CHUADUOCSU.ORG
Tiểu sử Cố Đại lão HT Thích Thanh Thiệu
Một niềm xoay lại chuyển tánh nghe,
Muôn cảnh buông xuôi chỉ lắng nghe,
Nghe lắng cho sâu không nghe cảnh,
Cảnh rời văn tánh ấy nghe nghe.
Chí tâm đảnh lễ: Nam mô Nhĩ căn Viên thông khai sơn Hòa-thượng Thanh Thiệu đại sư (3 lễ).
TIỂU SỬ CỐ ĐẠI LÃO HÒA THƯỢNG
THÍCH THANH THIỆU
1- THÂN THẾ:
Đại lão Hòa thượng Thích Đức Nhuận, pháp hiệu Thanh Thiệu, pháp danh Đức Huy, thế danh Phạm Đức Hạp, sinh năm Đinh Dậu (1897) tại thôn Quần Phương, xã Hải Phương, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định (nay là tỉnh Hà Nam). Thân phụ là cụ Phạm Công Toán hiệu Thành Phủ, thân mẫu là cụ Lê Thị Vụ. Ngài là con thứ 6 trong gia đình có 8 anh chị em.
Sinh trưởng trong một gia đình nề nếp nho phong, Ngài bắt đầu đi học từ năm 7 tuổi. Thân phụ Ngài vốn là một danh Đông Y, được Sư Tổ chùa Đồng Đắc (tỉnh Ninh Bình) mời sang để chế thuốc cứu giúp dân làng. Do được theo hầu thân phụ, dần dần Ngài mến mộ cảnh yên tịnh chốn Thiền môn. Năm 15 tuổi (Nhâm Tý – 1912) một thời điểm chuyển mình thoát tục, Ngài nhận chân cuộc đời là vô thường, thân người là giả tạm, nên Ngài xin phép song thân xuất gia đầu Phật.
Ngài sơ tâm cầu pháp với Sư Tổ Thích Thanh Nghĩa (thuộc dòng Tào Động, chùa Quảng Bá – Hà Nội) Trụ trì chùa Đồng Đắc, xã Đồng Hướng, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.
Sau khi thế phát quy y, Ngài được nghiệp sư gởi đến chùa Thanh Nộn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, học đạo với Sư Tổ Thích Thanh Ninh, với đức hạnh khiêm cung, siêng năng, hiếu học Ngài luôn được Sư Tổ thương yêu và kỳ vọng là pháp khí của tùng lâm.
Năm 20 tuổi (1917) xuân đạo lý đã đơm bông trí tuệ, tâm Bồ-đề thơm ngát tỏa giới hương, Ngài được Tôn Sư cho thụ giới Cụ Túc tại chùa Phúc Nhạc (Già Lê Tự) tỉnh Ninh Bình. Giới đàn này gồm các bậc cao Tăng thạc đức như Sư Tổ Thích Thanh Khiết làm Hòa-thượng Đàn Đầu, Sư Tổ Thích Trung Ninh làm Yết Ma, Sư Tổ Thích Thanh Phúc làm Giáo Thọ, Sư Tổ Thích Khang Thượng, Sư Tổ Thích Thanh Nghĩa làm Tôn chứng. Từ đây, Ngài thực sự dự vào hàng Tăng Bảo với trọng trách: “Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa quần sinh”.
2- THỜI KỲ XUẤT GIA TU HỌC:
Sau khi đắc pháp, Ngài tiếp tục hành cước, tham học ở các chốn Tổ lớn như Chốn Tổ Đào Xuyên (huyện Gia Lâm – Hà Nội) do Tổ Giám Thông Mệnh giảng dạy, chốn Tổ Bằng (huyện Thường Tín – Hà Tây) và chốn Tổ Sở (Đống Đa – Hà Nội) do Sư Tổ Phan Trung Tứ thuyết pháp. Trải qua bao năm tháng chuyên tâm tu học tại các chốn Tổ này, đức Pháp Chủ trở thành một bậc đạo hạnh trong sáng, không những uyên thâm Phật học mà còn quán triệt cả Khổng giáo, Lão giáo, trở thành tiêu đích cho hàng Tăng Ni, Phật tử ngưỡng mộ, quy tâm.
Năm 42 tuổi, nhằm mục đích vị tha, dấn thân trong đại nguyện cứu khổ, độ sinh. Ngài đã phát tâm thọ giới Bồ Tát, do Sư Tổ Thích Doãn Hải, viện chủ chùa Tế Xuyên (tỉnh Hà Nam) chứng đàn.
3- SỰ NGHIỆP HÓA ĐẠO:
Năm 1940, sau khi nghiệp sư viên tịch, Ngài trở về thừa kế, trụ trì Chùa Đồng Đắc, Phật sự đầu tiên được đặt ra trong tâm trí Ngài là đào tạo Tăng tài, tổ chức Giáo hội. Ngài liền thành lập 2 Trường Phật học, một ở chùa Đồng Đắc (xã ĐồngHướng, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình), và một ở chùa Kỳ Lân (thôn Đại Hữu, xã Văn Bồng, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình).
Ngài luôn được chư Tăng Ni, Phật tử cung thỉnh làm chủ hạ các Trường hạ như Trường hạ chùa Phúc Nhạc (Già Lê Tự), Trường hạ chùa Đại Hữu, Trường hạ chùa Bà Đá (Hà Nội)… Với đức độ tu hành, giới luật tinh nghiêm, khoảng năm 1950, Hội Phật giáo tỉnh Ninh Bình cung thỉnh Ngài giữ chức Giám Luật Phật giáo tỉnh Ninh Bình để làm tiêu đích cho Tăng Ni, Phật tử trên con đường tiến tu Tam Vô Lậu Học.
Năm 1955, Ngài được thỉnh về trụ trì chùa Phổ Giác Tự (Đống Đa – Hà Nội). Từ ngôi chùa này, Ngài thường xuyên sang trụ sở Trung ương Giáo hội chùa Quán Sứ, để làm việc. Về sau, được bổ nhiệm ngôi vị trụ trì chùa Quán Sứ.
Năm 1969, Ngài về trụ trì chùa Quảng Bá (Hoàng Ân Tự), xã Quảng An, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Cũng trong năm này, Hội Phật giáo Thống Nhất Việt Nam mở trường tu học Phật Pháp Trung ương tại đây và thỉnh Ngài làm Hiệu trưởng. Đây là một ngôi trường có tổ chức đầu tiên sau ngày miền Bắc giải phóng. Ngài trụ trì giáo hóa độ chúng ở Quảng Bá hơn 20 năm trước khi về chùa Hồng Phúc (Hòe Nhai).
Năm 1980, Ngài đứng ra xin phép Nhà Nước thành lập nghĩa trang để có nơi an táng Tăng Ni, Phật tử sau khi mãn phần, tại chùa Huỳnh Cung, xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Cũng trong năm này, Ngài nhận lãnh chức vụ Trụ trì Tổ đình Hồng Phúc cho đến khi viên tịch.
Năm 1980, trong bối cảnh cả nước hoàn toàn độc lập thống nhất, Tăng Ni, Phật tử cả nước mong muốn thực hiện ý nguyện thống nhất Phật giáo Việt Nam.
Tháng 11.1981, Hội nghị Đại biểu Thống nhất Phật giáo Việt Nam diễn ra tại chùa Quán Sứ, Thủ đô Hà Nội, để thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Tại Hội nghị toàn thể đại biểu nhất tâm cung thỉnh Ngài đảm nhận ngôi vị Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cũng tại Đại hội Ngài đã đề nghị ba điểm:
1. Được mở Trường Cao Cấp Phật học tại ba miền Nam, Trung, Bắc và các Trường Cơ bản Phật học tại các Tỉnh.
2. Tăng, Ni được phép xuất gia tu học.
3. Được hoạt động tự do tín ngưỡng tại các cơ sở Tự viện trong cả nước.
Đề nghị trên đã được Thủ tướng Phạm Văn Đồng chấp nhận và hứa sẽ thực hiện.
Từ Hội nghị Đại biểu Thống nhất Phật giáo (1981) cho đến Đại hội Phật giáo kỳ 3 (1992) Ngài luôn được Tăng Ni, Phật tử cả nước tín nhiệm và tiếp tục suy tôn đảm nhiệm ngôi vị Pháp chủ cho đến ngày thị tịch.
4- THỜI GIAN VIÊN TỊCH:
Theo năm tháng, thân ngũ uẩn vô thường của Hòa thượng đã đến hồi tan hoại. Điều đặc biệt, cho đến ngày sắp viên tịch, trở về với thế giới vĩnh hằng, Hòa thượng vẫn tỉnh giác tự tại, biểu thị một hiện thân của một vị Bồ-tát giới đức trang nghiêm, thanh tịnh, sinh tử nhàn nhi dĩ khứ lai vô ngại.
Hòa-thượng đã an nhiên thu thần nhập diệt vào lúc 05giờ 05 phút sáng, ngày 11 tháng 11 âm lịch (Quý Dậu), nhằm ngày 23.12.1993, trụ thế 98 năm, hạ lạp trải qua 77 mùa an cư kiết hạ.
Xuất thế giới hạnh tinh nghiêm, nhập thế lợi lạc quần sanh, Đức Pháp Chủ luôn khơi dòng trí tuệ Văn Thù và thể hiện hạnh nguyện Phổ Hiền tốt Đời đẹp Đạo. Nhờ đó, toàn thể Phật tử Việt Nam được thấm nhuần thâm ơn pháp nhũ và lượng cả từ bi của Ngài.
Các đệ tử của HT, sau này đều là những vị cao danh thạc đức như:
– Hòa-thượng Thích Thanh Khánh (1921 – 2013) viện chủ chùa Hòe Nhai, là trưởng pháp tử.
– Hòa-thượng Thích Tâm Châu (1921 – 2014).
– Hòa-thượng Thích Trung Quán (1918 – 2003).
– Thượng-tọa Thích Thọ Lạc – trưởng ban trị sự tỉnh Ninh Bình.
– Ni trưởng Hải Triều Âm (1920 – 2013)…
5- ĐỐI VỚI TÔNG MÔN CỐ SƯ TRƯỞNG:
Năm 1980, Hòa-thượng vào Nam, Cố Sư trưởng Hải Triều Âm từ Đại Ninh về Sài Gòn hầu viếng Hòa-thượng. Từ Bắc vào Nam HT đã trao cho Cố Sư trưởng những bộ sách ngọc vàng:
- Bộ Luật Giới Đàn Ni.
- Bộ Luật Huyền Ty.
- Bộ Yết Ma Chỉ Nam.
HT lệnh cho Cố Sư trưởng dạy chúng học phẩm Quán Âm Quảng Trần trong Lăng Nghiêm Chính Mạch của Tổ Giao Quang.
HT căn dặn Cố Sư trưởng dẫn dắt đại chúng 3 việc:
- Giới luật là nền tảng của Thánh Hiền, cần phải tinh vi nghiên cứu và chân thành thực hiện.
- Phản văn để trở về văn tánh, vào tri kiến Phật.
- Vô thượng thậm thâm Pháp bảo lưu truyền trong xứ VN còn nguyên vẹn nằm trong tạng chữ Hán. Chỉ các nhà thâm nho mới thật được hưởng vị tinh túy ngọt ngào của cam lồ vi diệu, dạy đại chúng phải học chữ Nho.
Cố Sư trưởng đã đưa học chúng đến đảnh lễ HT. HT dù mỏi nhọc vẫn không quản tuổi già sức yếu, nhắc nhở giảng dạy những điều phổ thông cần thiết. Mỗi lời mỗi chữ đều y cứ kinh điển. Lòng từ bi vô già của HT không từ nan một nhỏ nhiệm nào, cho đến ân cần đặt pháp danh cho mỗi cháu mới vào đạo; đặt tên tháp, chỉ cách xây mồ cho những cháu đã vãn niên thất lộc; dạy pháp dưỡng sinh (thể dục) để các cháu biết phương pháp điều hòa âm dương, chu lưu khí huyết.
Năm 1981, HT được lệnh trở về miền Bắc để dự Đại hội Phật Giáo và nhận lãnh ngôi vị Pháp Chủ. Mong muốn các cháu được nương đạo hạnh và đức độ của Ngài, Tôn sư đã thỉnh HT tổ chức đại giới đàn tại Tịnh thất Liên Hoa, Bình Thạnh, TPHCM. Ngày giỗ Tổ Anan tháng 8 âm lịch, HT đã mời chư Thượng tọa Kim Cương, Thượng tọa Bình Minh… là đệ tử của Ngài trong miền Nam, làm Tôn chứng sư. HT làm Yết Ma Sư truyền giới Tỳ-kheo-ni.
Năm 1984, khi nghe tin Cố Sư trưởng tổ chức đàn tràng đả thất chuyên tu pháp môn Phản văn gồm 12 vị để cầu an HT bệnh căn thuyên giảm, HT đã tùy hỷ 2 chỉ vàng để các cháu mua trái cây tươi bồi dưỡng.
HT một đời chuyên tu Phản văn, tinh trì giới luật, thúc liễm oai nghi, nổi danh là bậc trì giới đệ nhất. Tuổi 98 mà vẫn tự chủ, không quên oai nghi tế hạnh. Ngủ dáng cát tường, ngồi thì thiền định. Tướng mạo oai nghiêm, mắt nhìn xuống, thân không động loạn. Đời sống giản dị, cư xử khiêm tốn. Tuổi gần một thế kỷ, trải qua các thời đại, đất nước loạn lạc hay hòa bình, dù ở hoàn cảnh nào, HT cũng tùy duyên phóng khoáng nhưng vẫn mẫu mực giới luật oai nghi, sống bình an trong tánh định.
Trước khi viên tịch, HT đã để lại lời di chúc:
VÀI LỜI ĐỂ LẠI
Đã có sanh thời có diệt. Mọi duyên hành chuyển đều thuộc vô thường. Sanh diệt diệt rồi, tịch diệt mới vui.
Nay tôi tuổi đời vừa tròn chín chục, tâm trí vẫn minh mẫn. Theo thời gian, mỗi sát na mỗi sát na cái già cứ đến nhanh. Nên tôi tạm có vài lời để lại.
Trước tiên, ơn chính phủ ban hành chánh sách “tự do tín ngưỡng”, khiến tôi được an ổn tiến tu đạo nghiệp. Ơn các bác sĩ, y tá, hộ lý, các lương y đã tận tình chăm sóc tôi những khi thân tứ đại thiếu bình thường. Ơn hải hội chư tôn Hòa-thượng Tăng Ni, tháng 11 năm 1981, đã suy tôn tôi làm Pháp Chủ Giáo Hội Tăng Già toàn quốc. Ơn Tăng Ni thiện tín Bắc, Trung, Nam đã có nhiều nghĩ đến tôi, đã có rất nhiều nghĩ đến tôi.
Vậy xin nhớ những lời tôi đã dặn mà giữ gìn thân miệng ý cho thanh tịnh, lấy giới luật của Phật làm Thầy, vâng giữ Lục hòa, chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật nước nhà, ủng hộ lập trường hòa bình thế giới, thân thiện đoàn kết với các Tôn giáo bạn, quyết tâm tu học vượt mọi khó khăn, duy trì Phật pháp, quy hướng Tam-bảo, nêu gương chánh tín, bài trừ mê tín. Đồng bóng, đốt vàng mã, xóc thẻ xin âm dương… là những thứ của đạo khác xen lẫn vào đạo Phật.
CHÚ Ý:
Khi tôi sắp xả báo thân này, muốn có trợ duyên để sáu căn vui vẻ, thể tính khinh an. Vậy xin chớ nhiều hỏi han, ép thọ quế sâm, ép dùng cơm cháo, di chuyển nơi này nơi khác khiến tôi khó được “Lâm chung chánh niệm tịch diệt an vui”.
Tang lễ cần đơn giản tiết kiệm. Tuyệt đối không nhận tiền bạc của Tăng Ni. Các tuần tiết và ngày giỗ hàng năm cũng vậy. Có lòng nghĩ đến tôi chỉ nên tụng nhiều kinh điển đại thừa, cầu cho quốc thái dân an, hồi hướng các tiền tổ và tứ ân, lục đạo. Tin sâu, hành đúng, nguyện thiết cầu vãng sanh Cực Lạc thời sẽ được cùng tôi và các thượng thiện nhân đồng ở một nơi.
Pháp môn tu trì có tám vạn bốn ngàn. Như “Phản văn văn tự tánh” (nghe tánh nghe của mình); Tịnh-độ, là những pháp môn Thượng thượng thừa, rất tiệp kính, viên dung đủ ba vô lậu học giới định tuệ, tự lợi lợi tha không bờ bến.
Nếu không tu theo 2 pháp môn này thời có con đường Hành bố, lần lượt như sau: 10 Tín, 10 Trụ, 10 Hạnh, 10 Hồi hướng, 10 Địa cho đến Đẳng giác, Diệu giác (xem kinh Hoa Nghiêm).
Nói chung tất cả đều là phương tiện, cũng như dùng ngón tay chỉ mặt trăng để thấy chân tâm bản tánh.
Phần an táng, nên ở vườn chùa Quảng Bá. Khi tiễn đưa, xin miễn có những vòng hoa. Vì: nào vun trồng, nào tưới bón, nào ngắt hái, nào vận chuyển, nào uốn kết thành vòng trang nghiêm. Chưa kể vai mang tay xách, biết bao công sức. Chỉ từ sớm tới chiều, mưa thì hư nát, nắng thì héo khô, lại làm phiền người thu dọn xúc đi. Tôi tu hành chưa được là bao, muốn kiệm đức. Xin vô cùng cảm tạ những tấm lòng quý mến thương tiếc tôi khi tiễn biệt.
Theo cổ truyền, mai sau muốn xây tháp, thì xây ở chùa Hồng Phúc (Hòe Nhai) là nơi tôi hiện trụ trì.
Viết tại chùa Hồng Phúc (Hòe Nhai) Hà Nội.
Ngày Canh thìn 15 tháng 02 năm Đinh Mão (1987)
Phật lịch 2531
Samôn Thích Đức Nhuận