Chuyện Vận Trù

Ngày 207-1987 (Đinh Mão)

OAN HAY KHÔNG OAN

Trong giờ sinh vật, Thầy giáo hỏi Tuấn:

– Em hãy cho biết đánh rắn người ta cần đánh ở chỗ nào?
– Thưa Thầy, người ta đánh rắn ở hang rắn ạ!
– Sai rồi! Người ta phải đánh ở đầu nó hoặc chém đứt nơi cổ nó.
– Em nhận 1 điểm.

 Sang giờ lịch sử, Thầy hỏi Tuấn:

– Liễu Thăng bị ta chém ở đâu?
– Thưa Thầy, ta chém ở cổ nó ạ.
– Sai rồi! Nó bị ta chém ở Chi Lăng. Em nhận 0 điểm.

* Ban chức sự Viên Thông sẽ được 10 điểm nếu giải quyết được việc này: Hiện nay Q và V đã hồi tâm trở về với chúng ta. Nếu chúng ta xếp một hoàn cảnh lành để đón tiếp hai chị thì sẽ cảm hóa được hai lông bông về đạo hạnh.

Nhưng nếu vụng về thì đã hỏng lại hỏng thêm, vừa mất thời giờ cho hai chị, vừa động loạn cả chúng, thà đừng đón tiếp còn hơn. Trong việc hết sức tế nhị này, phải người tại chỗ, vận trí tuệ và tâm từ bi mà xử sự mới lợi ích cả ta và người. Theo lời nói của VL, Thầy thấy Q và V ở Liên Hoa không thể tăng tiến tinh thần cao thượng. Nên Thầy muốn gởi hai vị về Viên Thông để cầu thở không khí tươi trẻ. Nhưng Viên Thông lại không có người lớn để bẻ dẹp hai cái đầu cứng cổ này. Thầy như bế tắc chỉ còn một cách cho hai chị vào lớp Tỳ-kheo-ni của VL.

Phải nhóm chúng để cùng nhau vận trù một kế hoạch, phải toàn chúng góp công. Hai chị đã tình nguyện xả hết các tuổi hạ, thư từ, khách khứa… Tất cả khuôn phép quy luật kiểm soát phải giữ in như hai chị ở Liên Hoa. Không có tướng thì lính phải đứng lên giữ trại, không có bộ đội thì dân phải đứng lên tự vệ. Trên Thầy và Liên Hoa không làm nổi mà Viên Thông vận trù được mới thật là hay.

Cố gắng, toàn chúng Viên Thông, trên từ BG dưới đến CĐ, gắng hộ Thầy tìm cách nào vớt được hai chị.

Thầy không bắt ép các con việc này. Liệu sức với nhau, nếu nổi thì nhận, không nổi thì đành thôi.

Hai chị Q và V về với chúng ta với tất cả thiện chí. Nhưng Thầy không muốn hai chị đứng địa vị chỉ huy và lôi cuốn.

Thầy muốn Viên Thông cải hóa hai chị, chứ không muốn các em bị theo đà của hai chị. Rất khó, vì hai chị rất hay, tốt bụng và hấp dẫn nhưng còn cần một thời gian dài để tẩy trừ hết những buông lung của những năm lang thang. V chắc còn gần kỷ luật cửa thiền hơn Q.

Thôi nói nhiều chỉ lèm bèm khiến các em càng chẳng biết phải chém ở đâu. Trông mong ở toàn chúng Viên Thông vận trù làm sao cho hai vị Tỳ-kheo-ni này trở về đường giác tỉnh, vui tươi và lành mạnh.

Đức Bổn Sư cám ơn các con nhiều.

DANH TỪ  “VẬN TRÙ”

Nội dung của hai chữ “Vận trù” rất rộng nhưng gọn lại nghĩa là bất kỳ việc gì cũng có nhiều cách để thi hành. Vận trù là cân nhắc tính toán để chọn cách nào lợi nhất, nhanh nhất, đỡ tốn kém nhất, đạt kết quả cao nhất. Bất cứ ở lãnh vực nào trong đời sống cũng cần tập học vận trù. Đây là một thí dụ để giải nghĩa danh từ vận trù.

Điền Kị là một nhà toán học của nước Tàu thời cổ. Một hôm chơi đua ngựa với nhà Vua. Ngựa được chia làm ba loại: A, B và C. Trận đầu tiên: Ngựa Vua về tới đích đã lâu mà không thấy tăm hơi ngựa của Điền Kị đâu, Vua quan đắc chí cười ngặt nghẽo. Kị bình tĩnh.

Trận thứ hai: Ai nấy ngạc nhiên khi thấy ngựa Điền Kị về trước.

Trận thứ ba cũng thế.

Vua được một trận, thua hai trận, thành thua cuộc. Điền Kị tâu rằng: Không phải kẻ hạ thần đã có tài luyện ngựa hơn quan điều ngự của nhà Vua. Đây chỉ là do kẻ hạ thần đã tính toán trước nên biến yếu thành mạnh, biến bại thành thắng.

Thần biết quan điều ngự thế nào cũng cho ngựa loại A ra đấu trước nên Thần cho ngựa loại C ra trận đầu.

Trận thứ hai, quan điều ngự cho ngựa loại B thì Thần cho ngựa loại A ra đấu.

Trận thứ ba, quan điều ngự cho ngựa loại C ra thì Thần có ngựa loại B để đấu.

Sách kết luận: Điền Kị làm vận trù rất tuyệt.

Thầy phụ bàn:

Điền Kị là một nhà toán học nhưng không phải chỉ học những con số. Mà đã biết dùng toán học, những con số để luyện trí thông minh của mình. Không phải chỉ luyện trí để thành một nhà bác học trong Hàn Lâm Viện mà để thành một con người sung sướng. Bất luận ở đâu, hoàn cảnh nào, khi học, khi làm việc cho đến khi chơi đùa cũng “vận trù”.

Vận trí tuệ để trù tính trước rồi mới nói, mới làm, mới quyết định cho nên đã có khả năng biến yếu thành mạnh, biến bại thành thắng.

Chúng ta học đạo giác tỉnh, nếu chỉ học để đọc bài lấy điểm, hoặc nói thật hay, giảng pháp ro ro mà không tập vận trù thẳng vào sự giác tỉnh, chiếu kiến năm ấm đều không, thì trong trận đấu với ma quân, con đấng Pháp Vương, chưa chắc đã chiến thắng.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *