CHUADUOCSU.ORG
LÁ THƯ TỊNH ĐỘ
ẤN QUANG ĐẠI SƯ
Người dịch: Đồ Nam
Toát yếu: Tỳ-kheo-ni HẢI TRIỀU ÂM
LÁ THƯ TỊNH ĐỘ
Ấn Quang tôi quá già yếu, tinh thần suy kém, không đủ sức phúc đáp những bức thư hỏi đạo quá nhiều. Nay xin có một lời tổng quát về tất cả những vấn đề tu trì, lập thân xử thế, thờ cha mẹ, dạy con cháu v.v…
Trân Trọng
1.
Pháp môn Tịnh-độ trùm khắp ba căn, gồm thâu lợi độn. Đại pháp của đức Như Lai, mở phương tiện cho tất cả Thánh phàm đều được giải thoát sanh tử, lên ngôi Bất thoái ngay trong hiện đời. Bởi với pháp mầu nhiệm đặc biệt này mà không tin không tu, thật là đáng thương, đáng tiếc!
Pháp môn Tịnh-độ lấy Tín Nguyện Hạnh làm tông chỉ.
TÍN là tin cõi Ta Bà có vô lượng khổ; tin phàm phu đầy nghiệp chướng, không thể nương cậy vào sức mình để dứt hoặc chứng chơn, thoát sanh tử ngay trong hiện đời; tin Phật A Di Đà có thề nguyện rộng lớn. Chúng sanh nào niệm danh hiệu Ngài, cầu về nước Ngài, mạng chung sẽ được tiếp dẫn vãng sanh.
NGUYỆN mau ra khỏi thế giới này, sớm sanh về Cực Lạc.
HẠNH là chí thành khẩn thiết niệm “Nam mô A Di Đà Phật”. Sớm tối lễ bái trì tụng. Đi đứng nằm ngồi, và khi làm những công việc không dụng tâm, đều niệm Phật. Lúc ngủ nghỉ, những khi y phục không chỉnh tề, giặt rửa, tắm gội, đại tiểu tiện cho đến lúc đi ngang qua chỗ không sạch sẽ, cũng đều phải niệm thầm. Chí tâm niệm thầm, công đức cũng đồng như niệm ra tiếng. Không luận niệm lớn tiếng, nhỏ tiếng, niệm kim cang hoặc niệm thầm, đều phải trong tâm ghi nhớ rành rẽ rõ ràng. Tâm không rong ruổi theo cảnh ngoài, vọng tưởng lần dứt, niệm Phật lần thuần, công đức rất lớn.
2.
Phải hiếu dưỡng cha mẹ, phụng thờ Sư trưởng, tâm từ bi không giết hại, tu mười nghiệp lành (thân không sát sanh, trộm cắp, tà dâm; miệng không nói dối, thêu dệt, hai lưỡi, hung ác; ý không tham dục, giận hờn, ngu si, tà kiến). Cha lành con thảo, anh em thương kính, chồng vợ thuận hòa, chủ nhân tớ trung, mỗi người đều giữ tròn bổn phận. Làm hết nhiệm vụ của mình, đừng so đo phiền trách người khác. Đối với gia đình xã hội, làm tròn thiên chức. Người lành niệm Phật dễ có cơ cảm. Lâm chung được Phật tiếp dẫn sanh về Tây phương. Vì tâm hạnh hợp với Phật.
3.
Khuyên thân bằng quyến thuộc và tất cả đồng nhân niệm Nam mô A Di Đà Phật và Nam mô Quán Thế Âm Bồ-tát. Ta đã tìm được con đường giải thoát yên ổn, nỡ nào để quyến thuộc chìm trong biển khổ ư? Cõi đời nhiều hoạn nạn, khó tránh hiểm nguy như hiện nay, nếu có thể thường niệm Phật và Quán Âm, tất cả sẽ được lượng từ bi ủng hộ, gặp dữ hóa lành. Giả sử không tai nạn mà chí tâm trì niệm, cũng được nghiệp tiêu trí sáng, chướng hết phước nhiều. Khuyên người niệm Phật cầu sanh Tây phương, tức là thành tựu một ông Phật, công đức rất lớn. Đem công đức ấy hồi hướng vãng sanh tất sẽ mãn nguyện.
4.
Tụng kinh, trì chú, lễ bái, sám hối, cứu tai nạn, giúp kẻ nghèo, tất cả công đức lành đều hồi hướng vãng sanh Tây phương. Không nên cầu hưởng phước báo cõi trời cõi người. Nên biết hưởng phước càng nhiều thì gây nghiệp càng lớn. Qua đời sau khó khỏi đọa địa ngục, ngã quỷ, súc sanh. Phật dạy niệm Phật cầu về Tây phương, giải quyết vấn đề sanh tử ngay trong hiện kiếp. Nếu ta cầu đời sau hưởng phước báo ở cõi nhân thiên, như đem hạt châu vô giá đổi lấy một thẻ đường, há chẳng đáng tiếc lắm ư?
5.
Ta chỉ nên niệm Phật cầu sanh Tây phương. Đã được thấy đức A Di Đà, lo gì không khai ngộ? Tu Thiền, nếu hoặc-nghiệp hết thì có thể dứt sanh tử. Còn như hoặc-nghiệp chưa dứt, vì không Tín Nguyện không được nương nhờ sức Phật ra khỏi luân hồi. Tự lực và Phật lực đều không, đâu thể nào thoát khỏi trần lao? Pháp thân Bồ-tát còn phải nhờ oai lực Phật. Huống chi phàm phu đầy nghiệp chướng mà không cầu sức Phật ư? Phật lực và tự lực khác nhau như trời vực, nguyện đồng nhân thể-tất nghĩa này!
6.
Người niệm Phật nên ăn chay trường và làm những việc công đức. Dù chưa ăn chay được cũng chớ sát sanh trong nhà. Nếu mỗi ngày sát thì cái nhà ấy là chỗ oan quỷ tụ hội, không được an lành. Cho nên sát sanh trong nhà là điều cấm kỵ.
7.
Khuyên cha mẹ niệm Phật cầu sanh Tây phương. Dặn trước quyến thuộc cách trợ niệm. Chớ nên khóc lóc cùng bày vẽ những điều vô ích. Bình thời vì cha mẹ giảng rõ sự lợi ích của môn niệm Phật. Thế thì quyến thuộc cũng được ảnh hưởng giải thoát an lành. Về phương pháp trợ niệm khi lâm chung, không luận già trẻ đều phải biết.
8.
Người nữ khi sắp sanh thường bị đau khổ, hoặc chết vì sản nạn. Nên chí thành khẩn thiết niệm Quán Thế Âm Bồ-tát. Kẻ hộ sanh phải đồng to tiếng niệm Quán Âm. Quyến thuộc ở nơi khác cũng vì sản phụ niệm giúp. Mấy bà lão niệm Phật xem sanh sản là việc nhơ bẩn; dâu con sanh nở cũng không dám qua săn sóc. Nên biết Bồ-tát lấy sự cứu khổ làm lòng. Lúc sanh sản lớn tiếng niệm Bồ-tát đã không có tội mà còn khiến cho mẹ con sản phụ gieo trồng căn lành. Nghĩa này trong kinh Dược Sư đã có nói rõ.
9.
Người nữ từ 12, 13 tuổi cho đến 48, 49 đều có kinh nguyệt. Có kẻ bảo trong lúc nguyệt kinh chẳng nên lễ bái trì tụng. Lời này rất không hợp tình lý. Thời kỳ có kinh; mau thì 2, 3 ngày; lâu thì 6, 7 ngày mới dứt. Người tu trì cần phải niệm Phật không xen hở, đâu nên vì một chút bệnh nhỏ thiên nhiên mà bỏ lãng thời tu niệm ư? Khi có nguyệt kinh chỉ nên lễ bái ít (lễ bái ít, chứ không phải tuyệt nhiên không lạy), còn sự tụng kinh niệm Phật thì chiếu theo lệ thường. Phải thay giặt vải dơ, rửa tay sạch sẽ, đừng dùng tay dơ lần chuỗi, lật kinh và đốt hương v.v…
10.
Quán Thế Âm Bồ-tát thệ nguyện rộng sâu, tìm tiếng cứu khổ. Khi gặp những tai nạn: đao binh, nước lửa, đói kém, ôn dịch, khô hạn, cướp bóc, oan gia, thú dữ, rắn độc, ác quỷ, yêu mị, nghiệp bệnh, kẻ tiểu nhân hãm hại v.v… Nếu phát tâm sửa đổi làm lành, lợi mình lợi người, chí thành khẩn thiết niệm Quán Thế Âm Bồ-tát không xen hở, quyết định sẽ tránh khỏi tai nguy. Nếu giữ lòng bất thiện thì dù có xưng niệm chẳng qua gieo chút căn lành về sau. Không được cảm ứng hiện tại, vì chư Phật Bồ-tát thành tựu niệm lành cho người, tuyệt nhiên không thành tựu niệm ác cho người.
Đã niệm Phật phải giữ trọn nhân luân, gìn lòng thành kính, dứt các điều dữ, làm các việc lành. Thốt lời khen ngợi việc lành, cũng thuộc công đức của tâm và miệng. Nếu việc mình không thể làm, khi thấy người khác làm được mà sanh lòng ghen ghét, đó là tâm hạnh của kẻ tiểu nhân. Như thế quyết định phải bị mất phước tổn thọ. Rất không nên giả mặt hiền lương để mua danh chuốc lợi.
11.
Hiếu thảo với cha mẹ chồng, kính trọng chồng, dạy dỗ con cái, ra ân huệ cùng hàng tôi tớ, an ủi nuôi dạy con riêng của chồng, chính là đạo Thánh Hiền ở thế gian mà cũng là phép tắc đầu tiên của đạo Phật. Nếu có đủ công đức ấy mà tu Tịnh-độ thì quyết định phước thọ bền vững. Mạng chung được Phật tiếp dẫn về chín phẩm sen. Nên biết đã có nhân tất phải có quả. Nếu ta gieo nhân hiếu kính từ ái, tự nhiên sẽ được quả hiếu kính từ ái, vì người tức là vì mình, hại người còn quá hơn hại mình. Cho nên mỗi người đều phải làm tròn bổn phận. Phật trời tất sẽ chứng tri.
12.
Trẻ con vừa khôn lớn, phải dạy đạo lý ba đời nhân quả, sáu nẻo luân hồi, tâm của mình cùng tâm chư Phật, Bồ-tát, trời đất, quỷ thần, mỗi hơi thở thông nhau. Nếu khởi một niệm bất chánh, làm một việc không phải, thì các vị ấy đều biết. Như đối trước gương sáng, hình ảnh tốt xấu hiện ra rõ ràng không che giấu được. Đã hiểu như thế, chúng sẽ gắng sức làm lành. Chẳng luận người nào, dù là con cái tôi tớ trong nhà, cũng không nên đánh đập mắng chửi thô tháo. Phải tìm cách khuyến hóa, khiến cho chúng biết phụng thờ bậc trên, nhường thuận kẻ dưới, chẳng xài phá cơm gạo của tiền, yêu tiếc sanh mạng loài trùng kiến v.v… Dạy sao cho chúng thành người lương thiện. Lời xưa nói: “Giáo phụ sơ lai, giáo tử anh hài” (dạy con từ thuở còn thơ, dạy vợ từ thuở ban sơ mới về). Tánh tình phần lớn do ảnh hưởng tập quán, cho nên phải cẩn thận từ bước đầu tiên. Cá nhân là phần tử của xã hội. Thiên hạ bình yên hay loạn lạc, cội nguồn đều do sự hiền lương hoặc bạo ác của mỗi con người.
Mong ai nấy nhớ rằng, muốn thật được bình an phải ra khỏi vòng luân hồi. Muốn thoát khỏi sanh tử phải chú trọng nơi Tín Nguyện niệm Phật, cầu sanh Tây phương.
Lời Bạt
Ấn Quang pháp sư lấy một chữ THÀNH làm cốt yếu. Chí thành khẩn thiết ắt sẽ cảm thông với Phật. Huyền diệu là ở chỗ này. Tịnh-độ tông chú trọng nhiều về tha lực. Chỉ dùng tâm thanh tịnh làm căn bản rồi đủ Tín Nguyện trì danh. Dù kẻ nghiệp nặng như biển cả non cao trong một đời cũng được Phật tiếp dẫn về Tịnh-độ.
Nên để ý có 3 lối niệm Phật mà không phải tông Tịnh-độ:
- Niệm Phật đàn áp vọng tưởng để chứng ngộ bản tâm là tu Thiền.
- Coi danh hiệu Phật như câu thần chú để cầu tiêu tai giải nạn, đây là theo Mật tông.
- Có kẻ áp dụng hồng danh để luyện khí cho đi tuần hoàn khắp thân. Đây là ngoại đạo.
Tu Tịnh-độ phải có chí nguyện cầu vãng sanh về cõi Phật, tức dự ngôi Bất thoái, thoát vòng luân chuyển, chứng Vô-thượng Bồ-đề.
Niệm Phật tinh tấn, ấy chánh nhân!
Phiền não tâm ma quét sạch dần.
Phước tuệ song tu đều hồi hướng
Vạn loại hàm linh đồng thoát trần.
Người Bạn Sen