CHUADUOCSU.ORG
Ngày tháng qua của Mẹ
Chủ nhật, 12 Tháng 5 năm 2013
NGÀY THÁNG QUA CỦA MẸ
Viết bởi Carolyn Đỗ / Nữ Trung Học Quy Nhơn
Kính dâng Mẹ tôi và tất cả những người Mẹ!
Mỗi lần nghĩ đến Mẹ tôi, đó là một niềm ray rứt mãi trong tôi, tôi phải viết và nói một điều gì đó về Mẹ tôi nhân những ngày Người còn tại thế.
Mẹ ơi! Mẹ là ánh mặt trời chiếu sáng trong con, vắng Mẹ đời con u tối lắm. Tôi đã từng nhủ thầm như thế, vì tôi là người ít bộc lộ tình cảm ra bên ngoài. Thương yêu chăm sóc Mẹ hằng ngày, nhưng chưa bao giờ nói cho Mẹ biết rằng” Mẹ ơi! Con thương Mẹ lắm” hoặc ôm Mẹ vào lòng. Không hiểu tại sao chỉ có việc dễ dàng như vậy mà tôi lại mắc cỡ và ngại ngùng.
Và cho đến một ngày, khi được nghe lời giảng của Thầy Nhất Hạnh “Yêu Mẹ chỉ để trong lòng chưa đủ, phải ôm Mẹ vào lòng mới biết được cảm giác thiêng liêng của tình mẫu tử”. Lúc này tôi mới chợt hiểu, tình thương của con đối với Mẹ không phải chỉ ấp ủ trong lòng, mà còn phải biểu lộ bằng lời nói, chăm sóc và ôm Mẹ vào lòng như những ngày thơ Mẹ đã từng ôm ấp, yêu thương chăm sóc cho con. Xin cám ơn Thầy Nhất Hạnh, nếu không có Thầy nhắc nhở có lẽ con chưa được một lần ôm Mẹ vào lòng. Và cũng không bao giờ hưởng được cái cảm giác thiêng liêng và cũng rất buồn bã. Cái cảm giác thiêng liêng đó tôi chỉ “ cảm nhận” mà không thể diễn tả được. Còn tôi buồn vì khi ôm Mẹ vào lòng tôi mới biết được Mẹ tôi giờ đây đã thật sự già, chỉ còn là một bộ xương mòn với lớp da tạm phủ bên ngoài. Một cảm giác xót xa, đau khổ chạy vào tim tôi, làm tôi nghẹn ngào choáng váng.
Mới ngày nào đây, Mẹ tôi còn là người đẹp của một thôn nhỏ ở miền Trung, thế mà với những năm tháng lận đận cực khổ vì chồng con và với sức tàn phá của bánh xe thời gian. Mẹ tôi giờ chỉ còn là một hình hài khô héo. Tôi ôm Mẹ tôi vào lòng xúc động và nước mắt cứ tuôn rơi. Tôi vô cùng hối hận, tại sao mình không làm được điều đó trong những năm qua. Tôi hiểu rằng “không có tình yêu nào cao cả và bất vụ lợi như tình Mẹ yêu con”. Giờ đây trong buổi chiều tà, mỗi lần nhắc lại dĩ vãng đời mình, Mẹ tôi vừa ngậm ngùi đau khổ, vừa xót xa phẫn nộ. Tôi thương Mẹ tôi lắm, bà là một người đàn bà có sức chịu đựng phi thường, phải chăng đó là bản chất chịu đựng của người phụ nữ Việt Nam thời đó.
Tuổi thơ Mẹ tôi trôi qua trong âm thầm lặng lẽ và buồn tẻ. Là người chị cả trong gia đình nghèo, Mẹ tôi vừa phải làm chị, vừa phải làm Mẹ ngay từ buổi thiếu thời. Ngày vất vả, tảo tần ngược xuôi buôn bán nuôi đàn em nhỏ, đêm về bồng bế chăm sóc em thơ. Nhìn chúng bạn cùng trang lứa cấp sách đến trường, Mẹ tôi cũng ao ước được đi học, nhưng những người Cậu và Dì tôi đâu có buông tha để Mẹ tôi được đến trường. Mẹ tôi kể: Có lần Mẹ tôi đến lớp học bình dân ban đêm cũng phải bồng theo Dì tôi vào lớp học, Dì tôi khóc la, thế là Thầy giáo đuổi Mẹ tôi về không cho học. Vả lại thời ấy Mẹ tôi muốn đi học, nhưng ông Ngoại tôi lại bảo: “Con gái đi học làm chi, học hay chữ chỉ để viết thư cho trai thôi”. Thật là một tư tưởng lạc hậu và phong kiến thời bấy giờ.
Tôi là một tâm hồn dễ nổi loạn, mổi khi nghĩ đến sự bất công của người phụ nữ thời đó, phải sống trong chịu đựng, cam phận chấp nhận những hủ tục. Lòng tôi thấy uất ức lắm. Nhớ một đoạn trong Đoạn Tuyệt của Nhất Linh “khi nàng Loan về nhà chồng đã không chịu bước qua cái chậu lửa như phong tục và nàng đã mạnh dạn phản khán cái hủ tục vô lý đó”. Lúc còn ở trung học, mỗi lần thuyết trình đoạn này, tôi rất vui thích và phục nàng Loan sát đất.
Tuổi thơ của Mẹ tôi u buồn, ngày Mẹ tôi về nhà chồng là những ngày “nước mắc chan cơm”. Một hôn nhân áp đặt, không tình yêu, không hề quen biết trước. Cũng có nhiều khi, lần về nhà chồng là lần lìa xa.
Chiều chiều ra đứng ngõ sau
Ngó về quê Mẹ ruột đau chín chiều.
Số phận con người cứ như một nhịp điệu bình thường, vô tình. Mẹ tôi cứ tưởng bước ra từ bóng tối, nào ngờ lại gặp phải vực sâu. Ba tôi là một học trò nghèo, mồ côi Mẹ từ lúc nhỏ. Thế nên khi Mẹ tôi về làm vợ, làm dâu cũng phải tảo tần, lặn lội nuôi Ba tôi ăn học. Quanh năm suốt tháng, cả đời Mẹ tôi chẳng khác nào:
Con cò lặn lội bờ ao
Gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non.
Đâu có ai hiểu rằng, sau lưng sự thành công của người chồng, là nước mắt và nỗi nhọc nhằn của vợ. Ba tôi là người bảo thủ, Vua của một vương quốc nhỏ, ông luôn luôn đúng. Mẹ tôi sống rất đau khổ và chịu đựng, âm thầm như một cái bóng, chưa bao giờ Mẹ tôi có tư tưởng phản khán. Vì thời ấy vẫn còn quan niệm “Con gái ngoại tộc, lấy chồng phải theo chồng”. Dù trong hoàn cảnh nào cũng không thể bỏ chồng để trở về nhà cha mẹ. Dư luận lúc nào cũng cố chấp, miệng đời luôn thêu dệt độc ác. Mẹ tôi rất buồn cho số phận mình. Hy sinh tất cả, sống vì đàn con. Và đó là nguồn hạnh phúc vô biên, duy nhất của bà.
Tháng năm trôi qua, Mẹ tôi đã vì chúng tôi mà sống, nhìn sự khôn lớn và thành công của các con, mỉm cười an ủi. Ít khi nào tôi thấy Mẹ tôi cười, có chăng chỉ là những nụ cười héo hắt gượng vui.
Giờ đây tôi đã trưởng thành khôn lớn, hiểu biết cuộc đời đôi chút và những lần thất bại trong cuộc sống, tôi càng thấy thương và kính phục Mẹ hơn. Mẹ đã có một sức chịu đựng vô cùng, nếu là tôi, không biết tôi có sống vững như Mẹ không? Tôi đã tự hứa với mình: Nhân những ngày Mẹ còn tại thế, tôi sẽ cố gắng làm tất cả những gì Mẹ ước muốn, sẽ luôn làm Mẹ vui lòng để bù đắp phần nào cho sự hy sinh vô bờ của Mẹ.
Không biết bao lâu nữa, nhưng mỗi lần nghĩ đến ngày Mẹ tôi vĩnh viễn ra đi, lòng tôi bàng hoàng, tê dại. Không một nơi trú ẩn nào an toàn bằng trong lòng Mẹ. Những lần chới với thất bại trong đời, tôi chỉ biết chạy ào vào lòng Mẹ mà vật vã khóc than.
Mẹ ơi! Con nhỏ bé và yếu đuối quá trong cuộc đời nầy, Mẹ ơi, người ta đã ăn hiếp con và làm cho con đau khổ. Trong những lần như thế, Mẹ tôi trở nên cứng rắn, kiên cường và sẵn sàng bảo vệ, chống lại những kẻ đã làm cho con của Mẹ khổ đau. Giống như hình ảnh gà mẹ xòe đôi cánh rộng ra cho con ẩn núp và sẵn sàng chiến đấu với lũ diều hâu. Những giọt nước mắt của con là niềm đau của Mẹ.
Mẹ ơi! Con thật cần đến Mẹ, đời con cô độc và cô đơn lắm. Mẹ là cái phao, là ánh mặt trời trong con. Nếu một mai vắng Mẹ đời con u tối lắm. Mẹ đừng bao giờ lìa xa con, con đang đau khổ chới với trong cõi người Mẹ ơi. Con còn Mẹ là còn tất cả, còn có cả một kho tàng yêu thương. Con xin dâng Mẹ một đóa sen hồng nhân những ngày Mẹ còn tại thế.
Trong một chuyến trở về thăm quê hương, tôi cũng gặp được Mẹ của Tuân. Hình ảnh của người Mẹ già làm cho tôi luôn xúc động. Tuân cũng sống một mình, hai Mẹ con đùm bọc lẫn nhau, nên mới hiểu thế nào là sự cần thiết của một người Mẹ. Mỗi lần nhớ cái bánh chưng ngày Tết, mà Mẹ Tuân đã tự tay nấu gởi đến cho tôi, tôi vô cùng xúc động. Hình ảnh người Mẹ già 83 tuổi, tay run run siết cọng lạt không chặt, rán gói cho con chiếc bánh chưng để con vui ngày Tết. Ôi lòng Mẹ thương con, tình Mẹ bao la. Con không đủ sức để diễn tả cái tình cảm thiêng liêng đó. Con xin dâng lên lòng vô vàn biết ơn của con đối với Mẹ. Những người Mẹ Việt Nam, những người đàn bà Việt Nam đã hy sinh cả cuộc đời, tận tụy vì chồng con…!
Cô gái Việt Nam ơi!
Nếu chữ “hy sinh” có ở đời,
Tôi muốn nạm vàng muôn cực khổ
Cho lòng cô gái Việt Nam tươi.
(thơ Hồ Dzếnh)