An cư 2015

CHƯƠNG TRÌNH AN CƯ – 2015

2h30’ chiều ngày 15-4 âl

– Chuông trống – Niêm hương.
– Tán Phật, 4 lễ.
– Lễ Tổ.
– Tiểu sám hối.
– Tán hương – Đại bi – Khai luật kệ.
– Thông kiểm số chúng an cư.
– Lễ bạch thỉnh Chủ Pháp Sự.
– SC Vĩnh Lạc huấn từ ngày khai hạ.
– Thượng tòa đối thú an cư.
– Đại chúng bạch an cư.
– Cung an chức sự.
– Ban chức sự phát nguyện.
– SC Bảo Giác đáp từ.
– Bát Nhã – Hồi hướng – Tam quy.
– Đọc bài Tán đức Hộ Pháp.

 ∞∗∞

Rằm tháng tư đã về đây!

Mỗi năm chúng ta chuẩn bị mùa hạ, cần ôn lại những gì dở đã qua để tránh, xét những gì cần bổ túc cho mùa hạ sắp tới. Ni chúng phải nghiền ngẫm mục đích sinh hoạt của mình, dù là an cư hay tự tứ, thọ giới hay học kinh, mỗi cử động đều nhắm vào việc mà quý Hòa-thượng gọi là đại sự.

Thiền sư Thanh Từ bắt mạch Tăng Ni, thấy bệnh thông thường nhất là “tự mãn”. Năm đầu ai nấy hăm hở quyết chí giải thoát, nhưng dần dần đạo trở thành một cái gì xa lắc xa lơ. Kinh A Hàm nói: “Xuất gia như cô dâu mới về nhà chồng, đối với cha mẹ chồng khép nép cung kính. Đôi ba năm quen rồi, khinh lờn, chẳng cần lễ phép”. Chúng mới cạo đầu cũng thế, ban sơ trên kính các thượng tòa, dưới nể vì huynh đệ, tỏ ra dễ dạy ngoan ngoãn, nhu hòa, nhẫn nhịn. Nhưng ít lâu sau thì “gần chùa gọi Bụt bằng anh, thấy Bụt hiền lành cõng Bụt đi chơi”. Thuộc hai thời công phu, rành rẽ mấy khóa lễ, học xong vài bộ kinh, thế là tự mãn, tự cho là đủ. Không bao giờ nghĩ đến 2 chữ “tu chứng”.

Nghiệp thức mơ màng, vọng tình chưa hết, làm sao ra khỏi luân hồi? Điểm chính nhắc nhở chị em hôm nay, là phải thực hành những gì đã học. Chí nguyện thiết tha thì công hạnh sẽ chuyên cần. Công hạnh chuyên cần sẽ liễu đạt đại sự. Có sáng được việc lớn, chúng ta mới đáp ứng bản hoài độ sanh của Phật Tổ, mới xứng đáng chí nguyện xuất gia, mới không phụ công hộ pháp của mười phương tín thí.

Nếu không sáng được việc này, đạo Phật trở thành vô giá trị. Cho nên mùa hạ năm nay, chúng ta làm sao cho cái mê từ lịch kiếp phải mòn, phải mỏng.

Người xưa đau khổ xót xa rơi nước mắt mỗi khi mặt trời sắp lặn, tiếc tấc bóng quang âm hơn vàng ngọc. Chúng ta hôm nay cũng lập nguyện cho mạnh, lập chí cho vững để vươn lên.

Ngài Phần Dương dạy: “Bốn đại như bọt nước, thân như lá trên sông. Bổn tánh diệu linh quang khoáng kiếp còn mãi mãi”.

Triều đình mời ngài về kinh đô, ngài từ chối. Sứ giả thưa: “Con đi không được việc, về ắt bị trị tội”. Ngài đành trả lời: “Vậy thì ngươi cứ về trước, ta sẽ đi sau”. Rồi ngài nhóm chúng hỏi: “Ta phải đi, trong chúng có ai đi theo ta được không?” Thị giả xin đi. Ngài hỏi: “Ngươi đi một ngày được mấy dặm?” Thưa: “Hòa-thượng tới đâu con tới đó”. Ngài liền kết già: “Ta đi đây”, nói rồi liền tịch. Thị giả đứng hầu khoanh tay tịch theo. Sống chết tự tại như vậy gọi là đại sự của người tu.

Thân bốn đại mỏng manh vô thường, hư vọng như bọt nước. Chiếc lá trên sông theo sóng đong đưa, tùy làn nước chảy về Đông hay về Tây, làm sao có quyền tự chủ? Chỉ nhắm mắt mặc cho nghiệp lực xoay vần. Chúng ta vào bào thai, ra làm con người, con trâu, con chó, hoàn toàn mịt mù mê muội, được sao biết vậy, nói gì đến kén chọn đường đi. Còn tâm linh vô lượng quang của chúng ta muôn kiếp vẫn thanh tịnh không hư không hoại. Nên sống với căn bản sanh tử hay cầu sống với căn bản Bồ-đề? Ba tháng xuân Lăng Nghiêm chúng ta đã học và hiểu.

Nay chỉ còn một thắc mắc: “Ngài Phần Dương đã đại tự tại đến như thế, sao còn sợ vinh hoa, đến nỗi phải thị tịch, để lánh vua quan triều đình?”

Thưa: “Đốn ngộ thì đồng với Phật, nhưng tập khí nhiều đời thâm sâu đâu dễ đốn trừ”. Đây là tiếng chuông cảnh tỉnh những ai muốn lao xuống sông vớt người chết đuối, trước nhất hãy tập bơi cho thật thạo.

Mong ước rằng thêm mùa hạ này nữa, chúng ta chuyên tu học giới luật, xây đắp thật chắc thật bền nền móng giải thoát.

(Trích trong Bốn Mùa Hoa Giác của Tôn sư Hải Triều Âm)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *