HƯƠNG VỊ GIẢI THOÁT

Tỳ-kheo-ni HẢI TRIỀU ÂM toát yếu

LỜI GIỚI THIỆU

Sư trưởng Hải Triều Âm chuyên tâm quy hướng Tịnh-độ, nghiêm thân tiến đức lấy giới luật làm căn bản. Dùng Thiền pháp rửa vọng tâm để thanh tịnh ba nghiệp mới có thể hoàn mãn chí nguyện chuyển thế gian thành Tịnh-độ, mai sau vãng sanh An Lạc thế giới, trang nghiêm Vô-thượng Bồ-đề.

Cuốn Hương Vị Giải Thoát này Sư trưởng đã cô đọng những vấn đề cốt tủy vô cùng giá trị của các bậc Đại Sư trong Thiền gia. Để lại hồng phạm cho các tùng lâm noi dấu.

Chúng con ngửa lên cầu học bậc Thầy trì pháp, trì luật, trì matika (các bài tóm tắt) và xin giới thiệu cho những ai muốn minh tâm kiến tánh, tìm về chính mình, nguồn an vui, hạnh phúc ngay hiện tại.

Tháng 1 năm Canh Tý (2020)

Trân trọng kính ghi

Ni chúng Chùa Dược Sư

HƯƠNG VỊ GIẢI THOÁT

Soạn giả: AJAHN CHAH
Người dịch: PHẠM KIM KHÁNH
Sư trưởng HẢI TRIỀU ÂM toát yếu và giảng ngày 20-4-1992 (âl) tại Linh Quang tịnh thất

Điểm chánh yếu trong phương pháp hành thiền của ngài AJahn Chah là tự hiểu biết mình, bằng cách luôn luôn tự quán chiếu, luôn luôn tỉnh thức, chuyên chú nhớ niệm thân tâm mình. Tất cả pháp hành chỉ là nhìn thẳng vào thân và tâm theo dõi sự sinh hoạt của nó.

Hành thiền không phải để thành tựu điều gì mà để bỏ đi tất cả. Cũng không phải lúc ngồi thiền, hay lúc đi kinh hành mới thiền mà luôn luôn giác tỉnh, bất kể lúc đang làm gì. Luôn luôn giữ tâm sáng suốt trong hiện tại. Mỗi khi vọng tưởng phát sanh liền biết. Nhìn thẳng vào vọng tưởng, để vọng tưởng tan. Không để tâm xua đuổi, chỉ cần không theo vọng tưởng.

Phải tập nhẫn nhục và chịu đựng. Mỗi khi phiền não, hãy nhìn thẳng vào phiền não, tìm xét lý do, đừng để ngoại cảnh chi phối. Người khác tốt hay xấu không quan hệ đến ta nhiều. Giới luật giúp ta hành thiền dễ dàng chớ không phải là một loại khí giới để chỉ trích người khác.

Thực hành giáo pháp là công trình vô cùng quan trọng. Nếu không có pháp hành, tất cả hiểu biết của chúng ta chỉ là hiểu biết cái vỏ bên ngoài. Cũng như ta có trái cây sẵn trong tay nhưng vô ích. Chỉ khi ăn thật sự ta mới cảm nhận được mùi vị của trái.

Giáo pháp đức Phật gồm bốn điều:

  1. Thế gian là đau khổ.
  2. Biết rõ nguyên nhân đau khổ.
  3. Chấm dứt đau khổ.
  4. Biết phương pháp để chấm dứt đau khổ.

Thí dụ như thân này, nếu chúng ta chỉ thấy hình thể bên ngoài thì không sao trốn thoát đau khổ. Ta thấy nó xinh đẹp có thật chất. Một em bé, một con thú, cũng như thế chỉ thấy bên ngoài. Cho nên mỗi khi thấy rồi liền vướng mắc hoặc yêu hoặc ghét, chụp lấy, nắm chặt để về sau bị nó cắn. Cũng như ta đến viếng một người bà con, được món quà, ta vô tình nhận quà, cất giữ trong bao, cuối cùng về đến nhà, giở ra thì… đầy rắn độc!

Nếu ta thấy thật sự thân ta đáng thương hại và đáng chán, ta sẽ không bám víu vào thân này. Một khi đã sáng tỏ, ta sẽ ít ỷ lại vào thân ta. Dầu ta cười ta khóc, sự vật nào đã không bền vững thì vẫn không bền vững.

Đức Phật dạy nên tách rời khổ và vui ra khỏi tâm. Tâm là tánh hiểu biết. Thọ là đặc tánh của khổ và vui. Khi tâm buông lung trôi theo những cảm xúc ấy gọi là bám níu (thủ). Đây là một sinh hoạt của tâm. Vui hay khổ là thọ. Đức Phật dạy tách rời tâm ra khỏi thọ, nghĩa là tâm phải hiểu biết và nhìn thẳng vào cái vui và cái khổ. Thí dụ: Khi ngồi thiền thấy an vui, không bận lòng. Chân đau nhức, không để tâm.

Tự tánh của tâm không vui không khổ. Khi có thọ, vui và khổ liền phát sanh. Nhận biết thọ vui thọ khổ không phải là ta, bóc nó ra. Ta thấy biết rõ ràng, không đắm chìm vào nó. Vui khổ ở ngoài. Ta chứng nghiệm khổ vui. Nhưng ta hiểu biết tâm là tâm, thọ là thọ. Ta không bám chặt vào thọ cảm. Đức Phật tách rời thọ cảm bằng tuệ giác. Vậy Ngài có khổ vui không?

Ngài biết có khổ vui nhưng không bám níu. Do vậy Ngài cắt đứt đau khổ. Nếu không hiểu biết khổ vui chỉ là cảm xúc, ta nắm giữ nó, cho nó là mình, thì cả khổ vui đều là thuốc độc. Trí tuệ tách rời cả khổ vui ra khỏi tâm. Người điên rồ nắm giữ nó lại. Các bậc giác ngộ tẩy sạch chúng nó đi. Người không thông hiểu cho khổ và vui có hai giá trị khác nhau. Nhưng người thông hiểu thấy hai chữ như nhau.

Con đường dẫn thoát ra khỏi đau khổ chính là hành thiền. Nghĩa là luôn luôn tỉnh thức ngay hiện tại. Chúng ta đang nghĩ gì? Đang làm gì? Điều gì xảy đến ta trong hiện tại? Quán chiếu như vậy, trí tuệ phát sanh. Thế gọi là thiền, gọi là tách rời tâm ra khỏi thọ. Ta trở thành người sáng suốt.

Đến khi bệnh hoạn đau nhức, ta cố gắng thiền, cố gắng giác tỉnh, thọ là thọ, tâm là tâm. Chúng ta cần thấy rõ đau đớn hay thoải mái, nhưng không tự mình đồng hóa với chúng. Chúng ta ở trong sự thanh bình, ra ngoài cả hai thứ đau đớn và thoải mái. Quý vị phải thấu hiểu như vậy. Bởi vì đã không có một tự ngã thì khổ và vui nương vào đâu? Quý vị nên sống với trí tuệ. Như ta ở trong một ngôi nhà, cái nhà và người ở trong tuy liên quan với nhau, nhưng không phải một. Chúng ta nói rằng tách rời tâm và thọ nhưng trong thực tế, bản chất của chúng vẫn rời nhau. Công việc giản dị là nhận định được sở dĩ tâm và thọ không riêng biệt, chỉ vì vô minh chúng ta cứ bám níu vào nó.

Do vậy đức Phật dạy ta phải hành thiền. Nếu chỉ hiểu biết suông với trí thức không thôi thì không đủ. Kiến thức do pháp hành và kiến thức do học hỏi, nghiên cứu, hai thứ cách xa nhau một trời một vực. Sự hiểu biết thâu thập bằng học hỏi không phải là hiểu biết thật sự của tâm, mà là tâm cố gắng bám chặt và giữ lại những điều học hỏi.

Vài người nghĩ rằng: “Năm nay tôi bệnh suốt năm không hành thiền được”. Đó là lời nói cuồng si. Người bệnh sắp chết cần phải hành thiền. Đức Phật dạy rằng: “Ngay khi trọng bệnh hoặc lâm chung mới là lúc mà ta có thể thật sự hiểu biết và nhận thức hiện tại”.

Có vài giáo viên nói rằng: “Nhiệm vụ đa đoan, không có thời giờ hành thiền”. Sư hỏi: “Trong khi dạy học ông có thời giờ để thở không?”. – Bạch Sư có! –  Nếu công việc đa đoan mà ông vẫn thở, thì nơi đây ông đã rời xa giáo pháp.

Thật ra pháp hành chỉ liên quan đến tâm và những cảm giác. Thiền không phải chạy theo hoặc tranh đấu để được. Trong khi làm việc ta vẫn thở. Chính thiên nhiên đã chăm lo để cho tiến trình thở vào thở ra được bình an. Những gì ta cần làm chỉ là thấy biết. Quý vị chỉ cần cố gắng nhìn trở lại mình và thấy cho rõ. Thế gọi là hành thiền. Hành thiền luôn luôn chúng ta thấy ở nơi ta, điều nào là phải, điều nào là sai một cách rất hữu hiệu. Trong khi ngủ ta thở, trong khi ăn ta thở, bất cứ ở đâu ta cũng thở. Nếu ta thấy hành thiền nghĩa là thực tập trí tuệ minh sát thì kiếp sống của chúng ta có giá trị nhiều như hơi thở. Bất luận ở đâu ta cũng có thời giờ.

Chúng ta không thể bỏ chạy, lẩn trốn những cảm giác mà phải hiểu biết nó. Hiểu biết là ta đã làm chủ được mình trước những thọ cảm. Đức Phật gọi thế là hiểu biết thế gian. Thế gian này quả thực phức tạp. Nhưng giáo pháp của Phật không vượt ngoài khả năng chúng ta. Đi, đứng, nằm, ngồi chúng ta chỉ cần giữ tâm hiện hữu, tự biết mình và luôn luôn tự chủ. Có người bảo: “Bây giờ ta ngồi thiền định mai đây sẽ tập thiền tuệ”. Nói như thế không đúng. Định và tuệ cũng như lưỡi dao có mặt phải và mặt trái. Ta không thể phân chia.

Giới đức là cha mẹ của giáo pháp. Không làm gì sai quấy, tâm không bị chao động, dễ dàng an trụ và phát sanh trí tuệ. Giới định tuệ là con đường đưa các Hiền Thánh đến quả vị. Giới Định Tuệ tuy ba mà một. Đây là con đường giác ngộ.

Hãy nhìn cái cây lớn lên, nở mộng, trổ hoa, sanh trái v.v… quay về quán chiếu bản thân. Chúng ta sinh ra và tồn tại nhờ các nguyên tố đất nước gió lửa. Mỗi phần trong thân đều biến đổi sanh trưởng chẳng khác gì cội cây. Nếu chúng ta thông hiểu sự vật trong thiên nhiên, ta sẽ tự hiểu biết chính mình. Hiểu biết bản chất thiên nhiên một cội cây, không có gì khác biệt với ngũ uẩn của chính ta. Hiểu biết như vậy tức là hiểu biết giáo pháp. Cho nên đi đứng nằm ngồi chúng ta phải giác tỉnh chuyên chú, theo dõi canh chừng tâm mình. Nhìn thấy cảnh vật bên ngoài cũng như thấy sự vật bên trong. Ai lãnh hội đầy đủ điều này ắt có thể hằng nghe lời dạy của đức Phật. Ta có thể nói Phật tánh, bản chất Phật. “Người hiểu biết” đã vững vàng an trú trong tâm mình. Kẻ này ngồi dưới gốc cây đang nghe lời dạy của đức Phật. Đi đứng nằm ngồi ta đều nghe đức Phật giảng dạy. Thấy nghe ngửi nếm ta đều nghe đức Phật ban huấn từ. Đức Phật chính là người hiểu biết ấy, bên trong cái tâm này. Người ấy hiểu biết giáo pháp, quán chiếu giáo pháp, tâm trở thành sáng tỏ. Nếu chúng ta tôn trí vững chắc đức Phật bên trong tâm mình ắt ta thấy tất cả mọi sự vật, quán chiếu tất cả và nhận thức rằng tất cả đều không có gì khác biệt với chúng ta. Người mà thấy được như vậy thì bất cứ ở đâu cũng thoải mái hài lòng. Người này lúc nào cũng được nghe lời Phật dạy. Nếu không được trí tuệ hiểu biết như vậy thì dầu trọn đời nghe chư Tăng giảng nói vẫn chẳng thể lãnh hội ý nghĩa giáo pháp.

Đức Phật tuyên bố ngài Kiều Trần Như đã khai pháp nhãn. Pháp nhãn ấy trông thấy gì? Mắt ấy thấy rằng hậu quả của tất cả sanh là diệt. Thân ta diệt ngay từ trong trạng thái thơ ấu để trở thành thiếu nhi. Thiếu nhi đang tiếp tục diệt để vào thanh niên, rồi trung niên, đến lão niên, cuối cùng chấm dứt kiếp sống. Cây cối, núi non, tất cả đều mang một đặc tính sanh diệt như nhau. Như vậy tuệ giác đã được vững chắc tôn trí thâm sâu vào tâm não ngài Kiều Trần Như, khiến Ngài có đủ khả năng nhổ tận gốc rễ tất cả những bám níu vào cơ thể mình. Ngài không còn thấy thân này là tự ngã. Ngài không nhìn nó trong ý nghĩa Tôi, không bám níu vào nó. Thế là tận diệt thân kiến. Rồi hoài nghi cũng tận diệt. Rồi giới cấm thủ cũng tận diệt. [Thông thường danh từ giới cấm thủ được phiên dịch từ Phạn ngữ Sìlabbata-paràmàsa là sự bám víu chấp vào nghi thức lễ bái. Theo Kinh điển, thân kiến, hoài nghi và giới cấm thủ là ba thằng thúc đầu tiên trong mười kết sử mà hành giả tận diệt được khi bước vào dòng Thánh (nhập lưu)]. Từ đấy ngài Kiều Trần Như vì đã nhổ tận gốc rễ thân kiến nên đã khai thông pháp nhãn, Ngài có lối nhìn mới mẻ. Trước kia Ngài hiểu giáo pháp nhưng chưa thấy giáo pháp, chưa tự mình đồng hóa với giáo pháp, chưa làm một với giáo pháp.

Cảm xúc vui tới, ta thọ lãnh. Cảm xúc khó chịu tới, ta không ưa thích. Đó là con đường thế gian của tất cả phàm tình. Người chánh kiến thấy rồi bỏ qua. Lá sen như tâm người giác ngộ. Nước ví cho ô nhiễm. Lá sen trầm mình trong nước. Nước không thể thấm vào lá sen. Tâm người tu cũng vậy. Thiện ác, khổ vui, chánh tà v.v… hành giả thấy tất cả, không bám víu vào thứ nào. Lợi suy, khen chê, khổ vui chính những hiện tượng này là duyên để giác ngộ. Chạy theo hay trốn tránh những thứ này là đang bị chìm sâu trong trọng lượng của thế gian, khó mà lẩn thoát.

Đức Phật dạy dùng Giới Định Tuệ để tiêu diệt thế gian. – Thế gian ở đâu? – Ngay trong tâm mình! – Lòng ham muốn là chôn nhau cắt rốn của thế gian. Chấm dứt ham muốn là tiêu diệt thế gian.

Người không tu, không quán chiếu như ngồi trên ổ kiến, chịu kiến bu cắn mà cứ ngồi lì chịu khổ. Cảnh nghe vừa lòng liền đeo theo. Cảnh nghe trái ý liền giãy giụa. Tâm còn vô minh chỉ có đêm tối. Tuệ giác phát sanh tâm sáng tỏ. Vô minh và tuệ giác cùng ở một chỗ. Cho nên đức Phật kêu gọi đệ tử quay về khai tâm để tuệ giác phát sanh, khiến vô minh không còn chỗ đứng. Chỉ có tinh tấn khai triển tuệ giác mới tháo gỡ được nanh vuốt của thế gian, khiến chúng ta vượt thoát được thế gian. Vì thế gian ở ngay trong chúng ta. Đạo được phát triển tốt đẹp thì đời phải suy giảm.

Tà kiến cũng có mánh khóe của nó. Người tu lúc nào cũng cảm thấy trong mình có hai người: một thế gian và một đạo nhân. Cứ tiếp tục diễn tiến cho đến khi tâm thành đạt tuệ minh sát (vipassana). Đang cố gắng tạo những thành quả trong sạch trong pháp hành. Vừa thấy chúng nó ta liền chụp, bám chặt. Loại bám níu này được gọi là chấp pháp (vipassanù). Người tu cần để ý.

Trước khi Phật thành đạo được dâng cúng một bình bát. Ngài thả bát trên dòng sông nguyện rằng: “Nếu ta thành Phật bát sẽ trôi ngược đi lên”. Quả nhiên bát đi ngược dòng. Nêu biểu chánh kiến của Phật ngược dòng trôi chảy của tâm chúng sanh.

Tới gốc Bồ-đề, Ngài lại được dâng tám bó cỏ, nêu biểu tám pháp thế gian (tài lợi, suy hao, hủy nhục, đề cao, khen ngợi, chê hiềm, buồn khổ, mừng vui). Phật ngồi trên cỏ đã không bị chướng ngại mà còn coi như được trợ duyên nhập định, chiến thắng ma quân để thành đạo khi sao mai vừa mọc.

Niết-bàn không thể nói bằng lời. Ta chỉ có thể đề cập đến các phương pháp để thành đạt Niết-bàn. Người chứng được Niết-bàn là đã viên mãn hoàn tất bổn phận mình.

QUY ƯỚC VÀ GIẢI THOÁT

Sự vật trên thế gian, chỉ là những quy ước. Chúng ta thiết lập quy ước rồi thủ chấp chặt chẽ. Khiến vòng luân hồi triền miên không cùng tận.

Như mười hai nhân duyên chỉ rõ, có thủ là có hữu, để có sanh, tiến tới lão tử ưu bi khổ não. Thí dụ con người sanh ra vốn không có tên. Gia đình thỏa thuận đặt tên để tiện sử dụng. Dân tộc Á Đông coi cái đầu là vật thiêng liêng, bị ai vỗ đầu coi như bị lăng mạ. Ai nấy đều công nhận như thế. Nhưng vào chùa họ lại tin rằng được Sư vỗ đầu sẽ mạnh khỏe sống lâu. Và họ đua nhau thỉnh Sư vỗ đầu. Đã thiết lập tạo ra quy ước, phong tục, tập quán, chúng ta không nên mê muội để nó chi phối. Dĩ nhiên chúng ta phải sống thuận chiều để tránh mất lòng. Quy ước có lợi ích của nó, nhưng thực tế, nó là những cái không có thật sự. Ngay đến con người cũng do bốn chất đất nước gió lửa hợp thành, rồi cùng nhau đặt tên là người, cùng nhau sống cho thuận tiện. Như tiền bạc, do quy ước các quốc gia làm bằng giấy. Rồi người ta đâm chém nhau để giành giựt nắm giấy.

Thân thể, tiền bạc, nhà cửa, gia đình, con cái, danh giá v.v… trên sự thật đều là giả định, không có thực chất. Chỉ có điều là hiện tại ta tạm cần dùng nên phải hết lòng giữ gìn nhưng phải hiểu biết sự thật, chúng đều vô thường, vô ngã, không thật có, hễ bám níu vào sẽ đau khổ.

Vấn đề chánh tà cũng vậy. Có người cho thuyết trời sanh ra vạn vật để cho ta ăn là chánh. Người khác cho là tà. Đức Phật dạy nếu tranh luận sẽ không cùng, vì chánh tà chỉ là những quy ước thế gian đặt ra với nhau. Trên bình diện thực dụng, điều gì không tổn hại đến ta và kẻ khác, đức Phật gọi là chánh. Nhưng quan hệ là có trí tuệ thấy được thật tướng của vạn vật. Thường suy niệm về sanh, già, bệnh, chết sẽ từ từ giải quyết những vấn đề khó khăn ấy. Chúng ta học Phật pháp chỉ có một mục đích là giải thoát, không ôm ấp vấn vương những lo âu phiền lụy.

NƠI ẨN NÁU

Chỉ tập trung sự chú ý nơi tâm. Luôn luôn như vậy, không ngừng nghỉ, ắt ta sẽ nắm được điểm chánh yếu của pháp hành.

Nếu ta giữ được đồng đều mức độ hiểu biết những xúc cảm vui buồn trong bốn oai nghi đi đứng nằm ngồi, biết rằng mình đang bám níu vào nó, bấy nhiêu là tốt rồi. Vì đã có tự giác, tức là đã được 50% pháp hành. Tiếp tục gia công tinh tấn, nhận thức hậu quả của cả hai khổ vui (chê khen) đều tai hại như nhau. Bất luận gì xảy đến tâm, vẫn một mực bình thản.

Thí dụ: Cái gì đây? Ta nhặt lên xem. Nhìn và thấy “ờ đây là cái chén”. Rồi đặt xuống.

Điều này xấu, điều này tốt, ta thấy biết rồi bỏ qua không điên rồ bám lấy sự vật. Tâm thấy biết sự vật, khơi động trí tuệ, khai triển, quán chiếu sanh diệt hư vọng, sẵn sàng buông xả. Khi tâm đã có trí tuệ thì còn cầu gì hơn nữa?

NƠI MÁT MẺ LÀ CHÁNH KIẾN

Giáo pháp ngược với những thói quen của chúng ta, chân lý trái hẳn những tham vọng của chúng ta. Vì thế thực hành giáo pháp quả thật là khó. Bởi vì ta chưa làm chủ được chính ta. Những cảm xúc vui buồn luôn luôn lừa gạt ta. Vọng tâm và tri kiến hàng ngày của chúng ta là vô minh. Ta không nên để nó hướng dẫn trong đời sống. Nó đưa chúng ta xa chân lý.

Người trí tuệ lắng nghe giáo pháp, dù ưa thích hay không, suy ngẫm hiểu thấu rồi mới tin, cũng không vội bác bỏ một cách mù quáng.

Trước kia Sư ở trong chúng. Sư bận rộn tâm trí vì người này như thế này, người kia như thế kia. Sư bỏ chạy vào rừng, lên núi Sư cũng không an. Hồi ấy Sư tu hạnh đầu đà, hành đạo nơi này nơi khác, luôn luôn tìm cái gì thích nghi với tâm mình, dĩ nhiên là chẳng bao giờ hài lòng. Nhớ xưa kia đức Phật chỉ một con chó rừng cho các Tỳ-kheo để ý. Nó đứng một lúc, bỏ chạy vào bụi, chạy ra, trở lại chạy vào một hang đá, chạy ra, nằm xuống, nhảy lên, chạy cuống cuồng v.v… Nó không an không phải tại đứng hay ngồi tại bụi rậm hay hang đá mà vì nó bị ve cắn hút máu.

Các Sư ở rừng, ở trong chúng, cho tới bây giờ ở Thiền Viện Quốc Tế vẫn không an. Cốt yếu là phải trị con ve. Nếu chúng ta chánh kiến, thấy rõ những cảm xúc buồn vui sanh diệt hư vọng thì chúng ta sẽ an.

Nếu chúng ta lấy cái que gạt con dòi ra khỏi đống phân, sống chết nó cố gắng trở về, vì phân là thức ăn và chỗ ở thích hợp của dòi. Cũng thế đầu óc chúng ta quay chạy trở về đống phân suy tư yêu ghét mừng lo của nó vì ở đó nó cảm nghe thoải mái dễ chịu. Quả thật là khó nên chúng ta không thể rời bỏ phương pháp tu hành.

Nếu có chánh kiến thì bất luận ở đâu ta cũng an. Sư đã có hành có kinh nghiệm và thấy rõ như vậy. Nơi ẩn náu chân thật, nơi an trú mát mẻ chính là chánh kiến, chớ tìm đâu khác.

Vui buồn, thoải mái hay bực bội có phải chính là ta không? Trong đây có thực chất không? Có thật sự hiện hữu không? Hay chỉ là những cảm giác chốc lát rồi tan biến? Sanh rồi diệt, cứ thế, mãi mãi, triền miên… chừng nào ta nhận thức lợi ích thiết thật của pháp hành, ta mới chịu gia công làm cho tâm trở nên Tốt.

Dưới sông, khúc gỗ nếu không chìm, không bị tấp sang hai bên bờ, thì chắc chắn ra biển cả. Tâm ta nếu thoát ba độc tham sân si quyết chứng Niết-bàn.

Kết luận: Quý vị có biết đến đâu sự học sẽ chấm dứt không? Hay là quý vị cứ tiếp tục học mãi mãi như vậy? Cũng được, nhưng học chỉ là khảo sát bên ngoài, không phải nghiên cứu bên trong. Muốn học hỏi bên trong quý vị phải tìm hiểu mắt này, mũi này, lưỡi này, thân này, tâm này. Đó mới thật sự là môn học. Học trong sách chỉ là học bên ngoài, nên học mãi mãi, biết bao giờ hoàn tất viên mãn.

Khi mắt thấy hình sắc, hiện tượng gì xảy ra? Tai nghe thanh, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, điều gì đã phát sanh? Thân xúc chạm, tâm đối pháp trần, có phản ứng gì? Vẫn còn tham sân si chăng? Ta có bị lạc lối trong sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp không? Ta có bị thọ khổ, thọ vui chi phối chăng? Đó là môn học bên trong. Môn học này cứ thành công thì chấm dứt.

Học mà không hành, không có thành quả. Như người chăn bò thuê, sáng sớm cho bò ra đồng ăn, chiều lùa trở về. Nhưng tự mình chẳng bao giờ được hưởng một giọt sữa. Chúng ta phải học, phải hành để có thành quả.

Cũng như người nuôi gà chỉ để hốt phân không lấy trứng. Chúng ta hãy thận trọng, học hành kinh điển để loại trừ ô nhiễm, đẩy lui tham ái, sân hận, si mê ra khỏi tâm. Học mà không hành, không có sự dứt bỏ, không đem lại hậu quả tốt đẹp nào. Vì lẽ ấy, Sư ví họ như những người nuôi gà chỉ để hốt phân mà chẳng được ăn trứng.

Đức Phật muốn tu học kinh điển để từ bỏ lỗi lầm của thân miệng ý và phát triển những thiện nghiệp trên hành động. Giá trị thực sự của con người mới được tròn đủ. Nhưng nếu chúng ta chỉ nói giỏi mà hành động chẳng được như lời nói, hoặc hành động tốt mà tâm vẫn không tốt thì việc viên mãn chưa thể hoàn tất. Đức Phật bắt buộc chúng ta phát triển thiện pháp trên ba nghiệp thân miệng ý. Đây là kho tàng quý báu. Pháp học pháp hành phải tốt đẹp, phải đi đôi.

Bát chánh đạo có tám chi ở ngay chính bản thân: hai mắt, hai tai, hai mũi, một lưỡi, một thân. Còn tâm là người đi theo con đường ấy. Quý vị có bao giờ thấy Kinh điển dạy ngoài thân miệng ý chăng? Kinh điển, lời nói thì mênh mông bát ngát, nhưng chung quy chỉ dạy bấy nhiêu, không có gì khác. Ô nhiễm sanh ngay tại thân miệng ý và được chấm dứt cũng ngay thân miệng ý. Cả pháp học lẫn pháp hành đều nằm ngay tại nơi đây. Chỉ cần học chừng đó thôi là quý vị đã hiểu biết tất cả. Thà nói một lời đúng chân lý, còn hơn nói cả đời mà nói sai. Nếu không thực hành thì dầu có học cho đến chết đi nữa, quý vị cũng sẽ không thông hiểu được hương vị của giải thoát.

CÁI TÂM NÀY

Cái tâm này bản chất là trong sạch. Sở dĩ hiện nay tâm ta không an vui, là vì nó mãi chạy theo những yêu ghét, buồn vui của đời. Tâm hay dao động là do bị cảm xúc lừa gạt. Người không chăm rèn luyện tâm mình quả thật là khờ dại. Cảm thọ khổ vui phỉnh gạt. Nếu tâm không được rèn luyện, sẽ lạc lối, bơ vơ và chỉ biết bám sát vào những xúc cảm buồn vui yêu ghét. Do đó tự quên mình. Người này nghĩ rằng: “Chính ta đang băn khoăn lo ngại”. Đâu có biết rằng bản chất của tâm vốn không dao động, bản lai vẫn thanh bình an lạc. Giống như chiếc lá bản chất nó nằm im. Ngọn gió thoảng qua, lá liền chao động. Dao động của tâm cũng thế, phát sanh là do những cảm xúc. Tâm bám sát lấy cảm xúc, chuyển biến theo cảm xúc. Tâm nếu được rèn luyện, ắt không chao động. Nếu có trí tuệ hiểu thấu tận tường bản chất thật sự của những cảm xúc, ắt chúng ta không còn lo âu tư lự. Chính đó là mục tiêu của pháp hành.

PHÁP HÀNH THIỀN

NẮNG TRÊN LÁ XANH

NẺO VỀ CỦA Ý

NGHỆ THUẬT THIỀN