Thiền Minh Sát

ngoi thien2

THIỀN MINH SÁT

(Rút ở cuốn Mặt Hồ Tĩnh Lặng)

Ngồi ngay thẳng. Để ý đến hơi thở ra vào. Đừng kiểm soát hay điều khiển hơi thở mà sẽ mất thoải mái. Nên hô hấp tự nhiên. Hơi thở tự nhiên vẫn nhẹ nhàng và điều hòa.

Nếu phóng tâm, hãy dừng lại và trở về đề mục. Lúc đầu ta hay có khuynh hướng làm chủ hơi thở, đưa hơi thở theo ý mình. Rất không nên. Đừng tìm cách điều chỉnh nó. Chỉ quan sát. Có lúc ta cảm giác như hơi thở ngưng lại. Đó chỉ là một cảm giác hư vọng, cứ bình thản tiếp tục, một lát sau, sẽ thấy hơi thở rõ ràng như trước.

Tiếp tục giữ tâm an tịnh thì dù ngồi trên xe đò, vẫn vào an lạc một cách dễ dàng mau chóng. Đạt được sự tiến bộ này là vào đạo đã khá. Nhưng phải quan sát những đối tượng của giác quan. Để tâm an tịnh, ghi biết sáu trần, các đối tượng của thân tâm. Tất cả cái gì phát sanh cũng ghi nhận, dù thích hay không thích. Khách quan mà ghi nhận không để yêu ghét ảnh hưởng. Dần dần sẽ thấy những cảm giác này cũng như các hiện tượng chỉ là vô thường, vô ngã, khổ và không. Chỉ quan sát, không can thiệp vào một thứ nào. Đây là thiền minh sát đem lại sự bình an tĩnh lặng.

Chẳng bao lâu tuệ giác vô thường vô ngã sẽ xuất hiện. Đây là bước đầu của trí tuệ thật sự, cốt tủy của thiền, dẫn đến giải thoát.

Trong khi hành thiền, ta thấy ánh sáng, chư thiên, đức Phật v.v…, ngay khi ấy quay về xem tâm mình. Chớ quên điểm căn bản này. Cứ chú tâm quan sát, không mong mỏi thấy gì cũng không xua đuổi. Nếu theo đuổi những hình ảnh này, tâm sẽ mất an ổn. Chỉ nên nhớ đến hơi thở, coi tất cả đều vô thường vô ngã. Dù những hình ảnh ấy có tới sát gần cũng mặc, cứ chú tâm vào hơi thở. Hít vào thở ra ba hơi thật dài, mọi hình ảnh sẽ hết. Mọi kinh nghiệm bất thường đều đem lợi ích cho bậc trí nhưng là mối tai hại cho kẻ thiếu khôn ngoan. Tiếp tục hành thiền cho tới khi không còn những hình ảnh quấy nhiễu.

Nếu tâm muốn vui, chỉ cần ý thức rằng vui này không vững bền. Không nên sợ những hình ảnh từ tâm mình biến ra. Những tâm sở khác nào du khách đến rồi đi.

THIỀN HÀNH VÀ HÀNH THIỀN

Mỗi ngày đều phải kinh hành. Hai tay đan vào nhau để trước bụng. Bóp chặt một chút cho dễ chú tâm. Bước bình thường, phải biết rõ mình. Phóng tâm, hãy dừng lại một chút để đưa tâm trở về. Vẫn phóng tâm, hãy chú ý vào hơi thở. Luôn luôn chánh niệm.

Cơ thể mỏi mệt hãy thay đổi tư thế. Dầu hành thiền suốt đêm mà không giác tỉnh những diễn biến của tâm thì cũng chẳng phải là tinh tấn. Hãy nhìn xuống đất trước mặt khoảng 2 mét, chú tâm vào những cảm giác của cơ thể hoặc niệm Phật. Đừng sợ hãi khi thấy những hiện khởi của tâm. Đừng để những tư tưởng và cảm giác trói buộc. Nhìn vào toàn thể tiến trình sanh diệt.

Có như thế trí tuệ mới phát triển. Điều gì hiện khởi trong tâm phải kịp thời tỉnh giác. Nếu không, phiền não sẽ xâm chiếm. Chỉ có chú tâm mới đốn ngã được nó. Do có kẻ trộm ta mới lo giữ của. Do có phiền não ta mới chăm hành thiền.

Hành thiền là phải giác tỉnh trong mọi hoạt động chớ không phải tìm sự bình an tĩnh lặng trong lúc ngồi.

Thực hành tốt đẹp là tự hỏi mình một cách thành thật: Tại sao ta sanh ra? Hàng ngày tự hỏi 3 lần như vậy.

Tham dự kết tập tam tạng phải là A-la-hán. Anan quyết định hành thiền suốt đêm để đạt quả. Sự cố gắng chỉ đem lại mệt mỏi. Anan đành đi nghỉ. Nhưng khi đặt mình xuống, đầu chưa chấm gối, Anan chứng A-la-hán. Như thế nghĩa là phải sạch hết những háo hức mong cầu dù là ý muốn đắc đạo, mới giải thoát được.

Việc thực hành quan trọng, hãy bắt tay vào. Đừng chần chừ do dự nữa, mau lên đường. Không bao giờ bạn ân hận đâu!

(Trích Bốn Mùa Hoa Giác
của Cố Sư trưởng Hải Triều Âm)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *