CHUADUOCSU.ORG
Lễ vía đức Văn Thù Bồ-tát
Mùng 4 tháng 4 năm Bính Thân (10.05.2016)
KỶ NIỆM NGÀY VÍA ĐỨC VĂN THÙ SƯ LỢI BỒ TÁT
SỰ TÍCH ĐỨC VĂN THÙ
Văn Thù Sư Lợi hay Mạn-Thù-Thất-Lợi là tiếng Ấn Độ, Tàu dịch là Diệu Cát Tường nghĩa là tất cả diệu sự thế gian hay xuất thế gian đều do trí tuệ mà có. Cát Tường nghĩa là an lành.
Thời Phật Thích Ca ở Ấn Độ, Ngài thuộc giòng Bà-la-môn, phái Tịnh Hạnh, ở làng Dala nước Xá Vệ, theo Phật học đạo, đứng địa vị một đệ tử thượng thủ trong hàng tại gia. Người ta thường gọi Ngài là đồng tử vì Ngài không lập gia đình, chuyên tu Bồ-tát đạo. Ngày nay tượng Bồ-tát Văn Thù thờ chầu bên phải Đức Phật tiêu biểu cho trí tuệ. Tượng Bồ-tát Phổ Hiền chầu bên trái tiêu biểu đại hạnh. Cho nên biết rằng thời Phật tại thế, hai vị có trách nhiệm trợ hóa về giáo lý đại thừa.
Trong Kinh Phong Bát, Đức Thế Tôn dạy rằng: “Ta thành Phật là nhờ ơn Văn Thù. Vô số Phật quá khứ đã là đệ tử của Văn Thù. Chư Phật vị lai cũng phải nương nhờ trí tuệ Bồ-tát mới thành tựu”. Cho nên Văn Thù được coi là cha mẹ chư Phật.
Về tôn dung của Bồ-tát Văn Thù người ta tạc tượng Ngài đỉnh đầu có 5 búi tóc, tượng trưng 5 trí của Phật (nhất thiết chủng trí, đại viên kính trí, bình đẳng tánh trí, diệu quan sát trí, thành sở tác trí). Tay cầm gươm biểu hiện trí tuệ có khả năng chém chặt tất cả phiền não chướng ngại. Ngài cưỡi sư tử vì trí tuệ là chúa tất cả công năng cũng như sư tử là chúa muôn loài. Hình tượng phần nhiều hiện tướng cư sĩ nhưng ở Trung Hoa, Nhật Bản và các nước đại thừa, tại những Tăng-đường, Trai-đường và các giới đàn đều có thờ đức Văn Thù với hình tướng Tỳ-kheo.
Trong Kinh Bà Sa Ni, Bồ-tát Văn Thù tự nói: “Các quốc vương, các quân sĩ ra trận nếu viết phù câu đà-la-ni của Ta lên đỉnh đầu và luôn luôn tưởng niệm thì không bị hại. Nếu vẽ tượng Văn Thù cưỡi sư tử vào lá cờ cho vác đi trước, giặc sẽ tan”. Cho nên biết rằng đỉnh lễ đức Văn Thù, không những chúng ta tưởng niệm đến trí tuệ Bát-Nhã là nền tảng của đạo Phật mà chúng ta còn được oai thần Bồ-tát gia hộ cho được bình an tinh tấn tu hành để sớm thành công mãn quả.
NHỮNG CÂU CHUYỆN LINH CẢM
– Giải Thoát Hòa-thượng, người huyện Ngũ Đài, 7 tuổi xuất gia. Về sau tới Đông Nam Đài, chùa Cổ Đại Phù, học kinh Hoa Nghiêm, cầu đức Văn Thù Sư Lợi Bồ-tát gia hộ. Được Ngài hiện thân, tự miệng dạy rằng: “Ngươi lễ ta làm gì, hãy tự hối trách ắt sẽ đại ngộ”. Sau nhân hồi quang tự phản chiếu, bèn ngộ vô sanh và được pháp hỷ. Sau thương mình độc thiện, mong lợi ích chúng sanh, lại thiết tha khẩn nguyện đức Văn Thù. Bỗng thấy chư Phật hiện thân nói kệ:
“Phật pháp tịch diệt thậm thâm
Khoáng kiếp tu hành nay mới được
Nếu có thể rộng mở pháp nhãn này
Tất cả chư Phật đều tùy hỷ”.
Quan đô đốc Châu Thường Bản thỉnh Sư truyền giới. Khi tiễn chân Ngài về đến Thành Đông, trời chiều, nghĩ đến thắp hương. Cả đại chúng đều nghe hư không có tiếng nói: “Chắp tay là búp hoa, thân là bát hương, thiện tâm là chân thật, hương theo lời tán thán tỏa khói bay, chư Phật tới hộ trì. Đại chúng cần tinh tấn trọn chẳng nên nghi ngờ”. Ai cũng nghĩ rằng đây là Đại Thánh hóa thân. Đức rộng độ sanh hiển hiện chưa từng có.
– Tăng Già Di Đa La người Ấn Độ, đã chứng A-na-hàm. Cao Tông Đại-đế rất tôn trọng, thỉnh vào cung cúng dàng.
Đa La xin cho đi tìm các thánh tích đức Văn Thù ở núi Thanh Lương để lễ bái. Nhân ra phương Tây, đến chùa Thái Nguyên thấy chư Tăng chuyên học kinh Hoa Nghiêm, Ngài hoan hỷ chắp tay nói rằng: “Kinh này có công đức khó nghĩ bàn. Bên Ấn Độ tương truyền rằng ai đọc Kinh này, nước rửa tay nhỏ thấm xuống trùng kiến, nó xả mệnh sẽ được sinh thiên”.
– Hư Vân đại sư người Trung Hoa là một Thánh Tăng của thế kỷ thứ 20 chúng ta. Bà mẹ đã lớn tuổi, cầu Tam-bảo được Ngài là con duy nhất. Ngài sinh ra trong cái bọc. Bà mẹ sợ hãi quá, đứng tim, liền chết. Ông bố sai vứt quái thai đi. Bỗng có một vị Tăng tới khuyên gia nhân xé bọc ra được Ngài.
Lớn lên xuất gia, Ngài phát nguyện tới Ngũ Đài Sơn lễ đức Văn Thù cầu siêu cho mẹ. Ngài đi một bước lạy một lạy nên hành trình trải qua nhiều năm. Bữa kia, mưa tuyết phủ trắng, Ngài lập cập vừa run vừa bước. Bỗng có một thanh niên ở đâu hiện ra, xin đeo hành lý dùm để Ngài lễ lạy đỡ vất vả. Lại có khi, đường dài không người, Ngài mệt lả, bỗng có cái quán bên đường, có người thanh niên vui vẻ đỡ hành lý, mời Ngài vào quán, bốc tuyết nấu cháo cho Ngài ăn đỡ đói, đỡ rét. Còn rất nhiều sự kỳ lạ đã xảy ra để giúp Ngài Hư Vân thoát bao nhiêu tai nạn.
Cuối cùng khi Ngài viên mãn chí nguyện mới được tiết lộ là chính đức Văn Thù đã hiện thân giúp Ngài suốt dọc đường.
Nhật ký của Ngài Hư Vân có ghi chép rõ ràng mỗi ngày mỗi ngày và đã được dịch sang tiếng Việt Nam. Nên những chuyện kể trên các Phật-tử số đông đều biết rõ.
– Đời Hậu Ngụy, một Sa-môn đội kinh Hoa Nghiêm vào núi Thanh Lương cầu đức Văn Thù gia hộ. Được một năm, chân nát máu chảy, thịt thủng tận xương. Hốt nghe hư không có tiếng nói: “Hãy dừng lại, suy ngẫm kinh này”.
Nhân đó mở sách đọc, thoạt nhiên đại ngộ. Sau ở lại chùa Thanh Lương, kính tạo Hoa Nghiêm luận diễn nghĩa, lời văn cùng triệt, nghĩa lý đỗng áo. Sau về chùa Trung Nham (cũng ở dãy Ngũ Đài Sơn) viết luận cả 100 quyển.
– Tăng Pháp Thuận họ Đỗ, người Kinh Triệu, xã Lăng Nhân, tiết tháo cao khiết, theo học sư Vô Thường, lấy Hoa Nghiêm làm sự nghiệp, thường ở núi. Muốn trồng cây độc quỳ, đất nhiều trùng kiến, bèn ngồi định để đối trị, trùng bò đi hết. Tận lực cày bừa khai khẩn mà không tổn hại một vật nào.
Có người ở huyện Tam Nguyên sinh ra đã điếc câm, Ngài gọi tới nói chuyện, người ấy liền khỏi tật. Ngài tới núi phía Nam, có dòng nước chảy ngang tràn trề. Ngài ngăn dòng nước đứng lại, nước tuy vẫn chảy nhưng từ đấy có thể đi bộ bước qua.
Ngày lâm chung, Ngài hội những người có duyên, dạy một câu: “Âm thanh sắc tướng chớ ham”. Hiện nay toàn thân trong tháp ở phía Nam, chùa Hoa Nghiêm vẫn còn. Dân chúng tin đấy là đại thánh Văn Thù hóa thân.
– Đời Bắc Tề, năm Thái Hòa, Vương-tử thứ 3 vào núi Thanh Lương thiêu thân cúng dường Văn Thù Sư Lợi Bồ-tát. Một vị quan hầu tên Khiêm Chi đích mắt thấy sự việc, xin Vua cho vào núi tu đạo, chỉ đem theo một bộ kinh Hoa Nghiêm. Ngày đêm tinh cần lễ đức Văn Thù, cầu thầm gia hộ. Hết lương thực, 21 ngày chỉ uống nước lã, hình khí tuy ốm đi nhưng nét mặt hồng hào. Hốt cảm râu tóc rụng hết, hiện tướng trượng phu, tâm thần thông ngộ, đỗng hiểu ý chỉ thâm áo, tinh tu không nghỉ, viết luận Hoa Nghiêm 600 quyển. Vua Cao Tổ hay biết, kính tin bội phần. Giáo lý Hoa Nghiêm do đây truyền thịnh.
(Tôn sư Hải Triều Âm trích dẫn trong Hoa Nghiêm Sớ Sao của Thanh Lương Quốc Sư)