CHUADUOCSU.ORG
Mặt Trăng Lăng Nghiêm
Theo phong tục tập quán người Việt ta từ xưa đến nay, Tết Trung Thu được tổ chức vào giữa mùa Thu, tức là ngày Rằm Tháng Tám (âm lịch). Trong dịp này người ta làm cỗ cúng gia tiên và bày bánh trái ra sân cúng mặt trăng.
Nhân dịp tết này, người lớn thì uống rượu, thưởng trăng, và hát trống quân; trẻ em thì rước đèn, đi xem múa lân, ca hát các bài hát Trung Thu, và vui hưởng bánh kẹo cùng các thứ trái cây do cha mẹ bày ở ngoài sân trong đêm Trung Thu dưới hình thức một mâm cỗ. Theo tục lệ, việc trẻ con thưởng thức bánh kẹo trái cây trong đêm Trung Thu này được gọi là “phá cỗ”.
Năm 1983, Cố Sư trưởng Hải Triều Âm đã tổ chức Lễ đón Tết Trung Thu tại Tịnh Thất Liên Hoa, TPHCM bằng mâm cỗ “mỗi người làm một bài luận văn về Mặt trăng Lăng Nghiêm”, đại chúng hơn 60 người đã trình bày bài luận của mình. Đây là bài đã được Tôn Sư kiểm duyệt, sửa lại và đăng trong Bốn Mùa Hoa Giác. Chúng ta cùng nhau ôn lại ý nghĩa của Mặt Trăng theo bộ kinh Lăng Nghiêm qua cái nhìn của Phật giáo nhân dịp Tết Trung Thu năm nay.
TRĂNG LĂNG NGHIÊM
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Kính bạch trên Thầy! Kính thưa quý Sư cô cùng toàn thể đại chúng!
Đêm nay trời vừa tạnh, trăng rằm tròn sáng. Tết trung thu khai mạc. Tụng kinh Dược Sư, mâm cỗ đủ 49 ngọn đèn rực rỡ. Chưa kể bao nhiêu ánh sáng từ trên bàn thờ tỏa xuống. Cỗ trung thu Liên Hoa năm nay thật to. Nên toàn chúng đã đồng lòng tình nguyện đem tất cả tới bệnh viện Thị Nghè chia cho cả ngàn người già trẻ lớn bé. Mỗi người một miếng bánh đã được trì chú Dược Sư. Kết duyên với 12 đại nguyện, mai sau có phần trong đạo quả Bồ-đề.
Chúng con khôn xiết cảm động, không biết bao đời đã gieo trồng thiện căn, nay được dự hàng Tăng chúng, thừa hưởng nền giáo lý tối thượng, đích thân học tập công hạnh Bồ-tát tự lợi, lợi tha. Vì toàn chúng không được ăn cỗ nên Thầy chỉ dạy: Mỗi người phải góp một đề mục để cống hiến đại chúng vào ngày mừng trăng sáng. Con Tỳ-kheo-ni Huệ Nghiêm có bổn phận phải nói về mặt trăng Lăng Nghiêm.
Mặt trăng thật năm nay chiếu, năm ngoái chiếu, sang năm chiếu. Từ hồi có trái đất, đến khi trái đất tan rã, mặt trăng vẫn luôn thường chiếu. Sáng trăng phá đêm tối, dịu sức nóng, đem mát mẻ. Chân tâm thanh tịnh của chúng ta viên mãn thường trụ khắp pháp giới. Mê tâm là sanh tử, ngộ tâm là Niết-bàn. Phật và chúng sanh thể đồng, chỉ do tỉnh mê mà thành khác. Biết được tâm này, đốn đoạn mê căn từ lịch kiếp. Huệ Năng ngộ được tâm này, liền ở núi Hoàng Mai khai đạo “bản lai vô nhất vật”, lãnh y bát, làm Tổ thứ 6. Ngộ được chân tâm, hằng sa tánh đức hiện tiền. Nên gọi là Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm.
Mặt trăng thứ 2 như người đè mí mắt nhìn lên mặt trăng, thấy bên cạnh có bóng lóe. Mặt trăng của người này gọi là mặt trăng thứ 2. Mặt trăng này chính là mặt trăng thật, chỉ vì mí mắt bị đè nên thấy lóe thêm một vòng sáng.
Thức tinh nguyên minh tuy chưa phải là chân tâm, vì còn đeo vọng kiến, nhưng thật không lìa chân tâm, vốn vẫn tịch thường viên thông. Chính là nguồn sống hằng ngày chúng ta không thể rời, nó lưu lộ ở sáu căn. Thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc, biết, tuy 6 công dụng khác nhau nhưng đồng một thể tinh minh. Như trong nhà có đèn, ánh sáng tỏa ra khắp các cửa. Cửa có nhiều loại vuông, tròn, rộng, hẹp, cao, thấp. Ánh sáng tỏa ra thành 6 hình sai khác nhưng ở trong nhà chỉ có một đèn. Đêm tối ở xa muốn cầu đèn, cần nương một ánh sáng mà vào. Cũng thế, muốn trở về bản giác thường trụ diệu minh, nên y theo tánh thấy hoặc tánh nghe, một trong 6 căn, mà bội trần hợp giác. Trải bao kiếp sanh tử, tánh thấy tánh nghe không hề thay đổi. Vì là chân tâm nên vẫn thường trụ bất động.
Chúng sanh lấy động làm thân, lấy động làm cảnh, niệm niệm sanh diệt, quên bỏ chân tâm, điên đảo tạo nghiệp, oan uổng lưu chuyển, thật là đáng thương. Nhưng dù đọa lạc ba đường hay thành thánh quả, tánh thấy tánh nghe vẫn không biến đổi.
Kinh Lăng Nghiêm dạy đó là Như Lai mật nhân, đích chỉ thức tinh nguyên minh là căn bản Bồ-đề.
Trăng đáy nước: Người ngu thấy dưới lòng nước có trăng, lao đầu xuống mò kiếm. Nhọc sức luống uổng mà còn phải chịu cái khổ chết chìm. Chúng sanh từ lịch kiếp lầm nhận vọng tưởng phân biệt duyên theo 6 trần làm tâm. Suốt đời vất vả mưu cầu hạnh phúc hão huyền, kết cuộc chẳng nắm bắt được gì. Tâm phan duyên nuôi ba độc tham sân si, đưa đến sát, đạo, dâm, vọng để trầm nịch luân hồi, không biết đến bao giờ mới ngóc đầu ra.
* * *
Muốn thưởng thức ánh trăng diệu tịnh minh tâm, Phật tử hãy nghe lời kinh dạy: Các ông đem duyên tâm nghe pháp thì chỉ được pháp duyên chớ chẳng được pháp tánh. Như người lấy tay chỉ mặt trăng. Ta nên nhân ngón tay mà nhìn mặt trăng. Nếu cứ khư khư ngó ngón tay, cho ngón tay là mặt trăng, thì đâu chỉ mất mặt trăng, người ấy mất luôn ngón tay, mất cả sáng và tối.
Tụng kinh không lo vào tri kiến Phật, sống với bổn diệu minh tâm. Cứ tự cho tụng niệm là bổn phận, thì chẳng những không minh tâm kiến tánh mà còn không biết kinh là gì, đến nỗi mất phần trí tuệ, lại còn không tự biết chỗ ngu tối của mình.
Muốn vào tri kiến Phật, trước hết phải xa lìa tri kiến chúng sanh. Cần bỏ tay ấn mắt, để thấy mặt trăng thật. Việc đầu tiên là phát tâm Bồ-đề. Chớ tham luyến trần duyên. Trăng đáy nước là một bóng ảnh giả, chỉ có tướng sáng mà không có lực dụng chiếu soi phá tối. Vọng tâm do nhân duyên sanh. Nhân là nghiệp. Duyên là 6 trần. Như người có nghiệp tham, thấy tiền liền khởi tâm ăn cắp. Người ngu si sống với vọng tâm, không giác tỉnh 6 căn huyễn hóa, 6 trần ảo ảnh, 6 thức mê lầm, khởi tưởng chấp ta chấp cảnh, rông rỡ sát, đạo, dâm, vọng. Khổ báo chướng nạn chẳng thể trở về chân tâm bản tánh, pháp-thân thường trụ.
Phải ngửa lên nhìn trăng thật, nghĩa là vận sức trí tuệ quay về sống với bổn giác, khi ấy sẽ thấy 5 ấm hư vọng vốn là Như Lai Tạng.
Trong đêm dài sanh tử, muôn loài chìm đắm. Muốn trở về nhà phải nương mặt trăng thứ 2, tức là thức tinh nguyên minh, làm nhân địa tu hành để vong trần hợp giác. Dĩ nhiên phản văn cũng như tất cả các pháp môn khác, trước hết cần nghiêm trì giới luật, thâu nhiếp 6 căn.
Kinh chép: Ngài Xá Lợi Phất than rằng: “Thương thay! Những kẻ mò trăng đáy nước đến nỗi chết chìm”. Phật đáp: “Đúng thế! Thật đáng thương xót! Nhưng đáng thương hơn nữa là những kẻ chấp rằng vũ trụ không trăng”.
Thế gian tìm hạnh phúc nơi căn trần huyễn ảo, mở ra sáu đạo luân hồi, ba đường đau khổ, quả tình đáng thương. Nhưng nhị thừa đắm chấp Niết-bàn thiên không, đâu biết đến cái vui phước tuệ trang nghiêm Vô-thượng Bồ-đề. Trong các kinh thường có sự so sánh: A-la-hán nhiều như lúa, mè, tre, lau không bằng công đức một người phát tâm quy nguyên.
Trước khi dứt lời, vì không quên vô số sinh linh đang quằn quại trong vòng hoặc nghiệp khổ, chúng con phát nguyện cố gắng và cố gắng hơn nữa, nương ánh sáng trí tuệ và gương mẫu từ bi của chư Phật, Bồ-tát, tìm về ánh trăng chân thật để trên đền bốn ân, dưới cứu khổ muôn loài.
Đây là món quà trung thu con kính dâng lên Thầy và đại chúng chứng minh.
(Trích trong Bốn Mùa Hoa Giác
của Cố Sư trưởng Hải Triều Âm)