Trăng Lăng Nghiêm

Mặt trăng thật năm nay chiếu, năm ngoái chiếu, sang năm chiếu. Từ hồi có trái đất, đến khi trái đất tan rã, mặt trăng vẫn luôn thường chiếu. Sáng trăng phá đêm tối, dịu sức nóng, đem mát mẻ. Chân tâm thanh tịnh của chúng ta viên mãn thường trụ khắp pháp giới. Mê tâm là sanh tử, ngộ tâm là Niết-bàn. Phật và chúng sanh thể đồng, chỉ do tỉnh mê mà thành khác. Biết được tâm này, đốn đoạn mê căn từ lịch kiếp. Huệ Năng ngộ được tâm này, liền ở núi Hoàng Mai khai đạo “bản lai vô nhất vật”, lãnh y bát, làm Tổ thứ 6. Ngộ được chân tâm, hằng sa tánh đức hiện tiền. Nên gọi là Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm.

Mặt trăng thứ 2 như người đè mí mắt nhìn lên mặt trăng, thấy bên cạnh có bóng lóe. Mặt trăng của người này gọi là mặt trăng thứ 2. Mặt trăng này chính là mặt trăng thật, chỉ vì mí mắt bị đè nên thấy lóe thêm một vòng sáng.
Thức tinh nguyên minh tuy chưa phải là chân tâm, vì còn đeo vọng kiến, nhưng thật không lìa chân tâm, vốn vẫn tịch thường viên thông. Chính là nguồn sống hằng ngày chúng ta không thể rời, nó lưu lộ ở sáu căn. Thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc, biết, tuy 6 công dụng khác nhau nhưng đồng một thể tinh minh. Như trong nhà có đèn, ánh sáng tỏa ra khắp các cửa. Cửa có nhiều loại vuông, tròn, rộng, hẹp, cao, thấp. Ánh sáng tỏa ra thành 6 hình sai khác nhưng ở trong nhà chỉ có một đèn. Đêm tối ở xa muốn cầu đèn, cần nương một ánh sáng mà vào. Cũng thế, muốn trở về bản giác thường trụ diệu minh, nên y theo tánh thấy hoặc tánh nghe, một trong 6 căn, mà bội trần hợp giác. Trải bao kiếp sanh tử, tánh thấy tánh nghe không hề thay đổi. Vì là chân tâm nên vẫn thường trụ bất động.
Chúng sanh lấy động làm thân, lấy động làm cảnh, niệm niệm sanh diệt, quên bỏ chân tâm, điên đảo tạo nghiệp, oan uổng lưu chuyển, thật là đáng thương. Nhưng dù đọa lạc ba đường hay thành thánh quả, tánh thấy tánh nghe vẫn không biến đổi.
Kinh Lăng Nghiêm dạy đó là Như Lai mật nhân, đích chỉ thức tinh nguyên minh là căn bản Bồ-đề.

Trăng đáy nước: Người ngu thấy dưới lòng nước có trăng, lao đầu xuống mò kiếm. Nhọc sức luống uổng mà còn phải chịu cái khổ chết chìm. Chúng sanh từ lịch kiếp lầm nhận vọng tưởng phân biệt duyên theo 6 trần làm tâm. Suốt đời vất vả mưu cầu hạnh phúc hão huyền, kết cuộc chẳng nắm bắt được gì. Tâm phan duyên nuôi ba độc tham sân si, đưa đến sát, đạo, dâm, vọng để trầm nịch luân hồi, không biết đến bao giờ mới ngóc đầu ra.

                                                                                           (Trích Bốn Mùa Hoa Giác).

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *