TRỒNG SEN

Tỳ-kheo-ni Hải Triều Âm

(Toát yếu từ cuốn Lắng Nghe Tiếng Hát Sông Hằng của BS Quách Huệ Trân)
& Phật tử với cái chết

Nữ bác sĩ Quách Huệ Trân người Đài Loan, chuyên khoa ung thư. Lòng từ bi tận tâm nhiệt thành đã an ủi bệnh nhân rất nhiều. Đức tin thuần thành về Phật pháp đã khích lệ cảnh giác nhiều người phát tâm học Phật và niệm Phật. Bà thường có những buổi nói chuyện ở Huệ Trí Phật Học Xã của Đại học Trung Nguyện. Bà dùng tín nguyện niệm Phật vô cùng kiên cố của mình để lên giảng đài thuyết pháp. Về hưu, bà xuất gia.

Trong cuộc sống trầm luân khổ hải, chúng ta tham luyến những gì cho là của mình. Đầu tắt mặt tối, bận rộn suốt đời. Cuối cùng chỉ có một con số 0 và âu sầu than thở. Hãy đọc mấy dòng dưới đây, may ra có chút chất liệu để tìm hướng phương giải thoát.

Một bệnh nhân 30 tuổi bị ung thư ruột già. Đã hai lần mổ mà bệnh lại cứ tái phát tức là vô phương cứu chữa. Cô cứ khóc hoài đến nỗi khản tiếng. Bác sĩ sơ lược giới thiệu Phật pháp. Xúc động cô mở to mắt nói lớn : Tại sao cả đời tôi chẳng được biết ? Nay sắp lìa thế gian mới được nghe ! Từ đó cô tìm đến giảng đường Hoa Nghiêm để mỗi tuần được nghe pháp. Nhưng một hôm đang giữa buổi giảng, cô khóc ôm bụng đi ra. Vì bệnh đau quá không thể ngồi nghe được. Mới hiểu câu : Vô thượng thậm thâm vi diệu pháp. Bách thiên vạn kiếp nan tao ngộ.

Từ đó Bác sĩ Quách Huệ Trân không ngại sự hiểu biết cạn cợt của mình, luôn luôn cố gắng đem chỗ mình đã học nói cho mọi người nghe. Giác tỉnh đem an tịnh và sáng tươi cho nội tâm chúng ta, tiền không mua được, kẻ gian không ăn cắp được.

“Thế gian vô thường, quốc độ mong manh. Thân bốn đại khổ, không, vô ngã, sanh diệt đổi dời, hư ngụy vô chủ”. Kinh Bát Đại Nhân Giác, ta thuộc lòng, hiểu rõ tin là rất đúng.

Nhưng mỗi sáng ăn bánh uống cà phê, ngẩng lên, kìa trời xanh mây trắng. Vẫn thấy đời sao sung sướng thế. Chợt một khó khăn thình lình xảy ra…

Mỗi bệnh nhân là một minh chứng lời Phật dạy. Thật kỳ lạ ! Không một người nào nói : Đời tôi hạnh phúc ! Cho đến một hôm, một bà bị ung thư ở cổ tử cung. Mỗi lần đến khám bệnh, bà trang điểm lộng lẫy. Tôi hỏi : Cuộc sống của bà an ổn lắm phải không ?

– Phải, chồng tôi đối xử rất tốt, con cháu hiếu thảo, gia đình hòa ấm, tiền bạc sung túc.

– Như vậy thật hiếm có, xin mừng cho bà !

Tôi ngạc nhiên vì số đông bước chân vào bệnh viện chỉ những than khóc :

– Tôi lo đi vay tiền để trả viện phí.

 Ôi chao, bệnh lâu quá, ai cũng chán. Hoặc từ khi mắc bệnh này chồng bỏ đi luôn v.v…, chỉ có một bà này may mắn hạnh phúc.

Một thời gian ngắn sau, cô y tá đưa cho tôi tờ báo đăng tin bà bỏ nhà ra đi 5 ngày rồi được vớt lên từ sông ở… Thưa quý vị chồng con tốt đến đâu cũng làm sao đau bệnh thay cho mình được ?

Bác sĩ rất hối hận đã không đem  Phật pháp nói chuyện với bà về thế gian vô thường, thân có khổ và không. Để chích ngừa phòng bệnh cho bà. Bởi vì trước đây bà chỉ cảm thấy cuộc đời vui đẹp, chưa từng nếm khổ nên không chuẩn bị tâm lý. Vì chưa chích ngừa phòng bị nên không có khả năng đề kháng. Chịu khổ không nổi nên phải tự tử, chỉ vì không biết có Di Đà quang minh.

Mọi người thường cho tự tử là việc hiếm, ít khi xảy ra. Nhưng trên sự thật, mỗi ngày trong khoa ung thư hằng nghe : “Tôi chết được thì may quá !”.

Có một bà phía dưới bụng bị ung thư loét hết. Bác sĩ phải mổ làm một hậu môn tạm trên bụng. Phân rỉ thẳng ra. Bà nằm ở lầu 3 mà mùi hôi xông xuống cả lầu 2. Con gái săn sóc mẹ, vẫn phải lấy vải bịt cả mũi và miệng. Mỗi ngày bà đều cầu mong được chết. Một hôm vắng vẻ, bà ráng hết sức ngồi dậy, lết ra cửa sổ nhảy xuống sân. Đã không chết lại còn bị thương, tự chuốc thêm bao nhiêu khốn khổ. Bà cứ tiếc rằng sao không được chết. Đâu có biết chết chẳng phải giải thoát. Còn đọa địa ngục, ngạ quỷ, bàng sanh. Luân hồi tái diễn đến bao giờ cùng.

Nhiều người nông nổi phê bình đạo Phật tiêu cực, quên sống, chỉ lo niệm Phật A Di Đà để cầu vãng sanh Tịnh-độ. Đâu có biết niệm Phật là tâm tối thiện khiến cho hiện tại bình an, buông xả vọng tâm, trở về bản tánh Vô lượng quang thọ. Hiện đời phước tuệ trang nghiêm, mai sau dự liên trì Thánh hội. Thi sĩ Tagou nói : Sống đẹp như hoa mùa hạ, chết đẹp như trăng mùa thu. Vẫn chưa đủ lời tán thán, vì làm sao diễn tả được tương lai thánh thiện của Bồ-tát vãng sanh Tịnh-độ.

Cuộc đời chúng ta như một con sông cuồn cuộn chảy. Từng làn sóng, từng sự việc. Bao nhiêu âm thanh, bao nhiêu sắc tướng, bao nhiêu hình bóng đi qua thành con sông sinh mạng.

Một ông hàng ngày thích hút thuốc và uống rượu. Sau bị ung thư miệng. Uống nước cũng đau như nuốt sắt nóng. Bệnh viện phải đặt ống dẫn sữa vào bao tử. Bà vợ hối hận. Trước kia mỗi lần say rượu ông chửi bà, bà thường trù : Cái miệng chửi càn sẽ bị ung thư. Nào ngờ nay ông bệnh thật. Mà người khổ nhất lại chính là bà. Vừa lo hầu ông, vừa lo tiền bạc, thuốc men sinh sống. Nếu biết trước nỗi khổ thế này thì bà đã chúc phúc cho ông mạnh khỏe.

Niệm Phật để được sống trong ánh sáng từ bi sung sướng biết bao. Rất   tiếc là chúng ta khẩu nghiệp buông lung, chỉ biết hả dạ nhất thời. Lúc chưa bệnh mặc sức ăn bậy uống bạ, coi thường cái thân. Đến khi bệnh thì than trời trách đất.

Học Phật mới biết trong nhân duyên làm người cùng nhau hội ngộ ngắn ngủi này, giận tức oán hờn, mở đường chông gai hiện tại và vị lai. Phải chân thành từ bi hướng về nhau để hiện tại ta người an vui, mai sau cùng siêu thoát.

Ông kia hay đi câu cá, một tay cầm bầu rượu, một tay cầm cần câu đi ra bờ sông, tự cảm thấy thích thú lắm. Nay miệng bị ung thư lở loét mới giật mình sực tỉnh. Ông nói rất khó khăn nhưng cũng ráng chịu đau, nói lời hối hận này với bác sĩ đang săn sóc vết thương cho ông : Nay mới cảm nhận được nỗi khổ của những con cá. Bây giờ nuốt thức ăn, cuống họng đau như bị dao đâm. Những con cá tuy đau đớn mà vẫn vùng vẫy hết sức mình để mong thoát lưỡi câu mà đâu có được.

Mạng vật bé nhỏ chớ coi thường.

Thịt da xương máu như mình khác chi.

Chớ bắn chim trên cành kia

Chim non trong tổ đang mong mẹ về.

Một bác bị ung thư miệng, phải cắt  bỏ những tế bào ung thư ở gò má. Lại cắt da ngực để đắp vào vết mổ ở gò má. Những giải phẫu này đòi hỏi nhiều sức chịu đựng. Ban đêm bác sĩ đi tuần phòng bệnh nhân, thấy đôi mắt bác mở thao láo nhìn lên trần nhà. Nước mắt lặng lẽ chảy, lạnh lẽo thê lương, cùng với đêm khuya lạnh lẽo. Bác không sống nổi để mổ lần thứ 2. Không có pháp môn niệm Phật làm sao cứu vớt những cảnh ngộ này ?

Chỉ một cái mụn lở nhỏ trong miệng đã khó chịu lắm huống chi vết loét cả hàm. Uống một tí nước lạnh cũng đau đến toàn thân phải run lên.

Nói một lời ác chỉ mất 5, 6 giây. Người nghe đau lòng lâu mãi. Quả báo là ung thư hàm, đau đến hết đời.

Một bà bị ung thư vú ngồi khóc vì không có tiền mua thuốc. Một cô cũng đang bị ung thư vú trút hết tiền trong túi đem cho. Cô này có phương châm : Dù mai là ngày tận thế, tối nay tôi vẫn trồng sen. Cô làm hết sức mình để giúp người.

Hai người cùng một bệnh. Một người âu sầu khổ não. Một người lo giúp đỡ an ủi, lau nước mắt cho người khác. Do đây phát huy khả năng vượt bi ai. Mỗi ngày trồng một cây sen. Lâu dần có cả hồ sen thơm phức. Trị bệnh nan y đòi hỏi bao nhiêu sức chịu đựng để đổi lấy mạng sống. Dù chỉ một nụ cười cũng là bố thí, cũng là trồng sen, ta người cùng vui. Chỉ cần một niệm từ bi phát khởi. Bao nhiêu tật bệnh và khổ nạn sẽ qua !

Một anh 37 tuổi, ung thư mũi vào thời kỳ chót. Vì lo vợ, lo con, xin nghỉ nhiều nên chồng cô mất việc, gia đình lâm vào cảnh thiếu thốn cùng cực đến nỗi bà  mẹ thốt ra lời : Mày sao không mau  chết cho rồi, báo hại tụi tao khốn khổ ! Chồng cô hỏi bác sĩ : Tôi còn kéo dài bao lâu nữa ?

Như vậy bệnh nhân làm sao an tâm mà thở những hơi thở cuối cùng ?

Tâm địa cải tạo vận mạng. Một cô 30 tuổi, ung thư xương. Đã giải phẫu 20 lần. Cưa đứt một chân. Gia đình có Phật pháp. Ông chồng săn sóc cô như một vị Bồ-tát. Cô chống nạng nấu ăn, đem cho những người bệnh và khuyên họ niệm Phật. Cả nhà rủ nhau học thuộc lòng kinh A Di Đà. Đứa con bảo cô : Má học được con sẽ thưởng 500$. Cả nhà chưa bao giờ được vui như hôm cô trả bài. Tế bào ung thư đã lan đến phổi. Cô vẫn tươi cười. Như phần đông các gia đình bệnh nhân ung thư đều lâm vào tình trạng kinh tế thiếu thốn, gia đình cô vẫn sống trong Tịnh-độ. Một bầu không khí hòa ấm cao thượng.

Cắt bỏ xương hàm dưới vì ung thư. Cắt ngực lấy da đắp vào vết mổ. Từ nay không có môi không thể ngậm miệng, phải nằm mà ăn, chỉ uống chất lỏng. Với người khỏe mạnh, nói Phật pháp họ rất khó tin. Với người này chỉ cần nói một câu : “Phật dạy thế gian là biển khổ, cần niệm Phật A Di Đà đại quang minh để về cảnh giới giải thoát”. Lập tức họ Nam mô A Di Đà Phật. Cho nên có câu : Mười phương ba đời Phật đều lấy Khổ làm thầy.

Ông già mù bị ung thư hàm. Nước vàng không ngừng từ gò má chảy xuống. Con dâu nói : Xịt bao nhiêu dầu thơm mà vẫn không hết hôi. Bác sĩ khuyên : Chăm sóc người bệnh nên cẩn thận. Phật dạy : Trong tám phước điền, nuôi bệnh là đệ nhất. Cô đã hiếu thảo chăm sóc bố chồng nên làm sao cho ông thường được hoan hỷ. Phước báo về cô sẽ vô lượng.

Hôm nay chúng ta đối xử với người già thế nào, mai đây chúng ta già, con cháu sẽ bắt chước như thế mà đối xử với chúng ta. Gần bệnh nhân phải để ý từng lời nói nét mặt, đừng để họ tủi thân. Mỗi hành động phải để tâm thương xót. Chính bệnh nhân phải ngày đêm chịu đựng mùi hôi của mình. Bao dung một chút sẽ thêm phước báo.

Thường nghe : Trời không có mắt. Tôi đâu có ác, có làm hại ai bao giờ mà sao tôi khổ thế này ?

– Hãy xét lại, chúng ta đã thật là thánh nhân chưa ? Từ nhỏ đến lớn, cứ không vừa ý là nổi sân. Ăn uống không đoái đến con cá bị mổ bụng, con gà bị cứa cổ. Mở miệng là tranh cãi lấy phải về mình. Cãi cha chống mẹ. Thân miệng ý hàng ngày tham sân si.

Lão Hòa-thượng Quảng Khâm dạy : Phải  từ  thân miệng ý  hiện tại  mà  cầu   tiêu trừ nghiệp chướng. Khi ăn nhớ rằng con cá con tôm này, đức Phật A Di Đà đang trông đợi đưa về cõi Phật. Định nói nặng một người nào, phải nhớ đây là huynh đệ mình, đức Phật đang trông mong tiếp dẫn. Nếu có thể sửa đổi thân miệng ý hàng ngày thì tội báo sẽ tiêu trừ. Tâm niệm từ bi sẽ chuyển dần, hóa giải các bệnh hoạn khổ nạn, đem về cho ta hạnh phúc an vui.

Một giáo sư trung học bị ung thư tủy xương sống. Hai chân không thể cử động. Nói năng khó khăn vì thần kinh não cũng bị ảnh hưởng. Ngủ không thể nhắm mắt. Cố gắng phấn đấu, áo ướt mồ hôi cũng không thể ngồi dậy. Ông chỉ tiếc một điều là từ nay không thể dạy học. Ông thường khuyên gia đình phóng sanh cua cá. Ai đến thăm, ông cũng xin vì ông mà phóng sanh. Vật cũng như người, chỉ mong khôi phục sức khỏe, vui sống với đồng loại.

Trị bệnh xương, phía trên chân phải gắn một cây kim xuyên qua xương thịt. Phía dưới cũng xỏ một cây như thế. Hãy tưởng tượng bộ mặt và tiếng hét đau đớn của người này. Vậy mà người ta xỏ cả năm mười con chim vào một xâu, treo lủng lẳng để bán cho người ăn thịt. Mai sau quả báo sẽ đến thế nào ? Với mình thì chút khổ không chịu được. Với kẻ khác thì vô tình, coi như không sao.

Hãy lo phóng sanh để tự cứu lấy mình. Thứ nhất là cần học Phật pháp  để bứng tận gốc cây cổ thụ phiền não vô minh.

Một bà lão vì bệnh ung thư phải móc bỏ cả hai con mắt. Bệnh lan đến cuống họng, không thể ăn uống. Thở cũng khó khăn. Bác sĩ phải khoét một lỗ ở bụng để dẫn thức ăn vào dạ dày và một lỗ ở cổ để giúp hô hấp. Hàng ngày và cả                          đêm truyền máu, vì máu từ miệng mũi chảy ra quá nhiều. Rõ ràng muốn được chết êm đềm thật không phải là một   dễ dàng. Lúc lâm chung nhớ niệm Phật là một đại phước đức. Nhiều người    vẫn dùng đôi đũa móc mắt cua cá trên bàn ăn. Nên nói cho họ biết những    quả báo này. Hãy dùng đôi mắt sáng chiêm ngưỡng hình ảnh Phật A Di Đà vô lượng quang. Hãy mở rộng mắt nội tâm để nhìn cảnh An Lạc thanh tịnh đại   hải chúng.

Một nam học sinh 16 tuổi, ung thư não. Đã 4 lần mổ. Xương đầu bị cắt một khoảng nên một bên đầu lõm xuống. Nay vào bệnh viện để trị liệu bằng phóng xạ. Em xin một bức tượng Phật A Di Đà. Từ trên giường bật dậy, đi cà nhắc ra lạy Phật. Trông em phấn đấu hết sức lực yếu ớt để lạy Phật, ai cũng cảm động.

Chúng ta còn khỏe mạnh, đi đứng được, coi việc lễ Phật là thường, không biết trân trọng.

Ai đang có miệng lành lặn nên nhớ nói lời ôn hòa, khuyên nhau niệm hồng danh Phật. Chợt hỏng bộ não làm sao còn nhớ tới đức đại từ đại bi Vô lượng quang Vô lượng thọ.

Một người bị nghẽn cơ tim, đã ngừng hô hấp và hôn mê. Theo kinh nghiệm mọi người trong bệnh viện đều biết là không thể cứu. Bác sĩ Quách Huệ Trân khuyên gia đình phát đại nguyện. Bà vợ liền nói : Từ nay chúng tôi xin trường trai niệm Phật. Ông là giáo sư, nếu hết bệnh xin hoằng dương Phật pháp. Ngay lúc này cả nhà xin nhất tâm niệm Phật. Bác sĩ đáp : Đại nguyện niệm Phật có thể vượt qua tai nạn lớn.

Một thanh niên đến khóc sướt mướt. Ai cũng tưởng là con ông. Thanh niên thưa : Tôi là học trò. Thầy đã dùng tiền lương cưu mang cả đám học sinh nghèo chúng tôi. Nói dứt lời lại khóc tiếp.  Cả bệnh viện ngạc nhiên thấy ông tỉnh lại. Còn nhờ máy giúp hô hấp thêm ba hôm nữa, ông bắt đầu niệm Phật. Cuối cùng lành bệnh, tự ông bước đi ra khỏi bệnh viện.

Hoa khôi trẻ đẹp, mặt bị ung thư  sưng lớn. Thay vì than khóc, cô niệm Phật. Tâm cô hoàn toàn nương tựa Phật A Di Đà. Đem hết tài sản trên cúng dường Tam-bảo, dưới bố thí, phóng  sanh. Các pháp sư, các liên hữu đều  cảm động, niệm Phật tiếp cô. Cô mua hạt giống cúng các chùa để trồng bông cúng Phật lâu dài. Diện mạo xấu xí nhưng tâm hồn càng đẹp. Rất nhiều người đến thăm đều được dặn dò : Bệnh đây là tội báo. Quí vị gắng tránh ác làm lành. Tích phước để tiêu tai giải nạn. Chăm niệm Phật, đừng uổng chuyến đi thăm tôi hôm nay.

Có bệnh nhân thấy Bác sĩ niệm Phật muốn niệm theo mà không có sức mở miệng. Tay cử động muốn chắp tay mà không nổi. Mới biết lúc còn sức khỏe không hồi đầu niệm Phật, e rằng sẽ hối hận vĩnh kiếp về sau.

Có vào bệnh viện mới thấm thía lời Phật dạy : Thế gian là biển khổ. Đức Thích Ca căn dặn Địa Tạng Bồ-tát chớ để chúng sanh đọa ác đạo. Phải dạy cho biết nhân quả báo ứng. Kinh Bát Đại Nhân Giác : Sanh tử thiêu đốt, khổ não vô lượng. Phát đại từ bi phổ tế tất cả. Thay vì chúng sanh chịu vô lượng khổ, khiến cho chúng sanh vĩnh viễn an vui.

Khoan nói đến thay vì chịu khổ. Chỉ ngày đêm chịu khó ngồi canh họ, nghe họ than thở, đã khó khăn lắm rồi. Phải có lòng tin vững chắc, nguyện lực rộng lớn, niệm Phật chuyên cần, mới ra khỏi luân hồi sanh tử, theo hào quang Phật về nơi vĩnh viễn an vui. Lại theo nguyện lực đem giáo pháp mát mẻ thanh lương đi giáo hóa mười phương.

Được báo tin bệnh nhân đã thật    chết. Bác sĩ Huệ Trân ghé tai nói : “Con cô tuy còn nhỏ nhưng đã có bố nó lo. Nay nhất định đã tới giờ cô phải buông xả hết. Nhớ Nam mô A Di Đà Phật cầu về cõi Phật”. Kỳ lạ, nước mắt cô chảy đầm đìa. Bác sĩ mời các y tá lại dặn dò : “Nhà Phật nói : Người chết bình thường, phải đợi 24 giờ sau, thần thức mới lìa xác. Trong thời gian ấy phải để yên không động đến cơ thể. Việc này vô cùng quan trọng. Vì lúc cuối cùng, thân thể đau đớn như dao cắt kim châm, tâm dễ bực bội sân giận mà đọa về cõi ác khổ. Cần niệm Phật giúp cho người chết chánh niệm vãng sanh. Nếu mạng sống    chưa hết thì Phật lực gia trì, tiêu tai diên thọ. Phải tin chắc lời Phật dạy, sau khi tắt thở, không được động chạm đến thân người chết, dù là thay áo đổi giường, trong vòng 24 giờ.

Có người lúc lâm chung, phát    nguyện hiến mắt, tim hoặc bất cứ bộ phận nào còn dùng được cho ai cần.

Bác sĩ Huệ Trân khuyên : Tâm địa  Bồ-tát rất quý. Nhưng phải có đạo lực rất lớn, khi chịu mổ xẻ lấy mắt lấy tim đau đớn, tâm mới không hối hận. Nay tôi chỉ khuyên quý vị nhất tâm niệm Phật cầu về Tịnh-độ. Rồi theo đại nguyện đi khắp mười phương phổ độ chúng sanh. Chỉ cần bây giờ, lúc này nhất tâm niệm Phật để cuối cùng có thể lên tòa sen. Đức Thích Ca Mâu Ni là bậc thầy thuốc vĩ đại, đã chỉ rõ cho thế gian mở mắt thấy cái biển khổ sanh già bệnh chết, nguồn nhân (Tập), phương pháp giải thoát (Đạo) và cảnh giới an vui về sau (Diệt).

Hòa-thượng Hư Vân 106 tuổi cùng đi với đệ tử 36 tuổi. Cần qua sông bằng một chiếc cầu có hai cây tre ghép lại. Đệ tử còn ngần ngại. HT nắm cổ áo ông ta, nhấc bổng xách qua sông, một thoáng đã sang tới bên kia. Lại một lần, biết một pháp sư trong buổi thuyết pháp có ý phê bình ngài, các đệ tử giận dữ về chùa thuật lại. Ngài dạy rằng :

“Người ta gọi pháp danh ra chửi mắng, người xuất gia còn phải cảm ơn. Muốn cho Phật pháp được hưng long, Tăng phải khen Tăng. Trong thời mạt pháp đầy trược ác, người đã có thể đem Phật pháp giáo hóa chúng sanh là Bồ-tát, phước đức không thể nghĩ bàn. Ta chỉ nên tán thán các pháp sư, chớ có bới lông tìm vết”. Như thế ngài giáo dục đệ tử. Như ánh thái dương từ bi phổ chiếu từng ngọn cỏ lá cây. Kiếm trí tuệ chém sạch phiền não. Phương pháp rèn luyện của ngài là xay đến tróc vỏ, mài đến trắng tinh. Các đệ tử, mầm non đang lớn, bị khảo, có khi phiền trách, nhưng sau hiểu được, đều cúi đầu vâng tạ thiện ý từ bi.

Hòa-thượng Quảng Khâm 92 tuổi, leo núi thoăn thoắt, đôi mắt sáng quắc. Suốt 60 năm chỉ ngồi không nằm. Chỉ dạy người 2 việc : niệm Phật và đừng ăn thịt.

Quả vậy, chuyên niệm Phật, không nhân ngã thị phi, tham sân không khởi thì đời sống lúc nào chẳng cát tường. Lâm chung nhờ sức Phật tiếp dẫn về thánh cảnh. Không ăn thịt được sự hỷ duyệt của lòng từ bi. Hai câu này mở đường Hiền Thánh sáng rỡ. Chân thành tín thọ, nghiêm chỉnh phụng hành sẽ ra khỏi vòng luân hồi sanh tử.

Hàng ngày, ngài vẫn cùng đại chúng chuyên niệm Phật. Một hôm ngài bảo : Chúng ta tụng đại tạng kinh. Đệ tử vội vàng khiêng kinh ra bạch : Phải tụng quyển nào trước. Đáp : Tổng tụng. Rồi chúm chím cười, ngài lớn tiếng : Nam mô A Di Đà Phật. Mọi người mới hiểu niệm hồng danh Phật chính là tổng tụng toàn bộ đại tạng.

Hỏi : Tĩnh tọa thế nào để lưu thông huyết mạch ? Đáp : Nhất tâm niệm Phật, được niệm Phật tam muội thì tất cả huyết mạch đều thông. Quan hệ là sớm chuẩn bị tư lương. Mua vé xe, xác nhận ghế ngồi. Nguyện ai nấy sớm lấy vé hạng nhất, ngồi đài thượng phẩm.

Đương thời, lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam 97 tuổi vãng sanh. Nhiều bệnh nhân mới ngoài 30 tuổi, người nhà đã cho là kéo dài quá lâu. Ngài 97 mới ra đi mà thiên hạ còn than là trụ thế quá ngắn. Ngài khuyến khích đại chúng y theo đức Đại Thế Chí Bồ-tát mà tịnh niệm tương kế mới hy vọng đắc lực.

Chúng ta vọng tưởng mạnh như thạch nham từ núi lửa phun ra. Tịnh niệm lại quá yếu ớt. Sách một xô nước nhỏ đi chữa một đám cháy to. Công hiệu được bao nhiêu. Hiện đang khỏe mạnh, tinh thần sáng suốt mà không thể tịnh niệm tương kế. Tới giờ lâm chung, thân đau đớn, tinh thần hôn mê, làm sao tịnh niệm tương kế để về cõi Phật ? Tận hư không khắp pháp giới đều là Phật A Di Đà. Chúng ta đang ở trong thân ngài nên ngài tiếp dẫn dễ dàng. Chỉ cần chúng ta chịu về với ngài, buông sạch ngũ dục lục trần.

Bà Lại Tạ Diệu ở Viên Lâm Đài Loan siêng năng niệm Phật. Tâm từ bi, miệng ít nói, dự biết ngày giờ vãng sanh. Hỏa táng xong có rất nhiều xá lợi năm màu làm tăng thêm lòng tin cho mọi người. Xưa có câu : “Thuấn là ai ? Vũ là ai ? Họ làm được thì mình cũng làm được”. Việc bà lão này làm được, sao ta không cố gắng noi theo.

Thí dụ : Anh nhà quê trồng quít. Mưa xuân nắng hè, bão tố thu đông. Từ đất đen nở ra những trái vàng đỏ rực. Anh đã phải để tâm rất nhiều, bỏ ra lắm công phu. Có người ăn quít hấp tấp nuốt. Có người từ từ hưởng hương vị. Nhưng đều đã khát. Cũng thế, niệm danh hiệu Phật là đang gặt hái công phu tu hành của đức A Di Đà.  Danh hiệu có được do quá trình thành Phật bao nhiêu gian nan khổ sức. Bi nguyện rộng lớn chấn động cả trời đất. Nhẫn nại nỗ lực trải bao nhiêu kiếp mới có Phật quả chẳng thể nghĩ bàn. Niệm Phật có tín nguyện thành khẩn, sẽ được vãng sanh hưởng cảnh trang nghiêm tốt    đẹp, tự tại giải thoát. Niệm Phật lơ là, chỉ được quả báo nhân thiên. Nhưng đã có duyên với đức Di Đà thì sau này rốt cuộc thế nào cũng về Tịnh-độ.

Vãng sanh phát nguyện đi thôi,

Suối non đất khách mặc người quẩn quanh.

Quê nhà mau hãy về nhanh

Hễ về ắt được, ai giành gió trăng ?

Chúng sanh đang giẫy giụa trong biển sanh tử, nghẹt thở trong không khí uế trược Ta Bà. May được danh hiệu Phật, sẽ trở về bản tánh Vô lượng quang Vô lượng thọ, sanh về Liên Trì hải hội trang nghiêm.

 Ngựa hay vừa thấy bóng cái roi giơ lên đã vội tung vó chạy. Chúng ta nghe những chuyện thê thảm như trên, biết đời người nhiều khổ nạn, vội mau niệm Phật để cầu vãng sanh.

Ngựa hạng nhì đợi roi tới mình mới chạy. Ngựa hạng ba đợi chảy máu mới chạy. Hạng tư vẫn chưa chạy. Hạng năm đến chết cũng không sợ. Phật, Bồ-tát đành rơi nước mắt.

Chúng ta hãy vì Phật pháp, vì mười phương chúng sanh, niệm Phật cầu vãng sanh. Đem công đức hồi hướng cha mẹ thầy bạn, các Bồ-tát bệnh nhân v.v… Nguyện cùng nhau sanh về cảnh giới không có sự khổ, chỉ hưởng toàn vui. Đặt bước trên con đường về cố hương, chuẩn bị tham gia hải hội Thánh Hiền. Vâng lời Phật tổ dùng tâm rộng lớn không thể nghĩ bàn, xưng niệm danh hiệu không thể nghĩ bàn của đức A Di Đà Vô lượng quang Vô lượng thọ.

 Niệm một tiếng ra khỏi một trần lao. Lòng tin vững chắc. Mỗi niệm chiến thắng tất cả phiền não. Mỗi niệm đầy đủ quang minh tự tại. Từ danh hiệu bất khả tư nghì của Phật, thể hội tự tánh Vô lượng quang Vô lượng thọ. Ngẫu Ích đại sư đã dạy :

Chuyển kiếp trược thành hải hội thanh tịnh.

Chuyển kiến trược thành Vô lượng quang.

Chuyển phiền não trược thành Thường Tịch Quang.

Chuyển chúng sanh trược thành Liên Hoa hóa sanh.

Chuyển mạng trược thành Vô lượng thọ.

Nguyện từng tiếng niệm Phật thành khẩn thiết tha, trên những dòng sông sanh tử ta trồng đầy hoa sen.

Ai bảo đạo Phật bi quan ? Phật tử rất lạc quan. Bình thản can đảm đối diện với cái chết. Nhìn khổ đau bằng con mắt giác tuệ. Đối phó với khổ đau bằng tấm lòng từ bi. Cầu mong cho tất cả chúng sanh được an vui.

Đức Phật dạy thường xuyên quán về cái chết, vì sao chúng ta sanh ra để có thân, vì sao thân này phải già bệnh chết ?

Thân dù bệnh nhưng đừng để tâm bệnh, không phản ứng với đau đớn bằng ác cảm giận dữ. Gắng cười để chế phục cái khổ. Hễ cười được là có an vui. Đời sống như bọt nước, như bong bóng. Chúng ta nên khóc khi đứa bé sanh, vì sanh già bệnh chết, bốn khổ này nối tiếp nhau, không thể tránh được. Chúng ta nên cười khi ông già chết.

Các sư bên Tây Tạng không ăn mừng sinh nhật mà ăn mừng ngày chết, vì các ngài xa rời cuộc đời, chứng vô sanh. Không còn tái sanh là thoát luân hồi, vĩnh viễn hết khổ. Thánh nhân lúc này tuyên bố : Việc cần làm đã xong.

Hàng ngày mỗi bước chân đi trong chánh niệm là đang tiến đến mục tiêu. Can đảm nhìn vào lỗi mình.

Tha thứ nhìn vào lỗi người. Với trí tuệ và từ bi, tâm an tịnh bình thản.

Thấm thía cái khổ một cách sâu sắc, chúng ta mới quyết liệt xa lìa gốc khổ là ngã ái, thanh lọc tâm địa thoát hết phiền não.

a. Tôi ước nguyện giờ phút cuối cùng, tôi có nụ cười cảm ơn bác sĩ, y tá và mọi người chung quanh.

b. Lời nói cuối cùng là một pháp cú : Thế gian vô thường. Thân tôi sắp tan rã. Các bạn gắng nhớ sử dụng ngày giờ còn mạnh khỏe để lợi ích ta người.

c. Trên giường bệnh mong cho tôi vẫn nói pháp được. Thân đang suy tàn, sắp tiêu diệt là đề tài mà ai cũng thấy rõ ràng nên dễ hiểu. Cầu chúc ai nấy khéo sử dụng hạnh phúc an vui hiện tại. Hãy biết dùng hoa tươi trước khi nó tàn. Hãy tha thứ lời người sắp chết. Hãy tha thứ lỗi lầm thế gian vì ai rồi cũng sẽ chết. Đời sống ngắn ngủi. Chúc ai ai trong tâm cũng nở hoa từ bi. Hoa từ bi thắm tươi suốt đời vị lai trong khi hoa hồng sẽ từng cánh tàn rụng. Thân xác vô thường, tâm từ bi an vui mãi mãi, hạnh phúc muôn đời.

d. Nếu tôi không thể nói được nữa, mong cho tôi vẫn cười được cho tới hơi thở cuối cùng để gởi mọi người lời chào thân ái.

Hãy một lòng tin ở Phật pháp nhiệm mầu và có thái độ đứng đắn đương đầu với bệnh tật. Đau đớn giúp chúng ta chứng nghiệm lời Phật. Trình độ Phật học yếu kém, trí Bát Nhã cạn cợt là sự thiệt thòi lớn trong giờ phút này. Sanh thời quán triệt pháp hành thì lâm chung ca khúc khải hoàn. Đâu có chịu gục ngã thua cuộc. Giờ phút khắc nghiệt này thử thách sự nhẫn chịu. Đã biết chán cái thân ung độc này chưa ? Đau đớn bao nhiêu là báo hiệu giải thoát đến đó. Thân tan rã sớm phút nào giải thoát sớm phút ấy. Vậy càng đau càng mừng. Những cơn đau xé ruột giúp chúng ta cảm thông những khổ nạn của sáu đạo luân hồi. Vì được chấp nhận, cái chết trở thành thanh bình. Vì có tín ngưỡng, tương lai mù mịt trở thành quang sáng.

Kinh Phật kể nhiều trường hợp các Tỳ-kheo đau bệnh trầm trọng, vì cố gắng chánh niệm liên tục nên cuối cùng đạt Niết-bàn. Vọng cảnh sẽ mờ, vọng thân trở thành kẻ thù tra tấn không nới tay. Vọng tâm, giờ phút gay go không nơi nương tựa, chuyển thành một chuỗi Nam mô A Di Đà Phật. Chỉ còn một niệm này. Đức Phật Vô Lượng Quang Vô Lượng Thọ đang có nguyện độ tận chúng sanh. Mười phương chúng sanh, từ địa ngục đến thiên đường, đang ở trong tâm Ngài. Không một chúng sanh nào không đang ở trong bản nguyện của đức Phật. Ta còn một niệm Nam mô A Di Đà Phật. Ta còn cầu nguyện được cho cả pháp giới hữu tình, không một chúng sanh nào không được lợi ích, không bỏ sót một chúng sanh nào.

Nam mô A Di Đà Phật.

Đương đương thường hữu nhân cố.

Đương đương thường trụ pháp thân.

Làm sao cho ta và mười phương chúng sanh tỉnh được ra, buông xả vọng thân, trở về thường trụ chân tánh. Nguyện cầu pháp giới hữu tình đồng về cõi Phật, đồng thành Phật đạo.

Trân trọng

Tỳ-kheo ni Hải Triều Âm

NGHI THỨC NIỆM PHẬT

Cúi đầu hướng về nước An Lạc,

Thầy dẫn đường tiếp dẫn chúng sanh.

Con nay phát nguyện, nguyện sanh sang,

Xin đấng Từ Bi thương tiếp nhận.

– Nam mô Tây phương An Lạc thế giới đại từ đại bi, tiếp dẫn đạo sư A Di Đà Phật.

– Nam mô A Di Đà Phật (tùy ý).

– Nam mô Quán Thế Âm Bồ-tát (3 lần).

– Nam mô Đại Thế Chí Bồ-tát (3 lần).

– Nam mô Địa Tạng Vương Bồ-tát (3 lần).

– Nam mô Thanh Tịnh Đại Hải Chúng Bồ-tát (3 lần).

HỒI HƯỚNG

Con nguyện lâm chung không chướng ngại,

A Di Đà Phật rước từ xa,

Quán Âm cam lộ rưới nơi đầu,

Thế Chí kim đài trao đỡ gót.

Trong một sát na lìa ngũ trược,

Khoảng tay co duỗi đến Liên trì.

Khi hoa sen nở, thấy Từ Tôn,

Nghe được pháp âm liền hiểu rõ.

Nghe rồi tỏ ngộ vô sanh nhẫn

Không rời An Dưỡng lại Ta Bà

Khéo dùng phương tiện độ quần sanh.

Hay lấy trần lao làm Phật sự.

Con nguyện như thế Phật chứng tri,

Tất cả về sau được thành tựu.