Lỗi Tại Ai

Ngày 9-9 âl (1986)

Một hôm, hai vợ chồng tôi đọc trong sách thấy người ta nói những bất hòa trong gia đình. Thường do mỗi khi trong nhà có sự cố gì xảy ra, cả chồng lẫn vợ thường đổ lỗi cho nhau và ai cũng giành phần tốt, đúng về mình và nằng nặc đòi nhường phần xấu, phần khuyết điểm cho người kia.

Nghiệm lại những lục đục trong gia đình mình thời gian gần đây, hai vợ chồng tôi thấy quả đúng y như vậy.

Thế là chúng tôi quyết định từ nay về sau, trước bất cứ vấn đề gì, trách nhiệm hàng đầu của mỗi chúng tôi là phải bằng bất cứ giá nào, khám phá cho được những khía cạnh tốt của “đối phương”, đồng thời ngược lại, luôn luôn tự giác nhận lỗi về phần mình. Ôi! Thế là từ nay xin chia tay những cơn xô xát, những lần hục hặc, những thói xấu như các ngươi sẽ không còn đất sống trong nhà ta nữa đâu!

Sáng hôm sau, đang ăn cơm, tôi nhai phải một hạt sạn đánh “cộp” một cái. Hai hàm răng rung rinh, muốn rớt ra ngoài. Theo thói quen, tôi đặt bát xuống bàn, liếc nhìn vợ. Tôi định mở miệng… bất giác tôi chợt nhớ đến điều giao ước hôm qua. Thế là gương mặt đang sa sầm bỗng tươi lên hơn hớn. Và thay vì một lời nặng nhẹ, tôi đã nói một câu dễ thương hết biết, xứng đáng được đưa vào tự điển bách khoa những lời vàng ngọc dành cho cuộc sống lứa đôi:

– Cái này là lỗi tại anh. Anh nhai mạnh quá! Nếu nhai từ tốn thì anh đã lừa được hạt sạn ra rồi.

Vợ tôi cười duyên dáng:

– Không! Anh có lỗi gì đâu! Lỗi là do em không chịu nhặt sạn trước khi vo gạo…

Tôi cướp lời:

– Nếu vậy thì đích thị là lỗi tại anh rồi! Bởi vì chính anh đi mua gạo. Đáng lẽ anh phải chọn gạo kỹ hơn!

Vợ tôi nhất quyết không chịu thua:

– Nhưng đúng ra hôm đó em phải cùng đi mua với anh, nhưng em đã không đi. Lỗi là tại em thôi!

Tới đây thì tôi không dám tranh giành với vợ nữa vì sắp đến giờ đi làm rồi, đành phải nhường phần lỗi cho cô ta. Tiếc thật!

Nhưng tới khi thay đồ đi làm thì tôi phát hiện ra toàn bộ quần áo của mình bị nhùi một đống trong ngăn tủ, cái nào cái nấy nhăn nheo như một mớ giẻ rách. Tôi tím mặt lại:

– Này, này, như thế này thì ai mà…

– Nhưng trong tích tắc tôi kịp hạ giọng: Ai mà không biết là lỗi tại anh! Đáng lẽ anh phải chừa ra một bộ đồ sạch để đi làm chứ! Ai bảo mặc dơ hết thì bây giờ… ráng mà chịu!

– Không phải lỗi tại anh đâu! – Vợ tôi cãi – Lẽ ra tối hôm qua em phải ủi đồ… Tôi lắc đầu nguầy nguậy:

– Tại anh! Tại anh! Đúng ra anh phải nhắc em!

– Tại em! Tối hôm qua anh có nhắc nhưng em quên…

Tôi liếc nhìn đồng hồ và hiểu ra lúc này lỗi tại ai cũng không quan trọng bằng việc tới cơ quan cho đúng giờ. Tôi tròng vội bộ đồ bèo nhèo, rúm ró vào người và phóng ra khỏi nhà, bụng cứ tức sôi lên.

Công việc bề bộn ở cơ quan giúp tôi quên bẵng những bực bội ban sáng. Đến trưa tôi về nhà, bụng đói meo, thấy củi lửa lạnh tanh. Còn vợ thì nằm tréo chân trên giường đọc sách người tôi cứ muốn run lên! Tuy nhiên tôi vẫn nhắc vợ bằng lời lẽ nhẹ nhàng nhất có thể có được trong lúc này:

– Em thân yêu, em chưa nấu cơm à?

Vợ tôi mở tròn mắt:

– Ô! Trưa rồi kia à! Chết thật! Em quên béng đi mất! Rồi cô ta chép miệng:

– Cái này là lỗi ở em cả thôi!

Câu trả lời của vợ nhắc tôi nhớ đến nhiệm vụ hàng đầu của mình. Ngay lập tức tôi lục lọi trong óc cố tìm xem cái phần sai trái của mình nằm ở đâu trước vấn đề này. Chà gay thật! Nhưng không sao, đợi cho một chút… à, à, có đây rồi, có ngay đây:

– Em không có lỗi gì hết! – Tôi hùng hồn. – Đáng lẽ anh phải để đồng hồ ở nhà cho em coi giờ…

Vợ tôi khoác tay: – Anh nói vậy chưa phải lẽ! Đúng ra thì em phải chạy qua nhà hàng xóm để hỏi giờ chứ!

Tôi gân cổ cãi:

– Em còn bận nằm đọc sách mà chạy qua nhà hàng xóm sao được! Lẽ ra anh phải dặn nhà bên cạnh hễ đúng 11 giờ trưa là qua kêu em nấu cơm, nhưng mà anh quên khuấy đi mất. Chính anh mới là người có lỗi!

Sau khi đấu tranh quyết liệt để giành phần lỗi về mình, tôi loay hoay đi nhóm bếp, còn vợ tôi đi vo gạo. Cuối cùng, mọi sự trôi qua một cách tốt đẹp, đầy lòng nhân ái. Tuyệt thật!

Nhưng chưa hết, buổi chiều mới thật là tuyệt.

Tôi đi phố về thì thấy giấy bay đầy nhà như bươm bướm. Tôi nhặt một tờ lên xem và đột nhiên thấy mắt mờ đi, còn tim thì thót lại, muốn xỉu tại chỗ. Thì ra đó là những cuốn sách quý nhất của tôi, những cuốn sách tôi đã bọc gáy da cẩn thận và nâng niu gìn giữ bao lâu nay.

Tôi ôm đầu và rơi phịch xuống ghế, miệng thốt lên đầy hãi hùng:

– Trời ơi là trời! Ai đã giết tôi như thế này?

Ngay lúc đó, vợ tôi xuất hiện với câu nói đi trước:

– Cái này là lỗi do em! Hồi chiều thằng bé nhà hàng xóm qua chơi. Nó cứ chỉ tay vào tủ đòi mấy cuốn sách của anh. Thế là em lấy ra đưa cho nó chơi. Dè đâu nó lại xé rách bươm như thế này. Lỗi này là do em cả thôi!

Tôi bóp mạnh hai tay vào thái dương cho đầu bớt nhức. Phải một lát sau tôi mới nói được, giọng thều thào:

– Không phải tại em đâu! Lỗi là do anh không chịu đến tiệm làm… đồ sắt.

– Tới đó làm gì? – Vợ tôi trố mắt.

– Để đóng gáy sắt cho mấy cuốn sách chứ làm gì! Thật đúng là mọi sự đều do anh! Ai đời sách mà lại đóng gáy da bao giờ!

– Không phải đâu! – Vợ tôi tặc lưỡi. – Nếu hồi chiều em không đưa sách cho thằng bé…

– Em nói sai rồi! Nếu anh không mua sách thì làm gì có chuyện! Rõ là lỗi của anh rồi!

– Em đã nói không phải do anh mà! Nếu lúc thằng bé đòi…

– Không! Trăm lần không phải lỗi nơi em! Tất cả là tại anh đây này – Cuối cùng tôi gào lên – Nếu anh không lấy phải em thì đâu đến nỗi!

– Không phải đâu! Lỗi là do… – Đang đà ăn nói nhỏ nhẹ, sực nhận ra ý tứ trong lời lẽ của tôi, vợ tôi nhảy dựng lên và trong nháy mắt biến thành một con người khác.

– Hả? Anh dám nói với tôi bằng cái giọng đó hả? Này, tôi bảo cho anh hay…

Vừa gầm lên, vợ tôi vừa tiến về phía tôi với dấu hiệu của một cơn bão cấp mười. Trước tình thế nghìn cân treo sợi tóc ấy, tôi phóng vù ra đường, không để cho vợ kịp túm tóc. Thật là nản! Cô ta đã gây ra cho tôi biết bao điều khổ sở rồi, tôi chỉ còn mỗi một niềm vui cỏn con là được nhận lỗi về mình, thế mà cô ta cũng đang tâm giành lấy nốt. Đã vậy thì làm sao tránh khỏi bất hòa được! Quỷ tha ma bắt hết mọi thứ đi, nhận lỗi với chả nhận lỗi. Có lẽ muốn sống êm đẹp, tốt nhất là cố gắng đừng làm những điều tồi tệ để rồi sau đó phải mất công xác định xem lỗi tại ai!

Giải thích:

Lăng Nghiêm nói: “Không biết giặc ở đâu làm sao dẹp giặc?”.

Không chịu dẹp giặc thì tai nạn quyết định phải tới, chẳng hôm nay cũng ngày mai.

Chúng ta mỗi người có 8 thức tâm vương. Quyền đế chúa đáng lẽ là thức thứ 8. Nhưng ông này hoàn toàn bị chư hầu tiếm vị. Lạm quyền đến nỗi không còn ai biết đến đế chúa của mình. Hoàn toàn ai cũng chỉ biết bổn phận mình là triệt-để nô lệ ông 6. Chính ông 6 cũng mê, không hề biết mình là vua, cứ yên chí bổn phận mình phải tùy thuận mấy đại thần tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến. Bọn tà thần này hết sức hòa hợp trong nhiệm vụ kiến thiết địa ngục, ngã quỷ, bàng sanh trong quốc độ. Thủ tướng tà kiến hướng dẫn 5 bộ trưởng tham, sân, si, mạn, nghi. Có 2 phó thủ tướng đắc lực tuyệt vời là ngã chấp và pháp chấp.

Người ta nói nhanh như điện là sai. Phải nói nhanh như năm ấm. Vì sức mạnh của điện ta còn thấy chớ sức nhanh của năm ấm, chị em chúng ta ăn cơm của Phật để tìm biết nó bao nhiêu năm nay đã ai thấy chưa? Phật đã cho con số 1/1027 trong một giây. Cho bình dân dễ hiểu thì Phật thí dụ như thác nước dốc, những giọt nước chảy nhanh, trông như một dãy lụa trắng. Tứ Niệm Xứ dạy quán tâm vô thường, mà 8 vua thức biến hóa, năm ấm diệu vũ, nhanh đến nỗi chúng ta chỉ thấy có một cái Ta. Từ lọt lòng mẹ đến ngày vào quan tài, từ lịch kiếp cho tới ngày nay, dù gặp Phật pháp, vẫn chưa bừng tỉnh… Người trí thức đã từng đọc sách Thánh Hiền và huân tập các pháp môn sửa mình, tuy thành thật và tận tình, nhưng không tìm được gốc của lỗi lầm thì chẳng thể thành công như đôi vợ chồng hiếm có này.

Đã chẳng thành công thì trở lại báng các pháp môn tu là vô ích. Nói rằng: “Quỷ tha ma bắt đi tất cả những có lỗi và không có lỗi”.

Hạ mình xin lỗi, nhận lỗi về mình, nhường cái phải cho người, đều là biểu tượng Thánh Hiền. Nhưng nếu không biết gốc của tất cả Thánh Hiền là giác tỉnh, không có tuệ nhãn để thấy không ta, không người. Cứ mãi lo dán mấy câu sách vở vào đầu mình, đến nỗi bị những chữ nghĩa này nó bịt mắt. Đổi cái tranh chấp thế gian thành tranh chấp đạo đức. Bởi vì nhân đã là tranh chấp, dạy người tranh chấp, nuôi dưỡng tranh chấp, mượn tư tưởng Thánh Hiền để trá hình, tự đánh lừa mình. Thì kết quả là bị túm đầu, và bị những cơn bão cấp 10 là phải.

Trở lại kết luận: “Không cần biết ai phải ai trái, chỉ một việc là đừng bậy nữa”. Lập trường này e nguy hiểm. Bởi vì con người nào có ai hoàn toàn. Cho nên cần thấy lỗi, cần sửa lỗi, để dần dần trở thành không lỗi. Cây Bồ-đề có bảy giác chi. Cành trạch pháp đứng đầu. Trạch pháp là chọn lọc. Chọn ngoại pháp thứ nào chân thứ nào vọng để thâu thập không lầm, cần hơn nữa là quán nội pháp, biết cho ra đâu là giặc, đâu là con.

Nguyện cầu đại chúng thành công trong sự nghiệp Quán Tự Tại.

Tỳ-kheo-ni Hải Triều Âm

∞∗∞

Bài Tự Kiểm Điểm của CT:

Vì CT phải đi nhà thương nuôi bệnh, mới kịp viết trên giấy nháp, Thầy viết hộ :

Câu chuyện thế gian Lỗi Tại Ai, nếu biết dùng thì chính là thuốc hay. Hàng ngày chúng con học xả ngã, nhưng không hề quay về nhìn nhận sự thật ngay ở tâm mình, cứ mê muội nuôi dưỡng mấy anh tham sân càng ngày càng mập, tranh giành cái phải về mình. Cho đến đạo đức cũng tôi đạo đức hơn chị.

Tự tẩm thuốc độc triền miên mà cứ cho là mình đang uống thuốc bổ. Từ nay khi tiếp xúc cảnh ngoài, dù thuận dù nghịch, chúng con cần thành thật với chính mình, quay về kiểm soát ngay tâm mình xem phản ứng ra sao. Chúng con xin tự khắc nghiệt với mình, khoan tha bao dung người khác. Dùng trí Bát Nhã chiếu soi cho ra sáu căn huyễn hóa, sáu trần ảo ảnh, sáu thức mê lầm. Biết nội pháp, ngoại pháp đều như mộng, như huyễn, như bọt nước, như điện ảnh, như bà Dì, bà Ba.

Tâm đã giác tỉnh rồi thì nhậm vận bình tĩnh khoan hòa. Tự tâm đã an hòa, tất cả các bắp thịt trong thân và trên mặt đều khoan thư. Đã khoan thư thì tự nhiên hoàn cảnh sẽ tự thấy dễ thở.

Chúng con nguyện từ nay sám hối lẫn nhau, xây dựng cho nhau, để Phật pháp không đến nỗi vì chúng con mà bị thương tổn.

Những người con giác tỉnh xin cố gắng.

(Vì câu kết ở câu chuyện Lỗi Tại Ai không rõ nghĩa nên CT viết bài này để bổ túc.) Hôm nay vội cho BT về Sài Gòn kết hạ, Thầy gởi cho các con thay thơ của Thầy.

Nguyện cầu một mùa hạ sực nức và bát ngát hương sen.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *