Pháp Bảo Lưu Thông

Ngày 26-5-Đinh Mão (1987)

 Thân gởi Liên Hoa và Viên Thông!

PHÁP BẢO LƯU THÔNG

Một thời Phật ở Kỳ Viên tinh xá nhân ngày tán hạ. Ngài Xá Lợi Phất xin phép Phật vào rừng tham thiền. Tăng chúng tới tiễn chân rất đông. Sự niềm nở của Ngài không được cùng khắp làm phật lòng một thanh niên Tỳ-kheo. Thầy giận lắm: “Ông Xá Lợi Phất khinh ta quá, không thèm hỏi gì đến ta”. 

Đợi ngài đi xa, Thầy vào hầu Phật, thưa: “Ngài Xá Lợi Phất ỷ mình là đại đệ tử, trước khi đi, tạt tai con thật đau”. Phật không nói gì. Hôm sau sai người đi gọi ngài Xá Lợi Phất trở về. Đức Anan biết chắc đây là chuyện vu oan, rộng mở cửa, mời Tăng chúng tới dự xem bậc đại trí Xá Lợi Phất trong trường hợp này xử sự ra sao?

Phật theo thường lệ cho hai bên đối diện rồi hỏi. Ngài Xá Lợi Phất đảnh lễ Phật thưa: “Thân con như đất, như nước, như gió, như lửa, như khăn lau chân, như chiên đà la, như bò rụng sừng, con mang thân này nặng nề cực nhọc như mang thân rắn. Con mong tập thân này như chén mỡ đặc. Xin Thầy Tỳ-kheo tha lỗi cho con, nếu Thầy thấy con có lỗi”.

Ngài vừa dứt lời, trái đất rung động, toàn chúng được mục kích sự hạ mình khiêm tốn của bậc Thánh trong hàng Thánh. Thầy thanh niên Tỳ-kheo vội vàng quỳ lạy phát lồ sám hối.

Lời bàn:

Chỉ có nhẫn nại từ bi mới hàng phục được sân giận oán thù. Ai trồng bông thơm hoa đẹp trên mặt đất, đất không vui. Ai trồng ớt cay mướp đắng trên đất, đất không buồn. Tha hồ dày xéo giẫm đạp. Đất nhẫn nại chở mang nuôi dưỡng muôn loài không quản tốt xấu.

Nước cũng vậy, thản nhiên, ai rửa mặt cũng được, ai dội cầu tiêu cũng được. Để vào ve tròn thì nước tròn, để vào hộp vuông thì nước vuông. Không đợi cám ơn, không cần khinh bạc, không chống trái ai.

Bà la môn thờ lửa, lửa không mừng. Người Ấn Độ dùng lửa thiêu tử thi, lửa không giận. Không kén chọn vật để cháy. Không vì vật sang hèn mà lửa thành nhơ sạch. Gió cũng vậy thổi khắp mười phương chẳng kén chọn là Nam hay Bắc.

Thân con người là đất, nước, gió, lửa. Tâm con cũng nên tập đức bình đẳng, an định trước khen, chê, suy, thịnh.

Chiên-đà-la là giai cấp hèn nhất thời cổ Ấn Độ. Ai muốn đánh chửi mắng nhiếc cho đến giết chết vẫn vô tội trước pháp luật và tôn giáo.

Bò là vật nặng nề, bốn chân thô cứng chậm chạp, chỉ có đôi sừng để tự vệ lại rụng mất rồi thì còn dám gây gổ với ai.

Mang thân ngũ uẩn sanh, già, bệnh, chết nguy hiểm như mang rắn độc. Người trí tuệ lo thoát ly sanh tử, đâu còn tranh giành trái phải. Nên ngài Xá Lợi Phất cố tập thân ngài như mỡ đặc, đừng chọc xước ai.

Phương ngôn thường nói: Gặp Phật thì tu, gặp quỷ thì trừ.

Thánh nhân gặp Phật thì tu, gặp quỷ thì nhẫn (nghĩa là càng phải tu hơn).

Ánh đạo màu muốn được mở khai
Tâm tánh phải hôm mai bừng tỉnh.
Lúc nào cũng dặn lòng nên nhẫn
Nhẫn tiếng đời, nhẫn tánh muốn ham.
Nhẫn thói quen theo lối tục phàm.
Nhẫn cay đắng khi làm đạo đức.
Nhẫn cho được lúc người chọc tức.
Nhẫn những điều thử thách của đời.
Nhẫn chừng nào khỏi nhẫn mới thôi
Lúc còn phải nhẫn thì ráng nhẫn.
Nhẫn càng mạnh, nghiệp càng chóng hết
Sức nhẫn nhiều, sớm định tâm nhiều.
Tội lỗi dù lớn mấy cũng tiêu.
Ráng nhẫn được những điều khó nhẫn.
Nam mô Hoan Hỷ Mười Phương Phật.

Đây là Ni sư L gởi cho HP, qua Thầy để nhờ điều chỉnh. Thầy thỉnh toàn chúng Liên Hoa và Viên Thông cùng chép bài pháp này làm món ăn đi đường về cõi Phật. Chỉ xin lưu ý thêm 2 việc:

– I –

A – Phật đợi hôm sau mới cho người đi gọi ngài Xá Lợi Phất. Như thế là ngài Xá Lợi Phất đã về tới am phải trở lại Tịnh xá, để hôm sau trở về am. Ba ngày nhọc nhằn đi lại vô ích. Trong chúng hồi ấy người hay bệnh hoạn, sức khỏe yếu kém nhất là ngài Xá Lợi Phất, già cũng nhất chúng mà địa vị được tôn trọng cũng nhất chúng, xưa nay cả Tăng lẫn tục, ai ai cũng kính nể Ngài nhất. Lại vì ưa an tĩnh, xa tránh ồn ào náo loạn nên Ngài đã lìa Tịnh xá của Phật ra ở riêng nơi rừng xa. Xét ra như trên, chúng ta biết ba ngày vất vả nhọc nhằn đi lại vô ích này, nếu vào trình độ tu hành của chúng ta, ắt sẽ tăng thượng duyên cho sân phiền não mạnh lắm. Mà Ngài vẫn hoàn toàn bình tĩnh sáng suốt. Nên biết nhà đã lợp kín thật kỹ càng rồi, thì mưa gió bao nhiêu, bất luận giờ phút nào, cũng chẳng thể có chỗ hở mà xuyên lọt.

B – Ngài không vì khiêm nhường mà nhận lời bừa bãi. Ngài minh định ngay hoàn cảnh:

“Con nhờ Phật đã rõ biết thân này là bốn đại giả hợp không thật, vô thường nguy hiểm như đeo bốn con rắn độc, chỉ còn chờ đợi thời giờ để chúng nó cắn chết. Như thế còn sung sướng gì mà kiêu hãnh gây gổ. Vả lại, đã từ lâu, con đã luyện tập thân tâm an định như mỡ đặc thì đâu có chuyện sân si bất ngờ.

Nhưng cũng không thể bỗng nhiên mà có chuyện vu khống. Đây hẳn đã có một điều gì vô tình, con làm mất lòng vị Tỳ-kheo. Chỗ này con xin sẵn sàng nhận lỗi với vị niên thiếu Tỳ-kheo, xin vị Tỳ-kheo từ tâm xá lỗi cho con”.

Rõ ràng trí tuệ, khiêm nhường bao giờ cũng đi đôi, đạo và đức không rời nhau. Nên người ta thường dùng hai chữ song song, thành một danh từ kép là đạo đức.

C – Bài thơ kết luận có câu: “Nhẫn chừng nào khỏi nhẫn mới thôi”. Nghĩa là: Còn thấy nhục thì ta cứ tập nhẫn, vì nhẫn là Thánh đạo. Dù chưa hiểu gì cũng cứ đường Thánh ta đi. Hiện tại an vui, mai sau trí tuệ. Tứ Niệm Xứ khai mở, ta tỉnh ngộ thân bất tịnh, thọ thị khổ, pháp vô ngã, tâm vô thường thì nhẫn là một lẽ phải, hợp đạo lý. Mai nữa ta học Bát Nhã thì cả năm uẩn đều là bờ bên kia. Ta Bà chính là Tịnh-độ thì còn nhục nào nữa mà phải nhẫn, tha hồ giao thiệp với khách trần lao mà tâm sen vẫn ngạt ngào tươi mát.

– II –

Rằng hay thì thật là hay, nhưng thuốc phải trúng bệnh mới khỏi. Người ta ca tụng thuốc đau tim kia hay lắm. Tôi đau dạ dày quá vội vàng lấy uống. Thuốc rất hay này kết quả sẽ ra sao?

Rất cần trí tuệ khi uống thuốc pháp.

Có những người không tự giác được sự sai quấy của mình. Ai chỉ dạy, không cần để tai, cứ gan lỳ. Người chỉ dạy bắt buộc phải nặng lời hoặc tỏ thái độ phản đối mãnh liệt.

Ta cứ như như bất động. Không thèm đáp, không thèm để ý. Thói nào ta cứ tật ấy. Ta cứ nhẫn một cách rất cao đạo. Lời nói là huyễn, Thầy bạn là huyễn. Nương nhẫn nhục ba-la-mật. Việc ta ta cứ làm, đường ta ta cứ đi, mặc ai phiền nhọc, ta tranh cãi làm chi.

Cho nên luật Sadi không học không tu thật kỹ, mà cứ mong xây nhà ba tầng, thì chẳng những hư không là rỗng suông, mà trong hư không lại có lửa địa ngục. Lửa tuy huyễn, nhưng ai đưa tay vào lửa còn thấy rát bỏng thì xin cẩn thận. Bát Nhã hiểu ngược rất là đáng thương, con thiêu thân cầu ánh sáng hóa ra mất mạng.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *