CHUADUOCSU.ORG
MP3 – TÙY HỶ CÔNG ĐỨC
MP3 – TÙY HỶ CÔNG ĐỨC – Sư Trưởng Hải Triều Âm thuyết giảng –
BỒ TÁT DI LẶC
Ngày mồng 1 Tết, mọi lời nói việc làm cử chỉ đều được dè dặt, thận trọng. Giữ gìn không lỗi lầm để hy vọng một năm 365 ngày, sẽ cứ như thế mà ở trong khuôn mẫu tốt đẹp. Các Tổ đem đạo hòa với đời, đêm giao thừa đặt ra tục lệ đón mừng năm mới bằng hình ảnh đức Di Lặc. Phú tướng tươi cười, báo tin mai đây sẽ thành Phật. Hy vọng tràn trề cho các Phật tử. Một tương lai toàn giác, phước trí viên mãn. Bước đầu là tùy hỷ, vui theo những điều lành lẽ phải. Hai người cùng đi chùa lễ Phật. Một người cúng Tam-bảo 10.000$. Người kia không có tiền, thấy thế mừng rỡ. Phật nói 2 công đức bằng nhau. Như đem đuốc mồi một cây đang cháy, đuốc này không mất ánh sáng mà 2 cây đuốc sẽ cùng cháy như nhau. Người cúng đã xả được lòng tham, người tùy hỷ xả tâm tật đố. Hai công đức ngang bằng. Thật vậy, thế gian hằng thấy anh em ruột một nhà. Nếu em làm nên giàu có, người anh tự nhiên mặc cảm sanh đố kỵ. Tình anh em do đây cách biệt. Cái tâm tật đố là thông bệnh của con người, cũng như tham sân. Đạo Phật dạy ở trong gia đình, ai có tài năng, ta tập tùy hỷ, khởi tâm tùy hỷ như chính mình được hay. Ngoài xã hội, bạn bè đồng nghiệp ai phát đạt, ta tập tùy hỷ, vui mừng như chính mình may mắn. Vào đạo, các huynh đệ có đức hạnh, ta tùy hỷ, vui mừng như chính mình thơm tho. Người như thế làm sao khổ? Dù ta tay trắng không tiền, dù thân phận kém hèn chẳng ích gì cho ai, nhưng cứ vui theo cái vui của mọi người. Bên trái, bên phải, đằng trước, phía sau chỉ những niềm vui. Hàng phục được tâm đố kỵ, thật là anh hùng, ít ai làm nổi. Thứ công đức này, không đòi một điều kiện nào để hoàn thành mà chỉ Thánh nhân mới có. Hỷ xả, vui vẻ bỏ tài sản để cứu giúp người, không luyến tiếc. Việc này rất quý, nhưng xả tâm còn cần hơn. Phiền não và sân hận chất chứa trong lòng là khổ, có xả mới an vui. Lâm chung đeo phiền hận, quyết định bị đọa lạc, có xả mới giải thoát. Thiết yếu là đừng chứa rắn độc trong nhà. Cố chấp là nguyên nhân của đau khổ, của bệnh tật, của xấu nết và của đê hèn. Ai cũng muốn mình sung sướng, vậy mà ít ai được sung sướng, bởi vì thiếu đức Hỷ Xả. Vui vẻ, an ổn, tươi đẹp, sống lâu chỉ có được, nếu tâm hồn chúng ta thảnh thơi thư thái. Nghe kinh, hiểu đạo, thấu lý, chúng ta khơi được một niềm vui. Do đây tâm nhẹ, thân an. Cho nên cần đem trí nghiền ngẫm cứu xét kinh, luật, luận. Chánh tư duy đem pháp hỷ, thêm tinh tấn, giúp đạo lực, vượt hết khó khăn chướng ngại để viên mãn tuệ giác. Tọa thiền vào sâu, tinh thần an ổn, hơi thở điều hòa, thân thể khinh an, tự nhiên thấy thấm thía một cái vui êm dịu, gọi là thiền duyệt. Quen rồi, tới giờ mà không được ngồi thiền, ta tự thấy không an, như bị một cái thiếu thốn đòi hỏi. Cái vui này đã trở thành một món ăn như cơm bữa (thiền duyệt vi thực). Kinh Niết Bàn có câu:Các hành vô thường Là pháp sanh diệt, Sanh diệt diệt rồi, Tịch diệt mới vui.
Vui tịch diệt là vui Niết-bàn. Thân làm, ý nghĩ, miệng nói, tạo nghiệp thiện ác, chiêu vời quả báo. Lên thiên đường, xuống địa ngục, cán cân luân hồi dập dình lên xuống xuống lên. Chỉ bao giờ an định ở tánh Bồ-đề, không bị nhân quả sanh tử vô thường chi phối, mới hưởng cảnh giới Thường Lạc Ngã Tịnh của Niết-bàn. Đây là nụ cười Di Lặc, tươi hoài trường kiếp, vui xuân vĩnh cửu. Muốn hưởng cảnh xuân ấy, ta cứ từ từ bước dần. Nhổ sạch cỏ ngã ái, ích kỷ, tật đố…, gieo giống hoan hỷ vào lòng. Vui theo tất cả việc tốt việc hay của bất cứ ai ai. Kế đến buông xả những bực bội, cố chấp, bất mãn, hờn giận… Cứ hết độc tức là lành. Tâm thanh nhàn mát mẻ, được nước pháp thấm nhuần, thiền duyệt nuôi dưỡng, lo gì vườn tuệ chẳng tươi nở, Ưu đàm muôn kiếp trường xuân. Trên sân banh, tiếng vỗ tay vang mừng người thắng cuộc, kẻ thua hẳn phải tủi. Trong sòng bạc, người được mặt mày hớn hở, kẻ mất phải buồn. Cái vui của người thế gian, thường kèm theo cái khổ cho kẻ khác. Đến khi học Phật, ta bình tĩnh được trong lúc nóng giận, chiến thắng ba độc, tâm ta mạnh khỏe. Tập điềm đạm trong khi bị khích bác, người tu không mua oán kết thù, nên đời sống dễ dàng bình an. Thế gian cho thọ là vui, càng được nhiều càng thích. Phật tử lấy xả làm vui. Được định Sơ thiền gọi là ly dục sanh hỷ lạc. Do lìa năm dục (sắc, thanh, hương, vị, xúc), tâm được khoan khoái nhẹ nhàng. Thế gian lấy ồn ào náo nhiệt làm vui, vì vậy trong vui có nhọc nhằn mỏi mệt. Nhà thiền cho rằng định sanh hỷ lạc. Vui trong yên tĩnh là cái vui sáng suốt, tỉnh táo, khỏe khoắn, an nhàn. Một tưởng tham dấy lên, mình thắng được, đó là một niềm vui. Một cơn giận nổi lên, ta thắng được, ta vui. Mọi cám dỗ hàng phục được, ta vui. Chế ngự nội tâm, đem an lành cho ta và tất cả mọi người chung quanh. Cái vui của đạo mới là vui thật sự. Ta người cùng lợi ích, cùng vui. Các Tổ có cái vui giác ngộ. Nhà bác học nổi danh, mải mê suy nghĩ tìm một công thức. Trong nhà tắm, ông vẫn suy tư. Bỗng chợt lóe sáng, ông mừng quá, quên là mình đang trần truồng. Ông chạy rong khắp nhà, miệng hô: “Ơ rê ka! Ơ rê ka!” (Tìm thấy rồi! Tìm ra rồi!). Chúng ta là kẻ còn đang tu, mỗi khi sáng tỏ được một vấn đề, khám phá được một ý kinh, không phải là không được nếm cái vui của trí tuệ. Người đời đông con nhiều cháu, yêu mến sum vầy, là vui. Người tu ngược lại, coi ái trọng là ràng buộc, chỉ mong cầu giải thoát. Nếu sáng suốt, tìm cái vui chân thật thì vui sẽ lâu dài. Nếu mê lầm, đâm đầu vào những cái vui giả dối thì vui ít khổ nhiều. Đây là lời chúc lành của Hòa-thượng Thanh Từ cho chúng ta:Nguồn vui sẽ vô tận, Nếu thấy vầng trăng thật. Nơi nơi đều Cực Lạc, Niệm niệm hiện chân thân.
Mặt trăng thật là chân tâm bản tánh vô sanh bất diệt, là tánh Bồ-đề, nên ví với trăng sáng. Cảnh của ta là Cực Lạc ở khắp mười phương. Thân ta là Pháp-thân thường trụ. Khi ấy ta sẽ “ở nơi vạn pháp thành Vô-thượng Chánh đẳng Chánh giác”. (Trích Dấu Chân Hương Tượng).