NẺO VỀ CỦA Ý

Hòa Thượng Nhất Hạnh

Ngày xưa chúng ta đã từng ước muốn làm những chàng dũng sĩ cần thiết cho cuộc đời “Bể trầm luân lấp cho bằng mới thôi”. Nhưng chúng ta không biết rằng những chất liệu nào người ta có thể tạo nên một chàng dũng sĩ. Chúng ta muốn được như những chàng dũng sĩ trong các truyện kiếm hiệp… Nhưng mà các chàng dũng sĩ ngày xưa, trước khi xuống núi giúp người giúp đời đều được huấn luyện võ nghệ trong một thời gian lâu dài với các bậc kiếm tiên sư phụ.

Còn vốn liếng của chúng ta chỉ có một cuốn Tỳ Ni Nhật Dụng và những cái tài nấu cơm, quét sân, gánh nước, bổ củi. Đã thế trong số những kẻ học làm dũng sĩ như chúng ta, có nhiều người không nắm được một kỹ thuật nào về sự nấu cơm, quét sân, gánh nước và bổ củi. Rồi bị bắt buộc xuống núi hoặc tình nguyện xuống núi, tài nghệ không có, bản lãnh không có, làm sao mà cứu người giúp đời? Ấy vậy mà một số trong chúng ta đã tưởng mình là những chàng dũng sĩ thực thụ, những chàng dũng sĩ cần thiết cho cuộc đời. Và chính cuộc đời cũng nói thế, cũng công nhận như thế! Cuộc đời chỉ cần những chàng dũng sĩ giả hiệu như chúng ta. Vì thế càng ngày càng tin chắc mình là dũng sĩ. Cuộc đời nếu không có ta, chắc cuộc đời đã tàn nguội rồi nhỉ?… Cuộc đời còn đó, kiên nhẫn chờ đợi, chỉ sợ những người muốn làm dũng sĩ không chờ đợi được chính mình.

Không có bản lĩnh thật của dũng sĩ, họ phải mượn tạm khí giới của cuộc đời. Họ sử dụng được tiền bạc, danh vọng và thế lực nhưng mà những khí lực ấy, chỉ có thể đối phó với cuộc đời thôi, chớ không thể đối phó với bản thân và bảo vệ cho đời sống thật của chính các chàng dũng sĩ.

Để đối phó với vấn đề sanh tử của chính mình, các chàng dũng sĩ phải dùng “sự bận rộn”. “Sự bận rộn”, ai chế tạo ra hóa phẩm kỳ diệu này mà sức tàn phá không kém chi bom nguyên tử, không khác chi khói thuốc phiện. Cái thế giới nội tâm trống trải quá và con người bây giờ có thể đối phó với một cuộc chiến tranh dễ dàng hơn đối phó với cái trống trải của lòng mình.

Bận rộn công việc thì than phiền là bận rộn chẳng có thời giờ nghỉ ngơi, mà khi hết bận rộn thì không thể nào nghỉ ngơi được. Con người bây giờ không biết nghỉ ngơi. Hoặc giả chỉ biết nghỉ ngơi bằng những loại bận rộn khác, cũng được gọi là bận rộn. Hễ có được một chút thời giờ rỗi rãi ngừng tay thì đã không chịu đựng nổi, phải với tay vặn cái nút máy thu thanh, phải vớ lấy một tờ báo, đọc bất cứ bài vở gì, tin tức gì, đọc quảng cáo cũng được. Phải có một cái gì để nhìn, để nghe, để nói, để trấn giữ đừng cho cái đầu của sự trống trải xuất hiện. Mặt mũi của sự trống trải sao mà kinh khiếp quá!

Nhìn qua cái bận rộn của họ, ta nghĩ rằng họ là dũng sĩ thật nhưng đến khi họ trở về nội tâm thì bi thảm không cùng. Chàng dũng sĩ của chúng ta đi xuống núi là để chuyển hóa cuộc đời nhưng rốt cuộc lại bị cuộc đời chuyển hóa… Tay ấn không vững thì đã không trị được âm binh ma chướng mà còn bị âm binh ma chướng quật ngã nữa. Không có được một chút bản lĩnh tâm linh nào thì làm sao có thể làm một chàng dũng sĩ thật sự?

Trong những động tác thường nhât, chúng ta phải theo dõi, dò kiếm những dấu chân công việc đó, khó khăn như công việc dò theo dấu chân trâu để tìm ra một con trâu lạc. Dễ gì dò biết được lối đi nẻo về của tâm ý. Tâm ý như một con vượn chuyền cành, bắt được nó không phải là chuyện dễ và trong tất cả mọi động tác, những tư tưởng trong sáng cùng ý thức minh mẫn, tạo nên chánh niệm trong mọi động tác thiền thì đâu cần ngồi. Ngồi chỉ là những bước đầu.

Chúng ta được dạy rằng nấu cơm không phải để có cơm, rửa bát không phải để bát sạch. Và nấu là nấu chớ không phải nấu cho xong, rửa là rửa chớ không phải rửa cho xong, những việc làm ấy phải là thiền, là tu, là con đường thành Phật.

Thiền là rọi ý thức minh mẫn vào mọi động tác thân khẩu ý. Làm rạng rỡ tất cả mọi đường đi nẻo về của tâm của ý. Như thế mới mong xuống núi làm chàng dũng sĩ. Dũng sĩ như thế sẽ có thể cười đùa trước các vũ khí của cuộc đời như tiền bạc, danh vọng và quyền thế. Dũng sĩ như thế sẽ có thể ngồi trên các đợt sóng thành bại mà không bị nó đưa lên dìm xuống. Dũng sĩ như thế ít ai biết là một chàng dũng sĩ.