HƯƠNG TRẦM

KÝ SỰ DU HÀNH TẠI ẤN ĐỘ – TRUNG QUỐC – TÂY TẠNG

SOẠN GIẢ: NGUYỄN TƯỜNG BÁCH

TOÁT YẾU: TỲ-KHEO-NI HẢI TRIỀU ÂM

I/ ẤN ĐỘ

GIẤC MƠ CẨM THẠCH

Né tránh tội lỗi, tập làm thiện thần, đó là điều rất nên. Nhưng không tuệ Bát Nhã thì dễ đi vào bóng tối của ngã ái ngu muội. Sai lầm chia thế giới làm 2 (tốt xấu, đúng sai, đen trắng) mà không biết rằng thế gian tương đối thường có nguồn gốc sâu xa.

Có những hành động cực ác xảy ra vì ăn khớp với một mắt xích nhân quả. Mỗi biến cố xuất hiện, nguyên nhân thường nằm trong quá khứ xa xôi. Tầm nhìn ngắn ngủi trong một kiếp người, không nên vội ngạo mạn lên án hay đánh giá. Thánh nhân thấy được tác động của nghiệp lực qua nhiều đời nhiều kiếp, hiểu được mọi giềng mối mới đủ khả năng phán đoán. Vì thế đức Phật chỉ một nụ cười đối với tất cả thế sự. Vua A Xà Thế giết cha, ngài Mục Kiền Liên bị ám sát, vua Lưu Ly giết họ Thích, đức Phật không can thiệp, không xen vào dòng chảy của nghiệp báo. Hoàng hậu Vi Đề Hy, mẹ A Xà Thế, quá chán ngán cảnh thảm khốc trong cung vua, nơi gọi là cành vàng lá ngọc, mới thỉnh Phật chỉ dạy một cảnh giới chân thật thanh tịnh. Do đây Tịnh-độ tông bắt nguồn.

ĐỀN BIRLA

Thánh nhân xưa nay là hiện thân của trí tuệ sáng suốt và diệu dụng từ bi, xuất thế để làm Đạo sư cho trời người, tùy thuận chúng dân để giáo hóa. Xưa kia hiện thân vua chúa như đức Thích Ca, chịu khổ hình như thánh Jésus, làm người hát rong như Milarepa. Ngày nay cũng chính các vị đó đang có thể dưới dạng nhà khoa học, người nghệ sĩ v.v… Chỉ Phật mới nhận ra Phật, Bồ-tát mới nhận ra Bồ-tát. Sai lầm thay khi ta dựa vào con người – dù là những vị Giáo   chủ – để tranh chấp hơn thua, bỏ quên nội dung giáo lý. Đức Phật đã dạy: “Y pháp bất y nhân”. Phật giáo tin rằng thế giới là dạng xuất hiện của một thực thể khác mà tự tánh là nhất như, siêu vượt tất cả hiện tượng và tư duy.

Ngôi đền Phật giáo, một tòa nhà nhỏ, bốn bề mở cửa, một bức tượng Phật bằng đồng đen ngồi im lặng, mỉm cười trong ánh nến mờ mờ, không một ai lui tới. Tôi là người khách duy nhất vào thăm hôm ấy. Trong tĩnh lặng khác hẳn cảnh huyên náo của đền Birla, thờ nữ thần ban bố giàu sang và hạnh phúc, chỉ cách đấy có vài bước chân. Tôi tự động nhớ ra không gì bấp bênh và chóng phai nhạt hơn tiền bạc và sắc đẹp. Vị trụ trì hỏi thăm, biết tôi là thương nhân. Ngài ngạc nhiên, sao tôi không sang khẩn cầu vị nữ thần của phú quý bên đền kia, mà lại đến đây thắp một nén hương trước tượng đồng đen. Ngài tỏ vẻ quý tôi lắm, tặng nhiều sách vở.

DỌC SÔNG HẰNG

Ngài Huyền Trang tới giao lưu của sông Hằng và sông Yamuna, bị cướp bắt định giết để tế thần. Huyền Trang nhập định, cầu đức Di Lặc đón về Đâu Suất. Trong khi ấy chợt đá bay, cát bụi tung trời, gió bão ầm ầm. Bọn cướp hoảng hồn, phủ phục dưới chân Huyền Trang cầu sám hối. Huyền Trang thoát chết, vội đến đỉnh lễ chỗ Phật đản sanh.

Còn tôi kẻ hậu sinh chẳng đáng làm học trò Ngài thì ung dung ngồi máy bay đi rong chơi. Ôi! Xấu hổ làm sao khi thấy nghị lực và trí tuệ người xưa. Ngày nay ta đi hành hương quá tiện nghi. Người xưa phải đổi mạng để lấy kinh sách. Ngày nay chỉ bấm một cái nút là kinh sách hiện trên màn hình, thêm một cái nút nữa là in ra hàng loạt. Ngày xưa cả đời mới khắc được một câu kinh. Ngày nay nhà in muốn sản xuất thiên kinh vạn quyển liền có. Nhưng ngày nay không mấy ai minh triết. Tâm thức biết nhiều hiểu rộng chỉ tạo thêm mây mù che ánh sáng giác ngộ.

Phật giáo coi trọng Bồ-đề tâm. Có Bồ-đề tâm thì một câu kinh cũng đủ, không có thì bao nhiêu kinh cũng vô ích. Tìm hiểu bước đường lữ khách của Huyền Trang, không phải là tò mò tìm xem dấu chân Ngài đi tới đâu mà để cảm khái tâm Bồ-đề kiên định của Ngài. Ta nên biết tùy hỷ công đức những ai đã dùng cả đời người để tạc một bức tượng, khắc một câu kinh. Những tác phẩm gỗ đá này là phương tiện để thực hiện Bồ-đề tâm.

HOA THỊ THÀNH

Thành phố buồn bã này đã từng là kinh thành hiển hách của xứ Ma Kiệt Đà. Bao nhiêu Thánh nhân đã sống mà sao nay chỉ còn một cái tháp bán cầu, cao 30m để chứa thóc gạo của một người Anh xây năm 1786, để giới thiệu với du khách?

Trước Công Nguyên, xứ Ma Kiệt Đà hùng mạnh, đã từng liên hệ với Hy Lạp ở phương Tây. Vua Ấn Độ yêu cầu vua Hy Lạp gởi rượu ngon, nho khô và sách triết học (Hy Lạp là quê hương vĩ đại về triết học của loài người). Vua Hy Lạp thời ấy là Antiochus trả lời: “Rượu và nho thì đang gởi nhưng triết lý thì không ai biếu không” (nghĩa là phải có sự trao đổi). Chúng ta biết thời đó ở Ấn Độ, triết học và văn hóa rất phát triển. Học thuật của Hoa Thị Thành đâu kém ai.

Về sau, vua A Dục lấy Phật giáo làm chủ đạo, đồng thời hết sức tôn trọng các tôn giáo khác. Đó là một điều rất lạ trong lịch sử Ấn Độ.

Huyền Trang đã viết: Ở bờ Nam sông Hằng, đứng trên một tảng đá vuông lớn, đức Thích Ca 80 tuổi khi qua bờ Bắc để về Câu Thi Na nhập Niết-bàn, bảo Anan: “Đây là lần cuối ta nhìn ngắm kinh thành phồn vinh này”.

Kinh thành cổ mà ngày xưa là một kinh đô cường thịnh, đã ghi dấu tới lui của bao nhiêu Thánh nhân. Phật và đoàn thể Tăng già đã thiền định tại đây, một đô thị đáng kính với số tuổi 2500 năm. Đã là nơi sinh hoạt của bao nhiêu Du Già Sư, nay rơi vào bóng tối của nghèo nàn nên bị quên lãng, Hoa Thị Thành là biểu tượng của vô thường.

NA LAN ĐÀ

Đại học Phật giáo đầu tiên xây dựng từ thế kỷ II. Suốt 1000 năm, nơi đây sản sinh hằng trăm Luận sư danh tiếng nhất Phật giáo. Trong thời kỳ cực thịnh, viện có tới 10.000 Tỳ-kheo tu học. Cuối thế kỷ XII, bị tín đồ đạo Islam hủy phá. Từ đó Phật giáo Ấn Độ suy tàn. Giảng đường, thư viện, tháp thờ, ngày nay chỉ còn nền đá nhưng phế tích được chăm sóc chu đáo.

Thời ngài Huyền Trang còn học, nơi đây các Tinh xá cao bảy tầng. Thời Phật đây là vườn xoài, Phật thường nghỉ chân mỗi khi rời kinh thành này của vua Tần Bà Ta La để đi lên miền Bắc. Đây cũng là quê hương của ngài Xá Lợi Phất và là nơi Ngài nhập Niết-bàn. Vua A Dục xây chùa. 300 năm sau, vua xứ Ma Kiệt Đà mới thành lập Viện Phật Học. Ngay thế kỷ II, một nhân vật kiệt xuất tên Long Thọ đến tu học và sau trở thành Viện trưởng. Ngài là Thiền Tổ thứ 14, Luận sư bậc nhất trong Phật giáo, sáng lập Trung Quán tông. Sau Long Thọ có những Luận sư danh tiếng, như Thánh Thiên, Vô Trước, Thế Thân, Hộ Pháp, Trần Na, Giới Hiền giảng dạy.

Vào năm 637, Huyền Trang đến Na Lan Đà. Ngài Giới Hiền đã 106 tuổi, mừng rỡ chảy nước mắt kể rằng: “Tôi bệnh sắp chết, mơ thấy đức Văn Thù mặc áo xanh, đức Quán Thế Âm áo trắng và đức Di Lặc áo vàng, chỉ thị cho Giới Hiền phải sống tiếp để đợi một người từ Trung Quốc đến”.

Huyền Trang ở lại đây 15 tháng để học Duy Thức. Về sau, Ngài viết bộ Thành Duy Thức Luận, tinh hoa của 10 Luận sư về Duy Thức tông (Thân Thắng, Hòa Biên, Đức Huệ, An Huệ, Nan Đà, Tịnh Nguyệt, Hộ Pháp, Thăng Từ, Thắng Hữu, Trí Nguyệt), tổng kết 700 năm tư tưởng Ấn Độ. Ngài Giới Hiền là đệ tử của ngài Hộ Pháp.

Na Lan Đà là quê hương của 2 trường phái vĩ đại, Trung Quán tông và Duy Thức tông. Trung Quán tông nói về Tánh, Duy Thức tông nói về Tướng. Hai nền triết học này, viên dung thành nguồn gốc đại thừa ngày nay, đang lan tỏa khắp thế giới. Việt Nam chúng ta đã tiếp thọ.

Tôi nhìn quanh vùng đất vắng vẻ. Hôm nay không một ai đến tham quan. Đây là nơi hàng chục thế hệ Thánh nhân đã đến giáo hóa, hàng chục ngàn người đã từng học tập. Ánh sáng minh triết Phật giáo từ đây chiếu khắp bốn phương. Biết bao phép lạ đã xảy ra nơi đây, hỡi các cành cây lá thắm đang rung rinh trong gió. Tôi bỗng nhớ tới Tịch Thiên (Santideva), một cao Tăng thuộc phái Trung Luận sống khoảng thế kỷ VII. Là Vương tử thọ giới Tỳ-kheo, đến Na Lan Đà mà chỉ ngủ. Đồng môn cử tội “lười biếng”. Ông lên giảng đường tụng Nhập Bồ Đề Hành Luận. Đến chương IX, thân ông bay lên khỏi ghế, ngồi lơ lửng trong hư không. Cuối cùng chỉ nghe tiếng nói, thân ông đã biến mất.

Về sau, Tịch Thiên từ chối chức Viện trưởng, vào rừng làm thợ săn. Bị chê trách phạm tội sát sanh, ông dùng thần thông cho thú vật sống lại, nói kệ rằng:

Con nai chưa từng sống, chưa từng chết,

Chẳng bao giờ vắng bóng vì vô ngã.

Làm gì có thợ săn và thú rừng,

Đáng thương thay, kẻ mắng ta lười biếng!

Ngày nay Nhập Bồ Đề Hành Luận là giáo khoa của Tây Tạng.

Mọi sự vật lên đến đỉnh cao đều trở về suy tàn. Quy luật này bất di bất dịch. Các vương triều ra sức hỗ trợ, đó là nhân tố làm Phật giáo vương vào quyền lực và chánh trị, làm mầm mống mọi tranh chấp và đưa đến thảm họa.

Phật giáo Tây Tạng ngày nay đang lâm tai họa cũng không ngoài lý do này. Cho nên Gampopa bỏ tu viện cao quý đi tìm Milarepa ở chỗ độc cư hẻo lánh.

VƯƠNG XÁ

“Vui đẹp thay thành Vương Xá!”, đây là lời Phật Thích Ca. Nay tên là Rajgir đầy bụi bặm như mọi nơi ở Ấn Độ. Thời gian Huyền Trang đến đây, Vương Xá đã đổ nát.

Ngày xưa, Cù Đàm rời nhà đi cầu đạo, ngang qua đây. Vua Tần Bà Ta La (trẻ hơn Phật 5 tuổi) đề nghị nhường một phần đất Ma Kiệt Đà để cùng trị vì. Cù Đàm từ chối. Tần Bà Ta La lại thỉnh cầu: “Sau khi đắc đạo xin trở về”. Đức Phật nhận lời. Về sau, Phật thường xuyên tới Vương Xá. Vua tặng Ngài một vườn tre. Trúc Lâm tinh xá là nơi Phật đã nói nhiều bộ kinh. Ngày nay, nhà nước Ấn Độ rào bọc cẩn thận. Khu vườn còn hồ nước xanh trong mà 2500 năm xưa Phật thường tắm. Cũng hãy còn một số bụi tre lớn nửa xanh nửa vàng, dày đặc những lá. Người ta thấy di tích một số tháp xây từ thế kỷ thứ X, kỷ niệm chỗ Phật lưu trú. Ngự y của vua tên Jivaka chăm nom sức khỏe Tăng chúng, tặng Phật một vườn xoài, nay còn nền đá. Tuy gọi là vườn nhưng đây phải là một công trình xây dựng lớn và kiên cố, gồm nhiều hành lang dài.

Trung Bộ Kinh, có kinh Jivaka và câu mở đầu: “Như vậy tôi nghe, một thời Thế Tôn ngự tại Vương Xá, trong vườn Xoài của Jivaka”. Người thỉnh pháp chính là y sĩ. Jivaka cũng cho bệnh nhân tắm suối nước nóng ở ngay tại Vương Xá. Trong Ký Sự, Huyền Trang viết: “Khoảng 10 suối nước còn nóng”. Sau 25 thế kỷ, ngày nay nước vẫn còn nóng. Hiện tại đang có bảng quảng cáo mời du khách tắm.

Vua Tần Bà Ta La bị con là A Xà Thế giam ở trong cung, nhìn ra vẫn thấy núi Linh Thứu cách đó không xa. Phật vẫn dùng thần thông vào ngục giảng pháp cho vua. Là một kẻ nhiệt tâm nên dù bị chết một cách đắng cay, ông cũng được sinh lên cõi trời Tứ Đại Thiên Vương.

Tại thành Vương Xá, Xá Lợi Phất gặp Tỳ-kheo Anathapindika và ngạc nhiên trước phong độ của Tỳ-kheo. Hỏi thăm thì được nghe kệ:

Các pháp nhân duyên sanh,

Cũng theo nhân duyên diệt.

Nhân duyên sanh diệt này,

Phật đại Sa-môn thuyết.

Ngài Xá Lợi Phất rủ Mục Kiền Liên đi tìm ngay vị đại Sa-môn và xin làm đệ tử. Cũng trong thành này, Cấp Cô Độc được quy y.

Huyền Trang Ký Sự: Ngoài cửa thành Vương Xá về phía Bắc, có ngọn tháp ghi sự tích Đề Bà Đạt Đa và vua A Xà Thế thả voi say hại đức Phật. Phía Đông Vương Xá, một ngôi chùa nằm dưới chân núi Linh Thứu, có một tảng đá to, chính chỗ này Đề Bà Đạt Đa xô đá để hại Phật. Trải 25 thế kỷ, tảng đá vẫn còn.

Từ lúc du sĩ Cù Đàm đi qua cho đến ngày hội nghị kết tập lần thứ nhất, suốt 50 năm, bao nhiêu điều đã xảy ra tại thành Vương Xá.

Nay chỉ là một con đường nhựa nhỏ chạy giữa hai sườn núi trơ trọi, Vương Xá đã theo nhân duyên mà diệt.

LINH THỨU

Vương Xá hoang vu nhưng Linh Thứu nhiều người chiêm bái. Do Linh Thứu thu hút khách nước ngoài nên tại thị trấn Vương Xá mới xây, có vài khách sạn đón người hành hương từ Nhật hay Âu Mỹ. Nhưng chỉ mở cửa 6 tháng Đông còn mùa Hè quá nóng không ai dám đến.

Năm 1969, người Nhật xây trên đỉnh Bảo Sơn một ngọn tháp cực lớn, tuyệt đẹp với bốn tượng Phật hoàn hảo nhìn ra bốn phía. Từ sân bảo tháp nhìn xuống thì dưới là Linh Thứu, nay là một đỉnh đồi với một chiếc sân nhỏ bằng đá, hình vuông dài khoảng 20m, rộng 10m.

Người ta vẫn đọc: “Nam mô Linh Sơn Hội Thượng Phật Bồ-tát” là nơi đây. Người ta tin rằng pháp hội vẫn còn tiếp diễn, với hàng vạn Bồ-tát và thiên long tám bộ.

Linh Thứu là nơi đức Phật chuyển pháp luân lần 2, giảng pháp thậm thâm thượng thừa. Trên đường xuống núi có một tảng đá giống hình chim ưng. Có lẽ vì thế mà thành tên Linh Thứu.

Tại Linh Thứu, đức Thích Ca một ngày nọ, lẳng lặng đưa một cành hoa lên cao. Hội chúng ngạc nhiên. Đại Ca Diếp mỉm cười. Hành động “niêm hoa vi tiếu” này là đầu nguồn Thiền tông, chủ trương “tâm truyền tâm”. Đạt giác ngộ không thể sử dụng ngôn ngữ văn tự, mà dùng tuệ giác vốn có sẵn nơi tâm tiếp cận với thực tại. Tổ Ca Diếp truyền cho Anan, tiếp diễn liên tục đến đời thứ 28 là Bồ Đề Đạt Ma. Năm 520, Tổ Đạt Ma theo đường biển đến Trung Quốc ở chùa Thiếu Lâm miền Lạc Dương. Chín năm tọa thiền quay mặt vào vách.

Trong một buổi sớm đầy tuyết, vị trụ trì chùa Thiếu Lâm, tự chặt cánh tay để tỏ lòng thành khẩn cầu pháp, được Tổ Đạt Ma chấp nhận, đặt tên là Huệ Khả, khai thị pháp “an tâm”. Thế là dòng Thiền “tâm truyền tâm, thấy tánh thành Phật” bắt đầu chảy ở Trung Quốc. Đến đời thứ 6 với Lục Tổ Huệ Năng (638 – 713) thì tính cách “bất lập văn tự” mới đạt tột đỉnh. Tổ Huệ Năng không truyền y bát nữa. Thiền Trung Quốc thời ấy thật rực rỡ, để lại cho hậu thế vô số Thiền sư xuất chúng và một dòng truyền thừa mãnh liệt đến thế kỷ XI.

Tỳ Ni Đa Lưu Chi (Vinitaruci) học trò của Tổ thứ 3 Tăng Xán, từ Trung Quốc đi về xứ Giao Chỉ phương Nam, ngụ ở chùa Dâu, Bắc Ninh, khai mở dòng Thiền Việt Nam truyền 19 đời, đến thế kỷ XIII. Tỳ Ni Đa Lưu Chi tịch năm 594.

Năm 820, Vô Ngôn Thông, một Thiền sư Trung Quốc cũng đến tỉnh Bắc Ninh, Việt Nam truyền pháp, được 17 đời cũng đến thế kỷ XIII.

Thế kỷ XI, một Thiền sư Trung Quốc tên Thảo Đường, sang giáo hóa đất Chiêm Thành, bị vua Lý Thánh Tông, trong cuộc chinh phạt năm 1069, bắt làm tù binh, đem về Việt Nam. Thảo Đường khai sáng Thiền đạo, truyền được 6 đời.

Dưới ảnh hưởng của vua Trần Thái Tông và Tuệ Trung Thượng Sĩ, ba dòng trên tập họp thành một, ở núi Yên Tử tỉnh Quảng Ninh, Việt Nam.

Vua Trần Nhân Tông (1258 – 1308) đạt đạo, được tôn xưng là Tổ đệ nhất phái Thiền Trúc Lâm. Rồi đến Pháp Loa và Huyền Quang, truyền bá thông điệp của đức Thích Ca Mâu Ni:

Phải thấu hiểu cái Khổ và nguyên nhân của Khổ. Phương pháp giải thoát nằm ngay trong tâm chúng ta.

CÂY BỒ ĐỀ

Bodh Gaya là một địa danh quan trọng trên bản đồ Ấn Độ, cách Linh Thứu khoảng 50Km về hướng Tây Nam. Ni Liên Thuyền (Nilajana), mùa khô, lòng sông thành một bãi cát rộng cả cây số. Đức Phật đã băng qua, đến cây Bồ Đề, từ bỏ khổ hạnh, dùng thiền định tìm ra chân lý.

Bên cạnh cây Bồ Đề là một bảo tháp rất lớn, gọi là tháp Đại Bồ Đề. Xây dựng vào thế kỷ I hay II, đã trải qua nhiều đợt hủy phá và trùng tu.

Năm 399, Tỳ-kheo Pháp Hiển từ Trung Quốc đến thăm Ấn Độ, ở lại núi Linh Thứu một đêm, tụng kinh Lăng Nghiêm để kỷ niệm đức Đạo sư đã giảng kinh này ở đây. Pháp Hiển ghi rằng: “Ở gốc Bồ Đề có ba ngôi tháp”.

Hơn 200 năm sau, Huyền Trang cũng từ Trung Quốc về Linh Thứu, nghỉ một đêm trên nền đá đức Thích Ca đã trú ngụ ngày xưa. Về Bồ Đề, Ngài mô tả tỉ mỉ: “Một tòa tháp cao khoảng 55m, nền rộng độ 20m, tường bằng gạch xanh”.

Trong tháp là một tượng Phật thếp vàng. Ngoài tháp, gần cây Bồ Đề, có dấu chân Phật. Xung quanh tháp lớn có những tháp nhỏ, nhắc lại các sự tích, như hai thương nhân thọ Tam quy đầu tiên v.v…

Có một bức tượng ngài Huyền Trang đã thấy, mà ngày nay không còn. Đó là tượng đức Quán Thế Âm gần cây Bồ Đề. Có lời tiên tri xa xưa rằng, tượng này càng ngày càng lún xuống đất. Khi lún hẳn là lúc đạo Phật suy tàn. Huyền Trang đến, lúc tượng đã lún tới ngực.

Dòng sông Ni Liên ngày nay vẫn còn.

VESALI

Vesali là kinh thành của tiểu quốc Licchavi, nằm ở bờ Bắc sông Hằng, là nơi thiết lập Ni Tăng. Người đầu tiên chính là kế mẫu của Phật. Một trụ đá của vua A Dục còn nguyên vẹn với cái đầu sư tử. Dưới chân trụ đá là nền nữ tu viện ngày xưa.

Tại Vesali, Phật đã nhận lời mời thọ thực của kỹ nữ Ambapali và nhận luôn vườn xoài rất lớn của cô. Mặc dù xã hội Ấn Độ hồi ấy rất khắt khe về đẳng cấp. Kỹ nữ trở thành Tỳ-kheo-ni A-la-hán. Vườn xoài nay là một khu rừng nhỏ, cây lá um tùm.

Xã hội Ấn Độ miệt thị thợ rèn Cunda, sát nhân Angulimala. Đức Phật cứu độ họ, không những vì lòng từ bi vô lượng mà vì trí tuệ thấy rõ muôn loài đều chung một tự tánh thanh tịnh. Hạ liệt cao sang, tốt đẹp thô xấu, may mắn bất hạnh, đều do hạnh nghiệp của mỗi người.

Năm 484 trước Tây lịch, đức Phật lưu trú tại đây, sức khỏe đã tàn. Anan hỏi Ngài về người kế vị.

Này Anan, ta đã giảng đầy đủ giáo pháp. Hãy tự mình làm nơi y tựa cho chính mình, dưới ánh đèn Chánh pháp, đừng y tựa nơi nào.

Vài ngày sau, đức Phật đi về Câu Thi Na nhập Niết-bàn.

Một trăm năm sau, Vesali là chỗ kết tập kinh điển lần thứ 2. Giáo pháp từ đây làm Đạo sư hướng dẫn Tăng đoàn.

VARANASI

(Balanại: Bénarès)

Trải 5000 năm lịch sử, Varanasi phồn vinh cho tới ngày nay, trong khi các thành phố cổ như Babylon (Ba Tư) chỉ thọ 1700 năm.

Không ai giải thích được vì sao Varanasi trở thành kinh đô của thần Shiva. Sông Hằng ở đây rộng mông mênh, nước an tĩnh. Mặt trời như một quả cầu đỏ ối, dần dần vươn lên, treo giữa trời như chiếc lồng đèn vĩ đại. Vì không khí ban mai còn đẫm sương đêm, nên ta có thể nhìn thẳng thật lâu mà không chói mắt. Mặt trời ở đây to hơn bất cứ mặt trời ở nơi nào. Thì ra mặt trời xuất hiện cũng tùy cảnh, tùy nơi và mỗi lúc mỗi khác.

Hàng ngàn người tắm gội trong dòng sông. Họ lặn hụp, đứng yên, khẩn cầu, vái lạy. Trên bờ cũng những người là người, cúng dường, thiền định, bố thí, khất thực, thiêu xác, rải tro, bói toán, thắp đèn, thả hoa… Trên các bãi thiêu xác là những kẻ ra đi trong lửa đỏ bập bùng. Nhiều người già đến thành phố thiêng liêng này đợi chết. Vì chết ở đất Thánh sẽ được sinh thiên.

Ngài Huyền Trang đã viết về các tu sĩ Ấn Độ giáo: Kẻ cạo đầu, kẻ búi tóc, một số lõa thể đi tự nhiên ở ngoài đường. Có kẻ thoa tro lên người hay tự chịu các nhục hình để mong tiêu tội. Không biết cơ man nào là đền thờ Thánh Thần, mang dạng người dạng thú. Nhìn khuôn mặt những người ở đây, kể cả ăn xin và tàn tật, chỉ thấy một sự bình an, tâm trạng chấp nhận trả nghiệp.

“Hỡi trần gian hỗn loạn và điên dại này, ta vẫn cứ yêu thương mi”.

LỘC UYỂN

Cách Varanasi không đầy 8 cây số, trên núi có một con đường đá, nơi đây con người có thể đánh đổi luân hồi sanh tử để lấy hạnh phúc thanh tịnh vô biên. Từ gốc Bồ Đề tới đây Phật đi trong khoảng 14 ngày để giảng bài pháp đầu tiên, năm 528 trước Tây lịch.

Sau khi thành đạo, đức Phật phân vân. Pháp khó hiểu khó tin, chỉ người trí mới chấp nhận lãnh thọ, đâu phải với ai cũng nói được. Ngày nay ta có đạo Phật, phải biết công ơn 3 vị:

  1. Phạm Thiên đã có công thiết tha thỉnh cầu.
  2. Ca Diếp đã triệu tập hội nghị kết tập.
  3. Anan nhiều trí nhớ đã đọc lại những gì từng nghe.

Phật nói kinh Chuyển Pháp Luân nội dung chính là Tứ Đế (4 sự thật). Nghe xong Kiều Trần Như chứng ngay A-la-hán. Ngài là vị Tỳ-kheo đầu tiên trong nhân gian.

Ngày nay vườn Lộc Uyển là một công viên rất lớn, với một hàng rào bằng đá, được chăm sóc kỹ lưỡng. Tháp nổi bật nhất là Dhamekh cao 33m, được xây từ thế kỷ III trước Tây lịch, trước cả thời vua A Dục.

Lộc Uyển chính là nơi thành lập Tăng đoàn. Vua A Dục đặt một trụ đá ghi tích với dòng chữ: “Phải kính trọng sự hòa hợp của Tăng bảo”. Tại đây nơi Phật trú ngụ được xây một cái đền. Thế kỷ VII, Huyền Trang có ghi đền cao 60m. Nhưng nay chỉ còn một nền đá vuông, mỗi chiều 13m, khách hành hương rất ưa ngồi thiền định nơi đây.

Kinh Vô Ngã Tướng dạy:

Này các Tỳ-kheo! Tất cả hiện tại, quá khứ hay vị lai, nội tâm hay ngoại cảnh, xa gần, thô tế, sang hèn, đều không phải tôi, không phải của tôi. Quán xét sự thật như vậy là chánh kiến.

Cái đặc sắc của nền triết học đạo Phật là vô ngã. Ngũ uẩn vận hành vô chủ theo nghiệp lực. Dùng trí có thể hiểu nhưng không thể chứng ngộ, vì chính cái trí của ta nặng đầy ngã chấp.

Đạt vô ngã là đạt Niết-bàn, không có một cá nhân nào nhập Niết-bàn.

CÂU THI NA

Cuối năm 484 trước Tây lịch, Phật rời Vesali với một chủ ý rõ rệt: Nhập Niết-bàn.

Người thợ rèn Cunda được hân hạnh cúng dường bữa ăn cuối cùng. Rời nhà Cunda, Tăng chúng thẳng đến Câu Thi Na. Dưới tàng cây Sala, Anan xếp một chỗ để Phật nằm nghỉ. Từ đây không bao giờ Ngài đứng dậy nữa.

Chiều hôm ấy, Phật chỉ thị Anan khỏi bận tâm đến việc mai táng, đã có nhân dân quanh vùng giúp đỡ. Đến lúc ấy Anan mới biết Phật sắp giã biệt đại chúng. Ông khóc lóc thảm thiết.

Tối ấy, Sa-môn Subhadda 80 tuổi xin vào thỉnh pháp. Anan từ chối. Phật nghe biết, ra lệnh cho vào. Sau thời pháp ngắn, Subhadda chứng A-la-hán.

Ngày hôm sau, Phật hỏi đại chúng ai còn nghi ngờ điều gì trong đạo pháp. Nhưng ai nấy im lặng. Đêm đến, Phật nói câu cuối cùng: “Này các Tỳ-kheo! Các pháp hữu vi vô thường, hãy tinh tấn!”. Đức Phật nhập định đến nửa đêm, bát đại Niết-bàn.

Ngày nay nơi đây rất vắng vẻ. Một Tinh xá bằng gạch, trong đó là tượng Như Lai Niết-bàn, đầu về phương Bắc, dài 6m2, đắp y vàng, để lộ chân. Bên cạnh Tinh xá là một ngọn tháp của vua A Dục, đã hư sụp nhưng cũng còn cao gần 200 bộ. Phía Bắc cách khoảng 200 bước, có một ngọn tháp ghi chỗ làm lễ trà tỳ. Tinh xá đã được xây lại năm 1956.

Đức Phật đã dùng chính thân mình để minh họa giáo pháp: Thân người là một chuỗi sanh già bệnh chết. Ngài là người thể hiện đầu tiên phương pháp giải thoát vòng luân hồi sanh tử và cụ thể nhất Bồ-tát đạo, cứu cánh của đại thừa Phật giáo.

Bốn cặp cây Sala vươn tàng ra hợp lại thành một vầng mây, lá che phủ thân vàng kim.

Lá Sala bỗng biến thành trắng xóa.

Hoa trái nhánh vỏ khô dần nứt nẻ.

Gãy rụng rơi lả tả.

XÁ VỆ

Kinh đô nước Kiều Tát La của vua Ba Tư Nặc. Vua Tịnh Phạn là chủ một tiểu quốc, ở dưới quyền kiểm soát của đế quốc Kiều Tát La. Nghe nói con trai Tịnh Phạn thành Phật tới địa phận mình, Ba Tư Nặc tò mò tìm đến với sự dè dặt: Cù Đàm còn trẻ, xuất gia chưa bao lâu, làm sao có thể giác ngộ hoàn toàn mà dám tự xưng là Phật?

Thưa quốc vương, có 4 thứ ta không nên coi thường vì còn nhỏ: Vương tử, rắn độc, đốm lửa và Tỳ-kheo.

Ba Tư Nặc bằng tuổi Phật, thay vì tự thấy bị xúc phạm vì không được liệt vào 4 thứ, lại rất tán thán tài hùng biện hóm hỉnh của Phật.

Luôn 18 mùa mưa, Phật ở Kỳ Viên của Cấp Cô Độc, một thương nhân rất tôn trọng và hết lòng hộ trì Phật pháp. Sáu mùa mưa tiếp, Phật ở khu vườn của tín nữ Visakha cúng dường, cách đó khoảng 600m.

Mặc dù dân nghèo lam lũ, mặc dù đạo Phật đã không còn ở Ấn Độ trải 10 thế kỷ, nhà nước nơi đây vẫn quan tâm chăm sóc khu vườn lịch sử này một cách xứng đáng.

Đây có cây Bồ Đề tên Anan, vì chính ngài Anan đem một nhánh từ Bodh Gaya về và chính tay Cấp Cô Độc trồng. Phật đã từng thiền định dưới gốc cây này một đêm. Dân chúng Xá Vệ ham cúng dường Phật. Ngài Anan bạch Phật: Những ngày Phật vắng mặt thì làm thế nào?

Bảo họ cúng dường cây Bồ Đề.

Ngày nay đức Phật đã vắng bóng ở thế gian, du khách tới đây đành cung kính cắm dưới gốc cây một nén hương cúng dường.

Tại trụ xứ của Phật, có nhiều công trình xây dựng nhưng đã đổ nát theo thời gian. Thế kỷ thứ V, Pháp Hiển được thấy dấu tích một tháp gỗ bảy tầng đã bị cháy. Hai thế kỷ sau, Huyền Trang thấy một ngôi tháp gạch hai tầng cũng đã đổ nát. Ngày nay chỉ còn một nền đá.

Ngay chỗ này Phật nói kinh Kim Cang, bài kệ cuối cùng kết rằng: “Tất cả pháp hữu vi như mộng, huyễn, bào (bọt nước), ảnh, như sương mai, như tia chớp. Hãy quán sát như vậy”.

HẠT CẢI CỨU SỐNG

Năm trăm năm trước Công nguyên, đức Thích Ca du hành liên tục không mệt mỏi khắp xứ Ấn Độ, tìm gặp càng nhiều người càng tốt để giáo hóa.

Một bà mẹ với đứa con đã chết trên tay, nước mắt như mưa: “Xin cứu con tôi”.

Phật Cù Đàm cho bà vào gặp ngay: “Hãy tìm một nhà nào chưa từng có ai chết, xin một hạt cải về đây. Để xem ta có thể giúp cháu bé được không”.

Người đàn bà mừng rỡ đi suốt ngày. Nhà này qua nhà khác, mới biết mình không phải ngoại lệ. Con mình không phải là kẻ duy nhất phải chết.

Tại chỗ xảy ra sự tích này là ngôi đền, nay chỉ còn một nền đá. Biển giới thiệu ghi rõ: Ở đây có một cầu thang đi lên tầng trên, chỗ bậc Đạo sư phát tỏa hơi ấm bình an cho những ai đến với Ngài. Người thiếu phụ mất con tên là Kisagomi, quê tại Xá Vệ, gia thế bần khổ, sau bà xuất gia, chứng quả A-la-hán.

Sao bậc toàn năng không dùng thần thông cứu đứa bé? Thật ra sống chết là một chuyển tiếp. Chắc gì sống đã là may mà chết đã là khổ. Đức Phật không can thiệp vào đường đi của nghiệp lực. Ngài chỉ giảng về cơ cấu và tác động của nó. Nguồn gốc của tái sanh là tham sân si. Ai muốn giải thoát, phải tinh tấn nghiên cứu cái vòng 12 nhân duyên bất tận. Việc này không ai có thể làm hộ cho ai.

Đức Phật đã giáo hóa bà mẹ. Có lẽ thần thức đứa bé đồng thời cũng được giác tỉnh nhưng Ngài không cứu ai khỏi chết.

Ngay tại Xá Vệ, thứ phi vua Ba Tư Nặc có con gái mới chết. Cô cứ đứng khóc tại nghĩa trang. Phật đi ngang hỏi: “Trong đây có 84.000 xác chết. Xác nào thật là con cô?”. Nghe câu hỏi lạnh lùng, cô chợt tỉnh, xuất gia chứng quả A-la-hán.

Cũng tại Xá Vệ, vào thế kỷ V, Pháp Hiển còn thấy ngôi tháp ghi chỗ quân vua Lưu Ly tàn sát cả dòng họ Thích Ca. Chính đức Phật đã chứng kiến thảm họa mà không can thiệp.Tiếc thay cho những người lầm nghĩ đạo Phật là chốn dung thân của những bi quan yếu đuối. Đâu có biết tu sĩ Phật giáo là người tự làm chủ số phận mình. Phật và Bồ-tát chỉ hỗ trợ. Thật Phật tử phải tinh tấn chiến đấu những khuynh hướng xấu ác nằm trong tâm mình, là kẻ tự thắng chính mình.

II/. TRUNG QUỐC

BẮC KINH

Chùa Linh Quang nhỏ với ngôi tháp gạch cao 51m. Tầng 2 thờ răng Phật. Răng bằng ngón tay cái, nằm trên hoa sen bằng vàng.

Đại Bát Niết Bàn Kinh, Phẩm Cúng Dường Xá Lợi: Đức Thế Tôn dùng lực đại bi, làm nát thân kim cang thành vô số xá lợi. Chỉ bốn răng nanh còn nguyên vẹn. Thiên đế lấy một đem về Thiên cung. Hai quỷ La-sát ăn trộm một cặp nhưng bị Vi Đà thiên tướng rượt theo lấy lại.

Tống Cao Tăng Truyện: Đạo Tuyên (569 – 667) xuất gia năm 16 tuổi, được xem là Khai Tổ Luật tông Trung Quốc, được cử vào ban phiên dịch Huyền Trang. Một ngày nọ, ở chùa Tây Minh, thình lình trượt chân suýt té, may có một người đỡ. Người này tự xưng là thần Hộ Pháp Vi Đà, trao cho Ngài một chiếc răng Phật (Vi Đà Thiên hoàn Phật nha).

Tại Bắc Kinh, đền thờ rực rỡ nhất là Ưng Hòa cung. Khách ngày nào cũng đông như hội, chủ ý đến lễ bái pho tượng Phật Di Lặc, cao 18m, đường kính 3m, làm từ một thân cây trầm hương duy nhất. Tượng này của Dalai Lama thứ 7 tặng cho vua Càn Long. Bức tượng này là một thành công tuyệt vời. Khuôn mặt hiển lộ vừa trí tuệ, vừa từ bi. Đôi mắt xanh biếc như bảo mọi người: “Thiện nam tử, hãy thức dậy! Pháp tánh là như vậy. Bồ-tát biết tất cả các pháp do nhân duyên kết tụ mà thành. Tự tánh như huyễn, như mộng, như ảnh, như bóng, không có gì thật” (Lời Di Lặc dạy Thiện Tài trong phẩm Nhập Pháp Giới, kinh Hoa Nghiêm).

Thông thường các chùa Trung Quốc đều có một tiền điện thờ đức Di Lặc, vị Phật tương lai. Bốn góc quanh Ngài là Tứ Thiên Vương. Sau lưng đức Di Lặc là Vi Đà tướng quân tươi trẻ nhưng rất oai phong, đứng nhìn vào chánh điện. Bao nhiêu hoạt động của nhân thiên trong sân, giữa tiền điện và chánh điện, hẳn không lọt qua cặp mắt của Vi Đà. Nhất là tiền cúng dường của khách thập phương, chắc không có quỷ La-sát nào trộm cắp được. Xứ Tây Tạng cũng thờ Hộ Pháp nhưng cách trình bày khác hẳn, tiền cúng dường của mười phương thì thấy nằm rải rác khắp nơi. Xem ra vùng cao nguyên thiêng liêng này là một xứ sùng tín tuyệt đối. Không ai dám nghĩ đến trộm cắp của Tam-bảo. Vi Đà không cần đứng sau lưng đức Di Lặc để canh chừng chánh điện nữa, mà ngồi dưới chân Ngài để nghe pháp.

ĐỘNG VÂN CƯƠNG

Thị trấn Bình Thành được xây dựng khoảng thế kỷ V trước Tây lịch, cách Bắc Kinh 350km về hướng Tây, được Vạn Lý Trường Thành bao bọc hai mặt, là một vị trí chiến lược.

Năm 446, Thái Vũ Đế thân hành đi dẹp loạn, bắt được một ngôi chùa có vũ khí, bị gièm pha, liền hạ chiếu dẹp bỏ đạo Phật, tàn sát Tăng Ni. Con là Văn Thành Đế muốn sám hối cho cha, xây Vân Cương Thạch Quật ở núi Ngô Châu, cách Bình Thành 16km. Vân Cương là một trong ba thạch động nổi tiếng nhất của Trung Quốc. Hai nơi kia là Long Môn và Đôn Hoàng.

Đập đá, đục đẽo, bao nhiêu gian khổ năm này sang năm khác. Mồ hôi và xương máu đúc kết nên sự nghiệp văn hóa cho đất nước Trung Hoa. Đây quả là một công trình vĩ đại. Có 53 động chạy dài, gồm 5000 tượng Phật, lớn nhất cao 17m. Các kinh được minh họa bằng các tượng khắc nổi trên tường đá.

Hàng chục ngàn nghệ nhân đã sáng tạo nơi đây, để cho giáo pháp trường tồn, để lòng sùng tín biến thành vật thể, đối tượng với năm giác quan. Dùng nghệ thuật để diễn tả lòng cảm khái, sự rung động của nội tâm.

Tiếng tụng kinh của Phật tử vang trong nắng, mùi trầm tỏa khắp không gian. Người con trai hùng vĩ của Ấn Độ đã qua đây từ thế kỷ thứ I. Nghệ thuật tạc tượng của Phật giáo Đại thừa, xem Hóa thân Phật là nhân dạng của Pháp thân không sanh không diệt.

NGŨ ĐÀI SƠN

Trong kinh Hoa Nghiêm, đức Di Lặc bảo Thiện Tài: “Văn Thù Sư Lợi là mẹ của vô lượng Phật, là Thầy của vô lượng Bồ-tát, giáo hóa vô lượng chúng sanh… Trụ trong trí tuệ thâm sâu, thấy biết vạn pháp đúng như thật, thấu suốt tất cả cảnh giới giải thoát. Từ trước đến nay, các thiện tri thức mà ông đã gặp, đều do thần lực của Văn Thù…”.

Tại chùa Hiển Thông, nơi Thanh Lương quốc sư chú giải kinh Hoa Nghiêm có câu đối: “Pháp thân vô khứ vô lai, trụ tịch oai nghi bất động. Đức tướng phi không phi hữu, ứng tùy cơ dĩ hằng châu” (tùy cơ duyên ứng hiện mà hằng phổ khắp).

Quyển Sư Tử Tuyết Bờm Xanh chép một chuyện: Lama Yahden từ Tây Tạng đến Ngũ Đài Sơn. Trải 6 tháng, trên đường đi, liên tục tụng niệm và thiền định. Cuối cùng leo được 108 bậc thang để lên Bồ-tát-đỉnh (điệnthờ đức Văn Thù). Chợt một người ăn xin cụt chân nói: “Huyền diệu thay, cái Một trong thiên hình vạn trạng!”. Yahden đưa một ít tiền. Người kia nói tiếp: “Huyền diệu thay, thiên hình vạn trạng của cái Một! Ta không dùng đến thứ này. Ta đòi ngươi cả trái tim (toàn vẹn lòng tin)”. Nói xong biến mất. Yahden mở mắt thật lớn nhìn quanh, biết người đó là ai và mới nghĩ ra câu nói đó, là yếu nghĩa kinh Hoa Nghiêm. Nhân đây, lên tới đạo tràng của đức Văn Thù, vội mở kinh Hoa Nghiêm, đọc lời Ngài đã dạy Thiện Tài: “Lành thay! Lành thay! Này thiện nam tử! Lìa lòng tin, tâm sẽ yếu kém, thoái thất tinh cần. Với chút ít công đức tự cho là đủ, sẽ không phát khởi được hạnh nguyện. Không được thiện tri thức nhiếp thọ, không được Như Lai hộ niệm, sẽ không biết được pháp tánh. Pháp môn, công hạnh, cảnh giới, sẽ không thể nào biết đến tận cùng mà chứng đắc giải thoát…”.

Như thế, đại trí Văn Thù cho rằng phải có lòng tin, mới phát khởi được hạnh nguyện và trí tuệ. Người thế gian cho trí tuệ ưu việt hơn lòng tin. Tư duy logic làm sao nắm bắt được cái Một trong thiên hình vạn trạng? Đó là lý do vì sao, sau khi thành đạo, đức Phật giảng kinh Hoa Nghiêm, không nói cho loài người mà chỉ có các Bồ-tát dự hội. Tư duy phân biệt, lấy nhị nguyên ta người làm cơ sở, nên không thể nắm bắt được chân như tuyệt đối của Hoa Nghiêm, xa lìa các chấp, phát tâm bao la, bỏ tánh cá thể. Với thế gian là mâu thuẫn, người siêu việt thấy là vô ngại.

Phát hạnh nguyện thật lớn, vào đạo tràng Phổ Hiền, muốn có đại trí để chỉ đường cho chúng sanh, phải có lòng tin để phát tâm học tập. Không có trái tim rộng lớn, không thể hiểu được Văn Thù. Không có nguyện lớn để thực hiện đại hạnh Phổ Hiền, cũng không hiểu được đại trí của Văn Thù.

NGŨ NHẠC

Trung Quốc là xứ sở của núi non hùng vĩ.

Tung Sơn ở trung tâm, thuộc tỉnh Hà Nam.

Thái Sơn ở phía Đông, thuộc tỉnh Sơn Đông.

Hoa Sơn ở phía Tây, thuộc tỉnh Sơn Tây.

Hành Sơn ở phía Nam, thuộc tỉnh Hồ Nam.

Hằng Sơn ở phía Bắc, thuộc tỉnh Sơn Tây.

Ngũ Nhạc là nơi trời đất giao nhau.

Tại Tung Sơn, chùa Thiếu Lâm được xây dựng từ năm 495. Năm 520, Tổ Bồ Đề Đạt Ma tới đây truyền tâm ấn cho Huệ Khả, khai nguồn Thiền tông Trung Quốc.

Bắc Nhạc Hằng Sơn, trên đỉnh là một ngôi chùa lớn, xung quanh rừng thông bao phủ. Nhưng nổi tiếng nhất là Huyền Không Tự (chùa treo). Từ xa, người ta tưởng là sườn núi tạc hình một ngôi chùa. Tới gần mới hay, đó là tổng thể của 40 điện thờ với rất nhiều tượng Phật và Bồ-tát. Các điện này được xây dựng từ thế kỉ thứ VI, nối nhau bằng những hành lang gỗ, nằm cheo leo trên sườn núi, được chống bằng những cột sắt. Khắp sườn núi, mùa Xuân người ta chỉ thấy một vùng trắng như tuyết mà không phải tuyết. Đây là hoa đào nên núi này được tên là Đào Hoa Phong. Cho tới ngày nay, hoa đào vẫn nở trắng trinh như ngày trời đất mới mở hội.

NGA MI SƠN

Tạp Hoa Kinh có mấy dòng:

“Phổ Hiền hóa nhân thiên đẳng chúng,

Hiện tướng hải ư Nga Mi Sơn”.

(Dịch là: Phổ Hiền hóangười trời các loại, hiện tướng nhiều như biển ở Nga Mi Sơn.)

Ở đây có cái ao. Người ta cho rằng để đức Phổ Hiền tắm voi sáu ngà.

Ngọn cao nhất 3.099m tên Vạn Phật Đỉnh. Đường lên hết sức cheo leo. Phải đi bằng dây cáp mới tới đỉnh. Thông thường, mây phủ quanh năm. Thác đổ nước trắng xóa xuống những con suối sâu, chảy lẫn trong lá. Đây là chốn thần tiên của kỳ hoa dị thảo.

Đời Đông Hán (25 – 220) đã xây kim đỉnh Phổ Quang Điện. Lý Thái Bạch đã lên tới đây và viết:

Nga Mi cao quá Cực Lạc phương Tây.

Bao la cây cỏ khoảng trời xanh.

Không biết ngày xưa người ta đi bằng cách nào. Đời Đường, nhà Tống, Nga Mi Sơn được xây dựng rất nhiều chùa. Đến nhà Minh, nhà Thanh, là thời cực thịnh của Nga Mi Sơn. Có 200 đền đài rải rác.

Trên trời, một cầu vồng hình tròn bảy màu thường xuất hiện vào giữa trưa, được gọi là Phật Quang.

Tượng đức Phổ Hiền bằng đồng, cao 7m30, nặng 62 tấn. Trên vòm tháp, có 3000 tượng Phật nhỏ. Các nơi, đức Văn Thù cưỡi sư tử xanh nêu biểu đại trí. Phổ Hiền ngồi voi trắng nêu biểu đại hạnh. Hai vị được thờ hai bên Phật, đại diện cho nguyên lý “Tri Hành hợp nhất”.

Muốn có đại trí vượt nhị nguyên để chứng nhập Chân Không, phải đã từng thực hiện những đại hạnh bao la. Kinh sách Đại thừa nhắc đến khoảng 200 Bồ-tát. Mỗi vị là một gương mẫu hành động cho thế gian. Tại Trung Quốc, 5 vị được nhắc đến nhiều nhất là Di Lặc, Phổ Hiền, Quán Âm, Văn Thù và Địa Tạng. Mỗi vị chủ đạo một hướng khác nhau trong việc giáo hóa và cứu độ. Tổng kết là đại trí và đại hạnh. Cho nên trong kinh Hoa Nghiêm, Thiện Tài đi tham học các thiện tri thức, đầu tiên đã gặp Văn Thù và cuối cùng là Phổ Hiền.

NHỮNG KÍCH THƯỚC VĨ ĐẠI

Ba dòng sông tụ hội ở Lạc Sơn. Nơi đây nước xoáy sóng dữ, ghe thuyền bị đắm rất nhiều. Tỳ-kheo Hải Thông lựa một ngọn núi đá, quyên tiền xây dựng cảnh Phật. Viên quan địa phương đòi chia chác. Tỳ-kheo nói: “Tiền của bá tánh phải để lo việc Phật”. Lại nói thêm nếu là của mình thì đâu có tiếc. Viên quan liền thử xin con mắt. Ai dè Tỳ-kheo móc mắt đưa ngay. Việc làm này dĩ nhiên ai cũng sợ. Tỳ-kheo bắt tay xây dựng vào năm 713. Đến chết vẫn chưa xong. Nhiều Tăng sĩ góp sức. 90 năm sau hoàn thành.

Tượng đức Di Lặc cao 71m, đẽo từ vách đá nhìn ra sông. Con mắt rộng 3m3. Tai dài 7m. Vai ngang 24m. Trên bàn chân Ngài, đủ chỗ cho 100 người đứng. Thân Phật là toàn ngọn núi Long Vân. Tượng hoàn thành rồi, tàu bè không bị đắm nữa. Người ta giải nghĩa là vì lúc xây dựng, đá núi đổ xuống sông nên đã biến đổi lòng sông một cách thuận lợi. Số đông cho rằng đức Di Lặc là nguồn ân phước vô tận. Mưa gió bao thế kỷ chỉ phủ trên đầu, vai và tay áo Ngài một lớp rêu xanh. Tại núi này, còn có chùa Linh Bảo với một ngọn tháp gạch, cao 38m xây vào đời nhà Tống. Tượng Tỳ-kheo Hải Thông biểu lộ một ý chí sắt đá.

Cách Lạc Sơn vài cây số là Thiên Tháp Phật Quốc, với 108 ngọn tháp và pho tượng Phật nhập Niết-bàn, dài 45m, cao 2m5.

Một phi hành gia nói: “Đi bao nhiêu tầng trời rồi mà chẳng thấy Chúa đâu”. Một nhà giải phẫu nói: “Mổ bao nhiêu đầu rồi mà chẳng thấy tư tưởng đâu”. Mới biết cái thiêng liêng, không phải là thứ năm giác quan có thể xúc biết. Nhưng nó vẫn thâm nhập và điều hành mọi sự. Đây là vấn đề trọng đại nhất của con người. Giữa trời và đất, hẳn phải có một cái gì khác nữa.

ĐẠI TÚC

Cách Trùng Khánh về hướng Tây khoảng 100km, có một vùng hoang dã ngủ yên trong rừng núi. Năm 1939, một Giáo sư kiến trúc tình cờ khám phá những tác phẩm điêu khắc trong nhiều hang động.

Ở Bảo Đỉnh Sơn, có vết chân dài đến 2m, cho nên thị trấn xa xôi này được tên là Đại Túc (chân lớn). Khắp vùng quanh đó, rải rác rất nhiều hang động, gồm tất cả khoảng 50.000 tượng Phật.

Tại Bắc Sơn, cách Đại Túc 2km, có động đá cao 7km, dài 500km với vô số tượng đẹp. Phía Nam có những tượng tạc vào thế kỷ thứ IX, với hình vóc đầy đặn, y phục giản dị, nêu biểu nghệ thuật đời Đường. Phía Bắc là tượng đời Tống, thế kỷ XII, với nhiều trang sức. Văn Thù cưỡi sư tử, Phổ Hiền ngồi voi trắng, Nhật Nguyệt Quán Thế Âm đẹp tuyệt vời.

Đi nữa về phương Bắc, có động đá do Tỳ-kheo Triệu Chí Phụng khởi công từ năm 1179. Suốt 70 năm, nhiều nghệ nhân lao động thành tựu 10.000 tượng Phật.

Động Viên Giác rất quy mô với ba pho tượng Pháp thân, Báo thân, Ứng thân. Hai bên là 12 Bồ-tát. Quan trọng nhất là đức Quán Âm 1.002 cánh tay tỏa ra chiếm một diện tích 88m2. Trên vách các động đều khắc rất nhiều “biến tướng” của kinh Báo Ân Phụ Mẫu và 10 mục ngưu đồ của Thiền tông, cũng có mặt rất linh hoạt. Cả ngàn năm vẫn được bảo tồn.

CỬU HOA SƠN

Tỉnh An Huy, cách Vũ Hồ 60km về phía Tây Nam. Nước sông khe suối trong vắt như ngọc. Khắp nơi là những cụm trà tròn nhỏ, lá li ti nằm bên nhau ngút ngàn đón nắng.

ĐỊA: An nhẫn bất động.

TẠNG: Ẩn mật chứa bao điều sâu kín.

U MINH GIÁO CHỦ: Cứu vớt cõi tối tăm đau khổ. Tượng hình Tăng sĩ cầm tích trượng, hoặc Bồ-tát mang vương miện ngồi trên lưng con Thiện Thính (chó xù).

Thời Tây Tấn (317 – 420), cảnh núi thanh nhã chiêu vời một vị sư Ấn Độ tên là Bội Độ, lập am tu (năm 401). Nhà thơ Lý Bạch thấy chín ngọn núi một chùm xanh tươi vui vẻ như chín đóa hoa, mới đặt tên là Cửu Hoa.

Năm 730, hoàng tử xứ Triều Tiên tên Kim Kiều Giác, tới cổ am khi ấy bỏ hoang, bèn xin chủ núi thêm một miếng đất lớn bằng tấm áo cà sa. Mẫn Công gật đầu. Tấm cà sa tung lên phủ trùm cả quả núi. Mẫn Công mừng rỡ cùng người con trai xin làm đệ tử.

Năm 794, Kiều Giác 99 tuổi triệu tập các đệ tử, từ biệt rồi ngồi mà tịch. Ba năm sau mở áo quan, nhục thân còn tươi nguyên. Dựa theo một lý do ngày nay thất truyền, người ta biết đây là đức Địa Tạng, nên xây dựng một Bảo Điện để thờ nhục thân.

700 năm sau, Vô Hà đại sư từ Ngũ Đài đến Cửu Hoa đỉnh lễ đức Địa Tạng thì không thấy nhục thân Kiều Giác nữa. Lúc đó chùa chiền hoang phế, Tăng chúng lưu lạc. Cửu Hoa không còn một bóng người. Vô Hà ở đó 100 năm, đói ăn lá cây, khát uống nước suối, chích máu chép kinh Hoa Nghiêm. Chết đã ba năm mới có người khám phá ra nhục thân, cũng còn nguyên không hư hoại. Người ta xây Bách Tuế Cung, cũng gọi là Vạn Niên Tự, để thờ nhục thân Vô Hà.

Ngày nay, Cửu Hoa Sơn hiện có 56 chùa, chứa 1.300 cổ vật như kinh sách, thư pháp, họa đồ. Người ta đang dự định xây dựng một bức tượng đức Địa Tạng, cao 99m để kỷ niệm tuổi thọ của Kim Kiều Giác.

Đường lên núi bắt buộc leo bộ. Cuối cùng có 84 bậc đá xanh. Chúng tôi bắt đầu mệt thì thấy một thiếu phụ vừa đi vừa lạy theo kiểu Tây Tạng, chắp tay trên đầu, trước ngực rồi mới cúi lạy. Gương mặt buồn bã nhưng trang nghiêm, dáng điệu uyển chuyển trong bộ quần áo đen. Chị lạy vì có người thân vừa mất sợ đọa địa ngục hay con chị đang đau nặng?

Leo 84 bậc thang xong là tới Hóa Thành Tự. Chùa đầu tiên của núi Cửu Hoa. Hai bên tượng đức Địa Tạng có họa vẽ thập điện Diêm Vương.

Lên Vạn Niên Tự, chúng tôi đỉnh lễ nhục thân Vô Hà đại sư, ngồi trong lồng kính đã 350 năm. Ngài sống mãi với thời gian, dù chùa bị hỏa hoạn thời Khang Hy, binh biến thời Hàm Phong.

Sau nữa là Kỳ Viên Tự, xây đời nhà Minh thế kỷ XVI, với đại hùng bảo điện cao 43m. Ba bức tượng tuyệt đẹp Thích Ca, A Di Đà, Dược Sư.

Trên đỉnh Thiên Thai, một ngọn núi cao 1.325m của Cửu Hoa Sơn, người ta tìm thấy Địa Tạng Thiền Tự. Cao Tăng Tông Quả đời Tống viết:

Giẫm nát Thiên Thai không tiếng động.

Một chày chuông sớm khắp núi nghe.

Thiếu phụ áo đen cứ nhất bộ nhất bái một cách phi thường. Bước chân vững vàng, dáng điệu thành kính, vào chùa chị vẫn lễ, mắt nhìn lên tượng. Đức Địa Tạng từ bi nhìn xuống chị. Lòng thành kính của chị, cộng với lòng động cảm của mọi người, hẳn phải có một sức mạnh chiếu thấu các tầng tâm thức trong địa ngục, đem thức tỉnh và giải thoát cho họ.

Thập điện u minh, địa ngục hay quỷ môn quan, đều là những dạng tâm thức chúng ta. Sự giận dữ có thật thì địa ngục có thật. Ai đang hăm hở đem súng đi giết người, kẻ này đang mở cửa quỷ môn quan. Các nẻo sanh tử kể cả Thiên giới, chúng ta ngày đêm đang đi qua. Giận dữ biến thành địa ngục. Tham lam vô độ đưa về quỷ đói. Khuynh hướng nội tâm ma quỷ ai cũng có. Từ bi của đạo Phật khuyên diệt trừ những niệm ác để có chỗ cho tâm thức thiện. Như bóng tối tan tức là ánh sáng.

Niệm đức Địa Tạng hay dùng phương pháp khác để chế ngự tự tâm, đều hay. Từ kho báu “vẳng lặng sâu kín” đó, ta có quyền lấy ra mọi thứ để sử dụng, không cần cố chấp cái tên.

Tâm thức chân thành và mạnh mẽ, lòng tin kính đức Địa Tạng là cánh cửa mở ra hướng về giải thoát. Tùy hỷ công đức phước thiện là tâm cao thượng. Đáng mừng thay cho chúng ta, được biết đến đức Địa Tạng và con đường cởi gỡ sáu nẻo luân hồi, Ngài đã vạch ra.

PHỔ ĐÀ SƠN

Năm 916, Huệ Ngạc, một Tăng sĩ đến tận Ngũ Đài Sơn vùng Tây Trung Quốc, để cung thỉnh một bức tượng Quán Thế Âm đưa về Nhật. Rời bờ Ninh Ba không bao xa, bỗng từ đáy biển trồi lên những bông sen bằng sắt chặn đường. Thuyền bị kẹt. Huệ Ngạc phát nguyện xây chùa thờ đức Quán Âm ngay tại một đảo nào gần nhất, những bông sen liền biến mất. Huệ Ngạc cho thuyền tấp lên bờ đảo Phổ Đà, xây am tu hành. Đến năm 1080, am được xây dựng lại thành chùa Phổ Tế, gồm 7 điện, 12 tháp, thêm 16 điện phụ, như Tổ sư điện, Tàng kinh các v.v… Quan trọng nhất là điện Viên Thông, do vua Khang Hy xây dựng. Tượng Quán Âm cao 8m8. Trên tường khắc 32 dạng tùy cơ ứng hiện của Bồ-tát, theo như phẩm Quán Âm Quảng Trần kinh Lăng Nghiêm.

Chùa Pháp Vũ 8.800m2 diệntích, được kiến trúc năm 1508, do Tỳ-kheo Đại Trí từ Tây Thục tới lập am Hải Triều Âm. Chùa nổi tiếng vì bức tranh đá vẽ hình đức Quán Thế Âm.

Thế kỷ XX cận đại, Ấn Quang đại sư 26 tuổi, về trụ trì chùa Pháp Vũ gần 30 năm. Năm 1940, Ngài về Tô Châu xây chùa Linh Nham và mất tại đó. Trong Ấn Quang Đại Sư Kỷ Niệm Đường ngày nay có câu đối:

Mạc nha nhất xưng siêu Thập Địa.

Tu tri lục tự quát Tam Thừa.

(Dịch là: Đừng ngờ một câu siêu Thập Địa, nên biết sáu chữ đủ Ba Thừa.)

Tại Phổ Đà có rừng trúc màu đỏ tía, pho tượng Quán Âm cao 33m nhìn ra biển cả.

Chúng sanh bị khốn ách,

Vô lượng khổ bức thân.

Sức diệu trí Quán Âm,

Hay cứu thế gian khổ.

Đầy đủ sức thần thông,

Rộng tu trí phương tiện.

Khắp mười phương cõi nước,

Nơi nào cũng hiện thân.

Các loài trong đường ác,

Địa ngục, quỷ, bàng sanh,

Khổ sanh già bệnh chết,

Dần dần khiến dứt hết.

Chân quán, thanh tịnh quán,

Quảng đại trí tuệ quán.

Bi quán và Từ quán,

Thường nguyện thường chiêm ngưỡng.

Trí thanh tịnh giải thoát.

Tuệ sáng phá tối tăm.

Hay diệt nạn gió lửa,

Soi chiếu khắp thế gian.

Bi thể răn như sấm,

Ý Từ diệu dường mây.

Mưa pháp vị cam lồ,

Dập tắt lửa phiền não.

Diệu Âm, Quán Thế Âm.

Phạm Âm, Hải Triều Âm.

Tiếng thế gian khôn sánh.

Vì thế nên thường niệm.

Niệm niệm chớ sanh nghi.

Quán Âm bậc tịnh Thánh.

Chính là nơi nương tựa,

Cho sanh già bệnh chết.

Đủ tất cả công đức.

Mắt Từ nhìn chúng sanh.

Phước tụ như biển lớn.

Cho nên phải đỉnh lễ.

III/. TÂY TẠNG HUYỀN BÍ

ĐỨC HẠNH CAO QUÝ

Đức Phật ra đời vì nhân duyên lớn, vì tất cả những ai còn bị vô minh che phủ. Ai cũng là đệ tử Phật. Chỉ có điều là giáo pháp quá thâm sâu, kẻ cạn hẹp không với tới. Còn lòng từ bi tế độ của Ngài thì lan tỏa vô phân biệt như ánh mặt trời.

Đạo Phật vào Tây Tạng từ thế kỷ VI cùng với hoàng hậu Văn Thành. Con gái vua Đường Thái Tông của Trung Quốc về nhà chồng là vua xứ Tây Tạng, mang theo pho tượng Phật Cù Đàm. Bức tượng này được dân Tây Tạng gọi là Jowo Rinpoche (bậc Thầy đức hạnh cao quý), thờ tại Lhasa (kinh đô Tây Tạng) ở đền Jokhang hiện nay vẫn còn.

Vua xây dựng đền tháp, gởi người đi tu học ở Ấn Độ, dịch kinh sách từ tiếng Phạn sang Tây Tạng. Căn cứ trên tư tưởng Phật giáo, vua ban bố Thập Thiện và 16 yếu luật cho dân chúng thi hành. Kể từ đây, Tây Tạng thoát tình trạng hoang sơ man dã. Vua mất, Phật giáo bị suy thoái. Sau 2 đời vua, lại một công chúa Trung Quốc tên Kim Thành, đem về cho Tây Tạng nhiều Sa-môn và kinh sách. Quan trọng nhất là bà đã cho dân tộc Tây Tạng một người con trai xuất sắc. Ông vua này thỉnh Tịch Hộ, một cao Tăng thuộc Trung Quán tông, người Ấn Độ và Liên Hoa Sanh người xứ Pakistan, về nhiếp phục các ma quái quỷ thần, đưa họ vào Phật giáo. Người Tây Tạng coi Liên Hoa Sanh là hóa thân của Thích Ca Mâu Ni Phật. Vua và Tịch Hộ cùng Liên Hoa Sanh, ba vị này đã chính thức đặt nền móng cho Phật giáo Tây Tạng.

Đặc tính người Tây Tạng là sùng tín và dũng cảm. Họ sống để phục vụ đạo pháp. Vật chất với họ chỉ là phương tiện để vươn lên đỉnh cao tâm linh. Quan niệm này, không chỉ giới hạn trong tầng lớp học thức mà bàng bạc khắp xã hội. Họ coi chết chỉ là một giai đoạn trong vòng sanh tử vô tận. Thậm chí, chết là cơ hội cho họ bố thí thân thể cho chim muông, gọi là “điểu táng”.

Milarepa chỉ có một chiếc nồi. Ngày nọ nồi bể, ông ca rằng: “Chiếc nồi cũng là Thầy, dạy quy luật vô thường”.

Hạnh phúc thay những người đã thoát ràng buộc.

TU VIỆN DREPUNG

Vua Trisong Detsen có công nhất với Phật giáo Tây Tạng. Vì có nhiều trường phái khác nhau cùng thịnh hành nên vua cần thống nhất, đưa ra 3 chủ trương rõ rệt:

  1. Đào tạo Tăng sĩ theo giới luật của Nhất Thiết Hữu Bộ.
  2. Triết học theo quan điểm phái Trung Quán của Long Thọ.
  3. Thiền định theo pháp của Mật tông (Kim Cang thừa).

Không có nước nào trên thế giới mà Tăng sĩ cầm quyền như Tây Tạng. Tu sĩ có 6 bậc:

  1. Năm giới.
  2. Sadi.
  3. Tỳ-kheo.
  4. Geshe (Tiến sĩ Phật học, trải 12 năm học về Luật tạng, Luận A tỳ đạt ma, Đại Kinh Bát Nhã, Trung Quán Luận, Nhân Minh Luận).
  5. Gyupa (quán đỉnh). Mật tông bằng lý thuyết và thực nghiệm.
  6. Khenpo: Các Đại sư, Sư trưởng các tu viện.

Rinpoche: Cao quý, cấp thứ tư trở lên.

Lama: Cấp 5 trở lên.

Tulku: Thân tái sanh của một Lama lớn.

Cách Lhasa 10km, Drepung là một trong những Tu Viện lớn chứa cả 10.000 Tăng sĩ, một làng Đại học Phật giáo với hàng chục công trình xây cất. Chánh điện lớn nhất thờ đức Văn Thù. Đây là nơi đã đào tạo 400 vị Geshe và 50 Tulku.

Vị cư sĩ nổi tiếng là Marpa, nhà đại phiên dịch. Lúc còn trẻ đã học tiếng Phạn, đã đi Ấn Độ ba lần, đem nhiều kinh sách về nước. Tuy là một nông phu có vợ con nhưng rất được tôn kính, vì là một Đại Dịch Sư.

Âm nhạc tế lễ đóng vai trò quan trọng. Mỗi loại âm thanh đại diện cho một yếu tố trong pháp giới.

Tiếng kèn đồng, rất trầm như phát ra từ lòng đất, nói lên nền tảng vô thủy vô chung của vạn sự.

Tiếng xập xình, ngắn sắc vang dội, đại diện cho thế giới khi có khi không của vạn pháp.

Hàng ngàn người tụng niệm một lúc dưới những bức tượng vàng vĩ đại, trong âm thanh của chuông trống, trong tiếng thần chú của chủ lễ.

Đây là nơi hàng ngàn người sống cuộc đời phạm hạnh, bồi dưỡng trí tuệ, tăng trưởng Bồ-đề tâm, quán niệm về cái vô thường của sự sống. Hễ phá được vô minh thì thoát được cả chết lẫn sống. Tây Tạng là một nước Đại thừa, học rất kỹ về giới luật, Tứ đế và 12 nhân duyên.

Nhưng ngày nay, Drepung chỉ còn là một nơi thăm viếng của du khách. Những tòa nhà trống vắng, vài người Tây Tạng đứng hút thuốc nói chuyện phiếm. Phật giáo Tây Tạng đã suy tàn.

KUMBUM

Đền xây dựng năm 1436. Chín tầng. 108 cửa. 77 khám thờ. Toàn bộ gồm 100.000 hình tượng Phật, Bồ-tát, Hộ Pháp.

Từ xa người ta thấy cặp mắt Phật vẽ theo kiểu Népal. Có 5 phần:

  1. Phần dưới hình khối bền vững ổn định, tượng trưng đất là chất đặc nặng, là nền móng của tất cả sắc hình.
  2. Hình cầu tượng trưng sự luân chuyển di động của nước, tánh bất định trôi chảy.
  3. Hình nón cụt tượng trưng cho ngọn lửa.
  4. Hình đĩa mặt ngửa, tượng trưng không gian hay gió.
  5. Một chấm không kích thước: Thức chứa đựng tất cả mà không hình dạng. Thức là giao điểm giữa vật chất và tâm linh.

Hình khối phía dưới Kumbum có 5 tầng sơn trắng. Phần tròn có 4 cửa sổ. Phần trên có 4 cặp mắt Phật nhìn ra bốn phía. Trên nữa là mái điện thếp vàng.

Tượng và tranh Phật diễn tả 3 dạng của Phật tánh:

  1. Các tầng dưới cùng là Ứng thân Thích Ca Mâu Ni và các đệ tử. Trên tường khắc hoặc vẽ các sự tích hiện kiếp hoặc tiền thân.
  2. Những tầng trên trình bày Báo thân: Những hình tượng diễn tả các vị giác ngộ ở các Tịnh-độ theo kinh Hoa Nghiêm, Lăng Nghiêm, Pháp Hoa với vô số hào quang, bảo vật. Ngũ phương Phật: Đại Nhật (giữa), Bất Động (Đông), Bảo Sinh (Nam), A Di Đà (Tây) và Bất Không Thành Tựu (Bắc), được hiểu như 5 khía cạnh của Phật tánh. Mỗi vị một màu, cũng như ánh sáng mặt trời qua một lăng kính, bị tách ra thành 5 màu. Tại Tây Tạng, màu sắc là phương tiện để tạo linh ảnh, là cách để đi vào những tầng tâm thức ẩn mật.

Sắc đỏ tượng trưng lòng từ bi.

Sắc lục tượng trưng sự an lạc, lòng vô úy, sự xả bỏ.

Sắc vàng là màu của ánh mặt trời, là sự tăng trưởng lớn mạnh, sự già dặn sung mãn.

Sắc xanh là màu của tri kiến, của đại trí, của không gian mông mênh.

Quan niệm về các mẫu hình cơ bản hết sức sâu sắc và đóng vai trò quan trọng trong nền tâm lý học hiện đại (nghiên cứu về vũ trụ quan của Kim Cang thừa).

Trên cùng trình bày về Pháp thân vô hình, vô tướng, không biến hoại. Nhưng đối với Kim Cang thừa, Pháp-thân vẫn hóa hiện thành các vị Adibuddha để giáo hóa, thường được gọi là Phổ Hiền, Kim Cang Tát Đóa, hoặc Kim Cang Trì (Vajadhara). Nơi đây có bức tranh của Kim Cang Trì.

DÒNG BAN THIỀN

Tu viện Tashilhungpo ở Shigatse, được kiến lập năm 1447, mái điện từ xa đã thấy mạ vàng sáng rực. Diện tích 150.000m2. Bao bọc một lớp tường thành mà tín đồ nào cũng đi một vòng trước khi bước vào. Tượng Phật Di Lặc cao 27m toàn bằng đồng. Cặp mắt xanh biếc đầy trí tuệ, nhắc nhở mọi người rằng: Không có gì tồn tại vì không tự tánh. Chỉ có chân tâm vô sanh bất diệt.

Tây Tạng đất rộng người thưa. Trên đường còn chẳng có bóng ai, làm gì có thuyền đi trên sông, kể cả những đoạn sông hết sức hiền hòa. Cảnh quan thiên nhiên bao la không làm ta lo sợ bơ vơ mà dường như trời đất gần ta hơn, thân tình hơn. Sự tĩnh lặng dẫn ta đến cánh cửa tâm linh. Thiên nhiên rộng mở thì ý thức ta được nâng lên và lan tỏa. Tầm nghe nhìn của chúng ta hằng bị mây mù khói đục và tiếng ồn che phủ. Sự tĩnh lặng trong các màu sắc rực rỡ, tích cực mở lối cho nhận thức và ý niệm về cái vô sanh bất diệt, đang hiện hình trước mắt ta, hiện diện ngay trong lòng ta. Chỉ vì mắt vướng bụi nên không thấy, chỉ vì lòng chưa an nên không nhận ra. Muốn ngắm nghía, muốn tới với nó, phải đi hết đoạn đường phi hữu phi không. Phải mở được cánh cửa vô môn. Phải nghe được tiếng không lời. Phải ở chốn ẩn mật, chỉ dành cho ai đã không được cả tâm và cảnh, buông rơi được chính mình. Hoặc đã biết dâng về Tam-bảo tất cả tâm gan. Kinh dạy: “Con người có thể một đời chứng Pháp thân”.

Việt Nam và Trung Quốc hình dung Pháp thân hết sức xa xôi và trừu tượng. Tây Tạng nói về nó một cách cụ thể, coi Pháp thân là điều có thể chứng, miễn là tu học đúng cách, có Thầy hướng dẫn. Các Đạo sư có trình độ, có thể truyền linh ảnh cho những ai muốn thấy Báo thân của các Ngài.

Tây Tạng là miền đất có một không hai trên địa cầu, đầy đủ yếu tố để sống viễn ly, nhìn vào trong mà mở rộng biên giới của ý thức, khiến vươn lên tới giác ngộ.

Tiểu thừa, Đại thừa hay Kim Cang thừa đều là từng bước phát triển, đều là phương tiện lấy lá giả vàng để dẫn độ chúng sanh.

Văn minh Tây Tạng đang suy tàn. Phật giáo Ấn Độ đã diệt vong từ thế kỷ XI. Thời hoàng kim của Thiền tông Trung Quốc đã tắt lụi cách đây nhiều thế kỷ. Đức Thế Tôn đã nói giáo pháp của Ngài sẽ diệt vong như vạn sự trên đời. Có sanh thì có diệt là quy luật. Còn cái vô sanh thì đâu cần phải có Phật nó mới có.

Đạo Phật có thể diệt vong nhưng triết lý nhận thức sẽ tồn tại dưới một tên gọi khác. Tánh “không”, “vô sanh” sẽ có người khám phá và lưu truyền. Lại sẽ có người tuyên bố “sắc chính là không, không chính là sắc”. Những gì ta đang có sẽ mất nhưng cái vô thủy vô chung có bao giờ rời ta.

Đức Phổ Hiền hạnh nguyện bao la, sẵn sàng cho bất cứ ai đều được sở cầu như ý.