CHUADUOCSU.ORG
TỪ BI – HỶ XẢ
TỪ BI
Ái là gốc khổ. Thấy một đám ma trẻ con, ta ngậm ngùi qua loa rồi thôi. Nhưng nếu con mình chết thì lăn lộn khóc mếu, những muốn chết theo con. Ái và Thủ là hành tướng vô minh. Ái sâu bao nhiêu siết chặt bấy nhiêu, sanh ly đứt ruột, tử biệt xé gan. Nếu chồng phản bội thì mối giận của vợ sẽ ung độc có thể hóa ra thù hằn.
Kinh dạy: “Không một người đàn bà nào chưa từng là mẹ ta. Không một người đàn ông nào chưa từng là cha ta. Từ vô thủy ta lưu chuyển trong luân hồi, tất cả chúng sanh đều đã từng là cha mẹ ta. Nước mắt người thân khóc ta nhiều hơn nước bốn biển”. Ân ái nối tiếp, đời đời gặp nhau. Sống ràng buộc, chết dõi theo, kết thành bà con quyến thuộc. Hơi trái ý nhau liền trở thành oán. Oán oán ân ân, đắp đỗi không cùng thành pháp giới trùng trùng duyên khởi.
Ái là tình thương vị kỷ nên tai họa không lường. Người ta thường nói hai chữ “thương hại” đi đôi với nhau. Nhưng ít ai để ý nhận xét cho thấu đáo cái nguy hại của Ái cho mình và cho người mình thương. Kinh Lăng Nghiêm nói: “Chính vì yêu quá nên ăn thịt lẫn nhau, mở cửa cho sát đạo dâm, ba gốc rễ luân hồi”. Nghĩa mật vi ta không hiểu rõ chớ cứ theo thông thường, ngay trước mắt, thì nếu không ham thích thịt gà, ai có giết gà, cướp mạng gà? Công cha nghĩa mẹ, Ái như biển hồ lai láng, thấm xương thấu tủy, nhưng đây lại chính là cái vực trầm luân. Những sông mê chảy về biển khổ. Bởi vì đều là tình thương vị kỷ chỉ lo siết chặt vào.
Từ Bi vị tha nên thênh thang rộng rãi. Vì không trói buộc nên không đau khổ. Từ bi nuôi trẻ mồ côi, may gặp ai nuôi giùm mình càng khỏe nhẹ, chứ con mình bỏ mình hẳn sướt mướt hết nước mắt. Giúp người mong đền ơn, cho tiền người nghèo mong được phước, đều là mặt trái của chấp ngã, chưa phải Từ Bi. Từ Bi khác xa ái kiến. Từ Bi không bao giờ pha lẫn một chút trông mong.
Hòa-thượng Thanh Từ kể chuyện “Nhân hoa quả cỏ”:
Năm xưa Hòa-thượng dưỡng bệnh tại am Bảo Lộc. Phật tử cúng dàng hạt hoa. Hòa-thượng tưới được bảy bữa. Lấm chấm mầm xanh nảy lá. Hòa-thượng gia công. Ít lâu sau được một bồn cỏ. Thầy hết sức ngạc nhiên, tưởng các Phật tử đã cho lầm hạt. Sau mới khám phá ra có một đàn kiến nhỏ, lẫn với màu đất, thường hay vào ra trong bồn. Thì ra mấy chú đã tha đi hết hột. Còn đất được xới tưới nên cỏ dễ lên.
Vợ chồng người em bị nạn xe chết một lúc. Vợ chồng người anh đem cả đàn cháu về nuôi hòa với con mình. Mười năm sau đàn trẻ trưởng thành. Bà bác than phiền: “Lũ cháu đã không ơn, trở lại oán ghét”. Dò hỏi lũ trẻ để biết vì sao nhân hoa mà lại thành quả cỏ. Mấy đứa trả lời: Bởi vì con máu cháu mủ. Bà đã nuôi mấy đứa như người làm không công. Việc nặng gọi cháu, việc nhẹ gọi con. Mỗi sáng cho con 2$ ăn lót dạ, cháu được 1$, chi chi cũng ưu tiên cho con v.v…
Thì ra trong lúc chúng ta cắm đầu vun tưới, tưởng sẽ nở hoa Từ Bi, thì đàn ái kiến đã tha hết hạt hoa lúc nào. Con và cháu hòa nhau một đàn. Vì không ngờ nên không trông chừng. Ái kiến lóa mắt khiến không thể bình đẳng trong tình thương. Bạc phước đã khó biết ơn mà dễ oán. Bát Đại Nhân Giác đã dạy rõ ràng: “Bần khổ nhiều oán, ngang kết ác duyên. Bồ-tát bá thí đẳng niệm oán thân…”.
Hay nói cho đúng vì các cháu không cha mẹ nên nghiêng thêm một chút tình thương. Cố tình bù đắp thêm khỏa vào những vô tình ái kiến khiến thiếu sót, may ra cứu được đàn trẻ thoát những quả báo của “vô ơn”.
Trên đây nói về tâm Từ Bi. Nay nói về hạnh Từ Bi. Đức Quán Thế Âm thờ lộ thiên thường được tạc tượng hình đàn bà. Người ta thường dùng danh từ “mẹ Quán Thế Âm”, “Phật bà Quán Thế Âm”. Bởi vì đàn bà dồi dào tình cảm, sẵn sàng hy sinh tất cả vì con. Trong kinh, đức Quán Thế Âm tự nói: “Ai cần thân đồng nam để được độ, Ta sẽ hiện thân đồng nam để vì nói pháp. Ai cần thân đồng nữ để được độ, Ta sẽ hiện thân đồng nữ để vì nói pháp”. Nghĩa là Ngài tùy chỗ cần thiết mà hiện thân, không cứ nam nữ sang hèn chi cả. Bởi vì Ngài là hình ảnh của Từ Bi. Chỉ có tình mẹ của thế gian mới tạm nói lên đôi chút một phần nào, nơi nương tựa cậy trông của những kẻ bơ vơ lạc lõng, vị ngọt ngào đối với đau khổ đói khát, khí ấm áp cho những rét mướt mùa Đông. Cõi Ta Bà thờ Ngài làm Từ Mẫu.
Các Tổ dạy lễ: “Nam mô thanh tịnh bình, thùy dương liễu, Quán Âm Như Lai cam lồ sái tâm nguyện”.
Tay cầm bình thanh tịnh, tay rũ cành dương liễu, Quán Âm Như Lai đem nước cam lồ rửa sạch tâm con.
Trước hết cái bình phải thanh tịnh. Bình có thanh tịnh mới chứa được cam lồ. Muốn học tập đức Từ Bi chúng ta phải súc cho sạch cái bình tâm địa. Bình còn chất độc thì thuốc bổ đổ vào biến thành thuốc độc. Ít nhất thân miệng cũng phải viên mãn năm giới, ý căn bớt độc tham sân si mới kham làm pháp khí chứa đức Từ Bi. Dương liễu là loại cây cành lá rất mềm dẻo. Dù mưa gió bão bùng bao nhiêu, cành nào cũng chiều theo hướng gió, nên cây được an lành không gãy. Bác sĩ chẩn mạch những người điên, vui vẻ chịu tất cả đấm đá chửi rủa, sự nghiệp cứu khổ mới mãn nguyện. Một số người nghèo bu vào cửa chùa xin ăn, quát tháo nhà chùa khinh người không cho vào, bắt ngồi ngoài sân. Nếu không nhẫn thì việc bá thí không thành.
Một xứ kia, vợ chồng Bà-la-môn có một con gái tuyệt đẹp. Bà-la-môn biết xem tướng, biết con mình sẽ làm hoàng hậu nên để ý tìm người có tướng đế vương mong gả con. Thấy Phật có đủ tướng một Chuyển Luân Thánh Vương. Vợ chồng mừng quýnh ngỏ ý. Phật trả lời: “Ta dùng làm gì đến cái đãy da hôi thối ấy?”. Gia đình Bà-la-môn căm thù. Về sau Phật và Anan tình cờ khất thực tại một đô thành, cô bé làm hoàng hậu. Hoàng hậu nhớ hận xưa, sai một bọn côn đồ chửi đánh thậm tệ. Ngài Anan tối mặt tối mày xin Phật lui đi nơi khác. Phật hỏi: “Giả sử tới đó ta lại gặp viẹc này thì ta đi đâu?”.
- Thành Ca Tỳ La Vệ quyết định bình an!
- Này Anan, một lương y có bao giờ yết thị: Nơi đây chỉ chữa bệnh nhẹ còn bệnh nặng xin đi nơi khác không?
- Thưa không, đã là lương y thì bệnh càng nặng càng lo cấp cứu. Còn bệnh nhẹ hoãn một chút không sao.
- Này Anan, những thành phố kia ta đã giáo hóa rồi. Còn nơi đây, tham sân si còn che phủ mịt mù, không phải là chỗ lương y chữa bệnh còn tìm nơi đâu?
Thái độ điềm đạm bình tĩnh của Phật, oai thần phước đức lực của trí tuệ nhị không, đã cảm hóa bọn côn đồ như mưa mát làm êm dịu khí nóng trời hạ. Nghe lời Phật dạy Anan, họ liền quỳ bạch: “Thật vậy Cù Đàm! Thật vậy Cù Đàm! Xin ở lại đây giáo hóa chúng tôi!”.
Cam lồ dụ Từ Bi. Cam: ngọt; Lồ: sương mai. Cam lồ đủ ba đức: trong sạch, mát mẻ, ngọt ngào. Muốn có đức Từ Bi lợi ích chúng sanh cần thanh tịnh và nhẫn nhục.
HỶ XẢ
Bệnh nhân trúng thực, thầy thuốc vội cho uống thuốc xổ mới khỏi, nếu không sẽ có cơ nguy hại. Chúng ta có thói quen rất dại. Gặp cảnh trái tai gai mắt không chịu quên đi, lại cứ chứa chấp trong lòng. Mỗi khi nhớ tới lại bực bội khổ não. Cảnh thật, một cái lườm, một tiếng nói nặng, vừa hiện ra đã tắt ngay. Nhưng chúng ta cứ hôm nay nhớ tới, mai lại nhớ tới, cả tháng không quên. Thế là khổ thêm một tháng nữa.
Có người nhớ một mối giận hàng 20 năm. Mà đã ôm trong lòng thì có cơ hội lại nói ra. Mỗi lần nhắc tới lại giận nữa. Một việc như vậy. Trăm việc cũng vậy. Cả đời chẳng được mát mẻ chỉ bởi vì cứ chứa của độc trong tâm.
Yêu hay ghét đều là duyên để gặp nhau. Muốn không gặp lại nữa chỉ có một cách là chớ để hình ảnh trong lòng.
Hỷ xả đem lại an vui hiện tại và vị lai. Kinh Lăng Nghiêm chép: Ngài Bạt Đà Bà La cùng 16 vị khai sĩ đồng bạn bạch Phật rằng: “Chúng tôi trước kia nơi đức Phật Oai Âm Vương nghe pháp xuất gia. Trong lúc cùng chư Tăng tắm, bỗng nhiên ngộ được chân tánh của nước, đã không rửa bụi cũng không rửa thân, chặng giữa yên lặng, được vô sở đắc. Túc tập không quên, nên đến ngày nay theo Phật xuất gia được quả vô học”.
Mấy chữ “Túc tập không quên” được Tổ Bích Liên giảng rằng: Thời Oai Âm Vương Như Lai, Tỳ-kheo Bạt Đà Bà La tu hành mẫu mực, thấy Tỳ-kheo Thường Bất Khinh không chịu ở chùa thiền quán tu hành, cứ chạy theo các Phật tử tại gia lễ lạy: “Tôi không dám khinh các Ngài, các Ngài quyết sẽ thành Phật”. Bạt Đà Bà La quở trách Thường Bất Khinh nặng nề. Vì tội chấp pháp ấy, Bạt Đà Bà La phải đọa địa ngục, bàng sanh, quỷ thú. Lưu chuyển mãi tới khi Thường Bất Khinh thành Phật hiệu là Thích Ca Mâu Ni, độ chúng ở hội Linh Sơn xứ Ấn Độ.
Ngài Bạt Đà Bà La vì có duyên xưa nên nay lại gặp. Đức Thích Ca biết Ngài xưa đã tu pháp quán về xúc trần nên dạy Ngài tiếp tục công phu. Câu chuyện này chứng tỏ ghét nhau thì đời khác sẽ gặp nhau.
Các Tổ vẽ hình đức Di Lặc cười hoài. Dù lũ trẻ nít chọc mắt, béo tai, kéo mũi, Ngài vẫn cười hỷ hả thoải mái.Bất cứ tại gia hay xuất gia, biết ứng dụng những hình ảnh các Bồ-tát hằng ngày mình thờ sờ sờ trước mắt thì sẽ đem an vui cho mình và cho người.