CHUADUOCSU.ORG
NẮNG TRÊN LÁ XANH
Hòa Thượng Nhất Hạnh
– Ly nước táo lợn cợn những xác táo. Bé Thủy phụng phịu không uống đặt ly trên bàn rồi bỏ đi chơi. Nửa giờ sau bé về thấy ly nước trong vắt. Bé ngạc nhiên hỏi. Tôi trả lời: “Vì nó ngồi yên một lúc lâu cho nên bây giờ trong sáng như thế đó”. Bé càng ngạc nhiên: “Ông ơi, có phải ly nước táo bắt chước ông ngồi thiền phải không?”.
Bé Thủy chưa đầy bốn tuổi rưỡi đã hiểu thế nào là ngồi thiền mà không cần ai giải thích.
– Chân ly rất bằng rất vững còn bạn chưa có một thế ngồi vững chắc. Xác táo tuyệt đối vâng theo luật tự nhiên mà từ từ rơi nhẹ xuống đáy ly. Còn tư tưởng của bạn thì lại như đàn ong ưa bay loạn xạ.
Chính hai điều này đã gây cho bạn cảm tưởng là bạn sẽ không làm được như ly nước táo.
– Bạn cố gắng an tĩnh. Vì vậy bạn cảm như có một sự chống đối bên trong. Càng muốn yên càng nhiều tạp niệm. Bạn cho là “ma phá” hoặc “nghiệp nặng”.
Không phải đâu. Tư tưởng và cảm giác ta xuôi đi như một dòng sông. Ta chặn dòng sông là ta tạo nên một sức chống cự của nước. Dòng sông thì phải chảy, nhưng ta có thể hướng nó chảy theo đường của ta. Lại nữa, con nước nào tới sát nhập, từng bờ cỏ, từng khúc quanh mỗi mỗi ta đều thấy rõ.
Dòng sông tâm tư của chúng ta nếu được ý thức rõ ràng từng tư tưởng, từng cảm giác, từng cảm xúc, khi sanh, khi trụ, khi hoại, khi diệt thì sức “chống cự” sẽ biến mất. Ngồi thiền trước hết là theo dõi và quan sát.
– Bây giờ ta có cảm tưởng là ta đã làm chủ được tình hình, dù dòng sông vẫn tiếp tục chảy. Ta cảm thấy an tĩnh. Nhưng đây không phải là cái an tĩnh của ly nước táo. Tâm tư an tĩnh không có nghĩa là hóa đá hay chết cứng.
Cố nhiên tâm không phải chỉ có tư tưởng và cảm giác. Thọ, tưởng, hành, thức đều là tâm. Duy Thức Học nói có 8 Tâm vương và 51 Tâm sở.
– Điều mà chúng ta có thể làm được là vận trí lên để soi rõ tâm, để nhìn mặt tâm.
Cảm xúc và tư tưởng chỉ là một phần của tâm như hoa lá là biểu hiện của cây, sóng là biểu hiện của dòng nước. Đàn áp chúng chẳng có lợi mà cũng không thể đàn áp được. Hãy quan sát chúng, nương chúng mà tìm về gốc nguồn của chúng nghĩa là của ta.
– Dưới sự chiếu rọi của mặt trời ý thức, dòng sông tâm tưởng trở nên hiền hòa. Dòng sông tâm tưởng thay đổi một cách kỳ lạ, bởi vì nó cũng là một bản chất của tâm như mặt trời ý thức.
Bạn thử nghĩ đến liên hệ giữa màu lá cây với ánh sáng mặt trời. Hai thứ cùng một bản chất. Màu lá xanh sở dĩ có là nhờ vầng mặt trời.
Nắng là lá cây xanh,
Lá cây xanh là nắng.
Nắng chẳng khác lá xanh,
Lá xanh chẳng khác nắng.
Bao nhiêu màu sắc kia,
Cũng đều như vậy cả.
– Thành ra ta có hai tâm: Một dòng tư tưởng cùng cảm giác chảy trôi và một mặt trời quán niệm soi sáng.
Tâm nào chân chính? Tâm nào vọng tà? Hãy thong thả thưa bạn! Hãy buông lưỡi kiếm khái niệm xuống, đừng vội chém tâm bạn làm hai. Thật ra dù có muốn chém cũng không chém được. Bạn có thể tách rời màu xanh lá cây và ánh sáng mặt trời không? Mặt trời ý thức (Phật gọi là chánh niệm) là tâm năng quán. Tâm sở quán là dòng sông tư tưởng và cảm giác.
– Bạn hãy quan sát những biến chuyển của tâm dưới ánh sáng quán niệm. Ngay hơi thở của bạn cũng đã biến đổi rồi và cũng trở thành không hai (bất nhị) đối với tâm năng quán. Các tư tưởng và cảm giác, tự thân chúng và tác dụng của chúng, dưới ánh sáng quán niệm tự nhiên biến đổi hẳn đi mà liên đới với tâm năng quán, dù bạn không có chủ ý phê phán hay đàn áp chúng.
Ngay khi bực bội lắm lắm, nếu bạn có thể ngồi yên, theo dõi hơi thở, đề khởi chánh niệm, chú ý thẳng tới nỗi bực bội ấy (đừng phê phán hay tìm nguyên nhân, cũng không nghĩ đến đàn áp hay làm nó tiêu tan). Bạn sẽ thấy nó biến thể từ từ, hòa hợp với tâm năng quán. Bất cứ một hiện tượng tâm lý nào đặt dưới tâm năng quán đều biến chuyển dần dần và sẽ mang màu sắc của tâm năng quán.
Ngồi thiền, chánh niệm soi tỏ để nhận diện mỗi suy tư và cảm giác, để biết sự phát sanh, tồn tại và hoại diệt của chúng, chớ không hề phán xét, đánh giá hay xua đuổi.
– Người ta thường nói chánh và tà xung đột nhau như ánh sáng và bóng tối. Thật ra ánh sáng và bóng tối không hề đối chọi nhau, bóng tối không chạy đi đâu, bóng tối trở thành ánh sáng.Làm thiền sinh ở chùa Từ Hiếu, tôi được dạy thực tập quán niệm trong khi làm cỏ, rửa chén, quét nhà v.v… theo phương pháp của Thiền sư Độc Thể trong Tỳ Ni Nhật Dụng Thiết Yếu. Thức dậy biết thức dậy, cài áo biết cài áo, rửa tay biết rửa tay v.v…
Chỉnh y thức đới
Đương nguyện chúng sanh
Phục thắng thiện căn
Bất linh tán thất.
Dịch:
Giải này buộc
Nút này cài
Thiện tâm gìn giữ
Đêm ngày chẳng rơi.
– Như vậy quán niệm không những soi tâm mà còn soi thân. Mọi tư thế và động tác phải được ý thức chiếu soi. Hồi bé tôi nghe mẹ dạy chị tôi: “Con gái làm gì cũng phải có ý tứ”. Tôi tự mừng rằng mình là trai khỏi cần ý tứ. Ai ngờ, vào thiền, phải ý tứ trong mỗi động tác, ngay trong mỗi ý và mọi tứ. Các bà mẹ biết rằng ý tứ tăng duyên dáng cho cô con gái, vì có ý tứ cô không thể hấp tấp vụt chạc, trở thành khoan thai dịu dàng. Các bà mẹ dạy thiền mà không tự biết. Một Thiền sư có thể đoán định thời gian hành đạo của thiền sinh, thấy được thiền-chất nhiều hay ít trong tác phong và nhân cách.
– Bí quyết của Thiền là ý thức được sự sống trong từng giây phút, trí sáng chiếu soi tất cả tâm lý, cơ thể và hoàn cảnh trong từng chi tiết. Tâm ta phải có mặt với ta trong khi uống một chén trà, ý thức quán chiếu từng cử động của tay. Khi rửa bát cũng thế. Nếu cứ mong rửa cho xong để ngồi uống trà thì đến khi uống trà, ta cũng sẽ nghĩ đến chuyện khác khi nâng tách. Vì vậy hương vị trà sẽ biến mất. Ta sẽ luôn luôn bị hút về vị lai mà chẳng còn khả năng sống trong hiện tại.
– Công việc hàng ngày để sinh sống cũng thế, tôi vừa làm vừa thở, những hơi thở nhẹ nhàng, hơi dài và có ý thức.
– Làm thế nào để thường chánh niệm? Tùy ý bạn. Hoặc theo lối của Thiền sư Độc Thể, hoặc theo dõi hơi thở v.v…
– Theo hơi thở bạn nuôi dưỡng chánh niệm được lâu.
– Trên bức vẽ nàng Mona Lisa, Leonardo da Vinci để một nụ cười thật nhẹ, nhẹ đến nỗi không hẳn là một nụ cười mà chỉ là ý muốn cười. Như thế cũng đủ khoan thư tất cả các bắp thịt trên mặt. Nuôi dưỡng chánh niệm có tác dụng khoan thư mầu nhiệm ấy, nó trả lại cho ta sự an lạc mà ta thường đánh mất.
– Cảm thấy mệt mỏi hoặc cáu kỉnh, bạn nên nằm dài, duỗi thẳng tay chân, buông thả cả thân tâm, chỉ theo dõi hơi thở. Đây là một phương cách phục hồi sinh lực rất thần hiệu và nhanh chóng.
– Bạn đã từng phát cỏ bằng cái phảng chưa? Để cho đỡ mệt, tôi phối hợp cử động của hai tay với hơi thở. Nếu làm thong thả, vừa làm vừa quán niệm thì tôi làm được khá lâu. Ông cụ hàng xóm cũng phối hợp hơi thở với cử động. Thì ra tất cả nông dân trong vùng này, đều đang thực tập Thiền.
Xới đất, vun luống, tưới nước v.v… tôi đều có thể chánh niệm.
– Đừng để hoàn cảnh kéo ta đi theo như một dòng nước lũ. Kéo theo tất cả những gì nằm trên lối đi của nó. Mỗi khi tâm trí vẩn vơ đầy tạp niệm, ta hãy tự hỏi: Ta đang làm gì đây? Ta đã lãng phí cuộc đời ta bằng những cái này để làm gì? Như thế chánh niệm liền được thắp lên, hơi thở sẽ được theo dõi.
– Suy nghĩ nhiều thì lao tâm. Thiền gia không làm việc tinh thần. Trái lại thiền bổ dưỡng.
– Nghĩ mà không biết mình nghĩ, cảm mà không biết mình cảm, đi không biết mình đi, ngồi không biết mình ngồi, đó là mê ngủ. Trong căn phòng tối ám ấy bật ngọn đèn chánh niệm lên, mê liền tỉnh. Phật là người thường chánh niệm. Ta thỉnh thoảng mới chánh niệm nên thỉnh thoảng mới làm Phật.
– Nguyên chữ Niệm, tiếng Pali là Sati, có nghĩa là ý thức đang nhớ rằng, đang biết rằng. Trong Niệm có yếu tố Định (tâm ý tập trung) và Tuệ (tâm ý thấy rõ). Định Tuệ là quả, Chỉ Quán là nhân. Chỉ là dừng lại. Quán là nhìn rõ. Hễ dừng lại thì tự nhiên thấy rõ. Dừng lại cái gì? Dừng sự quên lãng, sự tán loạn và tình trạng mê muội của tâm ý. Duy Thức gọi tình trạng này là “thất niệm” (mất chánh niệm). Rõ ràng dừng lại không phải là đè nén hay đàn áp mà là chuyển quên thành nhớ, chuyển mê thành tỉnh, chuyển thất niệm thành niệm.
– Tác dụng của Thiền quán là chiếu rọi (mặt trời), nung nấu (lửa bung ngô) và ấp ủ (gà ấp trứng). Không có nỗ lực phân tích suy diễn mà chỉ có công phu tập trung bền bỉ.
Khán thoại đầu, khán nghĩa là nhìn.
– Trong giấc ngủ, chánh niệm vẫn có tác dụng, công án vẫn âm thầm khán. Khi miên mật công phu tôi cũng thấy mình chánh niệm trong giấc mơ.Không suy tư là chỗ thiết yếu của Thiền.Dưới tác dụng của quán chiếu, thực tại dần dần hiển lộ bản thân.Chủ thể quán chiếu và đối tượng không tách rời nhau. Đây là điểm khác biệt căn bản xưa nay của Thiền học và Khoa học.Kinh Tứ Niệm Xứ dạy: Quán thân nơi thân, quán thọ nơi thọ, quán tâm nơi tâm, quán pháp nơi pháp.
Ý Kinh dạy không nên biệt lập chủ thể năng quán, tách rời đối tượng sở quán mà phải sống với đối tượng đó, phải đồng nhất với đối tượng đó.
– Giác quan của chúng ta là những cửa sổ mở ra bên ngoài và nhiều khi gió lộng vào nhà thổi bay tứ tán mọi vật. Nhiều người quen mở rộng giác quan mặc tình cho cảnh ngoài xâm chiếm, có khi đến nỗi nội tâm trống lạnh xác xơ mà vẫn không dám đóng cửa lại vì sợ cô độc, sợ phải đối diện với chính mình.Sáu trần không phải là kẻ thù nhưng chúng ta phải hộ sáu căn nếu chúng ta chưa đủ sức mạnh để đương đầu.Văn nghệ phải khai thị và trị liệu. Đạo Phật gọi đức Thích Ca là Y Vương bởi vì sự giáo hóa được thực hiện trên sự chẩn định căn cơ tâm lý của từng trường hợp chúng sanh.
Loài người còn đầy khó khăn và phức tạp phải tìm cách tự vệ bằng phương pháp hộ sáu căn. Đây là điểm vô cùng quan trọng.
– Dưới ảnh hưởng của chánh niệm, bạn trở thành cẩn trọng, hiểu biết, ưu ái. Phong thái của bạn nuôi dưỡng và làm đẹp cho quanh bạn, gia đình và xã hội theo bạn mà có thay đổi.Hình sắc và âm thanh của thế giới bên ngoài không phải là giặc. Giặc chính là “thất niệm” nghĩa là Mê.Đối tượng nhận thức không thể tách rời chủ thể nhận thức.
Trong định Không vô biên xứ, ta đồng nhất với không gian vô biên.
Trong định Thức vô biên xứ, tâm thức ta bao hàm cả không gian.
Trong định Vô sở hữu xứ, ta sống trong vũ trụ vô tướng.
Trong định Phi tưởng phi phi tưởng, ta sống trong vô phân biệt.
Cho nên đối tượng sở quán không thể tách rời trí năng quán. Thân thể, núi sông kia, một khi được bạn nhận thức chính là tâm của bạn (tâm cảnh viên dung).
– Buông bỏ ý niệm trong và ngoài (xem Kinh Lăng Nghiêm).
– Ong dùng cách đi vài đường múa để báo cho đồng loại biết phương hướng và vị trí của một địa điểm có hoa. Loài người cũng diễn tả nội tâm bằng âm nhạc, điệu múa, hội họa, ngôn ngữ. Thiền gia chủ trương “bất lập văn tự”. Trung Quán Luận của Long Thọ Bồ-tát phá tất cả chấp. Đây là ý muốn đập vỡ tất cả chai bình để ta thấy được nước, thật vốn không tướng chai bình, không có khuôn khổ.
– Kiến thức là chướng ngại của Tuệ Giác. Phật gọi là sở tri chướng.
Trí tuệ không phải là sự chất đống của kiến thức mà trái lại nó là sự vùng vẫy để ra khỏi những kiến thức ấy. Khi Copernic phát minh rằng trái đất xoay quanh mặt trời thì bao nhiêu ý niệm về Thiên văn học cũ bị sụp đổ. Đức Thích Ca đưa ra thuyết vô ngã đã đảo lộn mối chấp kiên cố nhất của loài người. Nhưng nếu chấp vô ngã là chân lý thì lại vướng một sở tri chướng khác.
Ong, nhện và tò vò không có óc, không dự tính nhưng “biết làm” tổ, đứng vào hàng kiến trúc đẹp nhất. Khéo tay như thế nếu không phải chúng biết thì ai biết? Cây chanh biết đâm lá, nở hoa, kết trái. Xương sống, xương sườn của bạn nếu không phải bạn tự làm ra thì ai làm?
Đó là công trình của cái Biết. Cái Biết bao trùm tất cả những cái biết khác trong đó có cái suy tư của bạn.
– Biết đã ở khắp thì hẳn có mặt cả ở trong trời xanh, trên Thái Hư, giữa Tinh Hà.Ta tưởng tượng ta có cái Biết độc lập một mình, cư trú trong đầu ta, vươn ra ngoài để phân biệt sự vật. Thế là cái Biết của ta mất hết sự thật rồi.Không cần nói dài dòng: “Tôi biết gió đang thổi” mà chỉ cần vắn tắt một chữ “gió” là đủ. Vì có Biết nên mới biết có gió. Vì gió không thổi sao gọi là gió. Đức Khổng Tử nói: “Quân quân, thần thần, phụ phụ, tử tử”, nghĩa là vua làm vua, tôi làm tôi… ta có thể hiểu là “vua phải tròn bổn phận vua” hoặc “vua phải cho ra vua”.
Thấy động tác chính là bản thân của chủ thể động tác rồi ta hé thấy cái dung lượng bao la của Biết.
– Tảng đá là sự tập hợp của nhiều nguyên tử do những lực tử điện kết hợp. Nguyên tử không phải là một hạt vật chất bất động mà là một khoảng không gian. Trong đó những điểm li ti như chất tử (proton), trung hòa tử (neutron) và điện tử (electron) không ngớt di chuyển với tốc độ kinh khiếp, suýt soát tốc độ của ánh sáng (300.000 km/1giây). Tảng đá có thật là vô tri vô giác không?
Thức A-lại-da, Biết là hàm chứa, duy trì và phát hiện quả dị thục.
Thức Mạt-na, có tác dụng bám chặt.
Thức Ý-thức, có tác dụng sáng tạo, vẽ vời, mơ mộng cắt xén.
Thức Yêm-ma–la, có tác dụng chiếu soi.
Biết không làm cho vạn vật sinh động. Nó chính là vạn vật sinh động. Vũ khúc với vũ sinh không hai.
– Biết là Kiến phần mà cảnh là Tướng phần, hai yếu tố chẳng thể rời nhau của Thức (tâm cảnh nhất như).
Phổi cần cho máu nên máu là của phổi.
Máu cần cho phổi nên phổi là của máu.
Bộ phận nào trong cơ thể cũng có sự có mặt của tất cả những bộ phận khác (Hoa Nghiêm: Một là tất cả, tất cả là một).
– Khi nói một tế bào chứa đựng tất cả các tế bào khác, không phải là dung tích một tế bào có thể bao hàm tất cả tế bào. Mà chỉ nói sự có mặt của một tế bào, chứng minh được sự có mặt của tất cả các tế bào khác trong cơ thể.
Sư Đạo Hạnh đời Lý nói: Hạt bụi này mà không thì cả vũ trụ cũng không (Tác hữu trần sa hữu, vi không nhất thiết không).
– Quán chiếu được lý trùng trùng duyên khởi, những ý niệm một nhiều, trong ngoài, lớn nhỏ đều tan rã.
Thi sĩ Nguyễn Công Trứ:
Thiên thượng thiên hạ vô như Phật
Nhỏ không trong mà lớn cũng không ngoài.
Kinh Hoa Nghiêm có những câu khiến người đọc ngạc nhiên, nếu người ấy chưa từng tham khảo lý trùng trùng duyên khởi.
Mỗi hạt bụi có vô số Phật
Mỗi đức Phật đều có vô lượng Bồ-tát vây quanh.
Trong hiện tại ta thấy sự vật hiện hữu riêng biệt, cái này ở ngoài cái kia. Hiểu nghĩa duyên khởi, ta thấy tính cách riêng biệt là giả tạo: Một vật thể là do tất cả vật thể cấu thành, một vật thể chứa đựng tất cả các vật thể. Dưới ánh sáng quán chiếu, các chấp một nhiều, trong ngoài, lớn nhỏ đều tan vỡ. Kinh Hoa Nghiêm đưa ra hình ảnh màng lưới của vua Đế Thích.
– Trái tim ngừng đập là sinh mạng tắt. Mặt trời không có thì muôn loài hết sinh tồn. Cây nhờ mặt trời mới có các chất dinh dưỡng. Người và loài vật lấy cây cỏ làm thức ăn. Cơ thể ta vì vậy không có giới hạn. Chỉ thiếu không khí độ vài phút là ta phải chết. Không có hiện tượng nào trong vũ trụ không liên hệ đến ta, từ hạt sỏi trong lòng suối đến ngôi sao đang vận chuyển cách ta hàng triệu năm ánh sáng.
Thi sĩ Walt Whitman nói: “Một lá cỏ cũng quan trọng như sự vận hành của các tinh tú”.
– Chỉ pháp quán này mới đập vỡ ngã chấp và pháp chấp một cách mau lẹ.
– Giáo nghĩa “tương tức” “tương nhập” của Hoa Nghiêm, đưa ta ra khỏi những kiến chấp, như chiếc xe lửa thoát khỏi đường ray để thành máy bay, tha hồ du hí trong hư không. Vì biết trái đất tròn đang quay, ta thoát kiến chấp trên dưới.
– Xin bạn trả lời câu hỏi này: “Những hiện tượng nương nhau sinh khởi và tồn tại, vậy cái tổng thể (le Tout) do đâu mà có?”.
– Người nấu ăn giỏi là người có tài sáng tạo. Thiền quán không phải là một sự bắt chước mà người thực tập thông minh thường tự tìm ngõ ngách mà đi.Ta hãy bỏ đi cái yên chí là nhắm mắt là thấy bên trong (của Tâm) và mở mắt là thấy bên ngoài (của Tâm). Định lực lớn là khi ta đã gạt bỏ được hết biến kế sở chấp phân biệt năng sở để sống làm một với thực tại.Vì thấy muôn loài đồng thể nên tình thương khởi dậy. Tiểu trí thì tiểu bi mà đại trí thì đại bi. Kinh Hoa Nghiêm:
Cảnh giới bất tư nghì giải thoát.
Thâu gọn muôn kiếp vào một niệm.
Đầu một sợi lông chứa ba đời
Và có vô lượng cảnh giới Phật.
– Một niệm chứa đựng thời gian vô tận, không gian vô cùng.
Thói quen phân biệt tâm và vật đã có gốc rễ quá sâu nơi ta. Kinh Tứ Niệm Xứ dạy quán thân, thọ, tâm và pháp để chống lại cố tật ấy.
– Người tu nhìn núi không là núi, sông không là sông nữa. Bởi vì núi sông đã tương nhập tương tức rồi.
Tuy vậy muốn tắm, y vẫn phải lội xuống sông chớ không nên leo lên núi, vì trở về sinh hoạt hằng ngày thì núi vẫn là núi mà sông vẫn là sông.
– Ý niệm tương duyên về vạn vật, Duy Thức Học gọi là y tha khởi, thiền giả khéo sử dụng nó để thể nghiệm thực tại chớ không xem nó như một sự thật.Pháp bổn vô pháp
Phi hữu, phi không
Nhược trí thử pháp
Chúng sanh, Phật đồng.
Dịch:
Pháp cũng như không pháp
Không có cũng không không.
Nếu hiểu được lẽ ấy
Chúng sanh với Phật đồng.
– Chân không quán: Gotama! Ô hay! Ai bảo rằng Ưu bát đa la triệu năm mới có một lần nở. Tiếng hải triều kia, có chiếc tai nào chịu lắng mà lại không nghe?Kinh Anuradha: Phật hỏi: Này Anuradha, ông nghĩ sao? Ông có thể thấy Như Lai nơi sắc không? – Bạch không.
Ông có thể thấy Như Lai ngoài sắc không? – Bạch không.
Ông có thể thấy Như Lai nơi thọ tưởng hành thức không? – Bạch không.
Ông có thể thấy Như Lai ngoài thọ tưởng hành thức không? – Bạch không.
Này Anuradha, chính ngay khi ta còn đây mà ông không tìm thấy ta thì tại sao ông lại cần biết, sau khi chết Như Lai còn hay mất?
- Diệu hữu quán.
- Công án khởi nghi tình đưa vào thực tại vô niệm.
- Tâm cảnh viên dung. Hoa Nghiêm bốn pháp giới vô ngại.
- Bát thức. Quán “tam tự tánh” (bỏ Biến kế, từ Y tha vào Viên thành thật).
Người ta thường nói thiền quán mà không gặp minh sư, có thể đi đến chỗ điên loạn.
Nhưng ngày nay minh sư hiếm lắm mà tà sư thì hằng hà sa.
– Muốn tránh điên loạn, kiêng nhất chuyện xuất thần. Tứ Không Định chẳng phải là cần thiết.Chánh niệm rất thật dụng và cần thiết. Có chánh niệm là có tất cả. Đây là công phu hàng ngày.
Còn những pháp khác trong tập sách này, bạn lâu lâu mở ra xem lúc nào cũng được, không cần thiết lắm.
– Bạn đừng nói: “Tôi có làm xong cái này tôi mới an”. Vì xong cái này lại có cái khác.
Phải an lạc ngay bây giờ. Nếu không thì không bao giờ có an lạc. Nếu muốn thì ngay giờ phút này có an lạc. Nếu không thì chỉ có hy vọng an lạc chớ không có an lạc thật.
– Phần đông chúng ta chỉ thấy chúng ta là sóng mà quên thể thật là nước. Chúng ta quen sống với sanh diệt mà quên hẳn tánh bất sanh diệt. Thì bao giờ sóng chẳng là nước, mà chúng ta chẳng đang bất sanh diệt? – Chỉ cần biết tánh thể của ta là bất sanh diệt. Biết là nhận ra, là chánh niệm. Biết rồi, sanh diệt động gì được đến ta.
Thích Nhất Hạnh
viết ở rừng Othes đầu Thu Tân Dậu.