. Khi nghiệp đã thành thì nghiệp làm chủ chi phối lại chúng ta. Ban đầu ta bắt chước bạn bè tập uống rượu. Sau ghiền rồi, ta bị rượu chi phối. Nghiệp dẫn dắt chúng ta lang thang trong sáu nẻo luân hồi. Động gọi là sống. Ngừng mọi hoạt động gọi là chết. Tụng rằng:

Đem vào nhờ gió nghiệp

Tống ra cũng gió đưa

Nào hô hấp tuần hoàn

Một phen gió nghiệp dừng

Thân chỉ là khúc gỗ.

Gió nghiệp hút cơm nước không khí vào. Gió nghiệp tống phân tiểu đờm dãi ra. Gió nghiệp dừng thì thân cứng đờ rồi tan rã. Còn nghiệp còn sự sống và tiếp nối sự sống. Nghiệp chủ động vòng sanh tử.

Thói quen làm lành (nghiệp thiện) đưa về cõi trời.

Thói quen làm ác (nghiệp ác) đưa về địa ngục.

Vậy nghiệp là những hành động hàng ngày của mình. Chính chúng ta tự định đoạt số phận hiện tại và vị lai của mình. Không ai khác, kể cả đức Phật, có thể đem vui khổ lại cho chúng ta. Nghiệp lành hay dữ, tích lũy thành sức mạnh, dẫn dắt đến chỗ tương ưng để thọ sanh gọi là tích-lũy nghiệp. Như cây đã nghiêng hẳn một chiều thì khi đổ hẳn ngả về mặt ấy.

Một đời lẫn lộn thiện ác, không nghiêng hẳn mặt nào, lúc lâm chung nhờ bạn lành tụng kinh để giúp giác tỉnh, hoặc niệm Phật để hộ thêm sức mạnh cho chí nguyện cầu vãng sanh. Cận tử nghiệp này rất đắc lực. (Cận: gần; tử: chết. Nghiệp khởi lúc gần chết là đầu mối của nghiệp lai sanh).

Cả thân miệng ý cùng tạo thì kết quả hẳn là định nghiệp. Nếu thân miệng tạo mà ý lơ là thì nghiệp bất định, có thể theo duyên thiện ác mà thay đổi.

Đã biết rõ nghiệp là chủ của tất cả khổ vui.

Nghiệp xuất phát từ thân miệng ý.

Nên ai đã phát tâm quy y Tam-bảo thì phải thọ năm giới (thân không sát sanh, không trộm cướp, không tà dâm; miệng không nói càn, không uống rượu) để thoát cảnh địa ngục ngã quỷ bàng sanh. Phật lại đặt ra mười giới để đưa chúng sanh lên trời (thân không sát sanh, không trộm cướp, không tà dâm; miệng không nói dối, không hai lưỡi, không thêu dệt, không độc ác; ý không tham lam, không sân giận, không tà kiến si mê). Thập thiện tuy chưa ra khỏi luân hồi, tuy chưa vĩnh viễn thoát khổ, nhưng chính đây là nấc thang cơ bản. Nếu thiếu thập thiện thì không thể nói đến Phật đạo.

Đã giác ngộ ý là chủ đng nên cần tu thiền để định tâm hoặc niệm Phật đến nhất tâm không loạn.

Nim Pht về Sự: Phải tin chắc có cõi An Lạc thật, có đức A Di Đà tiếp dẫn thật, mình niệm Phật quyết định vãng sanh. Về Lý: Phải tin chắc tâm tịnh thì độ tịnh, tự tánh Di Đà, duy tâm Tịnh-độ.

Dù niệm thầm hay ra tiếng phải nghe rõ danh hiệu Phật. Tâm không cho vọng tưởng. Lúc đầu cần thời khóa, xâu chuỗi v.v… dần dần trong bốn oai nghi, tất cả hoạt động, càng già bệnh càng hoạn nạn càng tinh tấn. Có người chuyên sự, có người chuyên lý, có người song tu sự lý. Nhưng chủ yếu phải Nhất Tâm.

Thiền tiệm thứ có đề mục, có phương pháp ứng dụng, có thứ lớp tiến tuần tự, có sở chứng sở đắc từ thấp lên cao. Như Tứ Niệm Xứ, Minh Sát Tuệ, Lục diệu pháp môn v.v…

Lục diệu pháp môn:

  1. Sổ tức: Hít vào đếm một, thở ra đếm hai hoặc cả vào ra đếm làm một. Chú tâm hơi đi tới đâu vào hay ra đều thấy rõ. Nhớ số từ một đến mười không lộn. Hết mười trở lại đếm một. Nếu giữa chừng quên số, bỏ đi đếm lại. Cột tâm theo số và hơi thở, không cho tâm lạc đi việc khác. Chú ý đừng đem hơi thở xuống rốn sanh mệt, hơi thở dài và nhẹ là tốt. Bao giờ thiền hàng giờ mà vẫn nhớ số là thành công.
  2. Tiến lên Tùy Tức. Bỏ đếm số. Bao giờ chỉ còn thấy hơi thở ra vào không còn nghĩ gì khác là xong.
  3. Chỉ: Xem hơi thở ra vào nơi mũi. Như người gác cổng nhận diện từng khách ra vào không để sót ai.
  4. Quán: Chỉ lâu hay bị hôn trầm cần Quán để đối trị. Quan sát hơi thở mong manh tạm bợ, mạng sống xây dựng trên hơi thở chỉ là một chuỗi sanh diệt hư vọng. Thấy được lẽ thật này là Thấy Đạo. Hoặc quan sát: Không khí, phổi, tác động tâm lý, đủ ba duyên này mới có thở. Đã cần duyên mới có thì sự thở không thật. Mạng sống do đây rõ ràng là huyễn vọng. Giác tỉnh được như vậy là pháp quán đắc tuệ.
  5. Hoàn: Quán nhiều sanh động nên xoay lại tìm xem tâm năng quán này ở đâu? Tìm rốt ráo không thấy nó thì năng sở tự yên lặng.
  6. Tịnh: Chỗ năng sở yên lặng này là tâm thanh tịnh. Tâm thanh tịnh bền bỉ lâu dài là xong xuôi phần tu Lục diệu pháp môn.

Thiền đốn ngộ, kiến tánh khởi tu, không đề mục, không phương pháp, không sở chứng sở đắc. Mê bản tâm là chúng sanh; ngộ bản tâm là Phật; không tu mà tu; không chứng mà chứng. Biết nơi mình có cái không sanh không diệt. Vì từ vô thủy mình cứ chạy theo những thứ sanh sanh diệt diệt nên tâm tạo nghiệp luân hồi. Nay không sống theo tâm phan duyên nữa. Y cứ vào căn bản Bồ-đề. Tâm sanh diệt dấy lên, không nối tiếp. Cổ đức nói: “Chớ sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm” (Bất úy tham sân khởi, duy khủng tự giác trì). Thiền sư Vô Nghiệp suốt đời chỉ dùng một câu để trả lời các thiền khách: “Chớ vọng tưởng”.

Vào thiền khóa thì “tảo niệm” (quét sạch niệm). Khi ra ngoài bắt buộc tiếp xúc sáu trần thì hằng quan sát các pháp duyên sanh như huyễn nên chẳng lưu tâm. Như người đi chợ qua bao cửa hàng, chen chúc bao người trong các đường nẻo. Về đến chùa, có người hỏi: “Đi chợ có thấy gì không?”. Đáp: “Không!”.

– Có phải thật không thấy gì đâu mà chỉ vì chẳng có gì đáng chú ý nên nói không thấy gì. Khi tiếp duyên xúc cảnh, người tu đã quá rõ vạn pháp hư vọng nên chẳng bận lòng. Tập khí vọng tưởng dấy lên cũng biết là vọng chẳng phải tâm mình, không theo, lâu ngày tự hết.

Hôn trầm nặng nề thì chấn chỉnh thân, mở mắt to nhìn lên cao. Nếu không hết thì tự đặt câu hỏi: “Hôn trầm xuất phát từ chỗ nào?”. Theo dõi lùng tìm nó thì hôn trầm sẽ tan. Tán loạn mãnh liệt cũng tự đặt câu hỏi: “Vọng tưởng này từ đâu đến?”. Tìm kiếm một lúc nó sẽ hết. Hết hôn trầm tán loạn, trở lại “không theo niệm” như trước. Mã Tổ bảo: “Chỉ không cho trâu xâm phạm mạ của người là biết chăn trâu”. Con trâu là vọng tâm, chạy loạn vào lúa mạ là vọng theo sáu trần, dừng lại không theo là lôi mũi kéo về. Cứ thế mãi, giờ ngồi thiền chăn trâu, giờ công tác chăn trâu, dạo chơi, tiếp khách cũng chăn trâu… không lơi lỏng. Nên nói hái rau, chặt củi, nấu cơm v.v… đều là thiền. Chăn cho đến khi trâu không còn, người chăn cũng mất, đây là hoàn toàn an định. Thiền sư Lương Giới nghe Ấn Sơn nói: “Tôi thấy hai con trâu báng lộn nhau, chạy ùa xuống sông đến nay không có tin tức”. Sư liền đắp y đảnh lễ.

Đến đây là ý nghiệp yên lặng, không còn lôi kéo vào luân hồi sanh tử nữa. Hàng Nhị thừa gọi là Niết-bàn. Đây là mục thứ tám trong mười bức chăn trâu, trâu và người chăn đã bặt chỉ còn vầng trăng trí tuệ tròn sáng. Kinh Pháp Hoa gọi đây là Hóa Thành. Thiền tông gọi là Tử Thủy (nước đã chết) hay đầu sào trăm trượng cần phải vượt qua. Bức tranh chăn trâu thứ chín là nhập Pháp-thân cũng gọi là nhập Phật giới. Bức thứ mười gọi là nhập ma giới, vẽ người tu xách xâu cá vào chợ, vì đủ khả năng hòa quang đồng trần làm lợi ích chúng sanh mới vẹn tròn công đức để thành Phật.

Trực ngộ bản tâm rồi tu thiền đốn ngộ là chủ yếu. Thiền sư Mã Tổ dạy Pháp Thường: “Tức Tâm là Phật”. Thường tỏ ngộ, về núi Đại Mai cất am tu. Một thời gian sau, Mã Tổ cho người tới dạy: “Phi tâm phi Phật”. Thường đáp: “Mặc ông già phi tâm phi Phật, tôi chỉ biết tức tâm là Phật”. Mã Tổ khen: “Trái mai đã chín”. Đây là tin nhận mình có bản tâm là Phật tánh, chân thật chắc chắn không còn lay chuyển. Người này tu thiền đốn ngộ cũng có kết quả như người đã được diệu ngộ rồi mới khởi công tu. Bình nhật tâm tưởng chúng ta lăng xăng. Đến khi chúng ta để ý nhìn lại nó thì nó mất dạng. Biết nó hư dối, nó liền không có khả năng lôi cuốn dẫn dắt chúng ta nữa. Nên Tổ Đạt Ma nghe Huệ Khả tuyên bố: “Con tìm tâm không được”, liền đáp: “Ta đã an tâm cho ông rồi”. Thời gian sau, Huệ Khả bạch: “Con đã bặt hết các duyên”. Tổ cảnh cáo: “Coi chừng rơi vào đoạn diệt”. Huệ Khả thưa: “Rõ ràng thường biết. Nói không thể đến”. Tổ ấn chứng: “Đây là chỗ truyền của chư Phật, chớ có hoài nghi”. Có người học đạo đã thầm hiểu được mình có chân tâm thường trụ, biết rõ vọng tâm hư dối mà không dám hạ thủ công phu tiến tu chánh định. Cứ đợi bao giờ ngộ mới tu. Đó là đuổi theo ảo ảnh của danh từ ngộ. Đâu biết rằng tin chắc không nghi chân tánh thường trụ ở khắp mười phương; ý thức được sự đọa đày trong vòng lục đạo; lại biết được đường lối tháo gỡ những gút mắc của muôn ngàn sợi dây nghiệp báo; đó là chúng ta đã có nền tảng vững chắc của đạo giác ngộ giải thoát.