CHUADUOCSU.ORG
Lăng Nghiêm kết căn
Ngày bố tát đầu tiên mùa an cư 1985
Thân gởi Liên Hoa, Viên Thông và Hoa Nghiêm!
Hôm nay Thầy học Lăng Nghiêm tới bài:
“Niêm trạm phát kiến. Kiến tinh ánh sắc, kết sắc thành căn. Nhân danh nhỡn thể như bồ đào đóa. Phù căn tứ trần lưu dật bôn sắc”.
Pháp Sư Viên Anh ở giảng đường Viên Minh, Thượng Hải giảng rằng:
Do chân và vọng hòa hợp nên có kiến tinh là kiến phần của thức thứ 8. Vơ lấy sắc trần, kết ngoại sắc thành nội tứ đại thắng nghĩa căn. Thắng nghĩa căn là thanh tịnh tứ đại rất vi tế (là nói bộ thần kinh, chỉ có mắt Thánh mới thấy). Chữ nhân nghĩa là y (nương). Thắng nghĩa căn y vào phù trần căn (mắt) hình như trái nho. Thật ra cả thắng nghĩa lẫn phù trần đều lấy tứ đại làm thể. Nhưng đây Phật lại gọi thắng nghĩa là tứ đại còn phù căn là tứ trần, vì kia đây hỗ ảnh (hiển bày lẫn nhau) vậy.
Chúng sanh tụ thấy nơi mắt. Kiến tinh nương căn mà ra, hàng ngày cùng sắc tương đối, căn theo trần chuyển, rông rỡ chạy theo sắc cảnh, còn bị trần cuộc, từ đây cùng với tai mũi v.v… vĩnh viễn cách biệt. Trong 10 bài “hiển tánh thấy” ở đầu kinh có câu “do khí hình khác nhau nên hư không tựa hồ khác nhau” chính là thí dụ việc này.
Như nước, thể vốn vô tướng và lưu thông, đem để vào những khí cụ vuông tròn dài ngắn trong tủ lạnh, biến thành những cục băng chướng ngại và khác nhau. Sáu căn mở ra sáu thế giới cảm giác, chúng sanh theo sắc lưu chuyển, bị cảm giác kích thích, kết sử thúc đẩy tạo nghiệp, cam chịu khổ báo trói buộc hành hạ, không biết lối nào ra.
Cái quay búng sẵn trên trời
Lờ mờ nhân ảnh như người đi đêm.
Ông Anan khánh hạnh tao ngộ Như Lai. Bọn chúng con phiêu lưu sanh tử, trầm nịch các thú, lịch kiếp cô lộ, không nơi nương tựa, không chỗ trở về. Nay tạm thời ra khỏi ác thú, được thân người thật là đại hạnh. Nhưng trẻ không sữa, mệnh sống chỉ là sợi tơ. Phước duyên gặp Phật xuất gia, được bú sữa pháp, hy vọng tuệ mạng trùng quang.
Phật dạy: “Ông chỉ không tuần động, tĩnh… 12 tướng hữu vi”.
Đây chính là dạy công phu lìa trần, từ căn giải kết. Phương pháp giải thế nào? Cốt yếu là xoay căn lại, trần tướng tự lìa. Hai chữ “bất tuần” đồng nghĩa với “bất tùy phân biệt”. Như nước bị lạnh đóng thành băng nay chỉ cần thoát lạnh là băng trở về nước. Ai có chí Lăng Nghiêm phải để tâm lắm lắm vào hai chữ “bất tuần”. Đây là nhất-thừa-tu-pháp-xảo-diệu. Đây chính là ngõ vào nhà hoa ốc. Đường tu giản dị, thiết yếu, tối viên đốn. Đây là công phu nhập lưu giải kết của đức Quán Thế Âm.
Song khách xuất trần nên để ý câu: “lưu dật bôn sắc”. Ba danh từ liên tiếp:
– Lưu như sóng mạnh cuồn cuộn.
– Dật như đốt rừng thông, lửa phóng lan tràn.
– Bôn như ngựa đua, phi mặc sức.
Ý nói thuận theo một thế lực không gì kìm hãm. Đây là nói một căn mắt. Chúng ta có những sáu căn. Thứ nhất là ý căn. Từ lịch kiếp nó đã đưa chúng ta đi những đâu?
Pháp sư Viên Anh mở lời rằng:
Quần sanh ai cũng có tâm mà chân tâm khó ngộ. Tu hành chẳng ai không cầu định mà tánh định khó minh.
Chỉ chân tâm, bày tánh định, duy có kinh Lăng Nghiêm.
Và Ngài kết rằng: “Phật dạy thời mạt pháp, kinh Thủ Lăng Nghiêm sẽ mất đầu tiên”.
Vậy nơi nào còn học Lăng Nghiêm, còn giảng Lăng Nghiêm nơi ấy chưa phải đã vào thời mạt pháp.
Hải Triều Âm