CHUADUOCSU.ORG
Kinh Tứ Thập Nhị Chương
LỜI NÓI ĐẦU
Tứ Thập Nhị Chương là một bộ kinh được phiên dịch đầu tiên ở Trung Quốc. Nguyên vào đời Hậu hán, niên hiệu Vĩnh Bình năm thứ 3 (Tây lịch 53). Một hôm vua Minh Đế nằm mộng thấy một người mình vàng, cao trượng sáu, đỉnh đầu có hào quang bay tới trước sân điện nhà vua. Ông Thái sư đoán mộng rằng: “Thần nghe bên Tây Vức có Phật đà, toàn thân màu vàng kim sắc. Có khi bệ hạ được thấy Ngài đó chăng?”.
Vua liền phái một đoàn 18 người qua Ấn Độ để thỉnh kinh tượng. Đi nửa đường, phái đoàn gặp hai Pháp sư Ca Diếp Ma Đằng và Trúc Pháp Lan dùng bạch mã chở kinh điển từ Thiên Trúc qua Trung Quốc. Mãi đến Tây lịch 60, phái đoàn mới về tới Lạc Dương. Vua Minh Đế sắc chỉ xây cất chùa Bạch Mã để thờ Phật và kinh, đồng thời cũng cung thỉnh hai vị Pháp sư phiên dịch kinh điển để truyền bá. Bộ Tứ Thập Nhị Chương được phiên dịch trước nhất.
Bộ kinh này hàm chứa sự lý rất tinh diệu và phong phú. Về Sự, thì ngay chương đầu đã ghi được thành tích trước sau của đức Thế Tôn thành đạo và nói pháp, nên kinh này có những bài học quý báu ghi nhớ bổn hạnh của đức Thích Ca.
Về Lý, Tứ Thập Nhị Chương bao quát tất cả giáo nghĩa đại thừa và tiểu thừa, pháp yếu của Phật không cần tìm đâu xa. Để chứng minh điều này chúng ta hãy tìm ý chỉ của mỗi chương như sau:
1- Ba chương đầu dạy chung về hạnh quả tam thừa (Thanh-văn, Duyên-giác và Bồ-tát) lấy liễu thoát sanh tử làm căn bản, xuất gia là nhân, liễu thoát sanh tử là quả.
2- Từ chương 4 đến 8 thuyết minh nhân quả thiện ác của thế và xuất thế. Đây là thiện ác thông cả ngũ thừa, các pháp thế gian và xuất thế gian đều được tóm thâu không sót.
3- Từ chương 9 đến 38 đặc biệt thuyết minh thắng hạnh đại thừa bất cộng (lục độ vạn hạnh). Vì thế kinh này giảng lược nghĩa lý tiểu thừa, thuyết minh rõ về nghĩa lý đại thừa, đem Phật pháp về một mối.
4- Từ chương 39 đến 41 nói tổng quát về Giáo, Lý và Hạnh. Giáo phải tín thọ, Lý phải thông hiểu, Hạnh phải tu trì.
5- Chương cuối cùng tổng kết, đem Phật trí quan sát khắp tất cả các pháp thế gian và xuất thế gian.
Y cứ trên đây thì biết sau này các Pháp sư có diễn nói bao nhiêu nghĩa lý trong ba tạng, 12 bộ kinh chăng nữa cũng không ngoài 42 chương này.
Giáo sư Thích Hoàn Quán
A. TỔNG KHỞI
Sau khi thành đạo đức Thế Tôn suy ngẫm: “Rời bỏ tham dục được sự tịch tịnh, thật là hơn hết”. Rồi Ngài an trụ đại thiền định, hàng phục ma quân. Sau đó Ngài đến vườn Lộc Uyển, chuyển pháp luân Tứ Đế độ năm anh em Kiều Trần Như khiến chứng đạo quả. Nếu có Thầy Tỳ-kheo nào cầu quyết nghi thì Ngài dạy vẽ rõ ràng. Ai nấy khai ngộ, cung kính vâng lời.
1- CỘNG GIÁO: HẠNH QUẢ TAM THỪA
a) CHỨNG QUẢ XUẤT THẾ
CHƯƠNG 1:
Phật dạy những người từ giã cha mẹ xuất gia, minh tâm kiến tánh, ngộ pháp vô vi, gọi là Sa-môn. Trì giữ hai trăm năm mươi giới, động tĩnh thanh tịnh, tu bốn chân đạo, thành A-la-hán. A-la-hán có thể phi hành biến hóa, kéo dài mạng sống, trụ động trời đất. Dưới là A-na-hàm, mệnh chung tinh thần sanh lên cõi trời thứ mười chín mà chứng quả A-la-hán. Dưới nữa là Tư-đà-hàm, phải một phen sanh lên trời, một phen sanh xuống cõi người, mới chứng A-la-hán. Dưới nữa là Tu-đà-hoàn, bảy lần sanh tử rồi mới chứng A-la-hán. Những vị này đã đoạn ái dục, cũng như chân tay một phen đã cắt cụt thì không bao giờ còn dùng tới nữa.
b) TU HẠNH XUẤT GIA
CHƯƠNG 2:
Sa-môn xuất gia dứt bỏ ái dục, liễu đạt nguồn tâm, hiểu Phật diệu lý, ngộ pháp vô vi, trong không sở đắc, ngoài không sở cầu, tâm không hệ đạo, cũng không kết nghiệp, không niệm không tác, không tu không chứng, chẳng cần trải qua các ngôi vị mà tự lên cao. Gọi thế là đạo.
CHƯƠNG 3:
Cạo bỏ râu tóc làm Sa-môn, thọ lãnh đạo pháp, xả bỏ của cải thế gian, khất cầu đủ dùng, giữa ngày ăn một bữa, dưới gốc cây ngủ một đêm, cẩn thận không trở lại! Khiến người ta ngu si, chính do ái và dục.
c) THÔNG NGHĨA THIỆN ÁC CỦA NGŨ THỪA
CHƯƠNG 4:
Chúng sanh có mười việc thiện cũng có mười việc ác. Thân sát đạo dâm; miệng hai lưỡi, hung ác, hư dối và thêu dệt; ý tật đố, sân giận, ngu si. Mười sự này không thuận Thánh đạo gọi là ác. Mười ác này nếu dứt thì gọi là thiện.
CHƯƠNG 5:
Có lỗi chẳng hối, chẳng dứt tâm quấy, tội dấn vào thân như nước về biển, dần thành sâu rộng. Có lỗi biết hối, cải ác làm lành, tội tự tiêu diệt như bệnh xuất hạn lần lần thuyên giảm.
CHƯƠNG 6:
Người ác nghe ai làm lành quyết tâm đến phá. Ông hãy tự ngăn dứt không nên giận trách. Kẻ kia mang ác tới, sẽ tự chịu điều ác đó.
CHƯƠNG 7:
Có người nghe ta giữ đạo, thật hành đại từ, đến mắng nhiếc ta. Ta làm thinh không đáp. Đợi người kia thôi nói, ta hỏi: “Ông đem lễ vật cho người, người ta không nhận, lễ ấy có về ông chăng?”. Đáp rằng: “Về chứ!”. Phật nói: Nay ông mắng ta, ta không nhận, ông tự chuốc họa vào thân như vang theo tiếng, như bóng theo hình, không hề rời nhau. Cẩn thận chớ làm ác!
CHƯƠNG 8:
Kẻ ác hại người hiền, khác nào phun nước miếng nhổ lên trời, nước miếng chẳng đến trời mà trở lại mình, ngược gió tung bụi, bụi trở lại thân. Người hiền không thể hại mà họa ắt tới mình.
2- BẤT CỘNG GIÁO: THẮNG HẠNH ĐẠI THỪA
a) LẬP TÍN NGUYỆN
CHƯƠNG 9:
Mến đạo học rộng, đạo ắt khó hội. Thủ chí hành đạo, đạo kia thật lớn.
b) LỤC ĐỘ
CHƯƠNG 10: Bá thí
Thấy người bá thí vui vẻ trợ giúp được phước rất lớn. Sa-môn hỏi: “Bạch đức Thế Tôn, phước đó có hết chăng?”. Phật đáp: Thí như cây đuốc trăm ngàn người tới mồi, nào để nấu ăn, nào để thắp sáng, cây đuốc vẫn như cũ, phước cũng như thế.
CHƯƠNG 11:
Cho một trăm người ác ăn không bằng cho một người lành ăn, cho một ngàn người lành ăn không bằng cho một người trì ngũ giới, cho mười ngàn người ngũ giới ăn không bằng cúng dường một vị Tu-đà-hoàn, cúng dường một triệu vị Tu-đà-hoàn ăn không bằng cúng dường một vị Tư-đà-hàm ăn, cúng dường mười triệu vị Tư-đà-hàm ăn không bằng cúng dường một vị A-na-hàm, cúng dường một ức vị A-na-hàm ăn không bằng cúng dường một vị A-la-hán, cúng dường mười ức A-la-hán ăn không bằng cúng dường một Bích Chi Phật. Cúng dường một trăm ức Bích Chi Phật ăn không bằng cúng dường một trong tam thế chư Phật, cúng dường một ngàn ức Phật ăn không bằng cúng dường một vị vô niệm, vô trụ, vô tu, vô chứng.
CHƯƠNG 12:
Người ta có 20 điều khó:
- Nghèo hèn mà bố thí là khó.
- Giàu sang mà học đạo là khó.
- Bỏ thân mạng quyết chết là khó.
- Thấy được kinh Phật là khó.
- Sanh nhằm đời có Phật là khó.
- Nhẫn sắc nhẫn dục là khó.
- Thấy tốt không ham cầu là khó.
- Bị nhục không giận là khó.
- Có thế lực không ỷ là khó.
- Gặp việc vô tâm là khó.
- Học rộng nghiên cứu nhiều là
khó.
- Trừ diệt ngã mạn là khó.
- Không khinh người kém học là
khó.
- Thật hành bình đẳng là khó.
- Chẳng nói thị phi là khó.
- Gặp thiện tri thức là khó.
- Thấy tánh học đạo là khó.
- Tùy duyên hóa độ người là khó.
- Gặp cảnh không động tâm là khó.
- Khéo hiểu phương tiện là khó.
CHƯƠNG 13: Trì giới
Có vị Sa-môn hỏi Phật: Do nhân duyên gì biết được túc mạng, đến được chỗ chí đạo?
Phật đáp: Lắng sạch tâm mình, giữ vững ý chí, đến được chí đạo. Cũng như lau gương, bụi đi, còn lại ánh sáng. Đoạn dục vô cầu, sẽ được túc mạng.
CHƯƠNG 14:
Sa-môn hỏi Phật: Thế nào là lành, thế nào là lớn?
Phật dạy: Hành đạo, giữ điều chân thật là lành, chí hợp với đạo là lớn.
CHƯƠNG 15: Nhẫn nhục
Sa-môn hỏi Phật: Cái gì rất mạnh, cái gì rất sáng?
Phật đáp: Nhẫn nhục rất mạnh, không ôm lòng ác lại thêm an kiện. Người an nhẫn không làm ác ắt được ai cũng tôn quý. Tâm cấu diệt hết, sạch không vết nhơ, ấy là rất sáng. Từ khi chưa có trời đất tới ngày nay, không có vật nào ở mười phương là không thấy, không biết, không nghe, được nhất thiết trí, có thể gọi là rất sáng vậy.
CHƯƠNG 16: Thiền định
Ôm lòng ái dục chẳng thấy được đạo, như người lấy tay khuấy nước chẳng thấy được bóng mình. Người bị ái dục xáo trộn trong tâm cấu trược nên chẳng thấy đạo. Sa-môn phải dứt bỏ ái dục, nhờ ái dục hết rồi mới thấy được đạo.
CHƯƠNG 17: Căn bản trí (Bát Nhã)
Luận đến bậc kiến đạo như cầm đuốc vào nhà tối, bóng tối liền hết, còn lại ánh sáng. Học đạo thấy chân lý, vô minh liền dứt, trí tuệ thường còn.
CHƯƠNG 18: Hậu đắc trí (Bát Nhã)
Pháp của ta niệm, vô niệm, niệm; hành, vô hành, hành; ngôn, vô ngôn, ngôn; tu, vô tu, tu. Kẻ hội (biết) thì rất gần, người mê thì rất xa! Ngôn ngữ đạo đoạn, chẳng có vật gì ràng buộc. Sai trong hào ly, mất trong giây lát.
CHƯƠNG 19: Gia hạnh trí (Bát Nhã)
Quán vô thường là thường: Quan sát trời đất vô thường, quan sát thế giới vô thường, quan sát linh giác tức Bồ-đề. Hiểu biết như thế mau đắc đạo.
CHƯƠNG 20:
Quán vô ngã như huyễn: Nên xét trong thân bốn đại, mỗi đại tự có tên riêng, chẳng có đại nào là ta. Ta đã không có, chỉ là huyễn vọng.
CHƯƠNG 21:
Quán ngũ dục: Người theo tình dục cầu thanh danh, thanh danh vừa hiển lộ thân đã chết, tham danh chẳng học đạo, uổng công mệt xác! Cũng như đốt hương, người vừa ngửi thơm, hương đã bị cháy, lửa hại thân ngay tại chỗ danh thành.
CHƯƠNG 22:
Tài sắc người không bỏ được, cũng như dao dính mật, thật chẳng đủ bữa ăn ngon, thế mà trẻ nít liếm vào ắt bị đứt lưỡi.
CHƯƠNG 23:
Vợ con nhà cửa ràng buộc như lao ngục. Lao ngục còn có thời kỳ phóng thích, nhưng đối với vợ con thì chẳng bao giờ có ý niệm xa lìa. Tâm khát sắc đẹp đâu biết sợ gian nguy. Dù gặp họa nơi miệng hùm cũng cam lòng chịu. Đắm mình nơi bùn lầy gọi là phàm phu, hiểu được lẽ ấy chính là bậc xuất trần A-la-hán.
CHƯƠNG 24:
Ái dục không chi hơn sắc đẹp. Cũng may chỉ có một thứ này thôi, nếu có cái thứ hai bằng nó thì khắp thiên ha, chẳng có ai thành đạo.
CHƯƠNG 25:
Ái dục như cầm đuốc đi ngược gió hẳn không khỏi cái nạn cháy tay.
CHƯƠNG 26:
Thiên thần dâng ngọc nữ cho Phật, toan hoại ý Phật. Phật bảo: “Đãy da ô uế tới đây làm gì? Đi! Ta chẳng dùng đâu”. Thiên thần khởi tâm kính nể hỏi đạo. Phật vì giải nói. Thần liền chứng Tu-đà-hoàn.
CHƯƠNG 27: Mặc giáp tinh tấn
Hành đạo như gỗ trôi mặt nước theo dòng mà đi, chẳng tấp vào bờ, chẳng bị người vớt, chẳng bị quỷ thần ngăn trở, chẳng bị nước xoáy đứng lại, chẳng bị mục nát. Ta cam đoan khúc gỗ ra tới biển.
Người tu đạo chẳng bị dục tình mê hoặc, chẳng bị tà ma ngoại đạo nhiễu loạn, tinh tấn vô vi. Ta cam đoan người này đắc đạo.
CHƯƠNG 28:
Dè dặt chớ tin tâm ngươi, tâm ngươi không thể tin được. Dè dặt chớ gần sắc đẹp, gần sắc đẹp thì tai họa quyết sanh. Chừng nào chứng được A-la-hán rồi mới có thể tin được tâm ngươi.
CHƯƠNG 29:
Dè dặt chớ nhìn nữ sắc, chớ cùng nói chuyện. Nếu bất đắc dĩ cùng nói thì nên chánh tâm suy nghĩ: “Sa-môn trong đời ác trược phải như hoa sen trong bùn nhơ, tưởng người già như mẹ, người lớn như chị, trẻ nhỏ như em, đứa bé như con”, phát tâm độ thoát liền diệt ác niệm.
CHƯƠNG 30:
Hành đạo như mang cỏ khô thấy lửa đến phải tránh. Đạo nhân thấy dục lạc, quyết phải lánh xa.
CHƯƠNG 31: Hạnh tinh tấn
Có người sợ không dứt nổi dâm dục, muốn tự đoạn âm. Phật bảo: “Đoạn âm không bằng đoạn tâm. Tâm như quan tòa. Quan nếu nghỉ thì kẻ tòng sự mới nghỉ. Tà tâm chẳng dứt, đoạn âm ích gì”. Phật Ca Diếp nói bài kệ:
“Dục sanh từ ý
Ý do tư tưởng,
Cả hai tịch tĩnh
Phi sắc phi hành”.
CHƯƠNG 32:
Ái dục sanh lo, từ lo sanh sợ. Nếu xa ái dục còn gì sợ lo.
CHƯƠNG 33: Tướng mặc giáp tinh tấn
Hành đạo như chiến sĩ đấu với vạn người. Mang giáp ra cửa, hoặc ý khiếp nhược, hoặc nửa đường lui, hoặc chống cự đến chết, hoặc đắc thắng mà về. Sa-môn học đạo giữ chắc tâm mình, tinh tấn dõng mãnh, chẳng sợ tiền cảnh, phá diệt chúng ma mà chứng đạo quả.
CHƯƠNG 34: Nhiếp thiện tinh tấn
Có Thầy Sa-môn ban đêm tụng kinh Di Giáo của Phật Ca Diếp, âm thanh buồn thảm, âu sầu lo ngại như muốn thoái lui. Phật hỏi: Trước kia ở nhà ông làm nghề gì?
– Thưa, gảy đàn cầm.
Hỏi: Dây đàn chùng thì âm thanh thế nào?
– Thưa, không lên tiếng.
Hỏi: Dây căng thẳng thì sao?
– Thưa, âm thanh cụt ngẳn.
Hỏi: Dây vừa chừng thì sao?
– Thưa, đủ các âm thanh.
Phật dạy: “Sa-môn học đạo cũng thế, giữ tâm chừng mực thì đạo có thể chứng. Nếu gấp quá thì thân mỏi mệt, thân mỏi mệt ý liền phiền não, ý phiền não thì hạnh lui sụt, hạnh lui sụt tức là tội lỗi đã thêm lên. Chỉ có thanh tịnh an lạc, đạo mới không mất”.
CHƯƠNG 35:
Luyện sắt bỏ quặng, chế tạo thành đồ dùng, đồ dùng mới được tinh xảo. Học đạo trừ tâm cấu nhiễm, công hạnh mới thanh tịnh.
CHƯƠNG 36: Lợi lạc tinh tấn
Thoát ác đạo được thân người là khó. Làm thân người được thân nam tử là khó. Thân nam tử đầy đủ sáu căn là khó. Sáu căn đầy đủ mà được sanh vào trung quốc là khó. Ở trung quốc mà được gặp Phật ra đời là khó. Gặp Phật mà được đạo là khó. Gặp được đạo mà khởi tín tâm là khó. Đã có tín tâm mà biết phát tâm Bồ-đề là khó. Đã phát tâm Bồ-đề mà đến chỗ vô tu vô chứng là khó.
c) TRÌ GIỚI LÀ QUAN TRỌNG
CHƯƠNG 37:
Phật tử xa ta ngàn dặm mà thường nghĩ tới giáo pháp thì quyết định chứng quả. Phật tử ở ngay bên ta, thường được thấy ta mà chẳng sống theo giới pháp, trọn chẳng chứng đạo.
CHƯƠNG 38:
Phật hỏi một vị Sa-môn: “Mạng người sống chừng bao lâu?”.
– Thưa, trong vài ngày.
– Ngươi chưa hiểu đạo.
Phật hỏi một vị Sa-môn khác: “Mạng người sống chừng bao lâu?”.
– Thưa, trong một bữa ăn.
– Ngươi chưa hiểu đạo.
Phật lại hỏi một vị Sa-môn khác: “Mạng người sống chừng bao lâu ?”.
– Thưa, trong hơi thở.
– Hay lắm, ngươi đã hiểu đạo.
a) TIN GIÁO
CHƯƠNG 39:
Học đạo Phật phải tin theo lời Phật. Cũng như ăn mật, giữa chén hay chung quanh đều ngọt, kinh điển của ta cũng vậy.
b) HIỂU LÝ
CHƯƠNG 40:
Sa-môn hành đạo không như trâu mao ngưu, thân tuy hành đạo mà tâm đạo chẳng hành, tâm đạo nếu hành, đâu cần hành đạo.
c) THẬT HÀNH
CHƯƠNG 41:
Phàm hành đạo như trâu chở nặng đi trong bùn sâu, dù mỏi mệt vẫn chẳng dám ngó hai bên. Ra khỏi bùn lầy mới được thư thả. Sa-môn phải quán tình dục đáng sợ hơn bùn lầy. Trực tâm niệm đạo mới hy vọng thoát khổ.
CHƯƠNG 42:
Ta coi ngôi Vương hầu như bụi qua khe hở, coi vàng ngọc như ngói gạch, coi lụa là như giẻ rách, coi đại thiên thế giới như hạt cải, coi ao A-nậu như dầu thoa chân, coi môn phương tiện như đống hóa báu, coi pháp vô thượng thừa như mộng thấy vải kim tuyến, coi Phật đạo như hoa trước mắt, coi thiền định như núi Tu Di, coi Niết-bàn như ngày đêm tỉnh thức, coi sự đảo chính như sáu con rồng múa, coi bình đẳng như Nhất chân địa, coi sự hưng hóa như cây bốn mùa.
Chúng ta thâm nhập Phật đạo bằng 2 cửa :
A- Thiền vào thẳng tiêu điểm. Con đường trực tiếp ngắn tắt này, đòi hỏi hành giả dùng bản tâm thanh tịnh, trực nhận thật tướng các pháp.
B- Trung và hạ căn niệm Phật cũng ra khỏi hiểm nguy sanh tử mà tiến lên quả Phật.
Phương tiện không cố định, cần linh động tùy hoàn cảnh. Như sơ tâm cần học thêm Tứ Niệm Xứ và Lăng Nghiêm để dễ đường xuất thế. Có người cần học để rõ nghĩa Phật tánh. Ai cũng biết sân hận là nhơ. Nên cố gắng nhẫn nhịn. Nếu còn ấm ức là nhơ vẫn còn. Phải tu các pháp quán để giải cái nhơ từ đáy lòng mới hết khổ. Hoàn cảnh mới thay đổi. Thanh thản hoàn toàn mới có thể vô hiệu hóa những chống đối phá hoại. Nhơ bên trong mà dẹp được thì chướng bên ngoài tự mất. Đoạn được tham sân rồi, si mê không còn môi trường hoạt động.
(Cố Sư trưởng Hải Triều Âm)