CHUADUOCSU.ORG
Tự Tứ Thanh Lương
Toàn chúng Tự Tứ
Sư Trưởng Hải Triều Âm huấn từ
Mùa hạ mưa nhiều, chư Tăng đi khất thực vất vả, ướt lạnh, có khi nguy hại tới sức khỏe mạng sống. Lại thêm côn trùng sâu kiến sinh sản rất nhiều, khó tránh tội sát sanh. Nên Phật dạy Tăng Ni mùa hạ phải nhóm họp một chỗ tịnh tu, y chỉ những bậc Tiên giác Thượng tọa.
Ba tháng chuyên tu Giới Định Tuệ. Thượng căn chứng quả, trung căn hàng phục phiền não. Dù hạ căn mà giới luật thanh tịnh cũng tăng tấn đạo nghiệp. Nên Tỳ-kheo lấy kết hạ làm tuổi, gọi là hạ lạp. Niên thiếu Tỳ-kheo chưa đủ 5 hạ phải y chỉ. Ai chưa đủ 12 hạ không được phép làm Thầy. Trong khóa an cư, ai không được sự chấp thuận của đại chúng mà bước chân ra ngoài đại giới, gọi là phá hạ, nghĩa là mất tuổi. Được phép ra đi mà trở về không đúng hẹn cũng mất tuổi. Nên ngày rằm tháng bảy, lễ tán hạ là ngày Tăng nhận tuổi, là ngày khánh tuế của thiền môn.
Cũng gọi là ngày Tăng tự tứ vì sau 3 tháng an cư, mỗi vị tự kiểm điểm mình để sửa lỗi. Có một ngày sám hối chưa đủ, còn phải đặc biệt thêm một ngày, thỉnh cả đại chúng, ai có thấy nghe nghi điều gì, cũng xin chỉ dạy, để như pháp sám hối. Thế thì toàn chúng hẳn phải thanh tịnh. Đã thanh tịnh hẳn được giải thoát. Được giải thoát là đáp đúng với bổn hoài độ sanh của chư Phật. Nên ngày ấy còn có tên là ngày chư Phật hoan hỷ.
Lại nữa, theo kinh Vu Lan, Phật dạy ngài Mục Kiền Liên phải đợi Tăng tự tứ, đem cúng dường phẩm vật để cứu khổ treo ngược cho cha mẹ và cửu huyền thất tổ. Khổ treo ngược là khổ địa ngục. Khổ địa ngục còn cứu được huống chi các khổ khác. Nên ngày rằm tháng bảy là ngày xá tội vong nhân. Ngày những người con cứu khổ cha mẹ vì được gặp phước điền thanh tịnh. Nên có tên là ngày báo hiếu.
Vì 3 tháng an cư, công đức lớn như thế nên an cư là luật quan yếu. Tỳ-kheo không an cư, dù trọn đời cạo tóc đắp y trì giới, vẫn gọi là phá giới. Nhóm họp an cư mà không kỷ luật chân chính, gọi là tặc trụ, tội không nhỏ. Tỳ-kheo dù thông hiểu Phật pháp, dù đã chứng quả mà chẳng an cư, cũng phạm tội không kính Thánh giáo.