CHUADUOCSU.ORG
NGHIỆP
Ngài Hộ Tông dịch từ chữ Pali
Phật giáo Nguyên Thủy
Nghiệp là hành động cho đến sự phản ứng hoặc kết quả dội lại của hành động.
- Nghiệp hằng phân chia chúng sanh thành các loại sang hèn cao thấp khác nhau.
- Gieo giống nào thọ quả ấy. Nghiệp lành được quả vui, nghiệp dữ chịu quả khổ.
- Phước tội đã làm từ trước là nhân. Nay thọ vui hay khổ gọi là mãn nghiệp, nghĩa là hưởng lãi hoặc trả nợ.
- Mau mau gấp gấp tận tụy làm lành, kỹ lưỡng phòng tâm ngừa thoát nghiệp ác. Vì tâm không đi đường lành ắt quay về ưa thích đường dữ.
- Lỡ lầm không nên tái phạm, chớ ưa thích tội lỗi. Chứa tội là nhân quyết định chiêu vời quả khổ.
- Đã tạo phước nên hằng thường tạo phước. Đem tâm về ưa thích phước nghiệp vì đây là thắng nhân chiêu vời quả vui.
- Người làm quấy thường thấy quấy là phải cho đến khi cái khổ đâm mộng nảy chồi thành quả báo hẳn hòi, họ mới tỉnh ngộ.
- Người làm lành số đông không biết chỗ cao quý của nghiệp lành. Phải đợi quả vui rõ rệt họ mới thấy lợi ích tốt đẹp.
- Chớ si mê coi thường tội nhỏ. Giọt nước chứa mãi sẽ đầy chum.
- Người trí tuệ không coi thường phước nhỏ. Cây một, cây một, góp mãi thành rừng.
- Thận trọng tránh ác như người ham sống sợ thuốc độc, như đoàn lái buôn, đã mang nhiều của lại ít người, sợ hãi những con đường hiểm.
- Tay không vết thương có thể cầm thuốc độc.
Người thanh tịnh không sợ khổ quả.
- Người bị sỉ nhục mà tâm vẫn an bình, thân miệng thanh lặng như gò đất. Ai muốn làm hại vị này là kẻ si mê mong ném bụi ngược gió.
- Độc ác sa địa ngục, dâm dục vào thai bào; nghiệp thiện đưa lên cõi trời hưởng nhàn cảnh. Các bậc Thánh đã sạch phiền não nhập Niết-bàn.
- Lên cùng tận hư không, lánh ra giữa biển cả, ẩn mình trong kẹt núi, chạy vòng quanh địa cầu, không có một nơi nào có thể trốn thoát nghiệp ác.
- Lên trời, ra biển, vào núi… Người trú ngụ trên địa cầu tìm một chỗ mà sự chết không đàn áp, chẳng có đâu!
- Chúng sanh nào cũng mong cầu an vui. Cầu hạnh phúc cho mình bằng cách làm hại kẻ khác dù chỉ một khúc cây. Người này chết rồi hằng chẳng an vui.
- Chúng sanh nào cũng mong cầu an vui. Cầu hạnh phúc cho mình bằng cách không làm hại kẻ khác dù chỉ một khúc cây. Người này chết rồi thường được an vui.
- Những kẻ si mê tạo ác thường không tự giác. Người kém trí tuệ hằng nóng nảy như bị lửa thiêu. Đây là lửa nghiệp của chính mình.
- Dùng thế lực hại bậc kiên nhẫn không đáp oán sẽ bị một trong mười biến cố:
- Cực khổ.
- Nghèo cùng.
- Hư thân.
- Bệnh nặng.
- Loạn trí.
- Nạn vua.
- Bị giết.
- Gia đình tan nát.
- Sự nghiệp tan vỡ.
- Cháy nhà.
Những người kém trí tuệ thường đi về địa ngục.
- Tâm dẫn đường, tâm là chủ, tâm thành tựu. Nói hay làm theo tâm ác, thì sự khổ hằng theo, như bánh xe lăn theo bước chân con bò.
- Tâm dẫn đường, tâm là chủ, tâm thành tựu. Nói hay làm theo tâm trong sáng, thì sự vui hằng theo như bóng theo hình.
- Người tạo ác nghiệp, hiện đời đau khổ, kiếp sau đau khổ, hằng sầu não rên rỉ.
- Người tạo phước nghiệp, hiện đời hoan hỷ, kiếp sau hoan hỷ, hằng hân hoan khoái lạc.
- Nghiệp xấu và vô ích dễ vương.
Nghiệp hay và lợi ích khó tập.
- Người lành dễ tạo nghiệp lành, kẻ ác khó tập nghiệp lành; người ác dễ tạo nghiệp ác, các bậc Thánh nhân chẳng thể làm việc ác.
- Người thợ ước mong có nhiều hoa để làm tràng hoa bán được nhiều tiền như thế nào, thì con người ở trong đời cũng cần ước mong tạo nhiều phước nghiệp như thế.
- Chớ có giết hại, vì chính người hay giết hại hằng bị rên la.
- Trí thức thấp hèn, ác tâm làm dữ, sẽ chịu quả chua cay.
- Kẻ kia mặt ẩm ướt những nước mắt, miệng rên rỉ khóc la. Nghiệp họ đã tạo chẳng phải nghiệp lành!
- Người kia vui vẻ tươi cười, nghiệp xưa của họ là từ thiện tâm.
- Si mê làm tội như uống mật ong. Đến khi chịu quả báo mới biết tội lỗi là khổ đắng.
- Si mê thích ác tưởng như uống sữa tươi, đâu biết tâm địa đang bị nghiệp ác vùi dập, như lửa bị tro chôn lấp.
- Người sẽ là bậc cao quý nếu đã tập bốn nghiệp:
- Chăm diệt ác.
- Chuyên phạm hạnh.
- Tịnh ba nghiệp.
- Tự cải hóa.
- Nơi kín đáo của người làm tội chẳng bao giờ có, chẳng ở đâu có. Kẻ si mê tưởng trong rừng rậm có chỗ kín.
- Không bạn quý nào giá trị bằng học đạo, không thù địch nào tai hại hơn bệnh tật, chúng sanh chẳng thương ai bằng yêu mình. Thế lực mạnh nhất không chi hơn nghiệp.
- Mưa ơi! Biển cả đầy nước rồi, xin hãy đổ xuống nơi khô héo này đi! Lợi ơi! Nhà giàu kia chan chứa bạc tiền rồi, xin hãy tới đây nơi nghèo cùng kiệt quệ! Nhưng mong mỏi nguyện cầu đâu có chuyển lay được sự an bài của nghiệp lực.
- Kẻ thấp hèn chủ trương: “Bất cứ chi chi cũng do nhân trước”, vì thế biếng lười. Người trí tuệ bền chí kiên nhẫn tinh tấn làm tất cả công việc. Rồi thành hay bại, không mừng không lo, vì biết trong đây có nghiệp lực an bài.
Khi ấy đức Thế Tôn ngự ở gần thành Xá Vệ trong tinh xá Cấp Cô Độc, giảng về nhân quả ở trong loài người:
- Thiếu lòng từ mẫn, sát sanh hại vật, sau khi chết đi về ác đạo hoặc tái sanh làm người chết non.
Tâm từ bi lợi người lợi vật là pháp hành đưa đến sống lâu.
- Hành hạ đánh đập chúng sanh là pháp hành đưa đến bệnh hoạn.
- Nóng giận cáu kỉnh là pháp hành đưa đến dung mạo xấu xí.
Hoan hỷ dễ tha thứ là pháp hành đưa đến dung mạo xinh đẹp.
Ganh tị là pháp hành đưa đến thấp hèn ít quyền thế.
Bá thí là pháp hành đưa đến phú quý.
Keo sẻn là pháp hành đưa đến nghèo túng.
Chăm học hỏi là pháp hành đưa đến có trí tuệ.
Kiêu mạn là pháp hành đưa đến sinh vào dòng dõi hèn.
Cung kính bậc trên là pháp hành đưa đến sinh vào quý tộc.
Nghiệp đen thì kết quả đen, như cực ác thì vào địa ngục.
Nghiệp trắng thì kết quả trắng, như tu mười thiện thì lên trời.
Nghiệp đen lẫn trắng kết quả khổ lẫn vui thì làm người.
Nghiệp không đen không trắng tức là bậc không tạo nghiệp.
Hai Thanh-văn đệ tử đức tin ngang nhau. Một vị được vật dụng như pháp rồi đem dâng đến các Tỳ-kheo khác. Còn vị kia thản nhiên. Hai vị này thác rồi cùng sinh lên cõi trời nhưng vị ham bá thí được năm quả báo sống lâu, sắc đẹp, an vui, cao sang, quyền thế, hơn bạn đồng hành nhiều.
Phật kết luận: Chớ nên lãnh đạm trong phước nghiệp.
- Tên Punna làm tôi mọi cho một nhà giàu. Vợ đem cơm ra đồng cho chồng, chợt gặp Đại đức Xá Lợi Phất, bèn đem tất cả kính dâng Ngài ngọ trai. Khi cô thuật lại cho chồng biết việc cúng cơm này, anh ta mừng quýnh, trở ra cày ruộng nữa. Mũi cày xốc đất tới đâu bửa ra toàn vàng. Theo pháp luật nhà nước, anh trình lên quan; quan tâu lên vua. Vua sai lính đến chở vàng. Về tới cung vua, vàng lại biến thành đất. Vua biết đây là phước dành riêng cho Punna nên bắt buộc nhà giàu kia phải để cho vợ chồng anh hưởng.
Tên Nanda đã 50 năm làm nghề làm thịt bò bán, nên thịt bò là món ăn hằng ngày của anh ta. Một hôm vợ bán đắt hàng, không còn dư để cho anh ta ăn cơm. Anh liền cầm dao ra cắt lưỡi một con bò sống, bảo vợ đem nướng để dùng tạm cho qua bữa. Miếng ăn vừa tới bao tử, anh lăn lộn la khóc, lúc chết anh rống lên như tiếng bò, sinh vào Vô gián địa ngục.
Hoàng tử Kumara đi đến vườn Ngự Uyển, thấy dân chúng cung kính cúng dàng một vị Bích Chi Phật. Hoàng tử giựt bát, đổ thực phẩm xuống đất nói rằng: “Giận ta, làm gì được ta”. Ngay lúc ấy, khắp thân thể hoàng tử phát nóng, miệng khô khao, bao nhiêu nước cũng không đã khát. Hoàng tử chết đọa vào địa ngục.
- Trên đây là những nghiệp nặng cho quả báo hiện tiền. Dưới đây là những nghiệp nhẹ hơn kết quả trong đời sống kế tiếp:
Đắc thiền không dứt, chết quả quyết sanh về Phạm thiên. Bá thí, trì giới v.v… các nghiệp lành khi chết cũng sanh về cõi trời. Nhưng không nhất quyết, vì có người còn phải sa vào ác đạo trước rồi mới được lên trời. Còn nhẹ hơn nữa là những thiện ác cho quả về các kiếp sau và sau nữa, không nhất định thời kỳ nào. Nếu chưa đắc A-la-hán đạo, chưa đoạn tuyệt phiền não luân hồi, thì nghiệp này còn theo mãi, chẳng một ai thoát, chỉ có điều là sớm muộn không nhất định, hễ đủ nhân duyên thì quả báo hiện hành.
- Ngũ nghịch đại tội, người nào phạm cả năm, một tội đã kết quả thì bốn tội kia ngưng cho quả. Cũng thế hành giả quyết tâm hành thiền thuần thục, từ bốn thiền hữu sắc đến bốn thiền vô sắc, thác rồi sinh về Phạm thiên, khi thiền cao nhất đã cho quả, thì các thiền thấp hơn không cho quả.
- Nếu có nghiệp lành mạnh hơn thì ác chưa cho quả, khi thiện giảm sức, ác mới có chủ quyền. Ngược lại cũng thế, ác mạnh hơn thì thiện chưa cho quả.
- Sinh nghiệp dẫn đi thọ sanh (như mẹ đẻ).
- Dưỡng nghiệp giúp sự sinh sống (như vú nuôi), nếu là nghiệp lành thì phá tiêu tai nạn, trợ giúp tiền của, tăng gia thanh thế v.v… Như có gia đình từ ngày sinh con làm ăn phát đạt, vợ chồng vui hòa. Có gia đình từ ngày sinh con vợ chồng phân cách, tiền của suy giảm đến khốn cùng. Đây là nghiệp lành, nghiệp ác của đứa bé khởi hiện hành.
- Áp chế nghiệp: Hoàng tử Suna vui ưa Phật pháp xuất gia hành thiền được thiên nhãn thông. Ba năm qua không tiến thêm chút gì, khởi tâm chán nản, hoàn tục, theo ngoại đạo, báng Phật pháp, khi chết đọa địa ngục. Đây là nghiệp ác đến áp chế thiện nghiệp.
Anh Vata làm đao phủ, có phận sự giết những kẻ cướp. Một hôm dặn vợ ở nhà nấu cơm sữa, còn anh đi tắm rửa. Từ ao tắm về nhà gặp Đại đức Xá Lợi Phất đi trì bình, mừng rỡ anh thỉnh về nhà dâng cơm sữa. Đại đức thọ trai xong, chúc nguyện rồi về chùa. Anh sung sướng theo đưa. Giữa đường về anh bị bò bất chợt húc chết. Anh được sinh lên cõi trời. Đây là nghiệp thiện đến áp chế nghiệp ác.
Đời Phật Ca Diếp, có một Tỳ-kheo tu phạm hạnh hai vạn năm. Một hôm, ngồi trên thuyền, ngài nắm lá dừa ở ven bờ. Thuyền đi, lá bị đứt, ngài quên sám hối. Khi sắp chết, chợt nhớ tới, mong sám hối như luật, nhưng không có Tỳ-kheo chứng minh. Do đây tâm sinh bồn chồn lo ngại mà phải sanh làm Long vương. Đây là nghiệp ác đến cắt đứt nghiệp lành.
Một thợ săn về già theo con đi tu, tham thiền mà không kết quả. Ông con là Tỳ-kheo thấy bố sắp chết, tìm phương tiện cho cha thoát khổ cảnh, mới sắm các lễ vật để trên giường ngay trước mắt cha, khuyên cha đem lễ vật ấy cúng tháp. Ông bố vui mừng. Ngay lúc ấy tắt hơi và sanh thiên. Đây là nghiệp ác bị nghiệp lành cắt đứt.
Người tạo lẫn lộn nghiệp nặng và nhẹ. Nghiệp nặng vẫn cho quả trước như các đồ vật rơi từ trên cao, thứ nặng dĩ nhiên tới đất trước. Nghiệp dữ đưa về khổ cảnh, nghiệp lành đưa về nhàn cảnh:
- Tiền thân Phật Thích Ca là một đạo sĩ ở Tuyết Sơn đã được tám thiền, nhân có việc về kinh đô; nhà vua cảm mến oai nghi của Ngài, thỉnh về vườn Ngự Uyển và hàng ngày cúng ngọ trai. Chợt biên thùy có giặc, vua đi viễn chinh. Đạo sĩ bị đứt giới với hoàng hậu. Khi vua trở về, đạo sĩ thú tội. Vua tha thứ và khuyên hành đạo như cũ. Đạo sĩ đắc thiền, tạ từ vua, bay lên hư không thẳng về Tuyết Sơn.
Vì hành thiền không dứt nên khi thác, đạo sĩ sanh về Phạm thiên. Đây là nghiệp lành mạnh mẽ.
Nghiệp thường (hằng quen làm): Tên Cunada giết heo nuôi mạng đã lâu năm. Bỗng nhiên hắn la như heo bò, lăn lộn trong nhà. Đức Thế Tôn dạy các Tỳ-kheo rằng: Người quen tạo nghiệp ác, hiện đời than van rên rỉ, chết càng đau khổ, kiếp sau còn khổ hơn.
Trưởng giả Cấp Cô Độc gia thế dần dần sa sút, chỉ còn một cô gái nghèo đến nỗi phải đi làm công hàng ngày. Nhưng vẫn không bỏ thói quen hàng ngày để bát một vị Sư. Vua hay tin, thỉnh cô vào cung, phong làm hoàng hậu. Cô bấy giờ thỏa mãn tâm cúng dàng. Kiếp sau cô về cõi trời.
Nghiệp gần chết. Cửa chuồng vừa mở, bò nào đứng ngay cửa, dù già yếu bao nhiêu, cũng ra trước các con bò khác (dù có sức lực hơn). Giờ hấp hối, nghiệp lành nào hiện hành liền cho quả ngay. Có kẻ nghĩ rằng: Khỏi mất công vất vả làm lành, cứ đợi lúc hấp hối, chỉ cần nghĩ đến việc lành là sinh thiên. Đáp: Dù đã chan chứa một đời thánh thiện, nếu không lưu tâm nghĩ đến mỗi ngày cho thành thói quen, thì khi hấp hối khó lòng mà tưởng đến. Bởi vì tâm phan duyên theo sáu căn mà tính toán với sáu trần, tình ái, của cải, thế sự xâm chiếm cả tâm hồn, đâu còn chỗ để cho tâm niệm đạo đức hiện hành. Vì thế mà người sa ác đạo nhiều như đất trên đại địa. Còn người trở lại làm người ít như bụi trên đầu ngón tay. Huống chi nhớ đến giải thoát thì thật là khó trong ức triệu sự khó.
Nghiệp tạo lúc vô tâm, không nhất định thời kỳ cho quả. Như người bắn tên vu vơ không định bắn vào đâu. Vì thờ ơ nên mũi tên không có sức mạnh.
Văn kinh: “Người đời tạo nghiệp bất chánh vì si mê, như người ở trong rừng không biết lối ra. Nghiệp đã thành rồi rất khó sửa”. Đức Phật hằng lặp đi lặp lại cho chúng ta tin chắc rằng:
- Chỉ có nghiệp là của ta.
- Ta là thọ quả của nghiệp.
- Nghiệp là mẹ sanh ra ta.
- Nghiệp là huyết thống của ta.
- Ta nương tựa vào nghiệp.
- Ta phải chịu quả của nghiệp mà ta đã tạo.
Hằng nhớ nghĩ vui khổ hiện tại của ta là do những nghiệp chánh hay bất chánh đã cảm quả ra. Hằng nhớ nghĩ để đừng cẩu thả quên rằng những hành động trong kiếp này của chúng ta sẽ có quả báo. Kẻ ngu độn quả quyết tin rằng vui hay khổ là do kẻ khác hoặc cảnh ngoài đưa đến. Cho nên họ tham, họ giận, họ càng tạo nghiệp, để phải chịu quả khổ mãi mãi.
Vì thế không nên ngẫm nghĩ tìm cầu tốt xấu ở nơi nào khác, ở người nào khác, ngoài mình.
Đức tin, hướng thiện, từ bi, chánh pháp, chân thật v.v… phải phát huy ở ngay nơi mình. Chính mình phải tự xây dựng.Nếu mọi người giúp đỡ lẫn nhau để phát triển các đức tánh thì trong gia đình ngoài xã hội cùng thịnh đạt. Lo gì thế giới chẳng an cư lạc nghiệp.