HT Thanh Từ

Ngày 27-02 Đinh Mão (1987)

THƯỢNG TỌA THANH TỪ GIẢNG TẠI PHÚ AN

 

* Có người hỏi Triệu Châu: Con chó có tánh Phật không? Đáp: Không.

Hỏi: Phật dạy tất cả hữu tình đều có Phật tánh, làm sao con chó không có? Đáp: Vì nghiệp thức che đậy.

Kinh Lăng Nghiêm dạy: “Người tu không tiến được đến cứu cánh, gốc do không hiểu nghiệp thức”.

Thức là phân biệt. Nhãn nhĩ tỵ thiệt thân ý, 6 thức phân biệt cảnh ngoài. Thức thứ 7 chấp ta. Thức thứ 8 minh ký ức trì, chuyển nhân thiện ác thành những quả dị thục sanh tử.

Nghiệp là thói quen. Thói quen phân biệt thân sáu căn là thật ta, cảnh sáu trần là thật pháp. Chấp ngã, chấp pháp là gốc vô minh. Thói quen phân biệt là si. Cảnh thuận sanh thọ vui. Cảnh nghịch sanh thọ khổ. Vui tập thành tưởng yêu (tham). Khổ tập thành tưởng ghét (sân). Từ tham sân si tạo nghiệp sát đạo dâm vọng (vô minh duyên hành). Hành duyên thức nghĩa là nghiệp dẫn thần thức đi đầu thai. Nghiệp thiện đưa lên trời người. Nghiệp ác đưa vào địa ngục, ngã quỷ, bàng sanh. Hàng ngày nghiệp thức phân biệt triền miên, vô biên tham sân đầy lồng ngực, niệm niệm thiện ác như sóng biển nên kiếp này kiếp khác luân hồi. Kinh dạy còn tơ hào kiến-hoặc tư-hoặc là còn chưa giải thoát.

Niệm Phật chỉ nhớ Phật nhưng chốc lát đã nhớ hết thứ này sang thứ khác. Thói quen tạp loạn không ngơi.

Tánh giác bị nghiệp thức ngăn che không sao hiển lộ. Thí dụ hỏi đêm rằm có trăng không? Đáp: Không.

Ai cũng ngạc nhiên làm sao ngày rằm lại không trăng.

Nhưng nếu mây kéo đen kịt thì sao trăng lộ. Muốn tánh giác hiển sáng thì phải khỏa tan mây đen nghiệp thức.

Tri kiến lập tri tức vô minh bản.
Tri kiến vô kiến tư tức Niết-bàn.

Kinh A Di Đà dạy nhất tâm bất loạn từ một đến bảy ngày thì Phật hiện tại tiền. Một ngày nghiệp thức tan đi thì ngày ấy mình là Phật.

Ngồi thiền cốt để chứng Niết-bàn. Nên phải định thần khỏa tan nghiệp thức. Giác ngộ và giải thoát ở ngay chỗ này.

 

* Có người hỏi Triệu Châu: Con chó có Phật tánh không? Đáp: Có.

Hỏi: Phật tánh sáng suốt làm sao lại ở trong đãy da lù xù? Đáp: Vì biết mà cố phạm !

Ăn cắp thường trốn không cho người thấy, tức là biết xấu biết trái mà vẫn cố làm, chỉ vì không tự chủ được mình. Lương tri bị tham sân si che lấp không đủ sức tự tại. Để cho nghiệp làm chủ nên chịu trói buộc. Giải thoát là gỡ hết nghiệp. Ngài Đạo Giai ở hồ Phù Dung, đạo hạnh vang đồn. Vua nghe danh sai Sứ ban tử y và phong tước. Ngài dâng biểu xin khước từ, nguyện được sống một đời bình dân giản dị. Vua chạm lòng tự ái, ra lệnh nếu không nhận sẽ bị hình phạt nặng vì tội khi quân. Quan Khâm-sai thấy cốt cách đạo phong, không nỡ trị phạt, tìm cách mở lối thoát cho Ngài, nên hỏi: “Đạo nhân ốm yếu như vậy, chắc trong người có bệnh. Nếu có bệnh thì khoan xử”. Ngài thưa: “Bần Tăng trước kia cũng có chút bệnh nhưng nay đã khỏe rồi”.

Ngài không muốn phạm giới nói dối dù bị gia hình. Đây là tinh thần tự chủ, cam chịu khổ để bảo vệ giới phẩm. Những người như thế thì nghiệp làm sao dẫn về ác đạo.

Như một thanh niên ai rủ đi đâu liền theo đi, rủ đi đánh bạc liền đi đánh bạc, rủ đi ciné liền đi ciné… biết quấy mà vẫn cố làm, chỉ vì không có sức tự chủ. Người này hiện tại đã mất quyền tự do, mai sau tương lai hẳn là đáng sợ.

Có tự chủ mới có giải thoát. Có tự chủ mới có tự do.

Dù tu Thiền hay tu Tịnh-độ, nghiệp thức làm mờ tánh giác. Nếu mất tự chủ, để nghiệp dẫn đường, thì quyết sẽ rơi vào chỗ mình không muốn. Cho nên đã biết là dở thì quyết không làm. Như thế sẽ khôi phục dần dần sức tự chủ. Làm chủ mình là chân giải thoát.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *