MƯỜI HAI NHÂN DUYÊN

Đức Thế Tôn vừa giác ngộ. Ngài quan sát 12 duyên khởi rồi tuyên bố:

Lúc nào các pháp rõ rệt đến, Bà-la-môn, ngươi cố nhìn chăm chăm, liền thấu triệt ý nghĩa các pháp nương nhau mà có.

Lúc nào các pháp rõ rệt đến, Bà-la-môn, ngươi cố nhìn chăm chăm, do thấy rõ, dứt duyên.

Lúc nào các pháp rõ rệt đến, Bà-la-môn, ngươi cố nhìn chăm chăm, trừ diệt ma quân và được chói lọi rạng ngời.

  1. Vô minh duyên hành. Vô minh là rễ cái, nơi dựa của tất cả nghiệp, dẫn chúng sanh về khổ cảnh.
    – Địa ngục ở giữa Sa Bà thế giới tên là Lokantanaraka rộng 80.000 do tuần, phía dưới không có đất, không bao giờ có ánh sáng. Chúng sanh treo chân đảo ngược, hễ gặp nhau liền bám vào nhau mà cấu xé, lấy đồng loại làm món ăn. Rồi rơi vào trong nước acid, thân bị đứt từng đoạn bị sức lạnh tiêu diệt.
  2. Hành duyên thức: Kalakanjikasura lén ăn thực phẩm dành để cúng Tăng. Người có giếng bá thí nước thì ngăn đường chặn nẻo không cho người tới dùng, chết đọa địa ngục rất lâu. Sau làm ngã quỷ đã hai, ba đời Phật mà chưa từng được nếm một giọt nước. Một hôm gặp 30 vị Tỳ-kheo ở bờ sông. Quỷ than cứ bước vào nước thì nước bốc thành lửa đỏ. 30 vị Tỳ-kheo bảo quỷ nằm xuống, dùng 30 cái bát múc nước đổ vào miệng quỷ. Suốt từ sớm đến giờ đi khất thực mà quỷ vẫn bạch: “Tôi chẳng được giọt nước nào vào cổ cả”.
  3. Thức duyên danh sắc: Thức ác dẫn đến khổ cảnh. Thức thiện đưa về nhàn cảnh có thân hình xinh đẹp. Một cận sự nam Mahavacaka cần chuyên hành pháp Sa-môn 50 năm (đây là thức lành). Vì không đắc quả, thoái tâm bỏ không hành pháp nữa, nói đây không phải là pháp giải thoát. Khi chết làm cá sấu. Khi thức ác dẫn đi làm thú rồi thành danh và sắc của thú. Danh và sắc nương thức hư hỏng rồi không thể tạo nghiệp lành được. Trừ khi nào thức lành mới có khả năng làm lành. Nếu đã làm lành quả quyết sẽ được thọ sanh trong nhàn cảnh.
  4. Danh sắc duyên lục nhập. Lục nhập: Căn trần duyên nhau trong nẻo luân hồi không cùng tận. Người đời từ sáng sớm mở mắt đến tối nhắm mắt ngủ, sáu căn tiếp xúc toàn những duyên đưa về luân hồi nguy hiểm. Nhưng nếu gặp hình ảnh Phật Pháp Tăng, phát tâm trong sạch hoan hỷ tạo nghiệp lành đem mình về nhàn cảnh kiếp này và kiếp sau.
  5. Lục nhập duyên xúc. Xúc lành. Mắt thấy sắc rồi xác định nghĩa vô thường, vô ngã, khổ, và không. Như người xem kịch rồi nhận thức được đây chỉ là trò chơi nhảm gạt người cho quên mình, quên chết, quên già, đến nỗi lầm lạc vui thích thật. Thấy được như thế là xúc của tâm sở lành.
  6. 7. 8. Xúc duyên thọ. Thọ duyên ái. Ái duyên thủ. Một triệu phú gia trồng một đám mía rất vừa ý, lâm chung sinh vào tổ kiến trong cây mía. Đây do tâm chấp vững trong vật dục. Chú giải Pháp Cú Kinh kể chuyện một vị Tỳ-kheo có tâm dính mắc tấm y, chết làm con rận bám trong lá y. Lại một Tỳ-kheo đi khất thực thấy một thiếu nữ, theo thế lực của phiền não dục dính chặt trong tâm, tính chuyện hoàn tục. Bất ngờ cô gái trúng gió chết. Tỳ-kheo phiền não cũng chết. Đây là dục thủ. Phiền não ma như lưới. Chim mắc lưới khó bay thoát. Chúng sanh mắc trong lưới phiền não cũng khó thoát như vậy.
    9. Thủ duyên hữu. Tiền kiếp ngài Mục Kiền Liên vì nghe lời vợ đem mẹ vào rừng đập chết nên đọa địa ngục.
    Quá khứ có hai Tỳ-kheo thân nhau không lúc nào rời. Hai Tỳ-kheo rủ nhau đi dự lễ Tự Tứ. Giữa đường, vị nhỏ xin phép vào cụm rừng đi đại tiện. Lúc trở ra có một cô gái theo sau, tay xốc xếch mặc quần. Thầy Tỳ-kheo lớn trông thấy rõ ràng rồi thì cô gái lẩn vào đám cây rậm mất dạng. Vị lớn quở trách, vị nhỏ chối không. Hai vị quyết định từ nay không gần nhau nữa. Nhưng giữa chánh điện, một người trời hiện thân, phát lộ sự nghịch ngợm của mình, đã giả làm cô gái đi phía sau ông Tỳ-kheo từ cụm rừng ra, với ý định chọc cho hai ông phải xa lìa nhau. Nay trò chơi đã mãn xin hiện thân để minh oan cho ông Tỳ-kheo nhỏ. Vị lớn liền hết ngờ vực. Hai vị thân nhau như cũ. Ông trời kia, khi hết tuổi thọ, vì việc này phải đọa địa ngục, trôi lăn mãi. Đến nay gặp Phật Thích Ca xuất gia làm Tỳ-kheo nhưng vì còn dư báo nên mỗi khi ông đi đâu, chư Tăng đều thấy rõ ràng một cô gái theo sau. Chúng Tăng cử tội ông không biết bao nhiêu lần. Ông vẫn ngoan cố chối cãi, lại còn có khi phát cáu trở lại quở trách đại chúng nói sai. Thấy Phật cứ im lặng không chịu xử vụ này. Chư Tăng thưa nhỏ với vua Ba Tư Nặc. Vua liền cho lính vây chặt tinh xá, đích thân vào phòng Đại đức Kundadhàna lục soát. Không thấy ai. Vua đi ra, mời Tỳ-kheo ra để thưa chuyện thì rõ ràng một cô gái đi sau. Vua liền trở vào, mời Thầy vào. Cô gái biến mất. Ba lần như vậy. Vua tuyên bố: “Đây không phải việc thường của thế gian. Đã như thế này, Đại Đức phải chịu nhiều khó khăn. Mà các thí chủ cũng tự chiêu vời nhiều thị phi lầm lỗi. Vậy từ nay trẫm thỉnh mỗi ngày Đại đức vào cung thọ trai”. Nhân đây Phật kể chuyện tiền kiếp để giải thích lý do vì sao ông Tỳ-kheo cứ có một bóng ảnh theo sau và cũng không quên nhân dịp nhắc hàng bốn chúng cẩn thận, chớ phá sự hòa hợp của các Sư dù chỉ giỡn đùa.
    10. Hữu duyên sanh. Ra Hạ, một số Tỳ-kheo về hầu thăm Phật nương nhờ một chiếc thuyền buôn. Thuyền đi đến ngày thứ bảy, không đi được nữa. Ba lần bói xem đều nói phải vứt người phụ nữ là vợ ông thuyền trưởng xuống biển. Đành y lời thì thuyền lại chạy được như thường. Các Tỳ-kheo bạch, Phật đáp: Trước kia cô là vợ một nông phu hàng ngày đem cơm cho chồng. Có một con chó cứ quấn quýt dù cô đi tiểu đi cầu nó cũng cứ bám chặt không rời. Cô bực mình lấy một cái nồi đựng đất đá. Dùng một chiếc dây một đầu cột cái nồi, một đầu cột con chó, xô cả xuống sông. Do nghiệp ác này đã 500 đời cô cứ bị nạn bị liệng bỏ cho chết ở dưới nước.
    Hữu là nghiệp. Nếu không nghiệp thì không thể có sanh. Đời quá khứ có một nông phu có một con bò lười, không chịu cày ruộng. Nông phu giận đánh đập đến đâu nó vẫn biếng lười. Ngày kia anh trói chặt bò nói rằng: “Từ đây tha hồ nằm nghỉ nghe, ta cũng không đánh mi nữa”. Nói rồi anh lấy cỏ khô trùm khắp thân nó, nổi lửa thiêu sống nó. Vì ác nghiệp ấy anh đọa địa ngục bị thiêu đốt rất lâu. Nay còn dư báo anh phải làm loài bàng sanh, chịu nạn lửa đốt đã cả trăm đời rồi.
    Lại có bảy Tỳ-kheo đi đường gặp một cảnh già lam xin vào nghỉ trọ. Sư trưởng có một cái thạch động rộng rãi mời các Ngài nghỉ đêm. Bất ngờ nửa đêm một hòn đá to sa xuống bịt chặt cửa ra vào. Sáng ngày Sư trưởng nhờ bao nhiêu người cũng không cách nào xê dịch hòn đá. Bảy ngày sau tự nhiên hòn đá lăn ra. Đức Phật dạy: Kiếp xưa có bảy đứa trẻ chăn bò đuổi săn một con kỳ đà. Nó chạy vào một cái lỗ gò mối. Đàn trẻ bịt lấp dự định sẽ bắt sau, không dè mải chơi quên đi. Bảy ngày cùng nhau mở lỗ mối thấy kỳ đà vẫn còn, vội thả đi. Bảy đứa trẻ từ đó đời nào cũng chịu nạn đói bảy ngày, tới nay đã là đời thứ 14.
    Người tái sanh được vui cũng nhờ thế lực của thiện nghiệp. Thiện nghiệp trừ khổ, diệt tội, ngừa tai nạn, đỡ lo sợ và cho quả vui. Cô Tara đã dâng chiếc vòng tay bằng ngà đến đức Độc Giác để làm chân bát. Nay cô được làm cận sự nữ hộ pháp đắc lực, học thông suốt Tam tạng.
    Bà Visakhàkiếp xưa dâng ba y đến một Đại đức Tăng, nay giàu có triệu phú làm một cận sự nữ, nổi tiếng là một hộ pháp tận tâm và hỷ xả.
    Đại đức Bakula do bá thí thuốc mà đời đời mạnh khỏe. Vua A Dục xưa đem lòng tin kính cúng dàng mật ong, được phước báo làm hoàng đế hộ đạo.
    Nàng Saja chỉ bá thí chút cơm khô được sinh lên trời. Bần nữ bá thí mảnh khố được sinh về nhàn cảnh.
    11. 12. Sanh duyên lão tử. Sanh là gốc của già bệnh chết, sanh là gốc của tất cả buồn rầu than van rên rỉ. Sanh là sự cố chấp là mình, là ta, là chúng sanh, là người. Ngũ uẩn dựa vô minh. Vô minh (hoặc) duyên hành (nghiệp). Hành duyên thức (đưa đi đầu thai mở ra cả biển khổ).

Quán tưởng thấy rõ các duyên nương nhau sanh, nương nhau diệt, gọi là pháp Thập nhị duyên khởi (Paticcasamuppàda).