Ý Nghĩa Ngày Đản Sanh

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Cũng ngày này, 2566 năm về trước, vào một buổi bình minh, khu vườn Lâm Tỳ Ni ngạt ngào hương hoa, tiếng chim ríu rít tưng bừng, đón chào vị cứu tinh muôn loại xuất thế, đón chào thái tử Tất Đạt Đa, con vua Tịnh Phạn và hoàng hậu Ma Gia.

Thái tử hạ sanh dưới cây Vô Ưu. Ngài đi 7 bước, mỗi bước hoa nở dưới chân. Tay trái chỉ xuống đất, tay phải chỉ lên trời, miệng nói: “Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn” (trên trời dưới đất chỉ có chân tâm bản tánh thường lạc ngã tịnh mới đáng tôn quý).

Đây là toát yếu toàn thể giáo lý Phật đà.

Ngài trưởng thành nơi cung vàng điện ngọc. Nhưng vợ đẹp con khôn, phú quý vinh hoa trở thành nhạt nhẽo, khi Ngài thấy rõ ngoài cổng thành 4 cảnh sanh già bệnh chết. Vạn hữu thành hoại phù hư. Ngài dõng mãnh thoát ly triền phược, quyết tìm ánh sáng chân như. Trải 6 năm phấn đấu với muôn ngàn gian khó, nắng mưa sương tuyết cùng cám dỗ của ma vương. Một buổi sáng, sao mai vừa ló dạng, Ngài đắc quả Chánh đẳng Chánh giác.

Đắc quả Vô-thượng Chánh đẳng Chánh giác. Nghĩa là chứng được Pháp-thân chân ngã mà ngay lúc vừa giáng sanh, Ngài đã tuyên bố là độc tôn.

Con người từ vô thủy vẫn sống vô minh, suốt ngày chỉ lo cho ta mà chưa từng để ý xem thật ta là gì? Ta ở đâu? Ta là thân đất nước gió lửa, hay ta là vọng tâm, bóng ảnh của 6 trần triền miên sanh diệt? Chỉ vì quên mất chân tánh độc nhất tôn quý, lầm sống theo vọng thức nên mới lưu chuyển trong 6 đạo luân hồi, chịu đủ khổ sở. Nay Phật từ bi giáng trần cứu khổ, chỉ có một cách mở đường giải thoát cho chúng sanh, là vạch rõ chỗ mê lầm và chỉ rõ chỗ chân thật.

Ngài vạch rõ 6 căn thật huyễn hóa, 6 trần thật ảo ảnh, 6 thức thật mê lầm. Không phải ta, không phải của ta mà là huyễn vọng vô minh.

Ngài chỉ rõ Pháp-thân thường lạc ngã tịnh là tánh Phật, bản lai ta vẫn có mà vẫn thường quên, nay quay trở về liền tới.

Một đời giáo hóa, đức Bổn Sư dù nói ngàn kinh vạn quyển, dù đặt ra 8 vạn 4 ngàn pháp môn, chung quy cũng không ngoài mục đích trên.

“Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn” đây là bài tựa mở đầu tam tạng kinh điển.

Tới khi sắp nhập Niết-bàn, trong thời Pháp Hoa, Ngài tỏ lộ bản hoài: “Mười phương tam thế chư Phật chỉ ra đời với một mục đích vì chúng sanh khai thị Phật tri kiến”. Phật tri kiến tức là thấy biết “chân tánh độc tôn”. Đây là văn kết một đời đức Bổn Sư thị hiện giáo hóa. Cho nên biết câu nói lịch sử này, chính là cửa giải thoát vô thượng. Tất cả những ai đã tự xưng là Phật tử, không thể không suy ngẫm kỹ càng và đỉnh đới thọ trì.

 

Ngày mùng 8 tháng 4 thỉnh suy ngẫm câu:
THIÊN THƯỢNG THIÊN HẠ, DUY NGÃ ĐỘC TÔN!

Kinh Lăng Nghiêm dạy: Chân tánh chúng ta
VÔ LƯỢNG QUANG THỌ (A DI ĐÀ)

Mỗi niệm mỗi niệm trở về mình, lọc bỏ 3 căn bản vô minh: vọng thân, vọng tâm, vọng cảnh.

ĐỜI NGƯỜI, CHỈ CÓ MỘT SỰ NGHIỆP NÀY LÀ CẦN YẾU

Học Lăng Nghiêm để biết tánh Phật vô lượng thọ (thường trụ), vô lượng quang (ở khắp mười phương), vô biên công đức (là bản thể của vạn pháp). Tánh thọ quang (A Di Đà) ta cùng Phật đồng thể. Nên chỉ cần giác tỉnh, đừng theo sắc, thọ, tưởng thì đầu chúng ta chính đang ngả trên vai Phật A Di Đà, không lúc nào Ngài rời chúng ta.

Lời dạy của Sư Trưởng Hải Triều Âm

[ngg src=”galleries” ids=”492″ display=”basic_thumbnail”]

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *