LÀM CHÙA

Tỳ-Kheo-Ni Hải Triều Âm

LỜI GIỚI THIỆU

Chùa Dược Sư Phật Lưu Ly Quang

Tỏa ánh vàng nhuận khắp thế gian.

Dược là thuốc, cứu ngàn bệnh khổ,

Sư là thầy, tế độ quần sanh.

Năm 1989, Thầy thành lập ngôi chùa Dược Sư tại thôn Phú An, xã Phú Hội, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Với ngôi chánh điện nhỏ bé đơn sơ, làm chỗ tu học cho Ni chúng vỏn vẹn vài chục người.

Năm 2001, ngôi chánh điện được trùng tu nhưng vì tài chính eo hẹp, học chúng phải vừa làm vừa tu học, với biết bao khó khăn vất vả. Dù sức nữ nhi yếu đuối, chị em cũng cùng các chú thợ chung tay làm đủ các việc: sàng cát, vác xi măng, trộn hồ, múc đá… Vì muốn khích lệ và sách tấn đại chúng trong thời gian xây dựng, Thầy viết cuốn”Làm Chùa”và mở lớp học.

Muốn xây một ngôi nhà chắc chắn, trước hết phải có nền móng, các cột trụ thật vững vàng, thì đúc sàn mới không sợ đổ. Cũng thế, nay chúng ta muốn xây chánh điện thờ đức Dược Sư, để chữa tất cả bệnh khổ cho pháp giới hữu tình. Trước hết phải xây dựng một nền móng”Trí tuệ Bát Nhã”, soi chiếu năm uẩn là không, thấy được bản chất hư vọng, để sáu căn không còn vướng bận sáu trần, phiền não mới không có cơ hội phát sanh mà tạo các nghiệp sanh tử.

Tiến lên bước nữa là dựng các cột trụ”Thập Thiện và Thập Tín”, đó là nền tảng vững chắc cho những tầng lầu quan trọng hơn. Thập Thiện là phần sự tướng, tinh trì giới luật, thực hành Tỳ Ni để bảo đảm không đọa lạc. Thập Tín là phần lý tánh, gieo trồng giống Phật, xây dựng 10 cột Ngũ Căn, Ngũ Lực làm nhân thành Phật.

Sau cùng là đúc sàn”A Di Đà”để biết tông chỉ và đường lối tu Tịnh-độ. Niệm Phật bằng phương pháp trong uống ngoài xoa, thì bệnh nào cũng tận trừ. Trong uống là mỗi mống niệm vọng tưởng liền biết. Biết vọng thì vọng tan. Từng niệm từng niệm giác sát, thanh lọc nơi tâm. Thế là trong uống. Còn ngoài xoa là tin chắc có nguyện lực của Phật hộ niệm. Phật không ở đâu xa. Phật thường trụ ngay tại đương niệm. Đúc xong tấm sàn A Di Đà được niệm Phật Tam-muội là chúng ta có cơ bản hành pháp Dược Sư.

Năm nay (2011), nhân duyên có hai chị em Phật tử Nguyễn Thị Thu Lan pd Diệu Hương và Nguyễn Thị Điểm pd Diệu Trang cúng dường miếng đất hơn 2 mẫu và một số tiền để xây dựng ngôi Tam-bảo, vì chúng Dược Sư quá đông cần thêm một cơ sở để tu học. Cũng để gieo duyên giải thoát cho đồng bào bản xứ. Sau nhiều lần thỉnh cầu, cuối cùng Thầy đã chấp nhận.

Chùa Dược Sư 2 tọa lạc dưới chân đèo Bảo Lộc, ở Khu phố 1, thị trấn ĐạmRi, huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng. Mặt trước nằm sát quốc lộ, phía sau là một dòng suối trong mát chảy quanh năm, chung quanh những dãy núi chập trùng, một vườn trái cây sum suê, đủ loại chôm chôm, măng cụt, mít…

Hiện nay đang khởi công xây dựng ngôi chánh điện và nhà Tăng, với biết bao khó khăn gian nan. Duyên may, nhờ có Phật tử Lê Phước Vũ pháp danh Hoằng Lược giúp đỡ rất nhiều trong quá trình thi công khiến công việc được thuận lợi.

Chúng con xin tái bản cuốn Làm Chùa, để làm động lực tinh thần hoàn thành ngôi chánh điện Dược Sư như Thầy mong muốn. Khai móng Bát Nhã, dựng cột Thập Thiện và Thập Tín, đúc sàn Di Đà, thành tựu ngôi Tam-bảo của tự tâm, làm nơi nương tựa vững chắc cho muôn loài.

Thầy có nhân duyên lớn với đức Dược Sư. Khi xưa lúc xuất gia, nhờ cầu Ngài mà Thầy đã được như nguyện. Tiện đây xin trích lời Thầy tự thuật:

Năm 29 tuổi, Thầy cùng một số tín nữ phát tâm cầu xuất gia nơi Hòa-thượng Thích Đức Nhuận ở chùa Đồng Đắc, Ninh Bình. Hòa-thượng từ chối tất cả với lý do Ngài chỉ độ bên Tăng. Năm lần bảy lượt cầu thỉnh đều không được. Ai nấy đành thôi. Riêng Thầy về lập đàn Dược Sư 49 ngày đêm. Mỗi ngày tụng 7 biến kinh Dược Sư, ngoài thời giờ chuyên niệm danh hiệu đức Dược Sư Lưu Ly Quang. Đến ngày thứ 43, bỗng nghe bên ngoài có tiếng gọi:”Cô nữ sinh nếu còn chí nguyện xuất gia xin đến Hòa-thượng, Hòa-thượng đã chấp thuận và cho gọi”. Ở trong liêu, Thầy nói vọng ra:”Tôi đã lỡ phát nguyện lập đàn 49 ngày tụng kinh Dược Sư nay mới 43 ngày, xin Hòa-thượng hoan hỷ cho tôi được trọn nguyện, đủ 49 ngày sẽ lên đảnh lễ Hòa-thượng cầu xuất gia”.

Tạ đàn xong, Thầy lên đảnh lễ Hòa-thượng. Ngài dạy rằng:”Cô có ba cái chướng, muốn xuất gia phải xuống tóc ngay. Nếu chậm trễ sẽ bị phá”. Vì thế Thầy sang chùa Sư Bà Đàm Lựu sám hối 7 ngày rồi xuống tóc vào ngày mồng 4 tháng tư vía đức Văn Thù, tại chùa Thanh Xuân, làng Phùng Khoang, Hà Nội. Hòa-thượng Ni Tịnh Uyển vâng lệnh Đại Tăng cho Thầy cạo đầu và thọ giới Sadini ngay.

Nhân lúc rảnh rỗi, Thầy thưa hỏi lý do vì sao Hòa-thượng chấp thuận cho Thầy làm đệ tử, thì được trong Chùa kể lại rằng:”Hôm ấy, Hòa-thượng bỗng nhiên bị bệnh thượng thổ hạ tả kịch liệt ba ngày. Trong chùa vội thỉnh một ông Lang (thầy thuốc) gần đấy. Vì là Phật tử nên ông bỏ cả cửa hàng vào ở trong chùa luôn 3 ngày, lo bốc thuốc hầu Hòa-thượng. Khi khỏi bệnh. Hòa-thượng sắm một mâm lễ để tạ ơn Thầy thuốc. Ông Lang một mực từ chối. Hòa-thượng năn nỉ. Ông thưa rằng:”Con đâu dám nhận phẩm vật của Hòa-thượng. Được hầu Hòa-thượng là đại phước cho con rồi. Nay Hòa-thượng chí tình muốn ban ơn cho con một sự vui lòng. Vậy con xin một việc. Hôm đã lâu con lên chùa lễ Phật, vừa gặp một cô tới xin Hòa-thượng xuất gia. Hòa-thượng từ chối. Con thấy cô chảy nước mắt. Trong lòng con không an. Vậy nay con xin Hòa-thượng ban cho con một ân huệ đặc biệt là cho cô được xuất gia”. Hòa-thượng nói:”Đây là ý bách thần muốn cho cô này được xuất gia. Tôi không dám trái. Vậy ông đi tìm xem cô ấy ở đâu”. Thế rồi ông tìm được Thầy, nhờ thế Thầy mới được Hòa-thượng độ.

Đây là sự linh ứng rõ ràng đức Dược Sư đã mở đường xuất gia cho Thầy vào tu. Dùng thân tướng một ông Lang để làm nhân duyên phát khởi. Ông Lang tức là Thầy thuốc, chính nghĩa chữ Dược Sư. Vậy đại chúng nên tin chắc hễ cứ thành tâm tất có cảm ứng, đừng lo chư Phật ở đâu xa.

Ngôi chùa Dược Sư 2 thành tựu khiến chúng con tin rằng đức Dược Sư vẫn hiện tiền thường trụ tại thế gian để tế độ hữu tình.

Sau cùng, chúng con đốt nén tâm hương, xin chân thành đảnh lễ mười phương Tam-bảo, đức Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Phật cùng các vị Thiên Long Bát Bộ. Hộ Pháp Tôn Thần, ngày đêm gia hộ cho Thầy chúng con, thân tâm an lạc, pháp thể khinh an, tuệ đăng thường chiếu, mai này thượng phẩm sen khai.

Nguyện cầu ngôi Tam-bảo chùa Dược Sư 2 thành tựu viên mãn. Đàn việt lập chùa, mười phương tín thí, cùng bốn ân ba cõi pháp giới chúng sanh ân triêm lợi lạc, sở cầu như ý.

Nam mô Hoan Hỷ mười phương Phật.

Trân trọng kính ghi
Chùa Dược Sư

I. KHAI MÓNG

Trí tuệ Bát Nhã chiếu kiến năm uẩn đều không.

Hiện tại chúng ta đang được thân người, sáu căn đầy đủ, có học có tu tức là kiếp trước chúng ta đã gieo duyên lành trong Phật pháp.

Thân có 2 phần: Sắc và Tâm.

Sắc thân do đất nước gió lửa kết hợp mà thành. Phổi như cái bếp gaz, hít oxy vào rồi thở khói ra. Nếu việc này ngưng, không có hơi ấm làm động lực thì tim ngừng đẩy. Nơi nơi máu sẽ đứng yên tại chỗ. Chiếc xe đạp không có lực đẩy, bánh không quay nữa, liền ngã lăn ra. Thân chúng ta cũng thế.

Hơi ấm lạnh dần, cùng với cái khổ chết ngộp, tất cả tủy xương thịt da rét như kim châm dao cắt.

Thần thức từ từ hết hiện hành. Không còn sức chấp trì của thần thức, nước thoát sức ép, bật tung làm vỡ các tế bào. Do đây thân phù sũng nứt loét. Da thịt rửa nát là sự ra đi của nước. Xương còn nguyên hình là còn nước. Khi nước hoàn toàn khô kiệt thì xương mủn tàn thành một nắm bụi, trả về đất.

Thế là xong một đời người. Thần thức thoát xác lại theo nghiệp thiện ác đi đầu thai.

Lại có mắt tai mũi lưỡi thân ý gọi là sáu căn của ta. Tâm thủ chấp là thân thể của mình, cho ngoại sắc năm trần là cảnh có thật ở ngoài thân.

SẮC. Ta cứ tưởng thấy quả ổi ở ngoài vườn, ai có dè ta đang thấy ở trong mắt ta. Cứ tưởng thấy quả ổi thật, ai có dè ta chỉ thấy được cái bóng, do ánh sáng mặt trời chiếu qua con ngươi, đặt một hình ảnh vào thị giác thần kinh. Ta cứ tưởng cái bóng này phản ảnh trung thành quả ổi, ai có dè nó tùy duyên tuần nghiệp mà thay đổi. Mắt cua, mắt chim, mắt người, mỗi loài thấy một hình ảnh khác nhau. Đức Phật dạy: Ta thấy dòng sông nước chảy, ông trời thấy là ngọc ma ni, quỷ thấy là lửa cháy.

Ta cứ tưởng nghe tiếng la ở miệng cô kia. Ai có dè ta đang nghe trong tai ta. Ta cứ tưởng nghe tiếng la từ ngoài đi vào tai. Ai có dè ta chỉ lãnh cái rung động của không khí. Ta cứ tưởng ta nghe rất đúng. Ai có dè tai chó, tai gà v.v… mỗi loài nghe ra một thứ tiếng khác nhau, tuy cùng một làn sóng âm ba.

Ta cứ tưởng thơm là ở nước hoa, ngọt là ở đường, mát là ở gió; ai có dè đều là những cảm giác do thần kinh của chúng ta, tùy duyên tuần nghiệp mà giả hiện để phân biệt cảnh ngoài. Kinh Phật gọi là duy thức biến.

THO. Từ vô thủy, trải vi trần thân, ngã ái câu sanh đã có thói quen gặp thuận thì vui, gặp nghịch thì khổ. Căn trần cứ tiếp xúc là thọ ấm hiện hành, nhanh hơn điện. Chúng ta không kịp suy xét phải trái.

TƯỞNG. Tưởng yêu ghét tiếp luôn. Ta lầm cho tập khí hư vọng này là tâm tánh của mình nên một bề vâng theo.

HÀNH. Chịu vọng tưởng sai sử. Không biết mình là nô lệ. Tự cho là tài khôn, nhắm mắt tạo nghiệp.

THỨC. Thân miệng ý vọng động thành thói quen. Thói quen tập thành tánh nết (Caractère). Tánh nết đưa đến ý chí (Volontè). Thiện ác vô ký mỗi mỗi huân tập làm lực đẩy để tâm thức trổ quả báo vị lai.

Thần thức theo nghiệp vào bào thai lại tạo ra căn thân (chánh báo) và trần cảnh (y báo).

Cái vòng tròn 5 uẩn cứ chứa góp nối tiếp vần xoay. Chúng ta như con kiến bò trên miệng chén. Muốn thoát luân hồi thì đừng tạo nghiệp. Muốn không tạo nghiệp, phải sáng suốt đừng nhận hai cặp khổ vui yêu ghét là mình, đừng để chúng nó kích thích. Hộ 6 căn là trợ pháp thiết yếu. Học Bát Nhã Tâm Kinh, cần mẫn chiếu soi 5 uẩn đều không.

Nay đang được thân người, chúng ta hơn cõi trời ở chỗ không bị thuận cảnh gây mê. Chúng ta có trí tuệ hơn loài vật, hiểu được 4 lý vô thường, vô ngã, khổ và không.

Cầu chúc tất cả chị em, ai nấy thấy rõ mình đang ở trong màn lưới mặt trận mê hồn của 5 uẩn và thật sự quyết định đi ra.

Cửa giải thoát: Chuyên niệm Nam mô A Di Đà Phật. Bởi vì thọ tưởng hành là tạo nghiệp thì trở về an định trong bổn tánh Vô Lượng Quang, Vô Lượng Thọ là giải thoát.

II. 20 CỘT TRỤ

A- THẬP THIỆN

Thân không 3 ác: Sát sanh, trộm cắp, dâm dục.

    Miệng không 4 ác: Nói dối, hai lưỡi, thêu dệt, lời độc.

    Ý không 3 ác: Tham lam, sân giận, tà kiến.

    Lìa 10 ác tức thành 10 thiện.

    10 lành đóng cửa địa ngục, ngã quỷ, bàng sanh; mở cửa cõi trời cõi người.

    10 lành là căn bản của Thanh-văn giới, giải thoát luân hồi sanh tử.

    10 lành là thềm bậc tiến lên Bồ-tát giới, con đường hoa gấm Vô-thượng Bồ-đề.

    Đây là Tỳ Ni Thiết Yếu Nhật Dụng của những ai tu Tịnh-độ cầu vãng sanh Tây phương Cực Lạc thế giới thơm ngát hương sen.

    Đây là phao nổi của liệt vị thượng nhân tham thiền nhập định, minh tâm kiến tánh, sửa soạn lướt qua bờ kia.

    Lòng từ cứu vớt hậu lai của chư Phật, chư Bồ-tát, lịch đại Tổ Sư, không thể rời đây mà hữu hiệu.

    Cổ Đức dạy: Mười điều thiện, trẻ thơ cũng biết nói nhưng cụ già 80 chưa mấy ai đã viên thành. Tất cả Ni sinh phải vâng giáo phụng hành, ba nghiệp tinh nghiêm, ngõ hầu trùng quang Tổ ấn, vĩnh chấn tông phong, đem giác hoa hương huân ướp rừng thiền, rực rỡ Phật đường, xương minh chánh pháp.

    B- THẬP TÍN

    1) Tâm Hộ Pháp

    Biết rõ nhân vô minh, duyên ác nghiệp mới có ba đường khổ. Nhân giác tỉnh, duyên thiện nghiệp là đường lên Thánh vị. Vì thế trong hộ tâm tránh các duyên xấu, kết hợp các nhân duyên lành. Ngoài xả thân hộ pháp vì Tam-bảo là duyên giải thoát duy nhất của chúng sanh.

    Kinh Hoa Nghiêm dạy: Muốn tâm hộ pháp đi đến thậm thâm, phải quán duyên khởi:

    Quả từ nhân sanh nên quả không thật.

    Nhân từ quả sanh nên nhân không thật.

    Vì không thật thể nên không thật có lực tác dụng.

    a. Mt nghiệp dẫn mt sanh. Nhiều nghiệp viên mãn quả báo:

    Thí dụ: Ăn cắp thì phải trả nợ. Thêm nghiệp dâm dục phải vào bào thai thành có thân. Nếu khẩu nghiệp đã mắng người một câu ngu như bò. Thế là sẽ làm bò kéo xe trả nợ v.v…

    Bá thí quả báo ở trời người. Nếu trước khi bá thí, đang bá thí, sau khi bá thí mà tâm niệm hối hận không vui thì sáu căn quả báo theo đó bị giảm thiểu.

    Trì năm giới được thân người là tổng báo. Nếu thêm nhẫn nhục nhu hòa, chánh báo sẽ đoan nghiêm tươi đẹp. Giận hờn cau có sẽ cảm biệt nghiệp xấu xí như con bú rù.

    b. Nghiệp lc chủ nhân ông không đnh tánh.

    Chúng sanh thường lưu chuyển mà không năng chuyển. Lìa thân đất nước gió lửa, bệnh không chỗ đứng. Mà đất nước gió lửa tự không phải bệnh. Tâm không nghiệp, tâm đâu có chiêu vời đau khổ. Nhưng không tâm, nghiệp chẳng chỗ nương. Cho nên tâm lực có thể chuyển nghiệp lực. Bậc A-la-hán hàng phục được hành ấm, liền dừng bước sanh tử.

    c. Chân tâm vốn vô sanh bất biến.

    Tùy duyên tựa hồ có sanh. Thân người ăn cắp là đất nước gió lửa hư vọng sanh già bệnh chết. Thân trâu quả báo cũng đất nước gió lửa giả hiện một thời gian rồi thành không. Đúng lý thì cả nhân lẫn quả thế gian chỉ là một phim ảnh huyễn hóa. Cuộc đời chúng ta là một mớ duyên khởi trùng trùng.

    Không biết duyên khởi thâm nghĩa, không như pháp tu hành, ắt bị lưu chuyển trong vòng sanh tử. Tìm hiểu thâm sâu thật nghĩa, khởi hạnh chứng chân, trước sau đều thật.

    2) Niệm Tâm

    Để cho thú tánh điều khiển là kẻ nô lệ đáng thương nhất. Tự chủ được mình là kẻ nắm quyền vương bá vĩ đại nhất. Chìa khóa tự chủ luyện tâm. Đào sâu hốc hẻm nội tâm, tự mở một khung trời quang sáng, cần vâng lời Phật, học kinh Tứ Niệm Xứ.

    1.  Nim thân: Thấu triệt con người là một tiến trình luôn biến chuyển, một khối uế trược sanh già bệnh chết. Quan niệm này chẳng phải bi quan mà hoàn toàn thực tiễn. Thế gian bị ảo kiến về ngã ái khiến cho nhọc nhằn lo âu, bồn chồn nóng nảy, dẫn đến những quyết định vội vàng, những lời nói và hành động thiếu thận trọng. Các Phật tử, vì có chánh kiến, sống hợp với lẽ phải nên thanh thản vui vẻ, mỗi bước, mỗi bước đi lên.
    2. Nim th: Chứng nghiệm một cách khách quan những cảm giác vui sướng, đau khổ hay bình thường. Người giác tỉnh không bị cảm thọ chi phối, không bị cái vui tạm bợ nhận chìm, cái khổ khách trần bức bách. Tâm xả là nguồn bình an.
    3.  Quán tâm: Một công trình khảo xét tư tưởng của mình, nhận thức được vọng tâm là một chuỗi sanh diệt theo duyên sáu trần mà biến đổi, rõ ràng không phải là ta. Nó chính là dây trói buộc chúng sanh vào ngục luân hồi. Không bị cái vọng tập từ vô thủy này lôi cuốn, khôi phục lại quyền tự do độc lập, thong thả đi trong đời không bị dính mắc, là con đường Niết-bàn.
    4. Quán pp vô thường vô ngã

    Đức Phật hệ thống hóa tất cả nhân sanh vũ trụ phức tạp làm 5 uẩn, 12 xứ, 18 giới để dạy chúng ta học về chính mình. Quan sát hiểm nguy của 5 triền cái. Dùng 7 giác chi để luyện tâm tĩnh lặng, sáng suốt, tự tại v.v…

    Nghệ thuật từ khước buông bỏ những hư huyễn để trở về chân tánh thanh bình, an lạc là một thành công đáng cho chúng ta cố gắng.

    3) Tâm Trì Giới

    Giới hiển lý trong sự nên rất quý. Muốn trì giới được vững chắc phải quan sát nghiệp quả thậm thâm. Nhân quả tuy có mà chẳng thường, tuy không mà chẳng đoạn, tội phước không mất.

    Kinh Hoa Nghiêm liên tiếp cho 9 ví dụ:

    1. Chân tâm như gương đối cảnh hin bóng.
      Giác thể có 4 nghĩa như gương:
      a. Lìa tất cả tướng tâm và cảnh.
      b. Tánh chân thật của vạn pháp (bóng) chính là chân tâm (gương).
      c. Nhiễm pháp chẳng thể nhiễm vì gương bất động.
      d. Gương là pháp bất biến (chân tâm bản lai trong sáng thanh tịnh).
    2. Giống gieo vào rung mc lên cây:
      Không người tạo nghiệp, không người thọ quả mà báo không mất. Hạt giống: Thức. Ruộng: Nghiệp. Vô minh che phủ. Nước ái tưới nhuần. Lưới kiến-chấp chập trùng. Ngã mạn rót xối. Sanh mầm danh sắc. Nếu không tạo nghiệp, thức như thóc không xuống ruộng, trọn chẳng thể lên cây.
    3. Nhà ảo thut ở ngã tư đường hiện những sắc tướng: Thức ấm trụ ở sắc, thọ, tưởng, hành. Hiện ra vọng thân, vọng tâm, vọng cảnh.
    4. Người gỗ có máy vang ra tiếng, chẳng thể bảo là ngã hayphi ngã.
    5. Chim đều từ trứng nở ra, tiếng kêu và hình sắc không đồng nhau: Nghiệp báo thầm huân mà quả báo minh bch.
    6. Căn thân thành tựu trong thai tạng.
    7. Khổ địa ngục.
    8. Báu của Chuyển Luân Thánh Vương
    9. Lửa hỏa tai.

    4) Định Tâm  

    • Bản tánh vô niệm, thường định. Vọng tâm tán loạn phải tập trụ vào một cảnh. Thoạt nhiên khởi tâm liền mất Chỉ (Định). Tạm thời quên chiếu là mất Quán (Tuệ). Tịch Chiếu song song mới không lỗi. Người sơ tâm thường băn khoăn, nếu giáo hóa nhiều e mất định tâm. Trí và Bi khó song toàn.
    • Phật thường vô niệm. Một pháp chứng ngộ là vô ngại pháp giới, tức là lý của tất cả sự. Nhiều giáo hóa là những sự của lý, tùy cơ duyên mà thị hiện. Bởi chứng ngộ lý mới có thể hiện nhiều sự. Bởi nhiều thị hiện sự mới chứng ngộ lý. Lý chứng ngộ đã thâm nhưng chưa thậm. Hiểu rõ Lý và Sự thành nhau sẽ phát tâm tiến mạnh.

    5) Tâm Bồ Đề

    Nguyện dẫn đường như mắt dẫn thân đi.

    HỎI: Như Lai phước điền bình đẳng không riêng tư mà sao chúng sanh cúng dường được quả báo không đồng? Cũng theo đạo Phật, có người lên Thánh vị, có người không giải thoát phiền não. Vậy trên sự thật, đạo Phật có ích hay vô ích?

    ĐÁP: Phật như mặt trời chiếu sáng khắp thế gian. Như mặt trăng phá tan những bóng tối. Như thuốc a-già-đà trị tất cả độc.

    Chỉ vì chúng sanh khí chất có lớn nhỏ, quán giải có cạn sâu, công phu có hậu bạc, tâm chí có khinh trọng nên quả báo có sai khác. Bồ-tát khéo dụng tâm sẽ được thắng diệu công đức. Không chi hơn là mỗi mỗi hướng về Vô-thượng Bồ-đề, trên cầu Phật đạo dưới độ chúng sanh.

    6. Tiến Tâm

    Năm tướng tinh tấn: Chăm chỉ phá giải đãi, kiên gan bền chí, càng được càng gắng sức, phát đại thệ nguyện, dũng kiện học tu.

    Văn Tuệ thường nghỉ, minh giải chẳng khai. Tư Tuệ thường nghỉ, chân trí chẳng sanh. Thánh đạo như lửa đốt củi hoặc-chướng. Trước ngôi Noãn gọi là chưa nóng. Nếu đối với minh sư không học hỏi để khai tâm, không chịu mở mắt để tìm hiểu giáo lý, không có công phu tu hành, không thiết tha cầu chứng quả, làm sao địch được hoặc-nghiệp từ lịch kiếp?

    Dũng mãnh tinh tấn ở trong Phật pháp thì Bồ-đề không xa. Như giọt nước dù mong manh mà nhờ sức tiếp tục nhỏ xuống lâu dài, có khả năng làm thủng đá. Bốn pháp thiết yếu để chứng Niết-bàn: Thân gần bạn lành, chuyên tâm nghe pháp, suy ngẫm kỹ càng, như pháp tu trì.

    7. Tâm Bất Thoái

    Chân thật hành pháp là chánh hạnh thậm thâm. Những chỗ mình đã hiểu, đích thân tự kinh nghiệm. Đã tự lợi ích nay đem dạy người. Không phải chỉ giỏi chữ mà không thật đức.

    Học cùng tận biển Phật pháp là nhân tu Nhất-thiết-chủng-trí. Nhưng cốt yếu phải thực hành mới không thoái lui.

    Nhà Thiền kể chuyện rằng: Đường vào chùa có một quãng trơn trượt, ai sơ ý dễ bị té. Vị Trụ trì hì hục sơn viết một tấm bảng báo động. Ngắm nghía công trình mình, Sư khoái dạ đi tới đi lui, trượt chân Sư ngã xoài.

    Người học đạo tham theo văn nghĩa, phiêu đãng tâm tánh, không như pháp tu hành thì vẫn sa đọa. Làm Pháp sư, thuyết pháp dạy người. Nếu không tự nếm pháp vị, vẫn bị thiệt thòi. Như thầy thuốc biết cách chữa bệnh mà không tự uống thuốc, chẳng thể cứu được mình. Kinh thí dụ nói ăn mà không ăn chẳng thể no. Ngôi Bất Thoái Tâm lấy việc thực tập các pháp môn làm chánh hạnh để bảo đảm giải thoát.

    8. Tuệ Tâm

    Đoạn hoặc chứng lý, tu hành đắc quả, toàn cậy ở trí tuệ. Bát Nhã như mắt sáng mở đường dắt dẫn cả sáu độ thành tựu vạn hạnh, để tiến tới Ba-la-mật-đa.

    Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ, phiền não vô tận thệ nguyện đoạn, pháp môn vô lượng thệ nguyện học, Phật đạo Vô-thượng thệ nguyện thành, đều nương trí tuệ mà hy vọng thực hiện.

    Phật pháp quý trọng giải thoát trên hết. Kinh Kim Cang: “Giả sử đem hằng hà sa số thân bố thí, công đức không bằng nghe một bài kệ kinh Kim Cang”. Bởi vì thân bốn đại là thân giả. Nghe kinh Kim Cang thì ngộ được Pháp-thân chân thật. Cũng như buổi sớm mai, những hạt sương lóng lánh như kim cang ở khắp cành lá. Ta có thể dùng bao nhiêu loại kim cang này để đổi lấy một hạt kim cang thật dù chỉ nhỏ bằng hạt cải?

    Người hành trí tuệ chân-không làm vô lượng thiện pháp, khác với tà kiến chấp không, đoạn hết căn lành. Hiện đời là kẻ ác, mai sau vào địa ngục.

    Bát Nhã cho đại quả Niết-bàn chân thật. Năm độ kia chỉ cho quả báo thế gian nếu không kèm Bát Nhã.

    9. Tâm hồi hướng

    Giữ gìn tánh giác minh. Diệu tuệ lực xoay về từ quang Phật. Hướng về Phật an trụ. Như hai gương đối nhau, Phật quang tâm quang tương nhiếp, tương nhập.

    Hồi hướng tha Phật là hồi hướng Phật địa. Hồi hướng tự Phật là hồi hướng Chân như.

    Phật đạo: Trí. Chân Như: Lý.

    10. Tín Tâm

    Pháp giới là chỗ Phật đã chứng. Chúng sanh giới là chỗ Phật đang giáo hóa. Pháp giới là lý thể. Chúng sanh giới là sự dụng. Lý và Sự, Thể và Dụng không hai. Cho nên biết Phật đang có mặt ở tất cả tâm hành chúng sanh. Đức Thích Ca, đức A Di Đà, mười phương Phật đang thật sự tiếp dẫn chúng ta về Tịnh-độ. Mỗi tiếng niệm Phật của chúng ta chính là cái nhân để chúng ta vãng sanh về cõi Phật.

    NGŨ CĂNTínTiếnNiệmĐịnhTuệ
    NGŨ LỰCTâm Hồi HướngTâm Bất ThoáiTâm Hộ PhápTâm Trì GiớiTâm Bồ Đề

    III. ĐÚC SÀN

    Nay muốn xây chánh điện thờ đức Dược Sư, để chữa tất cả bệnh khổ cho pháp giới hữu tình, thì trước hết phải đúc sàn A Di Đà.

    A Di Đà là vô lượng giác, vô lượng thọ, vô biên công đức.

    Trong kinh Lăng Nghiêm, 25 vị Thánh trình bày Viên-thông đều cùng nhập Tam-muội. Đức Quán Thế Âm nghe tánh nghe. Pháp môn này gọi là Nhĩ căn Viên thông, được chọn là đệ nhất. Bồ-tát Đại Thế Chí dùng tâm niệm Bổn giác, gọi là niệm Phật Viên Thông. Vì dùng niệm sanh diệt đi từ cạn vào sâu, từ tạp niệm tới nhất tâm. Được vô niệm mới thành Tam-muội. Con đường tuy cũng viên đốn song rõ ràng không phải vào thẳng như Nhĩ căn. Nhưng chẳng mấy ai phân tách nổi hai căn bản sanh tử và Bồ-đề, ngay từ sơ tâm, để tu Nhĩ căn khỏi lạc đường. Nên pháp môn niệm Phật được nhiều Phật tử thực hành hơn.

    Đại Thế Chí:

    a. Tối đại thế lực hộ trì Phật pháp, hóa độ chúng sanh.
    b. Vô biên quang trí khắp chiếu, khiến lìa tam đồ khổ.
    c. Vô thượng lực xứng nguyện chư Phật, gánh vác trách nhiệm hoằng hóa hữu tình.

    Đức Đại Thế Chí cùng đức A Di Đà và đức Quán Thế Âm phân thân khắp mười phương pháp giới, phổ độ hàm linh.

    Ngài chính là Thầy Tổ dạy nghề đúc sàn A Di Đà. Ai muốn làm học trò Ngài, phải sửa soạn hai cánh tay thật khỏe:

    1.  Oai nghiêm quyết định chặt đứt vọng tâm.
    2. Chí nguyện bền chắc làm việc đến nơi đến chốn.

    Phật dạy: Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, đầy đủ tơ hào không thiếu. Nhưng nếu thân ở Phật đường, tâm hướng ngoại duyên thì tuy gặp Phật cũng như không gặp. Lãng tử phiêu lưu chẳng nghĩ trở về thì làm sao về nhà? Nếu con nhớ mẹ thì quyết định sẽ về với Phật, chẳng những một kiếp này mà đời đời không xa Phật. Đây là hiệu lực của tâm tư một bề chuyên nhớ Phật. Đại ích lợi thâm sâu vậy.

    Chẳng những một đức Thích Ca, đức Đại Thế Chí khuyên chúng ta chuyên nhớ Phật A Di Đà, mà mười phương Phật đều dùng tướng lưỡi rộng dài, khuyên cả pháp giới hữu tình niệm Phật A Di Đà. Vì từ lúc tu nhân, đức A Di Đà đã phát nguyện dùng danh hiệu làm phương tiện đưa chúng sanh lên quả vị Phật. Đây thật là phương tiện thù thắng đệ nhất.

    Niệm một danh hiệu Phật A Di Đà công đức như niệm tất cả chư Phật không khác. Giác tánh viên mãn chẳng những Phật Phật bình đẳng, mà chư Phật với chúng sanh cũng bình đẳng. Nên về với Phật A Di Đà chẳng những là về với mười phương Phật mà cũng  là trở về với Chân tâm bản tánh của mình.

    Về với Phật thì tỏ ngộ được Chân tâm mình. Nếu cứ một nhớ hai quên, niệm niệm lưu chuyển theo những mít xoài cam ổi, ngày này qua ngày khác thì đành vô vọng.

    Đức Phật đã phát 48 nguyện. Nguyện nguyện chỉ mong thâu nhiếp tất cả chúng sanh. Ngay mỗi niệm chúng ta quay về liền được từ lực hàm dưỡng. Bởi vì:

    1. Mật thiết tương quan, bản lai ta đồng thể với Phật.
    2. Phật nguyện độ ta. Ta nguyện về với Phật. Hai nguyện tương ưng như đá nam châm hút sắt, làm sao còn lo sai trệch.

    Tánh đức tương quan, tu đức mật thiết, cảm ứng không thể nghĩ bàn.

    Đem lòng mẹ thương con ví với tâm Phật A Di Đà chưa đủ. Vì mẹ chỉ thương con trong một đời. Phật thương chúng ta vĩnh kiếp. Tiếc rằng chúng ta mê muội, mải lo nghĩ những đâu đâu. Một niệm sân liền lạc về loài rắn rết. Một niệm tham chịu thân ngã quỷ ma tà. Vì thế mà cứ lang thang mãi trong biển sanh tử luân hồi. Vừa thoát bào thai lại sa vào vỏ trứng. Thấp sanh, hóa sanh không ngừng, triền miên khốn khổ.

    Nay được thân người, được nghe nhất thừa vi diệu pháp môn, viên đốn thẳng đường, giản dị dễ tu, một đời  kết quả. Chúng ta hãy tìm hiểu, phát nguyện thực hành. Tin Phật là mẹ hiền, tâm tâm quay về, niệm niệm không quên. Công phu thuần thục, đúc tâm thành một phiến. Một lòng dồn hết tâm tư về Phật như sông liên tục chảy về biển cả. Tâm ta tâm Phật, tơ hào không phân cách. Toàn thân ta đang trụ trong biển A Di Đà vô lượng quang. Trượng thừa Phật lực, dần dần ta sẽ khai ngộ bổn giác. Như trồng dưa được dưa, chẳng thể sai khác.

    Câu câu Phật hiệu, tâm tâm chánh niệm thì vọng niệm tự tan. Vọng niệm dù khởi mà giác biết thì vọng liền không. Mãi thành thói quen, chợt quên lại nhớ.

    Giải thoát sanh tử là việc rất khó. Chỉ nhờ niệm Phật bảo đảm thành công. Pháp môn này ai tu cũng được. Lợi căn, độn căn cùng giải thoát. Theo đệ nhất phương tiện siêu phàm nhập Thánh này, chẳng những chúng ta được khai ngộ mà còn thành Phật.

    Như người ướp hương, thân có mùi thơm. Pháp này gọi là Hương Quang Trang Nghiêm. Tiêu dung lũy kiếp mê tình, viên trương tự tánh quang minh, không chi hơn là thành kính trì danh hiệu Phật.

    Đem tâm nhân địa nhập vào Như Lai quả giác. Như Lai quả giác chính là bản giác của mình, đâu có xa cách chút nào. Mỗi niệm mỗi niệm viên thông. Nhân quả tương khế.

    Bồ-tát Đại Thế Chí trợ giúp đức Thích Ca hoằng hóa cõi Ta Bà, đem diệu hạnh niệm Phật, diệu pháp Viên-thông, phổ khuyến chúng sanh tu tập. Nhưng phải nhớ dù Bồ-tát đại từ bi, đại oai lực cũng không thể lôi chúng ta lên tòa sen.

    Bởi vì tự tâm làm Phật, tâm ấy là Phật. Tự tâm làm chúng sanh, tâm ấy là chúng sanh.

    Khổ vui họa phước mỗi người tự chiêu vời. Chỉ những tín nguyện thiết tha mới có cảm ứng đạo giao. Mong ai nấy phấn chấn niệm Phật, đừng để lỡ cơ hội Đúc Sàn ngày hôm nay.

    Sáu căn tham nhiễm sáu trần chẳng thể thanh tịnh. Nay chí thành niệm Phật, bội trần hợp giác, phản vọng quy chân. Một niệm chí thành là một niệm tịnh. Niệm niệm chí thành là niệm niệm tịnh. Lâu ngày thuần thục. Đây là thuốc tiên lọc quặng lấy vàng.

    Hiện tiền đại chúng vân tập về đây, cùng nhau xây dựng đạo tràng, đều do đã nhiều đời gieo nhân lành. Cõi Ta Bà bao nhiêu tai nạn đói rét, bão lụt, đao binh, v.v… nghĩ thật lạnh lòng. Lại còn mai sau phải đọa lạc địa ngục, ngã quỷ, bàng sanh, quả tình khủng khiếp. Chỉ có niệm Phật mới hy vọng thảnh thơi an ổn.

    Ngưỡng mong đại chúng thiết thật tu hành. Đúc xong tấm sàn A Di Đà, được Niệm Phật Tam Muội là có cơ bản hành Pháp Dược Sư.

    Ưu Đàm đại sĩ dạy trong Liên Tông Bảo Giám:

    Phải biết đối địch với nghiệp sanh tử không phải chuyện tầm thường. Chớ để ngày giờ đi qua uổng phí. Trì danh hiệu Phật như dựa vào núi Tu Di, không gì lay chuyển được. Đông Hạ ngày đêm hằng niệm. Đi đứng nằm ngồi, bốn chữ hồng danh không rời tâm. Nhặt nhặt nhiệm nhiệm như gà ấp trứng, tịnh niệm nối nhau.

    Thế gian vô thường, sống chết thành bại không quản. Trước kia, bao đời thay thân đổi xác trong ba cõi sáu đường. Nay gặp chánh pháp, biết niệm Phật, mai đây hoa sen hóa sanh, chứng quả Bồ-đề, thật là chí nguyện của đấng trượng phu!

    Vừa đau bệnh hãy mạnh mẽ gạt muôn duyên, một lòng niệm Phật không dứt, quyết cầu vãng sanh. Nếu mạng số chưa hết, sẽ được lành bệnh. Dù có chết, càng mừng vì được cởi bỏ báo thân, xả cảnh phàm lên cõi Thánh, vui thích nào hơn?

    Nắm chặt một niệm này là đức Bổn Sư. Một niệm này là hóa Phật đến rước. Một niệm này là mãnh tướng phá địa ngục. Một niệm này là gươm báu chém ma tà. Niệm này là đuốc sáng phá vô minh, thuyền vượt biển khổ, thuốc trị sanh tử, đường tắt ra ngoài tam giới.

    Niệm này là bản tánh Di Đà, duy tâm Tịnh-độ. Chớ để lạc mất, niệm niệm không rời. Không việc cũng niệm, có việc cũng niệm. An vui cũng niệm, bệnh khổ cũng niệm. Sống cũng niệm, chết cũng niệm. Cứ một niệm này phân minh nghe rõ. Đâu cần hỏi ai để biết đường về.

    CHUYỆN CỔ PHẬT GIÁO NHẬT BẢN

    Trên đường đi Tokyo, kiếm sĩ Tama gặp một vị sư già mình hạc sương mai. Khuôn mặt xanh gầy nhưng luôn luôn tươi cười. Sau mấy ngày đồng hành, họ trở nên thân thiết. Đạo sĩ cho biết đã nhiều năm, đi khắp nước Nhật khuyến hóa dành dụm được 200 lạng vàng để trong cái bị vải này. Nay đi Tokyo tìm thợ rành nghề về làm chùa.

    Ban đầu Tama cố xua đuổi những ý nghĩ bất chính. Lần hồi lòng tham làm mờ lý trí: “Ta đã hơn 40 tuổi. Kiếm sĩ đến tuổi này bắt đầu trở về già, vô dụng. Suốt một đời vào sanh ra tử mà vẫn nghèo khổ. Với số vàng kếch xù này chắc chắn ta được nếm mùi sung sướng”.

    Đạo sĩ đi bên cạnh một tay anh hùng, cho rằng mình đã gặp một hộ pháp đắc lực nên yên tâm, tay mang vàng mà đi, không lo ngại chi cả.

    Đường đi bị gián đoạn bởi một eo biển, phải dùng thuyền mới qua được. Tama dìu nhà sư vào phía sau, một chỗ vắng khuất. Túi vải để ở giữa hai người. Vờ trỏ một con cá nhảy lên khỏi mặt nước, thừa lúc nhà sư nghiêng hẳn mình cúi xem, Tama đẩy nhẹ một cái. Nhà sư té xuống biển chìm nghỉm. Để thuyền đi một quãng thật xa, Tama la lớn: Ông bạn té xuống biển rồi! Xin ngưng thuyền lại!

    Gió đang thổi mạnh. Buồm căng đưa thuyền đi vùn vụt. Lái thuyền cố gắng neo thuyền lại, nhảy xuống nước tìm quanh nhưng chẳng thấy dấu vết nhà sư.

    Đến Tokyo, Tamma tự xưng là Tô Cự Bi, một nhà buôn gạo. Thanh kiếm cất kỹ đáy rương. Hắn buôn bán rất phát đạt, tậu nhà, lấy vợ, có con v.v… Nhưng không sao quên được hình ảnh nhà sư. Một thấp thoáng buồn rầu cứ lảng vảng trên vầng trán. Hắn nguyền rủa sự nghèo đói. Chính nghèo đói là động cơ làm bậy, tạo tội ác.

    Bao nhiêu năm qua. Một đêm, Tô Cự Bi dạo trong hoa viên, bỗng để ý đến một cây tùng. Hình như một bóng người mờ ảo. Dần dần hiện rõ. Mồ hôi Tô Cự Bi vã ra như tắm. Hắn hốt hoảng hét lên: Kìa nhà sư! Kìa nhà sư!

    Đêm đêm Tô Cự Bi để thanh kiếm ở đầu giường. Hễ cứ thấy ma là chém tới tấp. Cựu kiếm sĩ chém rất trúng. Cái thân như sương như khói kia cứ tan lại tụ. Bóng ma cứ xán lại muốn ôm choàng lấy người.

    Cuộc chiến đấu giữa người và ma, cứ thế kéo dài suốt đêm. Cây tùng đã đốn. Cửa phòng cứ tắt mặt trời là đóng chặt. Nhà cự phú hoảng hốt lo sợ, đêm này sang đêm khác. Thế là phát bệnh nặng. Thuốc men bao nhiêu cũng không thuyên giảm. Vợ con đi lễ Phật lễ trời, cầu thần Thánh khắp nơi. Nghe đồn có một Hòa-thượng đại đức. Ai gặp khó khăn Ngài cũng hết lòng giúp đỡ. Vợ Tô Cự Bi vội vàng cung thỉnh.

    Vừa trông thấy Ngài, bệnh nhân la hoảng: “Đó… đó… nhà sư! Nhà sư về báo thù! Trời ơi! Ai cứu tôi với!”. Hắn run cầm cập, vơ vội chăn mền, trùm đầu để trốn hình ảnh người đối diện. Hòa-thượng yêu cầu gia quyến lui hết, Ngài ở lại một mình, ngồi bên giường:

    – Phải, tôi là nhà sư! Tôi chính là người đã bị ông xô xuống biển.

    Cái chăn trùm trên người Tô Cự Bi run mạnh.

    – Nhưng này Tama, tôi không phải là hồn oan! Tôi còn sống. Hôm đó rơi xuống biển, tôi đã bơi thẳng vào bờ thoát chết. Vì tôi vốn giỏi bơi lặn từ nhỏ. Chẳng biết ông ở đâu mà tìm, tôi lại đi khắp nơi khuyến hóa. Chùa đã làm xong. Sự tình cờ đưa tôi đến đây. Có lẽ vì vợ con ông đã thành tâm cầu nguyện. Ông yên tâm. Tôi là kẻ tu hành. Tôi vâng lời Phật tha thứ cho ông.

    Tô Cự Bi mở chăn lấm lét nhìn. Nhà sư đang mỉm cười với hắn. Ôi! Nụ cười đầy khoan dung, hiền hòa! Hắn khóc nấc lên, vùng dậy quỳ xuống:

    – Xin Ngài tha tội cho con, chỉ vì con quá khốn khổ….

    – Phải, nghèo khổ đẩy con người vào tội ác. Nhưng biết sám hối tội sẽ nhẹ đi….

    – Thưa lương tâm con dày vò, con hối hận vô cùng….

    – Phải rồi….

    Nhà sư và cựu kiếm sĩ nói chuyện với nhau thân mật y như năm xưa, họ gặp nhau trên con đường đi đến Tokyo. Tô Cự Bi khẩn khoản xin trả lại 200 lạng vàng và cúng thêm 200 lạng nữa.

    – Tôi đã làm xong Phật sự rồi!

    – Không nhận tức là chưa tha thứ!

    – Vậy tôi xin nhận để chia cho dân nghèo. Tôi xin cáo từ và gửi lại ông bạn một lời của Phật Tổ:

    “Lấy oán báo oán, oán oán chập chồng.

    Lấy đức báo oán, oán sẽ tiêu tan!”Nhà phú thương Tô Cự Bi hết bệnh, tâm hồn thư thái. Ông trở thành một con người rất nhân đức, cứu giúp những ai cần. Đối với người dưới, ông rất rộng lượng. Đối với bạn buôn, ông rất khoan hòa. Bàn tay rộng rãi đối với tất cả khốn nghèo. Ông dùng nửa đời người về sau, chuyên để làm những việc lợi ích. Gặp ai ông cũng khuyên niệm Nam mô A Di Đà Phật.

    ĐƯỜNG VÀO CHÙA

    Trước khi tụng kinh Dược Sư phải lạy 7 vị Phật:

    1. Vận Ý Thông Chứng Như Lai ở Tối Thắng thế giới.

    2. Quán Âm Tự Tại Như Lai ở Diệu Bảo thế giới.

    3. Quảng Đạt Trí Biện Như Lai ở Tịnh Trụ thế giới.

    4. Tối Thắng Cát Tường Như Lai ở Vô Ưu thế giới.

    5. Pháp Hải Du Hý Như Lai ở Pháp Hỷ thế giới.

    6. Kim Sắc Thành Tựu Như Lai ở Viên Mãn thế giới.

    7. Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai ở Tịnh Lưu Ly thế giới.

    Y cứ danh hiệu và quốc độ chư Phật thứ tự như trên, chúng ta thấy con đường Dược Sư, tự chữa bệnh vô minh cho mình và người, cần đi qua 7 chặng:

    1. Phát tâm Bồ-đề, trên cầu thành Phật, dưới độ chúng sanh, là tâm địa tối thắng.
    2. Tánh nghe không bị âm thanh chi phối chuyển động. Lấy đây làm nhân địa tu hành Viên-thông, thật là của báu vô giá.
    3. Tịnh trụ là chỗ an tĩnh thanh tịnh, điều kiện thiết yếu để phát triển trí tuệ.
    4. Tâm địa vô ưu, không bận tâm vướng mắc ghét yêu, hẳn bình an khang cát. An vui và giải thoát phải cùng đi đôi.
    5. Vui chơi trong biển Phật pháp. Đủ 3 Tuệ, Văn Tư Tu là nhân để vun trồng Nhất-thiết-chủng-trí.
    6. Viên mãn biển hạnh, đầy đủ vạn đức trang nghiêm, sẽ thành Phật, thân vàng tướng hảo.
    7. Vô-thượng y vương. Từ nay gánh vác hết thảy hữu tình. Suốt đời vị lai làm việc nghĩa lợi an vui. Vớt chúng sanh ra khỏi vực thẳm tam đồ, thoát chài lưới ma, rừng rậm ác kiến. Khiến cho tất cả chúng sanh đồng thành Phật đạo như mình không khác.

    Dược Sư tu học hướng Kim Liên.
    Vui vẻ gieo duyên cấy phước điền.
    Thân mạng, của tiền đều hỷ xả.
    Vãng sanh cõi Phật, phước vô biên.

    KINH DƯỢC SƯ

    Ai cầu sanh về thế giới An Lạc, nghe chánh pháp Phật A Di Đà mà tu tập hạnh nguyện Dược Sư, thì lâm chung sẽ có 8 đại Bồ-tát ở trên không đến chỉ đường, tiếp dẫn vãng sanh, trong đám hoa báu nhiều màu sắc đẹp. Cho nên thờ đức Dược Sư chính là một pháp môn của Tông Tịnh độ.

    Năm 1987 thành lập chùa Hương Sen. Đất lành chim đậu. Già trẻ lớn bé, các con Phật tụ về. Ai nấy một lòng quyết chí tu hành. Phấn khởi, Thầy chia đất làm hai phần. Nửa ngoài, chùa Hương Sen giao về quý cụ bảo trì. Nửa trong, giao cho giới trẻ chuyên lễ lạy, học tập 12 đại nguyện của đức Dược Sư:

    1. Gieo nhân phước tuệ, tương lai  đạt thành quả vị Phật.
    2. Thân tâm thanh tịnh như ngọc  lưu ly.
    3. Trí tuệ phương tiện giúp đỡ những ai đang thiếu thốn.
    4. Chánh kiến đưa chúng sanh về chánh pháp, đưa Thanh-văn Duyên -giác về đại thừa.
    5. Giáo hóa chúng sanh vào tam tụ tịnh giới.
    6. Làm nơi nương tựa cho những tật nguyền, bệnh hoạn, hèn yếu.
    7. Trí tuệ gỡ giải hữu tình thoát chài lưới ma, ra khỏi rừng rậm tà kiến.
    8. Cứu vớt các thứ tai nạn, lo sầu nung nấu, thân tâm chịu khổ.
    9. Kẻ đói cho ăn, kẻ ngu cho học, lập thành những người rốt ráo an vui.
    10. Đập vỡ vô minh bưng tối, giải thoát hết thảy sanh già bệnh chết.

    Đức Phật Dược Sư có hai đại Bồ-tát phụ trợ là Nhật Quang và Nguyệt Quang. Chùa Dược Sư hẳn đang ở trong quang minh. Mong con em vận dụng trí tuệ rạng rỡ, xua tan những mờ ám trong tâm, rửa sạch những phiền não chìm đắm, đặc biệt lưu ý đến sự nghiệp khêu đèn tuệ giác.

    Thấy chỗ sinh hoạt của 145 Sư nữ quả tình chật hẹp, hai cô Chân Thiện, Từ Chơn cúng dường xây cất chánh điện ở trên lầu cao. Tầng dưới để trống không vách, tiêu biểu trí tuệ Bát Nhã, chiếu soi năm uẩn đều không, căn bản đại thừa Phật giáo.

    20 cây cột tiêu biểu Thập Thiện, Thập Tín.

    Chánh điện thờ 3 vị: đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật ở giữa. Bên phải, phương Đông là đức Dược Sư  Lưu Ly Quang. Bên trái, phương Tây là đức A Di Đà. Trên tường có 6 bông sen, ghi rõ:

    1. Tối Thắng thế giới, Vận Ý Thông Chứng Như Lai.
    2. Diệu Bảo thế giới, Quán Âm Tự Tại Như Lai.
    3. Tịnh Trụ thế giới, Quảng Đạt Trí Biện Như Lai.
    4. Vô Ưu thế giới, Tối Thắng Cát Tường Như Lai.
    5. Pháp Hỷ thế giới, Pháp Hải Du Hý Như Lai.
    6. Kim Sắc thế giới, Viên Mãn Thành Tựu Như Lai.

    Cùng với đức Lưu Ly Quang là bảy đức Dược Sư người ta hằng lễ lạy.

    Toạ lạc về phía Tây Nam thôn Phú An, chùa Dược Sư nổi bật trên những vòm cây xanh mát. Cách đây độ 100m, dòng sông Đa Nhim uốn khúc quanh những đồi thông bát ngát. Đất rừng yên tĩnh, không tiếng xe cộ, không khí trong lành, khí hậu cao nguyên mát dịu. Chùa Dược Sư thật là một cảnh tu hành đúng pháp.

    ĐƯỜNG LỐI TU HỌC NI VIỆN TỊNH ĐỘ

    1.

    Về sự, học Luật để đưa thân miệng ý vào khuôn phép Thánh Hiền.

    Ai cũng biết giới luật là nền tảng tu hành, cần phải tinh vi nghiên cứu và chân thành thực hiện.

    – Về lý, học Tứ Niệm Xứ để thanh lọc ba độc tham sân si, biết sáu trần ảo ảnh. Thực hiện nếp sống khắc* kỷ khoan tha. Có thể vui hòa với tất cả mọi người và an ổn trong tất cả hoàn cảnh.

    2.

    Về sự, học kinh A Di Đà Yếu Giải biết tông thú của pháp môn Tịnh-độ.

    – Về lý, học kinh Lăng Nghiêm, biết vạn pháp quy Như Lai Tạng A Di Đà (vô lượng quang thọ). Có hiểu duy tâm Tịnh-độ, tự tánh A Di Đà. Biết mình sẵn có hạt giống Phật mới nhất tâm niệm Phật để mai đây nở hoa giải thoát, kết quả Bồ-đề.