CHUADUOCSU.ORG
NGHỆ THUẬT THIỀN
Chúng ta có khổ vì sinh lý như bệnh hoạn, đói khát. Nhưng nhiều hơn là những khổ về tâm lý. Phải trí tuệ Phật mới thấu đáo và cũng phải thuốc của Phật điều trị mới công hiệu. Ba chữ Phước Lộc Thọ là niềm ao ước của thế gian. Nhà quyền quý hỏi một danh Tăng: “Tôi không thể không ăn thịt cá, vậy làm thế nào cho hợp với giáo lý Phật?”. Đáp: “Ăn thịt là lộc của Ngài, không ăn thịt là phước của Ngài”. Nghĩa là tùy ý Ngài chọn: “Nếu sống để mà ăn thì hưởng lộc. Nếu cầu đạo đức thì tu phước”.
Một cụ già vào rừng kiếm củi. Một hôm bỗng thấy mùi thơm, ngẩng lên thì một trái đào đỏ hồng lắt lẻo trên cây, vừa tầm tay hái. Thần hiện ra bảo: “Đây là đào trường sanh, ăn vào sống mãi không chết. Ngươi hãy suy nghĩ kỹ rồi hãy ăn”. Ông già mừng quá, chẳng cần nghĩ ngợi, ăn hết trọn trái. Linh ứng tức khắc. Người ông thẳng lên. Da dẻ căng phẳng. Đôi mắt sáng tươi. Ông nay là một thanh niên lứa tuổi 20. Ông trở về sống với bà vợ lụ khụ ho khạc cả ngày. Con trai con gái, cháu nội cháu ngoại, tuy rất vui mừng thấy ông trẻ lại, nhưng yêu quý còn bỡ ngỡ huống chi kính nể. Ông lo chôn hết con này sang cháu khác, cúng hết đám giỗ này sang đám giỗ khác. Đến đám tang thằng chút chít đời thứ 9 thì ông chỉ còn một ước mơ: “Làm sao chết được cho rồi, sống lâu ngán quá!”. Khi ấy ông mới hiểu trái đất là nhà mồ tập thể. Thân này dù trẻ dù già, không phải là chìa khóa của hạnh phúc.
Đàn việt cúng Sadi Hộ hai xấp vải. Sadi dâng Thầy. Thầy không lấy. Sadi vừa đứng quạt hầu vừa suy nghĩ: “Thầy không nhận vải tức là không thương ta. Ta còn ở đây làm chi nữa. Chi bằng ta xuống chợ bán vải. Được tiền mua một con dê. Dê lớn đẻ một bầy. Ta đổi lấy một con bò. Ta cưới một cô vợ để vừa trông nom bò vừa hầu hạ ta. Nó mà bướng bỉnh ta sẽ lấy cán quạt gõ vào đầu nó…”. Tiện tay sẵn quạt, Hộ quay ngay cán, gõ đánh cốp. Ông Thầy quát: “Sao đập vào đầu ta?”. Hộ giật mình. Phật nghe chuyện nói: “Tâm phàm phu thường lén lút đi một mình”.
Chúng ta sáng thức dậy, thoát cái khổ chiêm bao trong đêm tối ngủ say thì tiếp liền là những chiêm bao mở mắt. Đó là cái khổ của Si.
Người kia bị một mũi tên. Nếu là kẻ trí thì vội vàng rút mũi tên ra, rịt thuốc, vết thương liền khỏi. Kẻ ngu cầm ngay mũi tên ấy đâm những người thân, tất cả bà con tới thăm hỏi, rồi quay về đâm nát thân mình. Chúng ta mỗi khi bị cảnh khổ nghịch liền vội vàng kể lể với người thân, truyền cái độc sang cho bà con, rồi suy tư nghĩ lại mỗi phút mỗi phút tự đâm, ngày này qua tháng khác không quên. Mỗi khi nghĩ lại, mỗi khi nói tới lại nổi sân. Vì người này, Phật khuyên chuyện qua rồi đừng nhớ tới nữa.
Tại một chung cư, trên lầu là một thanh niên. Mỗi khi đi đâu về, anh cởi giày, ném chiếc bên phải đánh thịch một cái. Rồi ném chiếc bên trái đánh thịch một cái. Ông cụ dưới nhà đau tim van lơn: “Xin anh thương tôi”. Hôm ấy, anh đi về, ném chiếc giày đánh thịch một cái. Chợt nhớ lời ông cụ, anh vội để nhẹ chiếc giày bên trái. Một chốc ông cụ lên, thở hổn hển: “Tôi khốn khổ vì chiếc giày. Còn chiếc kia, tôi đợi mà chưa thấy. Sao anh không ném nốt nó xuống cho rồi còn để tôi phải chờ đợi mối lo sợ mãi”. Với người này Phật khuyên việc chưa đến khoan lo.
Một cô gái thành phố về quê lội ruộng. Lên bờ, cô giơ chân khoe: “Có con gì mềm mềm dài dài bám ở chân”. Khi người ta phát giác: “Con đỉa”. Thế là cô xỉu liền. Đây là Bệnh Sợ do yên chí và tưởng tượng.
Một Sư nuôi chúng rất nghiêm. Không biết vì sao trong chúng, hôm nay có người kêu mất sách, mai có người kêu mất áo. Luôn luôn cứ thế, chuyện trộm cắp trong chùa xảy ra như cơm bữa. Không làm sao tìm ra thủ phạm. Một hôm giữa đêm Sư la: “Kẻ trộm”. Thầy thủ tòa ở sát liêu Sư vội bước vào. Sư túm ngay lấy, la dữ hơn. Chúng hội họp đầy đủ. Sư một mực cử tội ông thủ tòa vào ăn trộm, bị Sư bắt quả tang. Cả chúng giật mình, không ngờ. Sư còn viết giấy báo tin khắp các chùa lân cận và các Phật tử thân tín. Ông thủ tòa bị diệt tẩn.
Bảy hôm sau, ông trở về trình kệ. Ông đã đại ngộ. Sư thỉnh Tăng Ni, Phật tử nhóm hội thật đông. Sư trả lại vật cho những người mất của, nói rõ đây là Sư dụng mưu để thử ông thủ tòa trước khi thỉnh ông kế vị. Ai ngờ ông lại vượt sự ước mong của Sư.
Chúng ta nếu gặp nghịch cảnh nên mừng. Ngày đại ngộ sắp đến nơi.
Thời Phật, Tôn giả Anan đa văn đệ nhất, làm thị giả chỉ được Phật khen. Tất cả Tăng Ni, Phật tử cứ trông thấy ông là vui mừng. Ông sống trong hoa hương thơm ngát, chẳng nghĩ tới dụng công tu chứng.
Chợt Phật Niết-bàn. Ông khóc không đứng dậy nổi. Tổ Ca Diếp bắt ông sám hối 5 tội:
- Ông xin cho Ni chúng xuất gia. Phật tuyên bố: Nếu người nữ vào đạo, chánh pháp sẽ mất 500 năm. Vậy mà ông không lùi.
- Phật sửa soạn Niết-bàn, sao ông không khuyến thỉnh Phật lưu lại thế gian mà cứ lăn ra khóc, trong khi biết rõ Phật đủ oai thần để trụ thế bao nhiêu ngàn năm cũng được?
- Anan giặt y của Phật. Vì y quá rộng quá dài, Anan đã dám đứng lên trên y để vò xát.
- Phật sắp Niết-bàn, nói giới phẩm có vài điều có thể bỏ bớt. Sao ông không hỏi cho rõ để ngày nay còn biết hỏi ai?
- Trong khi Phật đi giáo hóa, có một bà già ôm chân Phật lễ bái theo phong tục thời xưa. Sao Anan không ngăn? Để một người nữ được phép đặt tay vào da chân Phật, trái với giới luật Phật đã đặt ra để nghiêm chế chúng Tăng.
Mỗi mỗi Anan đều nhận tội và xin sám hối.
Tổ Ca Diếp dự định kết tập Tam tạng. Đại chúng cử Anan trùng tuyên những lời Phật dạy. Tổ Ca Diếp đáp: “Khoan! Anan không được dự hội này. Hội này chỉ thỉnh những ai đã chứng A-la-hán”. Thế là Anan bị loại.
Ba hôm sau, Anan gõ cửa xin vào, nói đã chứng quả. Tổ Ca Diếp đáp: “Đã chứng quả thì cứ việc vào cần chi mở cửa”.
Trong nháy mắt, Anan đã vào, quỳ lạy Tổ và đại chúng. Thế là ngôi vị đệ nhị Tổ sư của hoàn cầu, nương đức Tổ Ca Diếp, đã được dự bị.
Để kết thúc, Sư cô Như Thủy kể chuyện:
– Một anh đi tìm một Kiếm sư nổi danh thưa: Con muốn học đủ các đường kiếm phải mất bao lâu?
– Độ 10 năm.
– Nay con xin ở luôn bên cạnh Ngài học ngày đêm miệt mài, thì độ bao lâu?
– Trọn đời chắc không xong, bởi vì con nôn nóng quá.
Anh xin ở luôn nhà ông thầy, làm tất cả việc khó nhọc, như người ở đợ không khác. Suốt ba năm, ông thầy không hề đả động đến nghề cung kiếm. Anh biết ý thầy nên bình tĩnh chờ. Bỗng nhiên một hôm, một thanh kiếm gỗ từ đâu phập tới, anh né được. Từ đó, lúc nào anh cũng phải ở thế thận trọng đề phòng. Rồi một ngày nọ, anh được thầy tuyên bố, anh là một kiếm sinh khá nhất. Vì những đường kiếm đánh lén mà đã tránh được thì những đường kiếm đánh trước mặt khó gì mà không tránh được.
Đường kiếm thế gian rất nhiều nhưng tóm lại không ngoài hai thứ: Giặc cứng (nghịch cảnh: kiếm trước mặt) và giặc mềm (thuận cảnh: kiếm đánh lén). Học Phật tránh được hai đường kiếm thế gian này là đạt được nghệ thuật Thiền.
Trước những khen chê hãy bình tĩnh để sáng suốt xem đúng hay sai. Chê đúng thì ta có cơ duyên sửa mình. Khen đúng thì ta cố gắng nối tiếp. Bình tĩnh là định, là đã hàng phục được sân giận và ngã ái. Sáng suốt là tuệ phân biệt được chính xác phải trái chánh tà. Như thế một vị Phật bắt đầu.