CHUADUOCSU.ORG
Sự tích Quán Âm Thị Kính
Cố Tôn sư viết lời bình về Sự tích đức Quán Âm Thị Kính
HAI BỨC TRANH
Sự tích trên đã vẽ song song 2 bức ảnh: Thị Kính và Thị Mầu.
Cùng là con gái mới lớn lên, cùng xuất thân nơi gia đình đài các danh giá giàu có, cùng theo đạo Phật, cùng khốn khổ vì tình ái. Chỉ vì tri kiến khác nhau mà cuộc đời trở thành khác hẳn. Cho tới kiếp sau, một lên tòa sen, một vào địa ngục. Thật đáng ngậm ngùi xót thương.
– 1 –
Vì đâu Thị Mầu đem ô nhục cho cha mẹ, để xấu hổ cho họ hàng. Vì đâu cô phải tự tử, mở ra kiếp kiếp đọa đày? Phật dạy: Một phen mất thân người, muôn kiếp khó trở lại. Như rùa mù tìm bọng cây trong biển cả, thật khó lắm thay!
Cổ nhân nói: “Cái sẩy nẩy cái ung”. Một vọng tưởng không đâu, nếu biết là hư vọng thì nó tự tan. Nếu lầm nhận là mình, lồng mình vào, thì thành kết sử. Mắt cô chạm vào sắc tiểu Kính Tâm, khởi lòng luyến ái. Nếu biết là vọng tưởng thì nó tan ngay. Vì cô nhận là mình, cho là mình ưa thích nên bị sai sử, đưa vào tội lỗi.
Đã tà dâm lại dối cha mẹ. Tới khi làng xét xử, vẫn còn hy vọng làng bắt Kính Tâm thành gia thất với mình nên một mực vu oan. Kính Tâm chịu đòn tan da nát thịt, đau thấu tới xương. Nếu không có lời từ bi xin nộp vạ của Sư cụ thì đã mất mạng.
Phú ông bắt đem con trả cho bố nó, cô cũng đem con bỏ ngoài hiên chùa, mặc cho Kính Tâm muốn nuôi hay bỏ tùy ý. Suốt ba năm trời Kính Tâm chịu oan tình, cả làng sỉ vả, Thị Mầu tổn đức biết bao nhiêu. Quanh co dối trá đến cùng vẫn không thoát quả báo nhãn tiền, cô phải tự tử.
Cô mới đôi tám xuân xanh, tức là mới có 16 tuổi. Kinh Pháp Cú có câu : “Phàm phu không giác ngộ, đi chung với cừu địch một đường”. Thị Mầu nhận vọng tưởng tham dục là mình, cùng với ngã ái đi chung một đường nên bản thân khốn khổ, gia đình đắng cay, xóm làng phiền nhọc. Kiếp này khổ, kiếp sau khổ, khổ sở lâu dài. Đáng thương biết ngần nào.
– 2 –
Bà Thị Kính bị cha mẹ chồng trả về gia đình. Đối với phụ nữ Á Đông, đây là một tủi nhục nặng nề đã khiến bao người tự tử. Nhưng đối với tầm mắt bà thì:
Nực cười cái chuyện cỏn con,
Bỗng không mà nẩy lên cồn thái sơn.
Vì có trí tuệ Bát Nhã, bà thấy rõ thị phi của thế gian như sáu con rồng múa rối, chẳng đáng bận lòng. Bà tìm giải thoát nơi cửa Phật.
Tới khi Thị Mầu vu oan, dân làng đánh đập. Sư cụ không cho ở trong chùa, đuổi ra ngoài cổng tam quan, cha mẹ xa xôi không hy vọng tái ngộ. Một thân cô đơn sống dưới con mắt khinh bỉ của thôn xã. Bổn đạo trong ngoài đều trỏ ngón tay:
Tiểu kia tu có trót đời được đâu.
Trong hoàn cảnh rất mực khó khăn, bà chỉ kết luận:
Xá chi một đứa dại khờ,
Nước tùy duyên rửa đi cho kẻo mà.
Chữ rằng nhẫn nhục nhiệm hòa,
Nhẫn điều khó nhẫn mới là chân tu.
Rồi bà quay về:
Bạn cùng thanh phong minh nguyệt,
Lấy hoa đàm, đuốc tuệ làm vui.
Con mắt giác tỉnh, không oán thù mà tha thứ xót thương. Bởi vì thấy rõ xấu ác là dại khờ. Kẻ mê để cho hoàn cảnh chi phối, sống như cái máy, biết gì mà ta oán chấp. Bậc tu hành tùy duyên nhẫn cảnh. Thế giới không hoa, thân người mộng huyễn. Vạn pháp vô thường đâu có thể cậy trông. Chỉ quay về bổn phận mình, nhẫn nhục, nhu hòa, noi gương Phật Tổ.
Kinh Kim Cương nói: “Nhẫn nhục chẳng phải nhẫn nhục. Ấy mới thật là nhẫn nhục”. Nếu còn thấy có nhục để phải nhẫn thì khó mà nhẫn được lâu dài. Nên biết tới đây Bát Nhã của bà Thị Kính đã ba-la-mật-đa.
Những tưởng an thân nơi mái tam quan, vui với thiền tư kinh kệ, thì cơ duyên khe khắt lại khéo xui Thị Mầu đem con để ở hiên chùa rồi bỏ đi. Nghĩ rằng:
Mạng người khôn lấy làm chơi mà liều.
Cho nên:
Xót tình măng sữa nâng vào trong tay.
Sư cụ Bổn sư thấy thế ấn thêm cho một câu:
Như vậy thời Thầy cũng nghi.
Hàng ngày bế con đi xin sữa khắp làng. Mẹ vò nuôi con nhện, đã bao cực nhọc khó khăn. Lại thêm tiếng bấc tiếng chì, đằng đẵng 3 năm. Thiền sinh mà nuôi con mọn, bám víu bế ẵm ngày đêm. Những người chuyên tu mới hiểu nỗi khó khăn này. Thật là hy sinh tới chỗ cùng tột, hy sinh cả sự giải thoát. Nhưng ngài tin Phật, thực hành đức hiếu sinh, lấy vâng lời Phật làm vui.
Kinh Pháp Hoa nói: “Muốn nhập Phật tri kiến phải ở nhà từ bi, mặc giáp nhẫn nhục, ngồi tòa pháp không”. Nay nuôi con oan gia mà đầm ấm tình máu đào. Bà thật đã đủ 3 điều kiện để nhập Phật tri kiến, chứng quả Vô-thượng Bồ-đề.
Lời bình của cụ Thiều Chửu:
Cha mẹ nuôi con, công lao khó nhọc như trời biển. Nhưng giọt máu của mình, mình thương yêu nâng niu, dù vất vả nhọc nhằn mà vẫn có mối tình đầm ấm, khiến cho vui vẻ. Còn tiểu Kính Tâm mẹ gà con vịt, tiếng nọ điều kia, mỉa mai nhục nhã. Thế mà bà vâng theo Phật Tổ, thực hành chủ nghĩa xả thân cứu thế, chẳng quản vất vả, chẳng ngại chê cười. Nước lã coi như huyết nhục. Công quả này trời bể khôn tầy, chỉ Bồ-tát hiểu Phật pháp mới làm nổi.
Đức Thích Ca thiền định trong rừng. Vua Ca Lợi chặt cả tay chân. Không những không giận, ngài còn an ủi: “Bao giờ đắc đạo, ta sẽ độ vua trước nhất”. Ôi! Rộng rãi bao la, từ bi vô ngại! Lời nói ai nghe mà không mủi lòng cảm động.
Nhẫn nhục của bà Thị Kính tới đây thật đã thuần túy. Không đợi Phật thọ ký, chúng ta cũng biết bà sẽ chứng quả Vô-thượng Bồ-đề.
(Trích trong Bốn Mùa Hoa Giác)