KINH ĐẠI BẢO TÍCH (QUYỂN 41)

BỒ TÁT TẠNG HỘI 7/22

Phẩm 5 – BỐN VÔ LƯỢNG TÂM

Thời Đại Uẩn Như Lai có vua Tối Thắng Thọ, trị vì thành Tối Thắng Tràng. Thái tử tên Tinh Tấn Hạnh đã từng cúng dàng, thân cận phụng sự câu-chi na-do-tha trăm ngàn Phật để trồng thiện căn. Đức Đại Uẩn biết thái tử là Bồ-tát pháp khí, bèn đứng tại hư không vì thái tử khen tán ba đời chư Phật và dạy: Muốn thành Phật phải tu bốn ba-la-mật đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả gọi là Bốn vô lượng tâm.

Bồ-tát vì Vô-thượng Bồ-đề, tận chúng sanh giới, Từ tâm khắp mãn.

Lấy gì để lường chúng sanh giới? Không một chủng loại chúng sanh hàm thức nào mà đại từ không trùm khắp. Hư không vô biên, chúng sanh cũng vô biên nên đại từ của Bồ-tát cũng vô biên. Nay lấy một thí dụ để người có thể rõ nghĩa vô hạn lượng của chúng sanh giới. Giả sử mười phương, mỗi phương đều có hằng hà sa thế giới, tất cả hợp thành một biển lớn đầy tràn. Lại có như thế hằng hà sa chúng sanh nhóm họp, lấy một sợi lông chẻ ra 150 phần. Lấy một phần nhúng vào biển nhỏ giọt thứ nhất. Lại có hằng hà sa chúng sanh nhiều hơn trước đồng nhóm họp, lấy một phần lông nhúng vào biển nhỏ một giọt thứ hai. Cứ như thế có thể cho đến hết nước biển kia mà biên lượng chúng sanh tánh vẫn không tận. Nên biết tánh chúng sanh vô lượng vô biên không thể nghĩ bàn, lòng từ của Bồ-tát vẫn trùm khắp. Vậy thì tu Từ thiện căn có bờ mé nào cùng?

Nay nói về tướng đại từ. Từ vô lượng như thế năng hộ tự thân, hay lợi ích cho người. Từ đoạn sân giận tận gốc. Nơi không tranh luận, Từ đứng số một. Từ diệt vĩnh viễn tất cả lỗi lầm. Từ xa lìa tất cả ràng buộc của ái. Từ chỉ thấy chúng sanh thanh tịnh thắng đức, không thấy họ có phạm cấm. Từ siêu vượt nhiệt não. Từ phát sinh và nuôi lớn an vui cả ba nơi thân miệng ý. Từ lực không thể một ai não hại. Từ tánh an ổn lìa sợ hãi. Từ thiện căn lực tùy thuận Thánh đạo. Từ có thể khiến những chúng sanh sân nặng bạo ác phát lòng tin thanh tịnh. Từ năng cứu bạt chúng sanh. Từ lực tự nhiên không cầm đao trượng. Từ hay dắt dẫn chúng sanh về giải thoát. Từ diệt nóng giận ác hại. Từ lìa trá hiện oai nghi, siểm khúc kiêu mạn, bức thiết đòi cầu. Từ tăng trưởng lợi dưỡng cung kính danh dự. Từ là chỗ Phạm Thích Thiên Vương lễ kính. Dùng Từ để trang nghiêm thân, oai đức của người hành Từ là chỗ các bậc thông tuệ cùng ca ngợi xưng tán. Từ năng phòng hộ tất cả ngu phu. Từ thuận đạo Phạm thiên, siêu vượt dục giới, mở đường giải thoát.

Từ đi đầu dẫn đạo Đại thừa. Từ nhiếp ngự tất cả các thừa. Từ tích tập phước nghiệp, năng lực Từ thiện thật không chi bằng. Từ trang nghiêm 32 tướng cùng các tùy hình. Xa lìa những bất hạnh sáu căn thô xấu khiếm khuyết. Từ là đường lành đi đến Niết-bàn, giải thoát vĩnh viễn ác đạo, tám nạn. Bồ-tát thành tựu đại từ vô lượng ba-la-mật, đem mắt thiện lành nhìn chúng sanh, cần cầu chánh pháp không hề mỏi nhọc.

Thanh-văn Từ chỉ để tự cứu độ. Bồ-tát Từ độ thoát tất cả chúng sanh. Sơ phát tâm Bồ-tát được Chúng sanh duyên Từ. Hướng Thánh hạnh Bồ-tát được Phát duyên Từ. Chứng Vô sanh nhẫn Bồ-tát được Vô duyên Từ. Thế gọi là Bồ-tát ma-ha-tát đại từ ba-la-mật.

Thế nào là đại bi vô lượng ba-la-mật của Bồ-tát ma-ha-tát?

Bồ-tát muốn được Vô-thượng Bồ-đề phải dùng đại bi làm đạo thủ. Phàm mười phương chư Phật có chánh pháp nào cũng đều lấy đại bi làm đạo thủ, rốt ráo không xả bỏ một chúng sanh.

Bồ-tát quan sát: Chúng sanh bị hư ngụy thân kiến trói buộc, ác kiến tàng ẩn; an trụ trong hư ngụy không thực, điên đảo khởi tưởng thường trong vô thường, khởi tưởng vui trong đau khổ, khởi tưởng ngã trong vô ngã, khởi tưởng tịnh trong bất tịnh; đắm vị ái dục lăng bức cả tới mẹ con chị em huống chi các chúng sanh khác; từng ở bào thai, từ sản môn ra mà không thẹn hổ còn tham sân si mạn các thứ vô trí tự gia hại thân; xa lìa chánh pháp, an trụ phi pháp, tu hành ác pháp, đọa về địa ngục bàng sanh diêm ma quỷ thú; cũng như dã can ở các mộ địa bị bọn chó đuổi, cuống quýt chạy trốn, rơi xuống hố sâu, cùng đường trong đêm, cất tiếng kêu lớn mà không ai cứu vớt; như kẻ sanh ra đã mù, bị chó sủa chạy rớt xuống vực thẳm; như dòi bọ ăn ở trong phân tiểu không biết chán bỏ; phiền não bức bách, dù thân dù sơ một bề gia hại, làm đồ đảng ma, bị ma trói buộc, lưới hoặc quấn chặt, chìm trong bùn nhơ; năm ấm che trùm, tham trước sáu trần, mắt vừa thấy sắc, vương chấp hình mạo không thể quên bỏ, âm thanh hương vị giác xúc cũng thế; sân giận oán thù, được chút lợi nghĩa ấy là bạn lành, một chút thiệt thòi liền thành cừu oán; hôn trầm thùy miên huy liệt ngu độn; trạo cử buông lung; lưới nghi trùm đầu, chẳng thể quyết định thậm thâm chánh pháp; mạn, ngã mạn, quá mạn, tăng thượng mạn, tà mạn; chấp sắc là ta, chấp thọ tưởng là ta, chấp hành thức là ta; chưa chứng tự cho đã chứng, do đây cậy mình, bậc đáng học hỏi không chịu học hỏi, bậc đáng lễ bái không chịu lễ bái, tâm không kính thuận các bậc Trưởng lão tôn túc, không biết kính trọng các đấng Tôn sư, không thỉnh cầu đàn anh thông tuệ chỉ dạy thế nào là thiện bất thiện, nên tu tập không nên tu tập, thế nào là tội không tội, là đạo là định là giải thoát: Các pháp như thế chưa từng minh tỏ, chỉ đăm đăm tính toán ta hơn người, làm sao cho người tôn trọng ta. Bồ-tát quan sát thấy chúng sanh bị ba bề bốn bên, trong ngoài trói chặt như vậy khởi tâm đại bi, ta phải có vi diệu pháp để vì họ giảng nói.

Bồ-tát thấy chúng sanh bị vợ con tôi tớ bao vây ràng buộc, cửa ải sanh tử đóng chặt chẳng thể xa lìa, câu liêm địa ngục bàng sanh diêm ma quỷ đạo móc chặt, không còn một chút tự do tự tại để xu hướng Niết-bàn. Bồ-tát thấy chúng sanh xa rời bạn lành, bị ác tri thức nắm chặt nên vẫy vùng trong sát đạo dâm vọng, tham sân tà kiến, như cá trong lưới mà vẫn tưởng mình là chủ tể biển cả. Bồ-tát thấy chúng sanh ngu si ám chướng, ngã nhân thọ giả tác giả, chấp ngã ngã sở, như thế vô lượng vô biên kiến chấp không xả. Bồ-tát thấy chúng sanh ham thích sanh tử luân hồi năm ấm lưu chuyển, như kẻ ở tù luyến mến gông cùm, không bao giờ nghĩ tới khai mở con mắt Thánh tuệ. Bồ-tát thấy chúng sanh bị nghiệp lực cuốn xoay, như con quay bị búng, từ thế gian này sang thế gian khác, mù mịt lưu chuyển tấn tốc hướng về năm thú, nẻo về Niết-bàn coi như đoạn tuyệt. Bồ-tát đại bi, ta phải có vi diệu pháp để vì khai mở đường lối Niết-bàn.

Bồ-tát có mười chuyển tướng đại bi:

  1. Do không siểm mà sanh khởi đại bi, vì như hư không vĩnh viễn xuất ly.
  2. Do không dối mà sanh khởi, vì từ tăng thượng ý mà xuất ly.
  3. Do chẳng hư vọng mà sanh khởi, vì từ đạo như thật, từ chất trực thẳng thắn tâm mình mà xuất ly.
  4. Như vậy đại bi là do không quanh co mà được sanh khởi. Vì cực khéo an trụ không tâm quanh co mới xuất ly.
  5. 6. Do không kiêu cao khiếp hạ mà được sanh khởi, vì tất cả hữu tình đều cao mạn những khi gặp may, hay thoái khuất mỗi khi gặp rủi, nay khéo xuất ly vậy.
    7. Do hộ định được sanh khởi, vì từ tự tâm tịnh mà được xuất ly.
    8. Do kiên cố tuệ mà sanh khởi, vì đã vĩnh ly tất cả động và bất động, tâm khéo an trụ, khéo xuất ly.
    9. Do xả vui của mình mà được sanh khởi, vì ban vui cho người khác là khéo xuất ly.
    10. Do vì muốn gánh vác chúng sanh mà được sanh khởi, vì kiên cố tinh tấn là khéo xuất ly.

Lại có mười chuyển tướng:

  1. Tất cả Đại thừa xuất ly đều nhân đại bi mà được. Vì do nhân ấy gọi là đại bi.
  2. Như vậy đại bi kiến lập tất cả bá thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, tịnh lự, trí tuệ do vì nhân ấy gọi là đại bi.
  3. Như vậy đại bi kiến lập 37 trợ đạo.
  4. Kiến lập Như Lai tự nhiên trí tuệ vì thế gọi là đại bi.

Đại bi tự làm chỗ phải làm, khéo làm chỗ làm, làm không biến dị. Vì chúng sanh làm chỗ nên làm. Như thế đại bi tất cả chúng sanh như ý viên mãn.

Thế gọi là Bồ-tát ma-ha-tát đại bi vô lượng ba-la-mật. Vì ba-la-mật đại bi do đây thành tựu. Bồ-tát quán các chúng sanh cảnh ngộ như vậy nên lại ở nơi chúng sanh trùng hưng bi mẫn.

Thế nào gọi là Bồ-tát ma-ha-tát đại hỷ vô lượng ba-la-mật?

Bồ-tát vì chúng sanh cầu Vô-thượng Bồ-đề tu hành đại hỷ. Hỷ có vô lượng tướng. Hỷ là thiện pháp vì nhớ niệm vui vẻ. Hỷ thanh tịnh diệu vì nơi thiện pháp không hạ liệt, không thoái khuất, không lười biếng. Hỷ viễn ly tất cả vui thế gian vì an trụ ở pháp lạc. Trong lòng vui vẻ, thân khoan khoái, tuệ giác thư xướng, tâm ý dũng dược.

Hỷ vui thân Như Lai, mong cầu tướng hảo diệu trang nghiêm. Hỷ vui nghe pháp, nơi pháp có thể chân chánh tu hành. Nơi pháp hân hoan, nơi chúng sanh tâm không tổn hại. Lạc Hỷ Bồ-đề nơi quảng đại pháp ắt có thể tin hiểu. Vui vì hàng phục xan tham bá thí cho người đến xin cầu. Với kẻ phạm giới ái tâm nhiếp thọ, với người trì giới tâm thường thanh tịnh cũng khiến tự mình giới phẩm thanh tịnh, Hỷ này an ổn không còn sợ hãi ác đạo. Hoan hỷ nhẫn thọ lời ác thô bỉ. Hỷ vui không báo oán dù bị khêu mắt chặt tay tâm kham nhẫn chịu. Hỷ kính tôn trọng các bậc Trưởng lão tôn túc, khúc cung bái lạy. Hỷ thư nhan tâm chí hòa thái, mở lời chào trước. Hỷ không trá hiện oai nghi mà kiên thật hướng về chánh pháp. Tâm vui ưa Bồ-tát như bậc Đại sư; tâm vui ưa chánh pháp như thân mạng mình; tâm vui ưa Như Lai như cha mẹ mình; tâm vui ưa chúng sanh như thấy con một. Tâm vui ưa Thầy A-xà-lê như quý con mắt mình. Tâm vui ưa chánh hạnh như giữ gìn đầu mình tay chân. Tâm vui ưa Pháp sư như được kho báu. Tâm vui ưa nghe pháp như được uống thuốc. Với người cử tội hay người gợi nhớ tội, tâm vui ưa như được gặp thầy thuốc. Thế gọi là Bồ-tát đại hỷ vô lượng ba-la-mật, Bồ-tát thường ngậm hoan hỷ, cần cầu chánh pháp không bao giờ chán mỏi.

Thế nào là Bồ-tát đại xả vô lượng ba-la-mật?

Xả có ba:

  1. Xả phiền não.
  2. Hộ tự tha.
  3. Thời phi thời.

Xả phiền não là được cung kính không kiêu, cung kính người tâm không ty hạ. Được lợi dưỡng không mừng, không được tâm không tức uất. Với kẻ trì giới phá giới tâm bình đẳng. Gặp khen nịnh không mát dạ, bị hủy chê không ưu sầu. Trước sự khổ có tuệ lực, trước sự vui có pháp quán vô thường. Khí xả ái dục, đoạn trừ sân giận, oán thân bình đẳng, thiện ác không hai. Đối với yêu ghét chẳng quan tâm. Danh đồn khen chê chẳng chấp trước. Nói khéo nói xấu tâm không ưa giận. Nơi các dục vị hay chỗ họa hoạn bình đẳng xứng lượng. Đối với thân ta thân người tâm ý bình đẳng. Với thân mạng mình tình không ngoan luyến. Đối với chúng sanh thượng trung hay hạ con mắt bình đẳng. Với pháp ẩn hiển, khởi tánh bình đẳng. Nơi đế phi đế, tự thể thanh tịnh. Như thế Bồ-tát nếu có thể tự nhiên khởi thắng đối trị gọi là Bồ-tát ma-ha-tát xả phiền não.

Hộ tự tha xả. Bồ-tát bị cắt tay chân da thịt, thường tự quán tâm, trụ xả không hy vọng cầu cạnh. Dù thân miệng khởi các biến khác cũng có thể kham nhẫn.

  1. Không do nhãn tướng cùng sắc tướng cho đến không do ý tướng cùng pháp tướng, tâm sanh tổn hại, chỉ trụ ở xả.
  2. Bị người tổn hại không tâm gia báo. Bình đẳng ân oán. Xả không tranh cãi, xả diệt tự tâm, xả quán tự thể, xả không hại ai.

Thời phi thời xả. Chúng sanh phi pháp khí, không cung kính, không lợi ích chê bai khổ não, Thanh-văn quyết định, tu bá thí cần xả tu trì giới, tu trì giới cần xả bá thí, khi tu tịnh lự cần xả bá thí, tu tập trí tuệ cần xả duyên phát năm ba-la-mật v.v… Bồ-tát trí tuệ thâm sâu rõ biết khi nào xả có ích, khi nào xả vô ích.

Bồ-tát an trụ bốn ba-la-mật là Đại thừa pháp khí, là chư Phật chánh pháp khí.