TÂY PHƯƠNG DU KÝ

Nguyên tác: PHÁP SƯ KHOAN TỊNH

Việt dịch:  HỮU TỪ TÂM HẢO

Toát yếu: Tỳ-kheo-ni Hải Triều Âm

Pháp sư Khoan Tịnh, xứ Trung Hoa, nhập định thấy 2 Tịnh-độ Đâu Suất và Cực Lạc. Trong định Ngài được lệnh của đức A Di Đà và Quán Thế Âm Bồ-tát, dạy đem chỗ đã thấy đã nghe, truyền lại trong nhân gian, để khuyên tu Tịnh-độ.

Chúng ta chẳng nên phân vân những chuyện này có thật hay không có thật. Kinh dạy: “Ai muốn rõ biết ba đời chư Phật. Nên quán pháp giới tánh, tất cả duy Tâm tạo”.

Người tín nguyện hạnh cầu sanh Tịnh-độ, dĩ nhiên sẽ có cảnh Thánh Hiền đón đợi. Với người một lòng tin Chúa, ắt sẽ có Chúa rước. Cảnh giới tùy tâm tự  phát hiện.

Cảnh tùy sự huân tập mà có sai khác. Nhưng tâm địa chúng ta là cái có thật, rất chân thật và thường trụ (Vô lượng quang, Vô lượng thọ, Vô lượng công đức).

Vậy chúng ta cứ yên tâm vâng lời Phật, học kinh A Di Đà, cầu về Cực Lạc. Liệt vị Tổ sư đã nhắc đi nhắc lại: Đức Thích Ca không bịa đặt, Phật A Di Đà không nguyện suông, mười phương chư Phật tướng lưỡi rộng dài không nói dối.

Trí tuệ của đức Thích Ca thậm thâm không thể nghĩ bàn. Sự giáo hóa cũng không thể nghĩ bàn. Càng học Phật càng thấy nhiệm mầu.

PHÁP SƯ KHOAN TỊNH

Thuyết Giảng

–Tháng 4-1987 –

Tại núi Phổ Đà Nam Hải (Tân Gia Ba)

Ngày 25-10-1967, tôi ngồi thiền ở chùa Mạch Tà Nham. Bỗng tự thấy đi về núi Cửu Tiên, huyện Đức Hòa, cách chùa Mạch Tà Nham 200km. Chợt gặp một vị Sư tự xưng pháp hiệu Viên Quang. Chúng tôi kết bạn đồng hành. Nhắm thẳng đến động Di Lặc ở núi Cửu Tiên. Đường lối đối với tôi là chỗ rất quen thuộc. Nhưng hôm nay cảnh giới khác lạ hẳn. Hùng vĩ quá! Sáng đẹp quá! Kỳ hoa dị thảo khắp nơi nơi. Chùa, tháp, lối đi, toàn xây đá trắng lấp lánh quang minh. Hương thơm ngào ngạt. Người đông vô số kể, thân đều có hào quang.

Tới một Bảo Điện được mời uống nước và tắm rửa. Tinh thần thư thái sảng khoái, tôi tự biết mình đã vào cảnh Thánh, trong lòng vui vẻ. Thấy một Hòa-thượng, vội vàng quỳ lạy, xin chỉ dạy về tương lai của Phật giáo Trung Quốc, Hòa-thượng không nói một tiếng, viết 8 chữ: “Phật tự tâm tác, giáo do ma chủ”. Tôi hai tay tiếp nhận mảnh giấy nhưng chẳng hiểu gì. Sư Viên Quang bảo: “Đợi tới thời tiết sẽ hiểu”.

Sư Viên Quang thôi thúc tôi trì chú Thủ Lăng Nghiêm cho tiêu nghiệp chướng, mau lên cõi trời Đâu Suất. Bỗng thấy một cái cổng như cung vua, toàn một màu bạc óng ánh sáng ngời, trên ghi ba chữ NAM THIÊN MÔN (trụ xứ của một trong bốn đại Thiên Vương). Trên nữa là nơi ngự của Ngọc Hoàng Thượng Đế. Tôi chẳng được ngắm cảnh. Cứ thế lướt các tầng mây.

ĐÂU SUẤT NỘI VIỆN

Tới Đâu Suất có khoảng 20 vị ra đón. Tôi nhận ra Hư Vân đại sư, Hòa-thượng truyền giới cụ túc cho tôi. Xúc động muốn khóc, tôi sụp lạy. Ân sư cho biết Viên Quang chính là Quán Thế Âm Bồ-tát đấy. Tôi hết hồn vội quỳ lạy. Đúng là núi Thái sơn ở ngay trước mắt mà không trông thấy. Ân sư dặn dò:

“Phải cần khổ tu hành mới ra khỏi thế gian. Ta căn dặn con về nói với các bạn đồng tu, cần phải trung thành vâng theo Tăng chế và trì chú Thủ Lăng Nghiêm. Xây dựng chùa am, làm phước thật nhiều, mới có tư lương giải thoát. Có làm lành mới gặp lành. Nghiệp chướng thử thách cứ lần hồi mà giải trừ. Đừng tránh né nghịch cảnh. Dù gặp hoàn cảnh ác liệt xấu xa đến đâu, cũng phải quyết vững giới thân tuệ mạng và thể hiện đại bi tế độ chúng sanh. Sao cho người ác giác ngộ quay đầu về Thánh giáo. Đừng tham cầu tiện nghi, đừng gặp thuận cảnh mới độ sanh. Bốn chữ Từ Bi Hỷ Xả là then chốt”. Rồi Ngài đột nhiên lớn tiếng ngân nga ngâm từng chữ:

Thâm tùng sương tuyết do kiên uyển.

Hải thiên nhất sắc biến tam thiên.

(Ở trong sương tuyết, cây tùng kiên trì giữ lẽ sống của mình. Trời biển một màu khắp ba ngàn thế giới).

Chính mắt tôi được thấy đức Di Lặc 32 tướng tốt trang nghiêm. Chính tai tôi được nghe Ngài dạy: “Các tông phái cần thương quý nhau. Đừng gièm pha phỉ báng. Nên khuyến khích nhau tinh tấn tu hành, cải tà hộ chánh v.v…”, và cũng chính miệng tôi được nếm bánh mật hoa. Món ăn cõi trời này tiêu trừ bệnh tật, tăng trưởng tuổi thọ.

AN LẠC THẾ GIỚI

Ra khỏi Đâu Suất, tôi lại trì chú Lăng Nghiêm. Một tòa sen nâng bốc tôi lên, lướt qua các cảnh Tiên, tới một cõi bằng phẳng sắc vàng kim chói sáng, đường lối thênh thang trải toàn cát vàng, cây cối bảy báu, trăm hoa đủ màu. Tiếng chim thánh thót niệm danh hiệu Phật. Có chim nhiều đầu cùng nhau hòa nhạc. Có chim hai đầu cất giọng song ca.

Bỗng sừng sững một núi vàng cao ngất. Chỉ lạ một điều là ánh sáng chói lọi mà không lóa mắt.

  • Sao không lễ Phật đi?
  • Thưa Bồ-tát núi cao che khắp, con đâu thấy Phật.
  • Ông chưa nhận ra là chúng ta đang ở trung tâm cõi Cực Lạc à? Ông đang đứng trước ngón chân cái của Phật A Di Đà đấy!

Tôi vội quỳ lạy, cầu Phật gia hộ cho tôi được thấy Phật, thấy cõi Cực Lạc. Bỗng thân tôi rần rần, rạn rạn, chuyển chuyển, cả bề ngang bề dọc. Riết rồi tôi thấy những tầng lớp cánh hoa rực rỡ sáng choang, đếm không nổi bao nhiêu tầng. Khi tới ngang bụng Phật, ngẩng lên tôi được thấy đức A Di Đà và vô số hóa Phật. Sư Viên Quang lúc này cũng cao tới vai Phật, rực rỡ ngàn muôn tia sáng.

Đất Cực Lạc xa cách cõi Ta Bà mười vạn ức thế giới Phật. Tốc độ ánh sáng cũng phải 150 ức năm mới đến. Máy bay phải để một thời gian thành hoại trái đất may ra mới tới. Thế mà chí thành cầu đức A Di Đà tiếp dẫn, chỉ khoảnh khắc co duỗi cánh tay, chúng tôi đã được tới nơi! Tôi dập đầu đảnh lễ, cầu đủ phước tuệ để được liễu sanh thoát tử.

HẠ PHẨM LIÊN HOA

Vô số vô vàn những người toàn thân là ánh sáng, một thể trong suốt, tuy dáng dấp bên ngoài có khác nhau. Đã từ hoa sen hóa sanh, không ai có máu thịt. Thân tôi lúc ấy bỗng cũng như khối pha lê chiếu sáng. Đức Quán Thế Âm giải thích: “Dù là cụ ông cụ bà, thanh niên thiếu nữ, đã về tới đây, từ sen nở ra, đồng loạt chỉ một Phật tánh bình đẳng. Cộng nghiệp thanh tịnh Thánh Hiền đã lấn át nghiệp thức ngũ trược, nên tạm thời thân tôi hiện tướng trong sáng. Cũng như ở Ta Bà, mỗi khi có Thánh quân giáng thế thì nước sông đang đục hóa trong”. Hoa nở, cùng nhau đi lễ Phật, kinh hành niệm Phật hoặc nhảy múa ca hát, tất cả hoạt động tùy sở thích. Mỗi ngày một thời nghe pháp (các vị Bồ-tát chia nhau giảng đạo). Tới giờ hoa sen cụp, họ về hoa tọa thiền. Lấy việc hoa xòe nở, hoa úp cánh, phối vào tiếng nói thế gian, gọi là ngày đêm. Bên Cực Lạc ánh sáng triền miên, người ít si nghiệp, không cần ngủ nghỉ.

Nhìn kỹ trong ao, thì ra không phải nước mà toàn khí chất như khói như mây. Ai nấy y phục chỉnh tề, xuống ao lên bờ, qua trái qua phải, tùy ý bay lượn, không ướt áo trôi mũ. Nước này ngọt ngon khiến muốn uống mãi. Uống rồi tinh thần khỏe khoắn, thân cũng nhẹ như mây.

Trong ao hoa sáng rực, màu xanh sáng xanh, màu đỏ sáng đỏ, màu trắng sáng trắng, màu vàng sáng vàng v.v… Nhưng lâu lâu cũng có bông héo úa, thậm chí tàn lụn.

Cõi này là cảnh giới của những vị đới nghiệp vãng sanh. Lúc sanh tiền, công phu chưa được thuần thục. Lâm chung, vì có phước nên gặp Thiện tri thức dắt dìu. Giờ phút cuối cùng niệm Phật nhất tâm không loạn nên có thể nương sức tiếp dẫn của Phật A Di Đà đến Tây phương.

Muốn tu tiến từ hạ phẩm hạ sanh tới thượng phẩm thượng sanh, trải qua chín cấp từ thấp đến cao, ở Cực Lạc cần thời gian 12 kiếp (16.798.000 năm nhân gian). Nếu ngay bây giờ, tại Ta Bà, ta dũng mãnh chuyên niệm Phật cầu vãng sanh thì có thể chỉ bảy năm. Kinh nói: “Tu ở cõi Ta Bà một ngày, công đức bằng ở Cực Lạc tu 100 năm”. Bởi vì không phải đại trí lực không thể tu nổi ở ngũ trược ác thế. Như Ấn Quang và Hoằng Nhất đại sư, khoảng năm 1930, đã từ Ta Bà thẳng về thượng phẩm.

Ở Cực Lạc dù 12 đại kiếp mới kết quả hoàn mãn nhưng mỗi bước mỗi bước an vui, chỉ có tiến không có thoái. Còn ở Ta Bà thì ác đạo dễ vào mà rất khó ra. Một lời nói sai lầm, như giễu ông Tỳ-kheo tụng kinh giống như chó sủa, thế là 500 đời làm thân chó. Ác nhỡn thị sư (con mắt ác nhìn Thầy) thế là cả kiếp trong địa ngục. Cho nên lịch đại Tổ sư khuyên ai ai cũng cứ một lòng cầu về An Lạc. Cõi An Lạc bảo đảm con đường tu đạo, vững như bàn thạch.

Một bông sen hào quang đang rực rỡ chiếu sáng bỗng ngả màu ảm đạm. Tôi vội bước lại gần. Thấy một tòa lâu đài tráng lệ. Trong có mươi người, già có trẻ có, y phục như ở nhân loại ta. Lại có vô số người ra vào nhộn nhịp như đang có sửa soạn đãi đằng. Trên bàn đầy những món ăn trân quý. Một ông già chừng 70 tuổi bước ra tiếp mời. Tôi tự giới thiệu là người tỉnh Phúc Kiến, nhờ Bồ-tát Quán Thế Âm đưa đi tham quan cõi Cực Lạc.

Vừa nghe Thánh hiệu Quán Thế Âm, ông già giật mình, bẽn lẽn quỳ lạy xin sám hối. Tức thời toàn thể căn nhà lộng lẫy, người vật đều biến sạch. Chỉ thấy trên đóa sen hào quang rực rỡ tươi đẹp vô cùng, rộng lớn cả cây số đường kính, một nhân vật bằng ánh sáng đang quỳ lạy Bồ-tát. Sau đó, ông ta nói cho tôi biết: Ông đồng hương với tôi ở Phúc Kiến, xứ Trung Hoa, tên Lâm Đạo Nhất, giàu có danh tiếng. Lâm chung, đới nghiệp vãng sanh. Vì còn đeo nghiệp, cũng mới vãng sanh nên tâm còn vọng tưởng. Cảnh tôi trông thấy vừa rồi là do ông nhớ nghĩ tới gia đình quá khứ và những vui thú tiệc tùng khi còn làm người. Chia tay, ông căn dặn tôi: “Con tôi tên A Vương đang ở Tân Gia Ba, cảm phiền ông, khi về thế gian, nói dùm, tôi đang rất yên ổn ở Cực Lạc”.

Bồ-tát Quán Thế Âm khuyên ông, chăm xuống ao tắm nước tám công đức để tiêu dần nghiệp báo thế gian. Bồ-tát lại đưa tôi đến một đồng hương khác. Một cái vực nhỏ giữa hai vách cao, một cô gái trạc 20 tuổi ngồi khóc thê thảm. Tôi hết sức ngạc nhiên. Sao đã gọi là Cực Lạc mà còn có tiếng khóc? Cô cười gượng: “Dạ, không có chi, đây là vọng tưởng bậy bạ”. Vực thẳm, vách cao, cô gái đã biến hết! Trên hoa sen, một Thánh nhân trong hào quang: “Xin ông an tâm, đây là một vọng tưởng nhớ đến xưa kia, tôi làm thân nữ, người Trung Hoa ở tỉnh Phúc Kiến. Hai mươi mốt tuổi, xuất gia, bị ép hoàn tục, phẫn chí đã nhảy xuống vực sâu tự tử. Trong lúc quyết chết, tôi một lòng niệm Phật cầu được vãng sanh. Vì mới đến đây nên vọng tâm chưa dứt. Nỗi tuyệt vọng lúc lâm chung như ác mộng, vẫn còn phảng phất trong tâm, chưa gột được những hãi hùng của “kiếp trước”.

Những hoa sen héo tàn là của những người thoái tâm quên Phật, thiện căn không thể sanh trưởng. Đức Quán Âm thuyết giảng: Niệm một câu danh hiệu Phật diệt tội hằng hà sa là nói về người ác. Sau gặp Thiện tri thức khuyên hướng thiện, niệm Phật sám hối tu hành. Chết được vãng sanh. Dầu còn đới nghiệp vẫn không thoái lui. Đã vãng sanh rồi thì bảo đảm thành Phật.

Cũng có người miệng niệm Phật, lòng rắn rết, âm thầm hại người. Công đức này không thể vãng sanh, chỉ gieo chút căn lành kết duyên giải thoát. Nhưng cũng chính nhờ duyên này, một mai tỉnh ngộ, thành thật sám hối, sửa tâm tu đức. Hoa sen của người này sẽ vươn lên, sáng đẹp như tất cả những hoa sen khác.

Tiếng chuông reo. Giờ thuyết pháp đã đến. Bồ-tát Đại Nhạo Thuyết xuất hiện. Toàn thân có muôn ngàn tia sáng đủ màu. Ngài hướng dẫn chúng sanh đi đảnh lễ mười phương Phật. Bỗng mưa hoa đủ thứ sắc, hương tuyệt diệu. Họ đi về như những tia sáng qua lại rất nhanh. Hạ phẩm hạ sanh đã có ngữ ngôn đà la ni, nên đi đâu cũng hiểu được tiếng nói của xứ ấy.

Chúng sanh nơi đây muốn lên cao, xuống thấp, qua vách qua tường, đi Đông đi Tây, chỉ cần nghĩ đến là đã tới rồi, không một chướng ngại nào có thể ngăn cản.

Lại có tháp Định Quán ảnh hiển cảnh giới mười phương rõ ràng và như ngay tại chỗ. Chẳng hạn ta muốn thấy cõi Ta Bà, cõi Ta Bà liền hiện ra, lớn nhỏ tùy ý. Thậm chí muốn nhìn rõ một cái nhà nào, một người nào thì nhà ấy, người ấy liền hiện ra với tất cả chi tiết.

TRUNG PHẨM

Lại trì thần chú Lăng Nghiêm, lướt gió bay lên. Thân tôi cũng rùng rùng to dần, cao thêm. Hoa sen trung phẩm đường bán kính bằng từ Tân Gia Ba đến Thái Lan. Con người ngồi trên hẳn phải cao tới bậc nào. Phòng xá cung điện phải tầm cỡ thế nào để có thể dung nạp hàng vạn người như vậy. Trung phẩm là nơi phàm Thánh đồng cư. Phàm nhân về đây, sanh tiền đã có tâm trì giới nghiêm túc, niệm Phật bất loạn, hộ pháp tích cực, xây chùa dựng tháp, in kinh giảng đạo, hưng long Tam-bảo, bá thí tế bần.

Hôm nay, ở đây Bồ-tát Đại Thế Chí giảng kinh Pháp Hoa. Hai bên đài giảng là bảy hàng cây báu cao tít mây xanh. Trên cây, đình đài lầu gác, các Bồ-tát vân tập về, đông không xiết kể. Trầm hương nhẹ ngát. Tôi chỉ nhớ đại khái: “Diệu Pháp Liên Hoa là căn nguyên của chư Phật, là hạt giống để tu thành Phật. Muốn thành Phật phải học Diệu Pháp Liên Hoa”.

Trung phẩm trung sanh đã Không được các thức nên có Bát đại kính sơn:

  1. Quang minh kính sơn (nhỡn thức): Thí dụ muốn biết anh A ở Việt Nam, nhìn vào kính này liền rõ tất cả chi tiết hiện tại, quá khứ, vị lai v.v… Muốn thấy cõi Ta Bà, cõi Tịnh Lưu Ly… cũng thế. Cho đến muốn thấy khắp mười phương thế giới cũng được như ý.
  2. Thanh văn kính sơn (nhĩ thức): Vào núi này nghe được mười phương âm thanh. Muốn nghe Phật nào nói pháp liền được nghe. Muốn nghe chúng sanh nào nói cũng được.
  3. Hương phương kính sơn (tỵ thức): Ngửi mùi tất cả đơn chất hợp chất, vàng ngọc, người vật, cây cỏ v.v… không gì không biết.
  4. Âm hưởng kính sơn (thiệt thức): Nói được các thứ tiếng, từ cõi trời đến địa ngục.
  5. Kim thân kính sơn (thân thức): Tất cả cảnh giới Thánh phàm đều hiện rõ nơi thân.
  6. Ý thức kính sơn (ý thức): Bản thân các việc quá khứ, vị lai biết rõ cả trăm ngàn kiếp.
  7. Tế minh kính sơn (Mạt-na): Biết đồng loạt cả sáu cảnh trần.
  8. Vô biên kính sơn (A-lại-da): Khắp không gian, khắp thời gian không gì không biết.

Trung phẩm thượng sanh có triển lãm Hoa Tạng thế giới ở tháp Liên Hoa. Rất nhiều tầng. Mỗi tầng trình bày về một vị Phật, hoặc Bồ-tát của Hoa Tạng thế giới. Thí dụ Phật A Di Đà: thân thế, lịch sử, tu hành quá khứ, hiện tại, vị lai v.v…

Từ tháp vang ra tiếng “Nam mô A Di Đà Phật” liên tục. Tháp lớn hơn trái địa cầu ta ở ngàn vạn lần. Từ tháp này có thể thấy từng chúng sanh trong Hoa Tạng thế giới, có thể thấy hàng trăm hàng vạn Tịnh-độ của mười phương Phật. Trong tháp có rất đông người chuyên niệm Phật. Trên đầu họ phát ra những tia sáng. Trong tia sáng có vô số hóa Phật như đức A Di Đà.

THƯỢNG PHẨM

(Hoa nở thấy Phật ngộ vô sanh)

Giới phẩm thanh tịnh, siêng học Đại thừa, hồi hướng vãng sanh sẽ về phẩm này.

Ấn Quang đại sư nhắc đi nhắc lại: “Khuyên đồng đạo ở Ta Bà tinh nghiêm giới luật, nhất tâm niệm Phật, đầy đủ Tín Nguyện Hạnh. Chớ tự do sửa đổi luật nghi của Phật, quy chế của Tổ”.

Ngài đưa lên lầu xem Chiếu Thân Kính để biết căn cơ tu hành, trình độ giác tỉnh của mình.

Tôi đang tự nghĩ: Sao đi đã lâu mà không thấy ai nói tới ăn cơm?

Đức Quán Âm hỏi: Ông muốn ăn gì?

  • Thưa con chỉ xin chén cơm trắng với bát canh rau cải.

Vừa dứt lời, trên bàn đã thấy cơm canh bốc khói, đũa muỗng chỉnh tề.

Quán Thế Âm Bồ-tát bảo: Ở đây không ai ăn đâu. Ông đói thì cứ ăn đi.

Tôi mắc cỡ quá. Nhưng nếu không ăn sẽ đói. Chi bằng cứ giản dị vâng lời Bồ-tát là hơn. Ăn xong, xếp gọn bát đĩa lại. Bỗng nhiên tất cả biến hết.

Bồ-tát dạy: Ông có thói quen hàng ngày phải ăn nên tưởng đến đói, nhớ đến thức ăn. Ăn rồi, chuyện ăn thành không. Tâm sanh thì các pháp sanh. Pháp sanh thì các tâm sanh. Cứ như vậy, đủ thứ hiện khởi như chiêm bao nối tiếp. Trở về tự tánh, không thèm ăn khát uống, tâm như hư không, chẳng mống niệm ước mong. Tâm ấy gọi là Thường Tịch Quang (các Tổ gọi tâm bình thường là đạo). Vọng tưởng dấy lên như sương mù. Từ từ nghiệm được ý này, lãnh hội được sẽ có cơ chứng tam muội. Người ở địa cầu tâm đầy vọng tưởng nên không thể thấy cõi An Lạc. Nếu nhất tâm niệm Phật, tâm thanh tịnh sẽ thấy được thế giới An Lạc.

  • Niệm Phật cách nào là hơn cả?
  • Chia số người làm 2 nhóm. Nhóm trước niệm 2 câu Nam mô A Di Đà Phật. Nhóm sau lắng nghe. Sau đó nhóm sau niệm. Nhóm trước nghe. Như vậy không mệt nhọc, không ngưng niệm. An tĩnh sanh định. Thâm nhập thật tánh Chân như, được quả vị Bất thoái là sở đắc của Bồ-tát thượng phẩm.

LỄ TẠ

Thăm xong cả ba phẩm, tôi lại được đưa về lễ Phật A Di Đà. Ngài nói rất chậm rãi từng lời:

Phật tánh bình đẳng. Chúng sanh ý thức đảo điên, lấy giả làm thật, gieo nhân chịu quả, trôi lăn mãi không ngừng trong sáu nẻo luân hồi, chịu bao đau khổ.

Ta đã thệ nguyện 48 lời độ cứu tất cả. Ai đủ Tín Nguyện Hạnh, nhất tâm không loạn, mười niệm quyết định vãng sanh.

Nay con muốn độ cha mẹ nhiều đời, thân bằng nhiều kiếp. Con cần dạy họ giữ giới làm lành, siêng tu Tịnh-độ.

Đừng khích bác, đừng gièm pha, đừng phỉ báng. Đừng khen mình chê người. Đừng uổng phí thời giờ vào những chuyện không đâu. Cửa Phật quảng đại, tám vạn bốn ngàn pháp môn. Môn nào cũng chân thật. Ai tu trì sẽ chuyển tà thành chánh, biến ma thành Thánh, nhỏ đưa về lớn. Nương nhau sửa sai tu lành. Giúp đỡ đùm bọc nhau. Lấy mười thiện làm Giới, chăm niệm Phật là Định, tinh tấn tu bốn vô lượng tâm Từ Bi Hỷ Xả là Tuệ. Như thế đúng là chánh tông tuệ mạng của chư Phật.

Chúng tôi lễ tạ rồi lui.

Trên đường về, tôi trì chú và nương hoa sen bay tới Trung Thiên La Hán. Thầy tri khách mời vào phòng nghỉ. Một thoáng tôi ngủ say.

Tỉnh dậy thấy tối mò, không biết mình đang ở đâu. Trời hừng sáng, tôi lần ra khỏi động, xuống núi, tới đại lộ hỏi thăm mới biết hôm ấy là ngày 8-4-1973. Bấm đốt ngón tay, té ra tôi đã rời nhân thế 6 năm và 5 tháng.

Thầm nhớ lại lời Phật: Ai cũng có Phật tánh. Giác là Bồ-tát, mê là chúng sanh. Tôi phải thừa kế ý chỉ của Phật, Bồ-tát Quán Thế Âm và Hư Vân, Ấn Quang đại sư: Hoằng pháp độ sanh, đưa những người có duyên về cõi Phật.

Nguyện đem công đức này,

Hướng về khắp tất cả

Đệ tử và chúng sanhĐều trọn thành Phật đạo.