Những Bài Kinh Ngắn

Tỳ-Kheo-Ni HẢI TRIỀU ÂM biên dịch

***

KINH BẮT RẮN

Phật ngự ở Xá Vệ, vườn Cấp Cô Độc, Tỳ-kheo Arittha tà kiến rằng: “Dục lạc không chướng ngại đạo pháp”. Chúng can không nghe. Đối trước Phật, ông vẫn cố chấp.

Phật nhắc: Ta thường dạy: Dục lạc là khúc xương khô, miếng thịt sống, đuốc rơm cầm ngược gió, hố than hồng, rắn độc, giấc mộng, của vay mượn, leo cây hái trái bị đẵn gốc.

Có thủ thuật bắt rắn, đè ngay cổ rắn thì không bị rắn mổ. Học kinh cũng thế, không nắm đúng chánh pháp thì nguy hiểm. (Như câu: “Bè để qua sông, pháp còn phải xả huống chi phi pháp”. Phải hiểu rõ mới sử dụng được).

Tóm lại, chỉ cần biết rõ năm uẩn vô ngã, vô ngã sở; đối với tám gió không bị lay chuyển… là phá được vòng luân hồi sanh tử. (8 gió: khổ vui, lợi hại, khen chê, vinh nhục).

Lời Góp Bàn

Theo Hòa-thượng Nhất Hạnh, nguyên do chỉ vì lầm lẫn hai danh từ an lạc và dục lạc mà Arittha đã trở thành tà kiến. Phật có dạy “an lạc nuôi dưỡng”, hóng gió mát, ngắm mặt trời mọc lặn, tắm nước suối trong, thưởng thức chén nước đã khát, là những niềm vui các Tỳ-kheo được hưởng.

Phật từng hỏi: “Núi Thứu đẹp, phải không Anan? Thành Vesali đẹp, phải không Anan?”. Những chi tiết ấy chứng tỏ bao niềm vui lành mạnh, giúp cơ thể và tinh thần thêm sức khỏe, đủ sức đi xa trên con đường giải thoát, các Tỳ-kheo nên thọ với điều kiện luôn luôn ý thức vô thường, vô ngã. Ăn ngon, ngủ yên là yếu tố thành công trong tu học. Nhưng ham ăn, thích ngủ là chướng ngại. An lạc trở thành dục lạc.

Arittha đã nghe đức Phật nói về khổ hạnh vô ích. Hành hạ xác thân không đưa đến giải thoát. Phải bảo vệ thân thể, ăn uống bình thường. Sức khỏe là điều kiện để giác ngộ. Người tu phải có khả năng an lạc cả về thể chất và tinh thần. Niết-bàn là trạng thái an lạc hoàn toàn. Người ta vẫn ca ngợi đạo Phật đem mát mẻ cho thế gian nóng bức. Đây là chỗ đã khiến cho Tỳ-kheo Arittha hiểu lầm.

Phật dạy dục lạc là tai họa. Chắc chắn có một số Tỳ-kheo cũng đã lầm mà sợ hãi cả an lạc. Phải tìm hiểu nghĩa lý giáo pháp tường tận mới không kẹt vào Sự mà mất Lý.

Cần học hỏi với các bậc trí giả phạm hạnh. Trí giả là những bậc có chứng đắc chớ không phải người có nhiều kiến thức. Phạm hạnh là đời sống trong sạch gương mẫu chớ không phải khổ hạnh về hình thức.

Kinh Bách Dụ: “Anh Ngu bệnh, thầy thuốc bảo: “Chim trĩ trị được”. Anh Ngu cả ngày nói: “Chim trĩ, chim trĩ…”. Trải mấy tháng không khỏi bệnh. Một người thương tình vẽ một con chim trĩ lên giấy, bảo anh phải ăn thứ này mới khỏi bệnh. Anh cẩn thận thuê người vẽ 100 con chim trĩ. Mỗi ngày bỏ một bức vẽ vào miệng nhai nuốt. Dĩ nhiên là bệnh chỉ thêm tăng”.

Trong sự nghiệp học Phật cầu giải thoát, chúng ta cũng không thông minh hơn anh Ngu bao nhiêu nên tuệ giác đến nay vẫn chưa khai.

Cố chấp kiến thức thành sở tri chướng. Kinh Bách Dụ kể chuyện: “Cướp đốt nhà đã đi rồi. Trong đám tro tàn, bố thấy xác một đứa trẻ đen thui, yên chí con mình đã chết. Một đêm kia, ông đang ngồi khóc con thì đứa con thật còn sống, bị giặc bắt đi, nay tìm được lối về. Bố nhất định không mở cửa vì tin rằng con mình đã chết. Đây là trẻ hàng xóm đánh lừa chọc ghẹo. Đứa con đành bỏ đi. Bố con vĩnh viễn chia lìa”. Đức Phật kết luận: “Đã cố chấp cho một sở tri là chân lý thì đâu còn trí tuệ để đón chân lý”.

***

KINH MAHÀPARINIBBÀNA

Một thuở nọ, tại chùa Veluvana gần thành Vèsali, đức Thế Tôn bệnh nặng tưởng chừng như gần nhập Niết-bàn. Ngài nhập A-la-hán quả định nên qua khỏi. Đại đức Anan bạch Thế Tôn: “Chưa có lời di chúc đến chúng Tăng nên con biết đức Thế Tôn chưa nhập Niết-bàn”.

Đức Thế Tôn dạy: Này Anan! Như Lai nhập A-la-hán quả định, vô tướng Niết-bàn làm đối tượng, diệt các pháp trong tam giới, thọ an lạc Niết-bàn siêu tam giới. Khi ấy Như Lai mới thật sự an vui. Cho nên các con phải có chánh pháp làm hòn đảo. Không thể nương nhờ một nơi nào khác. Phải tinh tấn chánh niệm, thân nơi thân, thọ nơi thọ, tâm nơi tâm, pháp nơi pháp, để diệt tham sân và chấp thủ ngũ uẩn. Tỳ-kheo tiến hành Tứ Niệm Xứ là bậc cao quý. Pháp hành Tứ Niệm Xứ là nơi nương tựa thật sự.

***

KINH BRAMA

Một thuở nọ, đức Thế Tôn ngự tại thành Xá Vệ, trong vườn Kỳ Đà, tinh xá Cấp Cô Độc. Một Bà-la-môn đảnh lễ thưa hỏi: Nhân duyên nào làm cho chánh pháp của đức Thế Tôn được tồn tại lâu dài và nhân duyên nào khiến cho chánh pháp suy tổn?

Này Bà-la-môn! Nếu đệ tử Như Lai không tiến hành Tứ Niệm Xứ, đó là nhân duyên làm cho chánh pháp suy tổn. Sau khi Như Lai nhập Niết-bàn, nếu đệ tử tinh tấn hành Tứ Niệm Xứ thì chánh pháp sẽ trụ lâu tại thế gian. Pháp hành Tứ Niệm Xứ liên quan đến sự tồn vong của Phật đạo.

***

KINH A NA LUẬT ĐÀ

Đức Phật ngự ở tu viện Trùng Các, trong rừng Đại Lâm, không xa thành phố Tỳ Xá Ly. Ngài A Na Luật Đà cư trú riêng ở một cái am nhỏ.

Một số du sĩ ngoại đạo tới hỏi: “Như Lai là bậc đại giác ngộ. Vậy sau khi chết, Ngài vẫn còn hay là không còn? Vừa còn, vừa không còn? Vừa không còn, vừa không không còn? Ngài giảng thế nào về vấn đề này?”.

  • Thưa các Hiền hữu, chưa bao giờ đức Như Lai nói tới việc này.

Các du sĩ bỏ đi rồi, Tôn giả A Na Luật Đà trình lên Phật câu chuyện và xin Phật lời đáp thế nào cho đúng chánh pháp.

  • A Na Luật Đà nghĩ sao, có thể tìm Như Lai ngoài sắc thọ tưởng hành thức không?
    • Bạch Thế Tôn! Không.
    • Vậy có thể tìm Như Lai ở năm uẩn không?
    • Thưa, không.
    • Vậy thì Như Lai hiện nay ngay tại đây, ông còn không tìm thấy; huống chi khi Như Lai Niết-bàn rồi, làm sao ông tìm được. Vì thế Như Lai chỉ khuyên các ông hãy quan sát kỹ những nỗi khổ của thế gian và nắm cho thật vững những phương pháp diệt khổ.

Phụ chú

Tiến lên Đại thừa, đức Phật dạy trong kinh Hoa Nghiêm:

“Nếu ai muốn rõ biết,

Ba đời mười phương Phật

Nên quán pháp giới tánh,

Nhất thiết duy Tâm tạo”.

Trong kinh Lăng Nghiêm, Phật đã nói rất rõ về Chân tâm diệu minh bất động chu viên diệu chân như tánh, bản thể của tất cả Thánh phàm.

***

KINH GIẢI THOÁT PHIỀN GIẬN

Đức Phật ngự tại thành Xá Vệ, trong rừng Kỳ Đà, tu viện Cấp Cô Độc. Tôn giả Xá Lợi Phất cùng các Tỳ-kheo bàn về năm trường hợp không nên sân giận:

  1. Này các bạn đồng tu! Nếu một Tỳ-kheo ở A lan nhã đắp y phấn tảo, gặp một mảnh vải vứt trên đống rác nhơ, đầy phân tiểu. Tỳ-kheo nhặt lên, căng ra xem kỹ, thấy vải còn nguyên lành, không bị dính vết. Tỳ-kheo đem về giặt sạch, dùng để thêm vào may y. Cũng thế, gặp người oai nghi không tao nhã nhưng lời nói hiền dịu. Tỳ-kheo vì khẩu nghiệp tốt đẹp của người này mà không phiền giận thân nghiệp của họ.
  2. Thí như một người đang bị nóng bức hành hạ, gặp một cái hồ nước sạch nhưng đầy rêu rong che phủ. Người này cởi áo nhảy xuống, hai tay khoát rong rêu ra xa rồi mặc tình tắm rửa. Cũng thế, với người lời nói thô tháo nhưng oai nghi còn đúng pháp, người trí tập không phiền giận.
  3. Thí như một người khát đã lâu ngày, gần kiệt sức, gặp một vết chân trâu có đọng đầy nước mưa. Người này hẳn không ngần ngừ, quỳ xuống cúi đầu ghé miệng uống ngon lành. Cũng vậy, này các bạn đồng tu! Người trí không bỏ ai, dù thân khẩu nghiệp hư hỏng mà tâm địa còn tốt lành.
  4. Thí như một bệnh nhân cô độc đang tuyệt vọng trên đường đi xa. Thôn xóm phía sau lìa bỏ đã lâu, thôn xóm phía trước còn lâu mới tới. Chợt có người đến cứu giúp về mọi mặt khiến cho thoát nạn. Vị cứu tinh này đáng quý xiết bao. Cũng thế, này các bạn đồng tu! Người trí biết kẻ mà cả ba nghiệp đều xấu ác, quyết định sẽ đi về đường khổ cực kỳ. Ta phải gấp dẹp lòng phiền giận, tìm cách giáo hóa, may ra hy vọng cứu vớt.
  5. Này các bạn đồng tu! Khi gặp một người tốt đẹp cả thân miệng ý mà ta còn phiền giận ganh ghét thì quả tình ta không có trí tuệ. Ta nên biết được gần một bậc tươi mát như thế là đại hạnh phúc.

***

KINH SOI GƯƠNG

Ngài Mục Kiền Liên cư trú trong vườn Nai, giữa những người thuộc bộ tộc Bhagga, đang đàm đạo với các Tỳ-kheo:

“Này các Hiền hữu! Một cô thiếu nữ ưa trang điểm, soi gương thấy một vết nhơ trên mặt, hẳn lo lau rửa cho bằng sạch.

Cũng thế, các Tỳ-kheo trong khi phản chiếu thấy tâm hành bất thiện, hẳn sẽ tinh tấn đoạn trừ. Chỉ khi nào đã hoàn toàn thanh tịnh, Tỳ-kheo mới hân hoan lo tu tập thêm các tâm hành tốt đẹp.

Giả sử một Tỳ-kheo thỉnh cầu các bạn đồng tu thương xót chỉ lỗi. Các Tỳ-kheo xét nếu vị này thiếu kiên nhẫn, thiếu cởi mở, không có khả năng tiếp nhận phê bình, không vang lời dạy bảo khuyên răn thì từ chối.

Này các Tỳ-kheo! Những tính nết nào khiến Tỳ-kheo bị các bạn đồng tu không góp ý? – Tà dục, khen mình chê người, dễ nổi giận, hiềm hận, lời nói cáu kỉnh,…

Lên án, miệt thị, chỉ trích người đã chỉ lỗi cho mình. Chất vấn trở lại. Tránh né bằng những câu trả lời ngoài vấn đề. Lộ sự bực bội bất mãn. Không giải thích thỏa đáng hành động lỗi lầm của mình cho người cử tội.

Thô tháo, ác ý, ghen ghét, xan tham, mưu mô, lường gạt, cứng đầu, kiêu căng,… Đó là những thói tật khiến cho một Tỳ-kheo bị cô lập.

Này các Tỳ-kheo! Chúng ta cần tự xét, lập tức trừ bỏ những xấu ác trên để làm một con người dễ dạy, được đại chúng tin tưởng”.

Tôn giả Đại Mục Kiền Liên nói xong, các Tỳ-kheo hoan hỷ phụng hành.

***

KINH BA CỬA GIẢI THOÁT

Đức Phật ngự tại thành Xá Vệ với cộng đồng các khất sĩ.

  • Này các Tỳ-kheo! Hôm nay ta muốn phân tích diễn giải về Pháp Ấn nhiệm mầu. Hãy lắng nghe kỹ, suy nghĩ thật sâu để biết hành trì sử dụng.
    • Bạch đức Thế Tôn! Chúng con rất mong được nghe.
    • Tự tánh của Chân Không không sanh diệt, không nằm trong bình diện có không, không ở trong khuôn khổ các vọng tưởng, các tri kiến.

Bởi vì không hình tướng nên không thể khái niệm, tri kiến không thể nắm bắt. Thoát ly mọi nắm bắt mà nó bao hàm tất cả các pháp và an trụ trong cái thấy bình đẳng vô phân biệt. Cái thấy này chân chính xác thực.

Bởi vì Chân Không là bản thể của vạn pháp nên tất cả các pháp tự tánh đều như thế. Đây là Pháp Ấn.

Này các Tỳ-kheo! Pháp Ấn này là giáo lý căn bản của chư Phật, là con mắt của chư Phật, là chỗ đi về của chư Phật. Quý vị hãy nghe kỹ, tiếp nhận thấu đáo, ghi nhớ để tư duy quán chiếu.

Này các Tỳ-kheo! Trong rừng tịch mịch, dưới gốc cây, thực tập quán chiếu tự thân. Thấy cho rõ bốn tướng vô thường, vô ngã, khổ và không. Thoát ly cho bằng được sự bám víu vào hình sắc để trở về an trụ trong cái thấy bình đẳng vô phân biệt.

Với thọ tưởng hành thức cũng quán chiếu cho ra nơi mỗi thứ, bốn tướng vô thường, vô ngã, khổ và không. Cũng thoát ly cho bằng được sự bám víu vào thọ tưởng hành thức và đạt tới cái thấy bình đẳng vô phân biệt.

Này các Tỳ-kheo! Năm uẩn hư vọng, từ tâm sanh khởi. Tâm không hiện hành thì uẩn không tác dụng. Thấy biết được như thế tức là đạt được giải thoát chân chính vì đã giải thoát tri kiến. Pháp quán này gọi là KHÔNG, cửa giải thoát thứ nhất.

Này các Tỳ-kheo! An trụ trong định, quán sắc thanh hương vị xúc pháp, sáu trần đều hư ảo. Pháp quán này gọi là VÔ TƯỚNG. Cửa giải thoát thứ hai.

Vào cửa này rồi, tri kiến thanh tịnh, diệt trừ hết ba độc tham sân si. Phiền não tận diệt xong hành giả sẽ an trụ trong cái thấy bình đẳng, hoàn toàn xa lìa được hai chấp thủ: Ta và của Ta.

Lại nữa, này các Tỳ-kheo! Thoát ngã chấp rồi, hành giả không cho rằng, những sự vật mà ta thấy nghe cảm biết là thật có ở ngoài tâm nữa mà hoàn toàn duy thức biến.

Chính sáu thức cũng do nhân duyên mà phát sanh. Cả thức và nhân duyên phát sanh ra thức đều vô thường, vô ngã. Như bất cứ hiện tượng nào khác, thức đã không thì những sự tạo tác của thức cũng không. Pháp quán này gọi là VÔ TÁC. Cửa giải thoát thứ ba.

Vào được ba cửa này, hành giả thấy triệt-để chân tướng các pháp, thể nghiệm được tánh tịch diệt. Tu học Pháp Ấn này chắc chắn đạt được tri kiến thanh tịnh.Các Tỳ-kheo hoan hỷ đảnh lễ dưới chân Phật, xin y giáo phụng hành.

***

KINH MAGIBIMA NIKAYA

Này các Thầy Tỳ-kheo! Một hạt giống bìm bìm chợt rơi xuống gốc cây đa. Vị thần ngủ trên cây đa e ngại mối hại ngày mai, nếu cây bìm bìm sẽ mọc. Nhưng các thần ở quanh đây đều khuyên rằng: “Cái hạt bé tí ti kia sẽ bị chim mổ, kiến tha đi. Dù có nảy mầm cũng sẽ bị tiều phu giẫm nát, lửa đốt rừng thiêu hủy, chắc gì nó sẽ nảy mầm”.

Nhưng mùa mưa đến, chim kiến chẳng tha đi. Bìm bìm đâm vòi quấn quanh cây đa, trổ lá xinh xinh. Chẳng có tiều phu nào bước đến, cũng không lửa đốt rừng. Lần hồi bìm bìm bao phủ tất cả tàng cây đa, nắng chẳng lọt, cây đa nghẹt thở và đi tới mục nát.

Này các Tỳ-kheo! Cũng thế, có những tu sĩ xuất gia hững hờ để cho chút vui sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp chẳng đáng kể trong hiện thời lôi cuốn. Nếu không tìm phương pháp cắt đứt, sẽ đem lại nhiều thống khổ ngày mai.

Này các Tỳ-kheo! Nếu ai đã biết đời là giả tạm, cố công hành theo chân lý. Giới định tuệ đem lại cho hành giả sự an vui trong hiện tại và những kiếp vị lai.

Già, bệnh, chết, chia lìa và nhân quả là năm điều mà chúng ta ai cũng đã thấy rõ sự chẳng đáng ưa. Cũng như ông thần cây đa đã trông thấy cái hại của bìm bìm. Nhưng sợ quả quá nhiều mà sợ nhân quá ít, cho rằng hạt giống tí ti kia có đáng kể gì. Hôm nay gieo giống một hạt, mai gieo giống một hạt. Bè bạn bao quanh toàn kẻ hững hờ, khiến chúng ta cũng hững hờ để cho ngày qua tháng lại bìm bìm vô minh bao phủ cây Bồ-đề.

***

KINH VÔ THƯỜNG

Như vậy tôi nghe, một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Thất La Phiệt, tinh xá Cấp Cô Độc, vườn Kỳ Đà, dạy các Tỳ-kheo:

Thế gian có ba pháp thật chẳng đáng ưa, thật chẳng sáng đẹp, thật chẳng đáng nhớ, thật chẳng xứng ý. Những gì là ba? Là già, bệnh, chết.

Này các Tỳ-kheo! Nếu không có ba khổ già bệnh chết, Như Lai Ứng cúng Chánh đẳng Chánh giác đã không xuất thế để vì chúng sanh nói pháp điều phục.

Nên biết già bệnh chết thật chẳng đáng ưa, thật chẳng sáng đẹp, thật chẳng đáng nhớ, thật chẳng xứng ý. Chỉ vì ba khổ này, Như Lai Ứng Chánh đẳng giác xuất thế để vì chúng sanh chỉ dạy tu chứng giải thoát.

Đức Thế Tôn trùng tụng kệ rằng:

Vạn vật bên ngoài đều quy hoại,

Trong thân suy biến từng sát na

Chỉ có thắng pháp chẳng diệt vong

Hỡi người trí tuệ nên khéo biết!

Già bệnh chết, thật đáng chán ghét.

Hình nghi hôi xấu, khổ đau nhức.

Thiếu niên dung mạo tạm thời an,

Chẳng bao lâu đã thành khô tụy.

Dù cho thọ mạng đủ trăm năm,

Chung quy không miễn vô thường bức.

Già bệnh chết, khổ thường theo dõi

Hằng làm không lợi cho chúng sanh.

Phật nói kinh xong, đại chúng Tỳ-kheo, Thiên Long tám bộ hoan hỷ phụng hành.

***

KINH BÁT ĐẠI NHÂN GIÁC

Là con của Phật thì cả ngày đêm hết lòng chân thành, suy nghĩ tụng niệm tám điều giác ngộ của bậc Thượng nhân.

Thứ nhất giác ngộ: Thế gian vô thường, quốc độ nguy biến, bốn đại khổ không, năm uẩn vô ngã, sanh diệt biến đổi, không có chủ tể. Tâm là nguồn ác, thân là rừng tội. Quan sát như vậy, thoát dần sanh tử.

Thứ hai giác ngộ: Tham dục là khổ. Sanh tử nhọc nhằn, chỉ vì ham muốn. Ít dục vô vi, thân tâm tự tại.

Thứ ba giác ngộ: Tâm không biết đủ, càng được càng cầu, tăng trưởng tội ác. Bồ-tát không thế, thường niệm tri túc, an bần giữ đạo. Chỉ có trí tuệ, mới là sự nghiệp.

Thứ tư giác ngộ: Biếng lười đọa lạc, nên thường tinh tấn, phá phiền não ác, hàng phục bốn ma, thoát ấm giới ngục.

Thứ năm giác ngộ: Ngu si sanh tử. Bồ-tát rộng học, tăng trưởng trí tuệ, thành tựu biện tài, giáo hóa tất cả, vào pháp Đại thừa.

Thứ sáu giác ngộ: Nghèo khổ hay oán, ngang kết ác duyên. Bồ-tát bố thí, bình đẳng oán thân, không nhớ lỗi cũ, không ghét người ác.

Thứ bảy giác ngộ: Ngũ dục tội lỗi. Thân tuy ở đời, không ham thế tục, thường nhớ y bát, chí nguyện xuất gia, giữ đạo thanh bạch, phạm hạnh cao xa, tỏa lòng từ bi, thương xót muôn loài.

Thứ tám giác ngộ: Sanh tử bùng cháy, khổ não không tận. Phát tâm Đại thừa, cứu vớt tất cả. Nguyện thay chúng sanh, chịu vô lượng khổ, khiến cho chúng sanh rốt ráo yên vui.

Tám điều như vậy là sự giác ngộ của bậc Thượng nhân. Chư Phật Bồ-tát tinh tấn hành đạo, từ bi trí tuệ, nương thuyền Pháp-thân, tiến tới Niết-bàn, trở lại sanh tử, độ thoát chúng sanh. Đem tám điều này khai hóa hết thảy, khiến cho giác ngộ thống khổ luân hồi, thoát ly năm dục, chánh đạo tu tâm.Ai là con Phật, tụng tám điều này, diệt vô lượng tội, niệm niệm tiến tới Vô-thượng Bồ-đề, viên thành Chánh giác, vĩnh lìa sanh tử, thường trụ an lạc.

***

KINH CHÂN HẠNH PHÚC
(Maha Maganla Sutta)
Hòa thượng Thích Thiện Châu giảng

Tôi nghe như vậy, một thời Thế Tôn tại nước Xá Vệ, vườn Kỳ Thọ, tinh xá Cấp Cô Độc. Vào buổi sáng sớm, có một vị trời dung sắc thù thắng tới kính lễ đức Thế Tôn thỉnh pháp:

“Chư thiên và loài người,

Suy nghĩ về hạnh phúc.

Ước mong được hạnh phúc

Chân hạnh phúc là gì?”.

Đáp rằng:

1. Kẻ ngu si nên tránh,

      Bậc hiền đức phải gần,

      Cung kính người đáng kính,

      Ấy là chân hạnh phúc.

    2. Chọn nơi lành mà ở,

       Đời trước đã tạo phước,

      Nay giữ lòng thẳng ngay,

         Ấy là chân hạnh phúc.

    3. Hiểu rộng và khéo tay,

        Giữ tròn các giới luật,

        Nói những lời hòa ái,

        Ấy là chân hạnh phúc.

    4. Cung dưỡng cha mẹ già,

      Yêu mến vợ và con,

      Không vương vấn phiền hà,

      Ấy là chân hạnh phúc.

    5. Cho và sống đúng cách,

      Giúp đỡ người bà con,

      Hành động không chê trách,

      Ấy là chân hạnh phúc.

    6. Ngăn trừ điều ác xấu,

      Dứt bỏ thói rượu chè,

      Chuyên cần trong Chánh đạo,

      Ấy là chân hạnh phúc.

    7. Kính nhường và khiêm tốn,

      Biết đủ và nhớ ơn,

      Tùy thời học đạo lý,

      Ấy là chân hạnh phúc.

    8. Nhẫn nhục vâng ý lành,

    Viếng thăm bậc tu hành,

    Tùy thời bàn luận đạo,

    Ấy là chân hạnh phúc.

    9. Trong sạch và siêng năng,

    Suốt thông các chân lý,

    Thực hiện vui Niết-bàn,

    Ấy là chân hạnh phúc.

    10. Tiếp xúc với thế gian

      Giữ lòng không sa ngã,

      Không sầu nhiễm bình an,

      Ấy là chân hạnh phúc.

      Như thế mà tu hành

      Việc gì cũng thành tựu.

      Ở đâu cũng an lành,

      Thảy là chân hạnh phúc.

      Giảng nghĩa:

      Bài pháp này có ý nghĩa rất cao siêu, rất thực tiễn. Phật tử có thể áp dụng ngay trong đời sống. Thường thường người ta nghĩ vấn đề hạnh phúc là một cái gì xa xôi không thể đạt được, thật ra hạnh phúc rất giản dị. Đức Phật không giảng hạnh phúc là gì, mà bậc giác ngộ y theo kinh nghiệm, chỉ ngay những hành động đưa đến hạnh phúc.

      1.

      Kẻ ngu si nên tránh,

      Bậc hiền đức phải gần,

      Cung kính người đáng kính,

      Ấy là chân hạnh phúc.

      Một thanh niên ở Phi Luật Tân bị bắt cùng hai bạn vì tội ăn cướp giết người. Khi bị xử bắn, em xin được gặp mẹ. Trong lời từ biệt cuối cùng, em có một câu trách mẹ: “Mẹ ơi, mẹ ơi! Mẹ có thể cứu được con mà mẹ đã không cứu”. Bà mẹ giật mình nức nở hỏi: “Mẹ làm thế nào cứu được con?”. Đáp: “Hồi trước, khi con bắt đầu giao tiếp với hai thằng bạn này. Nếu mẹ quyết liệt cấm, thì hôm nay con đâu có phải cùng với chúng nó bị xử tử”.

      Phật dạy: Nên chọn những bậc trí tuệ, đức hạnh mà kết bạn. Thà sống một mình chớ không giao du với người xấu.

      Quy y Phật, không quy y thiên thần quỷ vật.

      Quy y Pháp, không quy y ngoại đạo tà giáo.

      Quy y Tăng, không quy y tổn hữu ác đảng.

      Chúng ta quy y Phật, vì Ngài là một con người siêu việt, đạt đến chân lý, đầy đủ trí tuệ và đức hạnh, hiểu biết cuộc đời hoàn toàn.

      Không theo bạn xấu thì không bị chuyển hóa, không mất tánh chất con người. Nên phải cung kính tôn trọng đức Phật, “trọng Thầy mới được làm Thầy”.

      2.

      Chọn nơi lành mà ở,

      Đời trước đã tạo phước,

      Nay giữ lòng thẳng ngay,

      Ấy là chân hạnh phúc.

      Chọn nơi lành mà ở là một việc cần thiết. Hoàn cảnh bên ngoài rất ảnh hưởng đến đời sống chúng ta. Sơ tâm tu hành rất khó khăn giữ được định lực. Nên tìm nơi vắng vẻ có nhiều cây xanh, nước trong cảnh lặng, tâm hồn mát mẻ, thân thể khỏe khoắn. Chúng ta có phước đức mới được làm người và có cảnh giới an bình mát dịu. Phật dạy: “Được thân người khó như rùa mù trăm năm nổi lên mặt biển một lần, mong gặp bọng cây trôi giữa biển cả”.

      Người cụt tay mới biết đủ hai tay là hạnh phúc. Người mù mới biết đủ hai mắt tốt là hạnh phúc. Vậy muốn có hạnh phúc, ta phải tô bồi những gì tốt đẹp mà chúng ta đang có.

      3.

      Hiểu rộng và khéo tay,

      Giữ tròn các giới luật,

      Nói những lời hòa ái,

      Ấy là chân hạnh phúc.

      Chúng ta phải làm những gì có lợi ích cho mình và mọi người. Nên khôn ngoan sống đúng đạo lý và giới luật, cũng như đi đường muốn khỏi bị xe tông thì phải giữ tay mặt mà đi. Nếu tôi uống nước trà thì tôi khỏi khát nước, nếu uống rượu thì phải bị say sưa. Vậy giữ giới thì hạnh phúc giải thoát, ngược lại thì đau khổ. Sự tu tập ban đầu thì tựa hồ khó, sau quen đi sẽ dễ; như người mới tập đi xe đạp, ban đầu té nhiều, sau dần quen, cho đến có em buông cả hai tay mà chân vẫn đạp được. Sống theo đạo lý, giới luật, giúp cho mình khỏi các tai họa và tới hạnh phúc.

      4.

      Cung dưỡng cha mẹ già,

      Yêu mến vợ và con,

      Không vương vấn phiền hà,

      Ấy là chân hạnh phúc.

      Nên cung kính thờ phụng cha mẹ, vì cha mẹ là người ban cho chúng ta sự sống, dạy dỗ chúng ta nên người. Cha mẹ là người che chở giữ gìn, tránh cho chúng ta những sa ngã. Nhờ cha mẹ mà đời sống chúng ta thêm rạng rỡ.

      “Yêu mến vợ và con”. Đạo lý này nghe như tầm thường lắm, nhưng nếu gia đình vợ giận chồng, con cãi cha mắng mẹ là một điều hết sức bất hạnh.

      5.

      Cho và sống đúng cách,

      Giúp đỡ người bà con,

      Hành động không chê trách,

      Ấy là chân hạnh phúc.

      Bố thí là san sẻ cho mọi người với tất cả lòng muốn cho, vật dù nhỏ mọn cho đến chỉ một nụ cười. Nếu lòng không mở ra, không bao giờ giải thoát. Bố thí một lời an ủi, khích lệ một câu phấn chấn, giúp đỡ một vật cần dùng, đưa mắt từ bi hướng về một người đau khổ. Ngần ấy cũng đủ đưa ta lên ngôi vị tôn quý rồi.

      Nếu lúc nào thấy trong lòng mình bực bội nặng nề; hãy mua một cành hoa, một nén hương dâng cúng đức Phật; tự nhiên thấy lòng ấm áp vui tươi. Hoặc lúc nào buồn bực khó chịu; hãy tìm một món quà nhỏ tặng một người nào đó, tự nhiên tâm sẽ thấy an vui.

      6.

      Ngăn trừ điều ác xấu,

      Dứt bỏ thói rượu chè,

      Chuyên cần trong Chánh đạo,

      Ấy là chân hạnh phúc.

      Chuyên cần trong Chánh đạo là bỏ mười ác, làm mười lành. Không sát sanh là tôn trọng mạng sống. Không nói dối là tôn trọng sự thật. Năm giới đây không phải là ngăn cấm mà là một khôn ngoan để sống hạnh phúc.

      Muốn chuyên cần phải cố gắng, có ý chí tập thành thói quen. Một số người buồn rỗi, hợp nhau bài bạc, quên ăn bỏ ngủ mà không mệt, chứ nếu bốn ngày tu mà không ăn không ngủ thì quyết định đắc đạo. Mười ngàn đồng đếm không trật một tờ, mà niệm Phật thì trật lên trật xuống. Chỉ bởi vì thấy đạo không có lời. Nếu thấy đạo đem an vui cho mình đời này và đời sau, biết đạo có lời nhiều như thế thì không cần ai nhắc cũng sẽ tự chuyên cần.

      7.

      Kính nhường và khiêm tốn,

      Biết đủ và nhớ ơn,

      Tùy thời học đạo lý,

      Ấy là chân hạnh phúc.

      Bản ngã của chúng ta rất lớn nên sống không khiêm nhường, lúc nào cũng muốn trở thành con diều hâu, đạp lên các vật với sự kiêu hãnh, chứ không bao giờ muốn làm một con chim bé nhỏ đậu trên cành trúc.

      Đức khiêm tốn làm nổi bật giá trị con người như những màu sắc dịu dàng trang nghiêm bức ảnh. Đức khiêm cung khiến ta thắng cả những người hơn mình. Do đó, việc tu hành đầu tiên phải khiêm tốn hạ mình với người trên kẻ dưới.

      8.

      Nhẫn nhục vâng ý lành,

      Viếng thăm bậc tu hành,

      Tùy thời bàn luận đạo,

      Ấy là chân hạnh phúc.

      Nhẫn nhục là hạnh phúc. Nếu mỗi người nhịn nhau một tiếng thì gia đình hạnh phúc, xóm làng an vui. Trong nhà, nếu ông chồng xuống thang một chút, bà vợ nhịn đi một chút thì gia đình hạnh phúc.

      Xưa có Tỳ-kheo đi khất thực, ngang qua nhà một người thợ kim hoàn. Người này đang gắn hạt ngọc vào chiếc nhẫn, chợt thấy Tỳ-kheo, anh vội đặt tất cả xuống đất, đứng dậy vào nhà trong lấy cơm ra cúng dường. Không may con ngỗng ở ngoài sân vào mổ, nuốt phăng hạt ngọc. Vị Tỳ-kheo không kịp cản. Người thợ ra thấy mất ngọc, nghi ông Thầy lấy. Hỏi thì Ngài cứ lặng thinh. Người thợ giận quá lấy gậy phang ngay vào đầu. Ngài ngã gục, máu từ đầu phun ra phùn phụt. Con ngỗng còn đứng đấy vội chạy tới ăn máu. Người thợ đang khổ tâm, bực mình phang con ngỗng chết ngay tại chỗ. Bấy giờ vị Tỳ-kheo mới nói: “Chính con ngỗng đã nuốt hạt ngọc”. Người thợ vội mổ bụng con ngỗng, quả nhiên thấy có hạt ngọc. Mới chưng hửng hỏi: “Sao Thầy không nói ngay?”. Đáp: “Nếu tôi nói thì ông giết con ngỗng, tôi phạm tội sát sanh. Nay nó đã chết rồi, tôi mới dám nói”. Đây là một tấm gương nhẫn nhục, có trí tuệ và lòng từ bi. Trong cuộc đời, nếu biết nhẫn nhục, sẽ vượt qua khó khăn và đưa đến hạnh phúc.

      9.

      Trong sạch và siêng năng,

      Suốt thông các chân lý,

      Thực hiện vui Niết-bàn,

      Ấy là chân hạnh phúc.

      Người ta thường hiểu lầm “Chết đi mới có Niết-bàn”. Nhưng sự thật Niết-bàn được thực hiện ngay trong đời sống. Phật đắc đạo ở dưới gốc cây Bồ-đề, tức là Phật chứng Niết-bàn. Suốt 49 năm thuyết pháp, Phật vẫn đang ở Niết-bàn. Có những sự vui mà mình chưa đạt đến, chưa biết được, cho nên có câu: “Có ăn chanh mới biết chanh chua. Có đến chùa mới biết chùa vui”.

      Nếu lòng tham sân si mất đi thì Niết-bàn sẽ hiện rõ ra như ban ngày. Nếu chúng ta sống một đời sống tâm ý mát mẻ, tự lợi lợi tha thì đó là đang thực hiện phúc lạc của Niết-bàn. Thực hiện Niết-bàn ngay trong đời này là hạnh phúc.

      10.

      Tiếp xúc với thế gian

      Giữ lòng không sa ngã,

      Không sầu nhiễm bình an,

      Ấy là chân hạnh phúc.

      Đây nói về sự bình an và không sầu nhiễm của tâm ý: Những người tu thiền hay nói đến vô trụ vô niệm là không chấp trước, được an nhiên tự tại trong cuộc sống. Chúng ta đau khổ vì chấp trước, ngày nào xả chấp trước, ngày đó Niết-bàn. Nếu ở trong cái nghe chỉ có nghe mà thôi, trong cái thấy chỉ có thấy mà thôi, trong cái biết chỉ có biết mà thôi (tri kiến vô kiến tư tức Niết-bàn) chứ không mang theo một mối sầu muộn ưu tư, đừng mang theo nghiệp quá khứ của mình thì sẽ được thanh thoát vô cùng. Người đó vững trú, không bị cuộc đời vây hãm. Chúng ta có thể chuyển nghiệp, hoán cải cuộc đời nếu biết chuyển tầm tri kiến. Nếu cứ nuối tiếc quá khứ hoặc ước vọng tương lai sẽ bị đau khổ dằn vặt. Trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, kể chuyện vua Lý Thánh Tông tới thăm một Thiền lão. Vua hỏi rằng: “Hòa-thượng ở đây bao lâu rồi?”. Đáp: “Sống ngày nay biết ngày nay. Còn xuân thu trước ai hay làm gì”.

      Nếu mình hoàn toàn sống với hiện tại thì còn tâm địa nào nữa để sống với quá khứ. Sống với hiện tại là hạnh phúc.

      Như thế mà tu hành

      Việc gì cũng thành tựu.

      Ở đâu cũng an lành,

      Thảy là chân hạnh phúc. Đạo Phật là những liều thuốc, vì chúng ta đang đau nên phải uống thuốc, ngày nào hết bệnh thì thuốc đó không dùng nữa. Phật dạy bên ngoài trông chúng ta lành mạnh, nhưng tâm còn ba độc tham lam, giận hờn, si mê nên gọi là bệnh. Giải thoát ba độc là lành bệnh. Phật không bắt buộc ai uống thuốc, mà tự thấy mình có bệnh gì thì tự tìm thuốc, uống cho hết bệnh. Thế gian quan niệm phải làm cho đạo Phật mạnh lên, giàu lên hay làm cho đạo Phật có uy quyền; nhưng sự thật đạo Phật chỉ giản dị nhẹ nhàng, ở chỗ làm cho tự thân sống đúng với đạo lý, đưa đến hạnh phúc cho mình và mọi người.

      ***

      KINH THIỆN SANH

      Tôi nghe như vầy, một thời đức Phật cùng một ngàn hai trăm năm mươi đại Tỳ-kheo ngự tại núi Kỳ Xà Quật, xứ La Duyệt Kỳ. Đức Thế Tôn đắp y mang bát vào thành khất thực, thấy con ông trưởng giả tắm rửa sạch sẽ, một lòng thành kính lễ bái sáu phương. Đức Thế Tôn hỏi lý do. Bạch rằng: “Cha con trước khi lâm chung, dạy con hằng ngày lễ bái như thế”.

      • Ngươi có hiểu pháp Hiền Thánh lễ bái sáu phương thế nào không?
      • Thưa, con chưa hiểu, xin được nghe.
      • Trước hết chừa bỏ sáu việc: say sưa rượu chè, đam mê cờ bạc, đàn địch ca hát, phóng đãng rong chơi, lười biếng sợ nhọc, giao du bạn xấu. Không kết bốn nghiệp: sát sanh, trộm cắp, tà dâm, vọng ngữ. Gỡ cởi hai tâm: tham lam, giận hờn. Dùng thân thanh tịnh lễ bái sáu phương gọi là khéo sống (thiện sanh).

      Cha mẹ là phương Đông.

      Sư trưởng là phương Nam.

      Vợ chồng là phương Tây.

      Bà con là phương Bắc.

      Tôi tớ là phương Dưới.

      Sa-môn là phương Trên.

      Lễ bái phương Đông là bổn phận đối với mẹ cha. Phải cung phụng, hiếu dưỡng, kính thuận, khuyên bỏ ác làm lành, quy y Tam-bảo. Cha mẹ cũng có bổn phận: thương yêu chăm sóc, dạy dỗ nên người, bé cho học chữ, lớn cho học nghề, xây dựng gia đình, đều chia gia tài, luân lý đạo đức sớm tối thấm nhuần.

      Lễ bái phương Nam là học trò đối với thầy giáo. Phải hầu hạ cúng dường, tôn trọng quý mến, vâng lời chăm học, ân đức nhớ mãi trọn đời không quên. Thầy giáo đối với học trò phải đủ cả hai: thân giáo, khẩu giáo. Giữ thân nghiêm chính, tránh mọi cơ hiềm, để làm gương mẫu. Đem chỗ hiểu biết tận tình truyền dạy. Bố thí lời nói, thời giờ, sức khỏe cho đến cả tâm hồn.

      Lễ bái phương Tây, chồng đối với vợ, sống trong lễ độ, giao phó việc nhà, tùy sức sắm sửa áo quần nữ trang, đi về đúng giờ, đừng để chờ đợi, một lòng chung thủy, không để nghi ngờ, gia đình kém vui. Vợ đối với chồng, hòa nhã kính nhường; dậy trước ngủ sau, công dung ngôn hạnh, nề nếp khuê môn, làm bếp cho khéo, vá may đủ dùng, giữ gìn tài sản, không xa xỉ xài, giáo dục cháu con, mái nhà êm ấm.

      Lễ bái phương Bắc, bà con bạn bè, với nhau thân kính, giúp đỡ khi hoạn nạn, chia sẻ khi đau buồn, răn nhau khi phóng dật, khuyên nhau trong lẽ phải, che chở và đùm bọc, lẫn nhau làm chỗ cậy nương.

      Lễ bái Hạ phương, chủ đối với tớ, thương yêu từ mẫn, khoan dung nhã nhặn, sai khiến tùy sức; nghỉ ngơi có thời, ăn uống đầy đủ; trách phạt thưởng công, cần phải đúng lúc; ốm đau vận hạn, thuốc thang đỡ đần. Tớ đối với chủ, tưởng như cha mẹ, tận tâm phụng sự, vâng lời cung kính; làm việc cẩn thận, dậy sớm thức khuya; cần kiệm giữ gìn yêu tiếc của chủ, không bừa bãi phung phí; của không cho không lấy; hằng khen ngợi danh đức chủ.

      Ngửa lên trời lễ là bổn phận đối với Sa-môn. Cung kính tôn trọng, lễ bái cúng dường, thỉnh pháp chăm nghe, nghe rồi suy nghĩ, như pháp tu hành. Bổn phận Sa-môn đối với đàn việt cũng có sáu điều: chỉ dạy làm lành, phòng hộ điều ác, khuyên phát tâm Bồ-đề, khiến được nghe điều chưa nghe, điều đã nghe giảng cho hiểu rõ, mở bày con đường giải thoát.

      Này thiện nam tử! Ăn uống biết vừa đủ, làm công việc siêng năng. Phải lo để dành, phòng khi thiếu thốn. Chứa của từng chút như ong góp mật hoa. Trên dưới thường hòa hợp, tránh ác, chăm làm lành. Ai gắng được như thế, hạnh phúc ngày một thêm, như biển thâu trăm sông. Pháp này ở thế gian được người trí lựa chọn. Quả báo khó nghĩ bàn. Danh tiếng vang đồn xa. Mệnh chung về cõi trời.

      • Hay thay! Bạch Thế Tôn! Như Lai chí chân Đẳng chánh giác thật là Vô-thượng Sư. Con xin quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng.

      Kể từ hôm nay, con nguyện trọn đời không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối và không uống rượu.

      ***

      KINH TỪ TÂM

      Tôi từng nghe kể như vầy:

      Ở thành Xá Vệ, tại ngay Kỳ Hoàn.

      Thế Tôn cho gọi chúng Tăng

      Thuyết giảng dạy về tu đức Từ Tâm:

      Một lòng nhân ái bao la

      Ân cần quý khắp kẻ xa người gần.

      Vốn không ái luyến bận lòng,

      Cũng không mong đợi về vòng lợi danh.

      Không vì ân nghĩa riêng dành,

      Cũng không cân nhắc với mình lạ quen.

      Xóa đi ngăn cách hững hờ,

      Cùng nhau xây dựng nhịp cầu cảm thông.

      Người Từ Tâm đủ bao dung,

      Đủ lòng độ lượng, đủ tình thương yêu.

      Với người mưu hại đủ điều,

      Một bề tha thứ, không chê không phiền.

      Thấy người gặp nạn khó qua,

      Lòng mình đau xót như là khổ chung.

      Thấy người hạnh phúc thành công,

      Lòng mình vui sướng như cùng vinh hoa.

      Thấy người lầm lỗi đọa sa,

      Từ mẫn tha thứ, khuyên can dắt dìu.

      Thương loài cầm thú đọa đày,

      Địa ngục ngã quỷ tội dày nghiệp mang.

      Từ Tâm như ánh trăng vàng,

      Dịu dàng soi thấu muôn đàng trầm luân.

      Như tàng lá mát rộng che,

      Hữu tình vô lượng, Tâm Từ vô biên.

      Tâm Từ như suối triền miên,

      Thấm vào mạch sống, mọi niềm an vui.

      Tâm Từ là gốc vun bồi,

      Tinh thần cao thượng, đức lành thêm tươi.

      Cuộc đời như đóa hoa cười,

      Phước kia tự đến, đức cao tự thành.

      Thức ngủ thư thái thân tâm,

      Đi đứng vui vẻ, nằm ngồi bình an.

      Hòa giải tốt đẹp làm sao

      Thế gian sân giận tan vào hư không.

      Nguồn an lạc gia đình xã hội,

      Thiên Long thần quỷ, ngưỡng mộ hộ trì.

      Lũ lụt, lửa bỏng, chiến tranh,

      Độc trùng, tai nạn, thảy đều giải qua.

      Tâm Từ là đường lên trời,

      Tiến tới Niết-bàn, đâu có xa xôi.

      Thế Tôn thuyết giảng mấy lờiTỳ-kheo đại chúng, vâng theo phụng hành.

      ***

      KINH TỪ BI

      Thuộc Kinh Tập (Sutta Nipata) của Tiểu Bộ Kinh

      Muốn an vui cần thẳng thắn, khiêm cung, nói lời từ ái. Sống đơn giản, dễ hạnh phúc. Từ hòa, điềm đạm, ít ham muốn, không đua đòi. Không để các bậc Thức giả chê trách.

      Luôn luôn tâm niệm mong cho nhân loại và muôn loài thảnh thơi hiền hậu, an toàn hạnh phúc. Nguyện khắp địa cầu, yếu mạnh, cao thấp, lớn nhỏ, gần xa, đã sanh sắp sanh, nhìn thấy không nhìn thấy, muôn loài đều được an lành.

      Nguyện tất cả chúng sanh biết kính trọng tánh mạng nhau. Không sát hại, không mong cho nhau những đau khổ khốn đốn.

      Mẹ hiền yêu thương con một, sẵn sàng hy sinh thân mạng vì con. Từ bi đối với mọi loài không giới hạn, không chướng ngại, bao trùm cả thế gian, từ trên xuống dưới, từ trái sang phải. Lòng không vương vấn tơ hào một chút hận hờn, thù oán. Đi đứng nằm ngồi, chánh niệm từ bi.Nếp sống từ bi cao đẹp, không lạc tà kiến, loại dần ham muốn, dễ đạt trí giác, an vui và ra khỏi vòng sanh tử.

      ***

      TỈNH THẾ CA
      Hám Sơn Đại Sư

      – 1 –

      Bụi hồng sóng bạc khắp mênh mang,

      Nhẫn nhục nhu hòa, ấy thuốc thang.

      Trọn đời vui vẻ do an phận,

      Tùy duyên sống với bóng thời quang.

      – 2 –

      Thôi đừng đi mãi vào mê muội,

      Chớ moi lỗi người để phô trương.

      Cẩn thận thương lượng trong giao tiếp,

      Việc làm nhẫn nại được thanh lương.

      – 3 –

      Cung giương mạnh thì dây phải đứt,

      Miệng nặng lời, thương tổn người ta.

      Lưỡi ác chiêu tai, độc vời họa,

      Muốn an lành, tâm miệng phải tu.

      – 4 –

      Thị phi nhân ngã thành sứt mẻ,

      Kia đây dài ngắn lắm hại nguy.

      Huyễn thân đâu có thoát vô thường,

      Thế sự khuyên ai đừng tranh luận.

      – 5 –

      Ngày xuân vừa thấy dương liễu xanh,

      Thu sang đầy vườn hoa cúc vàng.

      Thế sự xem ra không đáng ngại,

      Một nhịn chín lành chẳng khó khăn.

      – 6 –

      Vinh hoa vốn là mộng phù hư,

      Phú quý khác gì sương trên cỏ.

      Sanh lão bệnh tử ai thay thế,

      Chua ngọt đắng cay tự nếm mùi.

      – 7 –

      Người từ xảo kế khoe lanh lợi,

      Trời lấy bao dung làm chủ trương.

      Siểm khúc tham sân đọa địa ngục,

      Công bằng chánh trực tức thiên đường.

      – 8 –

      Xạ([1]) vì hương thơm mà mất thân,

      Tằm vì nhiều tơ nên vong mạng.

      Thuốc hòa khí, thông cảm làm thang,

      Sẽ an thần, bổ dưỡng tâm gan.

      – 9 –

      Lúc sống uổng phí tâm ngàn vạn,

      Chết rồi hai tay trắng buông xuôi.

      Đêm ngày loạn, buồn vui tan hợp,

      Thọ yểu, nghèo giàu cũng thế thôi.

      – 10 –

      Đấu tranh cường thắng để làm chi?

      Trăm năm trò đùa trên sân khấu.

      Chiêng trống thanh la vừa dứt tiếng,

      Nào biết quê nhà ở nơi đâu!


      1. Con xạ có cục hương trong bụng. Người ta giết nó lấy hương để làm thuốc.

      ***

      MƯỜI ĐIỀU TÂM NIỆM

      Luận Bảo Vương Tam Muội

      1. Nghĩ đến thân thể đừng cầu không bệnh. Vì không bệnh khổ, dục vọng dễ sanh.
      2. Sống ở trong đời đừng cầu không hoạn nạn. Vì không hoạn nạn thì kiêu sa nổi dậy.
      3. Cứu xét tâm tánh đừng cầu không khúc mắc. Vì không khúc mắc thì sở học không thấu đáo.
      4. Xây dựng đạo hạnh đừng cầu không ma chướng. Vì không ma chướng chí nguyện không kiên cường.
      5. Việc làm đừng mong dễ thành. Vì dễ thành thì sanh kiêu mạn.
      6. Giao tiếp đừng cầu lợi mình. Vì lợi mình thì mất đạo nghĩa.
      7. Đối xử đừng mong thuận ý. Vì được chiều thuận sẽ sanh kiêu căng.
      8. Thi ân đừng mong báo đền. Vì mong báo đền là có mưu đồ.
      9. Thấy lợi đừng nhúng tay vào. Vì nhúng vào thì si mê phát động.
      10. Oan ức không cần biện bạch. Vì biện bạch thì nhân ngã khó xả.

      Bởi vậy, Phật dạy lấy bệnh khổ làm thuốc thần, lấy hoạn nạn làm giải thoát, lấy khúc mắc làm thú vị, lấy ma quân làm bạn đạo, lấy khó khăn làm thích thú, lấy kẻ tệ bạc làm người trợ duyên, lấy người chống đối làm vị Hộ pháp. Coi thi ân như dép bỏ, lấy xả danh lợi làm vinh hoa, lấy oan ức làm cửa ngõ đạo hạnh. Chấp nhận trở ngại thì lại thành thông suốt. Cầu mong thông suốt thì dễ bị trở ngại. Thế Tôn thực hiện tuệ giác Bồ-đề ngay trong trở ngại. Ương Quật hành hung, Đề Bà quấy phá đều được thành đạo. Như vậy há không phải chính sự chống đối lại thành thuận lợi và sự phá hoại tác thành cho ta hay sao?