PHÁP HÀNH THIỀN

Muốn cho thân có sức mạnh phải thúc đẩy, bắt nó vận động. Nhưng muốn cho tâm mạnh cần phải không nghĩ ngợi suy tư. Trạng thái tâm an trụ, tĩnh lặng, chỉ đạt được nhờ thiền.

Theo dõi hơi thở, không cần phải lo lắng quan tâm đến hơi thở dài hay ngắn, mạnh hay yếu. Cứ để hơi thở tự nhiên diễn tiến và ghi nhận sự diễn tiến tự nhiên ấy.

Lúc thở vào, đoạn đầu của hơi thở tại chót mũi, đoạn giữa tại lồng ngực và đoạn cuối ở bụng. Khi thở ra, đoạn đầu của hơi thở ở bụng, đoạn giữa ở lồng ngực và đoạn cuối ở chót mũi. Đến lúc đã thuần thục, ta có thể không theo dõi hơi thở trọn vẹn từ mũi đến bụng nữa, mà chỉ chú tâm nơi chót mũi hoặc một điểm nào mà hơi thở chạm vào. Ghi nhận vào ra, vào ra. Trong hiện tại, chỉ tập trung nỗ lực vào nhiệm vụ đơn giản này. Luôn luôn có sự chú tâm hay biết, không có gì khác phải làm. Chỉ bình thường tự nhiên thở vào thở ra. Không bao lâu tâm sẽ yên ổn, hơi thở nhẹ nhàng vi tế. Đây là trạng thái hành thiền đúng cách.

Bất luận trạng thái tâm như thế nào, ta phải cố gắng hay biết, thấu hiểu nó. Chú niệm và hay biết luôn luôn hiện diện.

Những cảm xúc có thể phát sanh. Thí dụ đề cập đến Sơ thiền, ta nói có năm chi, tức là năm yếu tố của thiền: Tầm, sát (tứ), phỉ (hỷ), lạc và trụ (nhất tâm). Đến Nhị thiền thì hai chi đầu được loại. Ở Tam thiền, ba chi đầu được loại. Đến Tứ thiền, cả lạc cũng được loại và thay bằng xả.

Tầm là hướng tâm về đối tượng, như con ong bay hướng về hoa.

Sát đặt tâm lên đối tượng, như con ong bay vo vo vòng quanh hoa.

Phỉ là thỏa thích, báo trước sẽ có lạc phát sanh. Có năm loại phỉ: Sự thỏa thích làm rùng mình rởn óc nổi da gà; sự thỏa thích chớp nhoáng; thỏa thích tràn ngập; thỏa thích thanh thoát nhẹ nhàng như bông gòn bay theo gió; thỏa thích thấm nhuần toàn thân.

Lạc là an vui. Khách lữ hành mệt mỏi đi trong sa mạc, xa xa thấy cụm cây ao nước, thì lấy làm thỏa thích mừng rỡ, ví cho phỉ. Còn lạc là khi đến tận ao nước, tắm rửa và uống nước, được khoan khoái vui vẻ.

Xả là tâm bình thản. Cũng đã tiềm ẩn ở Sơ thiền, Nhị thiền và Tam thiền. Nhưng đến Tứ thiền thì nổi bật lên.

Chi thứ năm là trụ. Cũng gọi là nhất điểm tâm. Quý vị có thể ngạc nhiên, làm sao tâm là “nhất điểm”, trong khi còn có năm chi thiền cùng hiện diện một lúc? Đó là vì tất cả đều hợp nhất, an trụ trên nền tảng vắng lặng. Hợp chung lại cả năm chi thiền được gọi chung là định (Samàdhi). Năm đặc điểm này không làm xáo trộn trạng thái an định căn bản.

Chúng ta không cần đề cập đến các tầng lớp Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền. Cứ gọi chung là tâm an lạc. Khi loại bỏ tầm và sát, những cảm giác phỉ lạc mạnh mẽ phát sanh, nước mắt có thể tuôn chảy. Nhưng khi trạng thái định vững mạnh sâu sắc thì phỉ cũng bị loại, chỉ còn lạc và trụ (nhất điểm tâm). Cuối cùng lạc cũng loại bỏ để thay bằng xả. Tâm đứng yên vững chắc, không dao động. Trong trạng thái này cả ngũ cái (tham dục, sân giận, hôn trầm, hoài nghi, trạo cử) đều tan biến.

Tuy nhiên, nếu năng lực tinh thần vẫn chưa đủ mạnh, chú niệm còn yếu, đôi khi một vài cảm xúc sẽ xen lẫn vào. Tâm an lạc nhưng dường như có một trạng thái lu mờ. Đây không phải là loại hôn trầm bình thường. Một vài cảm xúc biểu hiện, hoặc nghe một tiếng động, hoặc thấy một con chó v.v… không phải thật sự rõ ràng, nhưng cũng không phải là một giấc mơ. Đó là vì năm pháp triền cái còn dư sót yếu ớt.

Tâm hay bày trò phỉnh gạt, hành giả không thể nói một cách chính xác những gì đã xảy ra. Đang ngủ chăng? Không. Một giấc mơ? Không. Những cảm giác tương tợ thường phát sanh trong trạng thái vắng lặng. Nhưng nếu tâm thật sáng tỏ, chúng ta không hoài nghi những cảm giác, hoặc những hình ảnh tưởng tượng khác nhau đã phát sanh.

Nếu còn thắc mắc ta ngủ hay thức? v.v… Đó là tâm bị lạc lối trong những cảm giác, như vầng trăng bị mây che, nên ánh sáng bị lu mờ.

Khi tâm an lạc và kiên cố chú niệm sẽ không còn hoài nghi đối với những hiện tượng nói trên. Tâm sẽ thấu hiểu rõ ràng tất cả những gì phát sanh, đúng như sự thật. Không còn hoài nghi bởi vì tâm đã sáng ngời tỏ rạng. Tâm tiến đạt tới định (Samàdhi) là như vậy.

Vài người cảm thấy khó nhập định. Tâm có định chỉ không đủ dũng mãnh kiên cố. Trong trường hợp này có thể dùng trí tuệ quán chiếu. Dùng trí tuệ thay năng lực của định. Trong thực tế, không cần thiết phải ngồi thiền. Chỉ tự hỏi mình: “Ê! Cái gì vậy?” và giải quyết vấn đề ngay tại đó. Người trí tuệ có thể không thật sự đạt đến tầng cao nhất của định, người này cũng phát triển tâm an trụ đầy đủ. Khi đã thấy chân lý, an lạc sẽ phát sanh.

Có người có tuệ minh sát và trí tuệ dũng mãnh nhưng không có nhiều tâm định. Họ suy tư buông lung, quán tưởng đầu này việc nọ. Cho đến khi tình cờ quán niệm về vui và khổ, họ thấy chân lý. Họ thiên về quán chiếu hơn là định tâm. Bất luận giờ phút nào, trong khi đi đứng nằm ngồi, họ có thể chứng ngộ giáo pháp. Do nhận thấy, do từ bỏ, họ đạt đến an lạc thanh bình. Họ thành tựu trạng thái an lạc, vì thấu triệt chân lý, vì không chút hoài nghi, vì tự chính họ đã nhận thấy.

Người khác, ít trí tuệ, nhưng định dũng mãnh. Họ có thể nhập định nhanh chóng và thâm sâu nhưng không thể tự giác những ô nhiễm. Không thể giải quyết vấn đề.

Bất luận đường lối nào cũng phải bỏ suy tư lầm lạc và các tình trạng mơ hồ hỗn loạn, định và tuệ phải đi chung không thể bỏ một trong hai.

Niệm (Sati) canh chừng những yếu tố khác nhau phát sanh. Nếu không có niệm thì coi như tâm không hiện hữu. Niệm hay biết và do niệm trí tuệ phát sanh. Dầu những lúc chúng ta không định, phải luôn luôn giữ chú niệm.

Bất luận ta làm gì phải thận trọng. Một ý thức hổ thẹn phát sanh vì một sai lầm. Khi sự chú tâm tăng trưởng, trạng thái buông lung sẽ tan biến. Cần phát triển chú niệm. Luôn luôn tự biết mình, phân biệt rành mạch những gì là đúng hay sai. Đạo sẽ tỏ rạng. Trí tuệ sẽ bừng dậy. Gom chung tất cả pháp hành, là Giới Định Tuệ. Trầm tĩnh, tự kiểm soát là Giới. Kiên cố tâm, vững chắc trong khuôn khổ của sự kiểm soát là Định. Thấu hiểu trọn vẹn, tận tường và đầy đủ trong mọi sinh hoạt là Trí tuệ.

Nếu tâm còn vọng động, không thể tập trung vào hơi thở, hãy thở vào thật dài thật sâu, rồi từ từ thở ra cho hết, cho đến khi không còn hơi trong lồng ngực nữa, ba lần như vậy, rồi trở lại sự chú niệm bình thường.

Tâm an trụ một lúc rồi lại phóng dật. Hãy thở hơi thật dài thật sâu như trước, tâm luôn luôn theo dõi luồng hơi. Cứ tiếp tục như thế, lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ quen, tâm trở nên thuần thục và không còn bận bịu đến những gì xảy ra bên ngoài. Ngoại cảnh không còn nhập vào tâm. Chú niệm sẽ kiên cố vững chắc.

Theo dõi hơi thở một thời gian, hành giả thấy hơi thở càng ngày càng tế nhị… Cho đến khi luồng hơi mất tiêu, hành giả ngồi đó, trên thực tế vẫn thở, nhưng dường như không. Hành giả biết rõ hơi thở đã mất, nay chỉ lấy cái biết không còn hơi thở làm đề mục.

Tới đây có người chứng nghiệm, có người chưa. Ta chỉ cần giữ chú niệm vững chắc và dũng mãnh. Chỉ đơn giản ghi nhận rằng không còn hơi thở. Đây là loại định vững vàng và chắc chắn nhất. Hành giả có thể nghe thân mình nhẹ bổng dường như không có, như ngồi trong hư không. Chúng ta hãy giữ tâm vững chắc, an trụ, đừng để cảm xúc lạ quấy động. Ta có thể ở trong trạng thái này bao lâu cũng được. Những cảm giác đau nhức không còn làm bận rộn nữa. Khi tâm định đạt được mức độ này, ta có thể xuất thiền bất cứ lúc nào một cách thoải mái. Nếu có thể phát triển loại tâm định này và ngồi nửa giờ hay một giờ, tâm sẽ trở nên mát mẻ an ổn trong nhiều ngày. Bất cứ gì mà ta chứng nghiệm, tâm sẽ quan sát tỉ mỉ. Đó là thành quả của tâm định. Năng lực của tâm vi tế giúp cho Giới mạnh mẽ vững chắc. Giới thanh tịnh phát triển Định. Định kiên cố phát sanh Tuệ. Đây là sức mạnh dẫn đến Giác ngộ và Trí tuệ.

Tâm định đem lại rất nhiều an vui, thỏa thích ắt có luyến ái. Hành giả không còn muốn quán chiếu gì khác nữa mà chỉ thỏa thích trong cảm thọ nhàn lạc. Hành thiền lâu ngày dễ nhập vào định này mau lẹ. Vừa ghi nhận đề mục là tâm đã an định. Ta không muốn rời khỏi nó để quán chiếu gì khác. Ta đã bị dính kẹt vào trong thỏa thích ấy. Đó là mối nguy hại.

Nơi đây ta phải dùng cận định (upacàra samàdhi) nhìn vào sinh hoạt bên ngoài (các cảm giác thâu nhận từ thấy, nghe, ngửi, nếm v.v…) và đối chiếu với sinh hoạt bên trong (tâm bị dính kẹt). Nhìn ngoại cảnh với tâm an định sẽ phát sanh trí tuệ. Có quán chiếu nhưng an định không bị quấy động. Nơi đây, ta khơi dậy ý nghĩ lên để quan sát, tìm hiểu nó, chớ không phải suy tư buông lung. Đây là cảm giác phát sanh từ tâm thanh bình an lạc. Đó là quán niệm để phát sanh trí tuệ.

Như vậy có chánh định và tà định. Tà định là khi nào tâm vắng lặng mà không hay biết gì. Như một lưỡi dao đã được mài dũa thật bén mà bỏ vô dụng. Người tu có thể tưởng mình đã đạt đến tột đỉnh. Định trong trường hợp này là kẻ thù, vì không phát sanh trí tuệ, không biết phải quấy.

Chánh định, dù ở tầng lớp nào, luôn luôn phải có sự hay biết, có chú niệm, để phát sanh trí tuệ. Người tu phải hiểu thấu chắc chắn điều này. Phải tỉnh táo hay biết từ đầu đến cuối. Loại định này mới không nguy hại.

Chánh định phát triển đầy đủ thì trí tuệ có thể phát khởi bất luận lúc nào. Mắt thấy tai nghe, sáu căn xúc chạm cảnh trần, dầu ở oai nghi nào, tâm vẫn luôn luôn rõ biết đầy đủ bản chất thật sự của những thọ cảm và không đeo níu. Khi tâm có trí tuệ, dầu ở oai nghi nào chúng ta cũng hay biết đầy đủ sự phát sanh của vui và khổ. Chúng ta buông bỏ cả hai, không bám níu cái nào. Tâm luôn luôn chú niệm và hay biết rõ ràng chân lý. Sự thấu triệt chân lý là tuệ minh sát.

Người đời không thích đau khổ, chỉ thích hạnh phúc, không biết rằng trên thực tế, hạnh phúc là mặt trái của đau khổ. Cái đầu của con rắn thật sự là nguy hiểm vì nó có nọc độc. Nếu quý vị sờ đụng tới ắt bị cắn ngay tức khắc. Nhưng nếu ta chỉ nắm đuôi rắn thôi, ta cũng sẽ bị cắn như vậy. Bởi vì đầu và đuôi, cả hai đều thuộc về một con rắn. Cũng như thế, vui và khổ đều được phát sanh từ một nguồn gốc: Lòng tham muốn!

Thí dụ khi đạt được điều gì mà ta ưa thích, như tài sản sự nghiệp, danh vọng quyền thế v.v… thì ta vui vẻ thỏa thích. Nhưng trong thoải mái dễ chịu này vẫn thấp thoáng nỗi băn khoăn, lo lắng, bảo tồn, sợ mất. Có thể mất thật lúc nào không hay. Đến khi chết thì dù nắm bíu cũng phải buông bỏ. Cho nên tất cả hạnh phúc của thế gian đều có mầm mống đau khổ. Bởi vì nếu ta không chịu buông bỏ đuôi con rắn, rắn ắt quay đầu lại cắn. Như vậy, dù là thiện nghiệp hay bất thiện nghiệp, đều có đặc tính cột chặt chúng ta vào những kiếp sống triền miên, vô cùng tận của vòng luân hồi.

Nếu thân ta có thể nói, hàng ngày nó sẽ thì thầm với ta rằng: “Ông không phải là chủ tôi đâu”. Trên thực tế, nó vẫn luôn luôn nói với chúng ta như vậy. Thí dụ khi mập, khi ốm, khi đau bụng, khi nhức đầu, nó cứ tự diễn tiến theo con đường của nó. Thân này chẳng ai làm chủ nó được. Đức Phật gọi nó là cái rỗng không.

Bản chất cơ bản của vạn pháp là nhân duyên sanh cho nên nó vô thường, vô ngã. Chúng ta không chịu hiểu biết như vậy, cứ thủ chấp tà kiến rằng: Thân này chính là ta. Cảm thọ cũng là ta. Ta vui ta khổ.

Thí dụ ta ra giữa một xa lộ nhộn nhịp xe cộ. Ta tức giận quát to: “Xe lớn không được tới đây, xe nhỏ phải chạy đi”. Nhưng đây là một xa lộ, đâu phải chỗ để quý vị ngồi chơi mát. Muốn yên thân chỉ có một cách là vào lề đường để tránh xe. Xa lộ là nơi để cho xe cộ chạy. Các pháp hữu vi cũng thế. Ngồi thiền, ta phiền rằng những tiếng động này quấy rầy ta. Quán chiếu ta sẽ thấy rằng chính ta đi ra ngoài phạm vi của mình. Tiếng động chỉ là tiếng động. Bản chất của tất cả các pháp hữu vi là vô thường biến đổi. Chúng ta cứ thấy nó là thật. Chúng ta muốn đi tìm sự thật trong những sự vật không thật. Bất luận một người nào sống với các pháp hữu vi, tự đồng hóa với nó, nhận nó làm mình. Đức Phật dạy người này tất nhiên phải đau khổ. Ai muốn thoát khổ phải quán chiếu việc này. Chính sự bám níu (thủ) thành có sanh, không có thủ ắt không có sanh. Như vậy nếu đạt được gì ta không sanh (vui mừng), nếu mất gì ta không sanh (phiền não) đó là vô sanh. Đã vô sanh thì bất diệt. Cả hai sanh và tử đều bắt nguồn từ Ái và Thủ. Do đó đức Phật dạy: “Như Lai không còn trở thành (Hữu) nữa. Đời sống thánh thiện đã hoàn mãn. Đây là đời sống cuối cùng của Như Lai”. Ngài đã thông hiểu trạng thái sanh bất diệt như thế. Đó là điều mà đức Bổn Sư không ngớt kêu gọi hàng môn đệ nên thấu hiểu. Đó là pháp hành chân chánh.Người không còn bám níu vào năm uẩn, không Ái và Thủ, Như Lai gọi người ấy là Bà-la-môn.