Sư cụ Thích Tuệ Nhuận

Hinh Su cu_resize

Ngày 16-3 năm Đinh Dậu (12-04-2017)

Chùa Dược Sư kỷ niệm ngày giỗ
Sư  cụ Thích Tuệ Nhuận – Phó Pháp Tôn sư của Cố Sư trưởng Hải Triều Âm

TIỂU SỬ SƯ CỤ TUỆ NHUẬN

 
Sư cụ Tuệ Nhuận thế danh Văn Quang Thùy, sanh ngày 07-03-1887 tại tỉnh Hải Dương. Chuyên Nho học suốt thời niên thiếu. Ngài chăm học đến nỗi nhà cháy, ai nấy lo cứu hỏa, riêng ngài vẫn ngồi yên chuyên chú học. Mãi sau lớn mới chuyển qua học chữ Pháp, thi đỗ làm Thông phán tại nha quan thuế Hà Nội. Năm 1928, cụ thân sinh Văn Đức Khiêm thất lộc, ngài suy tư về kiếp sống vô thường, bắt đầu tụng kinh, nghiên cứu đạo Phật. Bẩm tánh thông minh lại sẵn Hán học, ngài vào giáo lý thâm sâu rất dễ dàng.

Thời ấy người đời xô nhau theo nếp sống mới, quên lãng đạo Phật. Nhưng ở các chùa thì Bồ-đề vẫn rộ nở hoa. Tổ Vĩnh Nghiêm, Tổ Bằng, Tổ Sở, Tổ Cồn v.v… pháp tràng phất phới khắp nơi. Nhưng giáo pháp vô thượng thậm thâm hoàn toàn được tuyên dương bằng chữ Hán. Ở các chùa trên các đồi quê, gần như không quan hệ gì đến xã hội quần chúng. Các quan chức như Tổng đốc Nguyễn Năng Quốc, Bùi Thiện Căn v.v… ý thức được sự lợi ích của Phật giáo đối với nền văn hóa Việt Nam, hô hào thành lập hội Phật giáo. Ngài nhiệt liệt tham gia. Từ đó một mặt giúp các Sư học đạo, một mặt giảng kinh ở các chùa Quán Sứ, Hòe Nhai và các chùa nhỏ ở quanh vùng Hà Nội. Mở các lớp học Phật Pháp cho các cư sĩ tinh tấn. Các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng, thường thỉnh ngài giảng pháp, ngài đều vui vẻ đáp ứng.

Mùa xuân Canh Thìn, một phái đoàn Tăng sĩ Trung Hoa sang thăm Việt Nam, trong đó có 2 ngài Đế Nhàn và Thái Hư. Chùa Quán Sứ hồi ấy chưa đủ phòng xá tiếp đón khách Tăng, các ngài phải nghỉ ở khách sạn của người Hoa. Cụ Văn Quang Thùy mon men đến xin học thiền. Ngài Thái Hư đáp : “Tôi thấy Việt Nam toàn tu Tịnh-độ, cư sĩ nên vâng theo”. Rồi ngay tại khách sạn, ngài Thái Hư ngồi trên bàn, cụ quỳ dưới đất. Ngài trao Bồ-tát Giới và cho một mảnh thiếp để kỷ niệm:

– Nhập Như Lai Tạng –
VĂN tự QUANG minh THÙY vũ trụ.
Phật môn TUỆ trạch NHUẬN sinh linh.
Thời tại Canh Thìn niên xuân,
Tam nguyệt nhị thập lục nhật,
Thái Hư lữ Hà Nội.

Năm 1935 cụ xin nghỉ việc, dành trọn thời giờ để phục vụ Tam-bảo. Cụ đã dịch rất nhiều kinh tiếng Việt. Kinh Di Đà, Dược Sư, Hoa Nghiêm phẩm Phổ Hiền v.v… cho tới nay vẫn đang lưu hành trong toàn quốc. Giảng kinh Lăng Nghiêm ở Quán Sứ năm 1945, được học chúng nhiệt liệt hoan nghênh. Chùa Hòe Nhai thành lập hội Phật tử, mở lớp học Lăng Nghiêm. Cụ vừa dạy vừa phiên âm sang tiếng Việt Nam. Năm 1949, lần đầu tiên Việt Nam in chữ quốc ngữ bộ kinh Lăng Nghiêm và Từ Bi Đạo Tràng Sám Pháp (Lương Hoàng). Thấy tình hình quần chúng các thành phố toàn quốc đã rạng tỏ, cụ xuất bản tờ Bồ Đề Nguyệt San, thân làm giám đốc. Những bài của cụ đăng trong báo được coi như những hạt châu ngọc để lại cho hậu lai. Trên tờ báo này, những ngọn bút danh tiếng khắp Bắc, Trung, Nam đã cùng nhau thi đua trình bày tư tưởng cao thâm.

Năm 1954 cụ xuất gia theo Hòa-thượng Thích Thiện Hòa và từ đó lấy việc chuyên tu làm chính vụ. Cụ thị tịch ngày 16-3 năm Giáp Thìn (27-04-1964) trong tiếng niệm Phật và chí nguyện vãng sanh.

Pháp tử Cát Tường Lan
Dâng phiến tâm hương đền ơn pháp nhũ.

(tên Cát Tường Lan là bút hiệu của Cố Tôn Sư
khi còn tại gia viết bài cho tòa báo Bồ Đề của Sư cụ Tuệ Nhuận)

CỐ SƯ TRƯỞNG KỂ CHUYỆN:

 
– 1 –

Hồi ấy Thầy chưa xuất gia, không nhớ năm tháng nào, cùng bà Dì đi qua chùa Quán Sứ. Bỗng bà nói: “Ta vào xem ông cụ kia đang nói gì mà đông người ngồi nghe thế”. Miệng nói chân bước, bà vào chùa. Thầy đi theo. Nghe lạ lạ, hay hay, sẵn có giấy bút, Thầy ghi tất cả, về chép lại thành một bài giảng chương Đại Thế Chí Bồ-tát niệm Phật. Ngày hôm sau, Thầy lại tới, được nghe thêm bài Quán Âm Quảng Trần. Thầy cũng viết thành bài. Các Sư nữ mượn xem rất hoan hỷ. Bởi vì còn ở thế gian, chưa học 2 chữ vô thường. Nên Thầy đâu dám nghỉ học trường đời. Vì là học sinh nội trú nên phải đợi một ngày lễ lớn mới được ra. Tới Quán Sứ hỏi lớp Lăng Nghiêm thì cụ giáo đã về quê, không ai biết ở đâu.

Từ đó gặp ai theo đạo Phật, Thầy cũng hỏi kinh Lăng Nghiêm nhưng ai cũng lắc đầu. Sau gặp cụ Tú vừa có kinh vừa giỏi chữ Nho, đọc âm cho Thầy viết sang tiếng Việt. Tình cờ một bà mời Thầy chơi họ, mỗi tháng đóng 25$. Ngày hai buổi đi làm ở sở. Buổi trưa, cơm xong, Thầy mải miết chép, có khi mệt quá ngủ gục. Ngày qua tháng lại lần hồi cũng xong trọn bộ. Nhờ thư ký trong sở đánh máy. Bà cái họ cũng vừa dốc ống đem cho Thầy một số tiền hồi đó gọi là lớn. Thì vừa hay có người mách cụ giáo từ quê lên Hà nội. Thầy đem sách và tiền đến dâng cụ, xin cho in và khi nào có kinh chữ Việt, xin mở lớp giảng học. Tiếc rằng khi lớp Lăng Nghiêm khai giảng ở chùa Hòe Nhai Hà Nội thì Thầy đã phải đổi đi Hải Phòng.

 – 2 –

Hồi ấy Thầy thưa: Thời giờ con eo hẹp lắm, xin cụ cho con một bài kinh nào ngắn nhất để con thọ trì. Cụ cho bản Bát Đại Nhân Giác. Thầy đọc thấy hay nhưng công hạnh mênh mông làm sao vào nổi. Thầy xin cụ cho học một điều thứ nhất thôi: “Thế gian vô thường, quốc độ nguy biến, bốn đại khổ không, năm ấm vô ngã. Tâm là nguồn ác. Thân là rừng tội. Như vậy quan sát, thoát dần sanh tử”.

Tuổi trẻ ham làm việc từ thiện xã hội, ngoài giờ ở sở cứ chiếc xe đạp chạy rong trong thành phố, chỉ có hai bữa cơm là Thầy có thời giờ suy ngẫm đệ nhất giác ngộ. Riết thành thói quen. Đến khi xuất gia, luật dạy hai bữa cơm phải quán 5 pháp. Thầy ngày nào cũng kiếm một giờ khác để suy tư bài này, Thầy cảm thấy rõ ràng 3 ngày không suy tư thì trong tâm hai thứ tham sân bắt đầu ngọ nguậy. Nên không ngày nào Thầy dám thiếu. Về sau vào sâu kinh điển mới biết là mình hàng ngày vẫn quán Tứ Niệm Xứ. Thế là vô tình Sư cụ đã trao cho Thầy một pháp môn quan trọng.

– 3 –

Người ta bảo rằng: Ai theo đạo Phật, tối nào cũng phải tụng kinh. Thầy lên Quán Sứ thỉnh được một cuốn kinh A Di Đà chữ Nho đối chiếu tiếng Việt. Ngày nào cũng đọc một lần suốt từ đầu đến hết. Nhờ cụ Tú giảng. Cụ dạy đúng nghĩa đúng chữ. Nghe xong, Thầy chán quá, thốt ra miệng nhiều lần: “Thế gian này bao nhiêu trẻ mồ côi, bao nhiêu cụ già, bao nhiêu bệnh nhân cần người chăm sóc. Bao nhiêu tù nhân trong các trại giam cần đồng quà tấm bánh, kèm theo đôi lời chân thành khuyến thiện. Ngay đến đạo Phật cũng có bao nhiêu người còn bỡ ngỡ cần sự chỉ dẫn. Tín ngưỡng là món thuốc an thần đệ nhất cho thế gian, đang cần người truyền bá v.v… Thế mà kinh lại dạy buông hết bổn phận làm người. Cả ngày chỉ niệm Phật. Còn phải nhất tâm không loạn. Mục đích để về Cực Lạc có bờ ao 7 báu, cung điện bằng vàng. Tôi thích ở cõi này, tự thấy mình có ích, còn vui hơn về cõi ấy để tự thấy mình vô dụng”. Thế là Thầy ghét cay ghét đắng kinh A Di Đà.

Bỗng cụ được mời về Hải Phòng giảng kinh Kim Cương. Hàng ngày Thầy tới nghe. Đến câu: “Quá khứ tâm bất khả đắc, hiện tại tâm bất khả đắc, vị lai tâm bất khả đắc”. Thầy bật nói: “À! con hiểu kinh A Di Đà rồi!” Ông Cao Bá Sâm liền đứng dậy, xin phép cụ hỏi: “Cô học sinh vì sao nghe kinh Kim Cương lại hiểu kinh A Di Đà?”

— Thưa vì cái tâm hàng ngày đã hư vọng, sao không buông nó đi để sống với tâm kim cương chân thật. Nhất tâm bất loạn nghĩa là không còn một niệm lạc về hư vọng nữa. Từ đấy Thầy trở lại tin kinh A Di Đà và được cụ dắt dẫn dần vào tông Tịnh-độ.

Như vậy chỉ có giới luật là Thầy mới học sau khi xuất gia. Còn cả 3 môn ngày nay có pháp trao cho các con, đều là từ cụ truyền dạy. Kinh Dược Sư các con hiện đương tụng, kinh Di Đà Yếu Giải hiện các con đương học, đều do cụ dịch sang Việt văn. Cho nên chùa chúng ta thờ ngài là Phó Pháp Tôn sư. Và hàng năm vào ngày này chúng ta đảnh lễ nhớ ơn. Tiểu sử và hình ảnh ngài có in ở đầu kinh A Di Đà Yếu Giải.

(Trích trong Bốn Mùa Hoa Giác)

3 Comments

  1. Thành thật cám ơn quý Ni Sư chùa Dược Sư đã phổ biến cũng như tổ chức kỷ niệm ngày giỗ của ông nội chùng con là Sư cụ Thích Tuệ Nhuận.Chúng con vẫn theo dõi những bài viết của chùa, cũng như sinh họat của chùa như đào giếng, thu họach rau xanh, lợp mái chùa, đớn củi từ những gốc càphê già.Bội phục quý Ni Sư. Kính chúc quý Ni Sư đạo hạnh tinh tiến , thân tâm an lạc. CHI VĂN .

    • Kính chào bác Chi Văn! Sư Bà rất kính trọng Sư cụ, từ lúc sinh tiền đã thường kể chuyện về Ngài, vì vậy chúng tôi cũng được thấm nhuần đạo hạnh của Sư cụ. Mỗi năm trong chùa đều cúng giỗ Cụ, dù Sư Bà đã mất chúng tôi vẫn theo thông lệ hàng năm, cúng bái các vị ân đức của Sư Bà. Được biêt dòng họ Văn là một gia tộc rất đạo đức, con cháu đều tài giỏi, chúng tôi vô cùng khâm ngưỡng. Nam mô A Di Đà Phật.

    • Thưa bác Chi Văn! Hôm trước được đọc bài Xúc cảm của bác trong trang nào mà bây giờ tìm không thấy, bác có thể chia sẻ bài và hình ảnh trong trang FB của chùa DS được không ạ?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *